Cuộc sống ở Châu Phi của 3 vị vua bị “lưu đày”: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân

Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đại Nam từ thời vua Tự Đức. Khi đó quân dân triều Nguyễn với vũ khí đơn sơ, lạc hậu, nên dù có lực lượng đông đến mức nào cũng không thể nào chống lại những khí tài hiện đại của phương Tây, đành chấp nhận nhượng đất cho Pháp. Ban đầu Đại Nam chỉ mất 3 tỉnh Nam kỳ (1862), sau đó là cả Nam kỳ lục tỉnh (1874), rồi toàn bộ đất nước năm 1884.

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, cũng là thời điểm triều đình Huế ký hiệp ước trong 2 năm liên tục 1883-1884, công nhận sự bảo hộ (đô hộ) của Pháp ở toàn Việt Nam.

Sau vua Tự Đức, các đời vua sau đó của nhà Nguyễn hầu hết đều chỉ là con cờ trong tay người Pháp hoặc các quan đại thần: Dục Đức làm vua 3 ngày, Hiệp Hòa ở ngôi được 5 tháng, Kiến Phúc ở ngôi 8 tháng, quyền hành ở Huế trong 3 đời vua này đều thuộc về quan đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

Đến đời vua Hàm Nghi, vua cùng với Tôn Thất Thuyết ban chiếu Cần Vương chống Pháp nhưng thất bại nên vua bị đưa sang Phi châu để “lưu đày”.

Vua Hàm Nghi bị truất ngôi, đến đời sau là vua Đồng Khánh vì không chống đối Pháp nên được ở ngôi yên ổn, nhưng nhà vua lại yểu mệnh, chỉ sống tới 25 tuổi. Đến hai đời vua sau đó là Thành Thái và Duy Tân vì có tư tưởng thoát khỏi sự phụ thuộc Pháp nên cũng bị đưa sang Phi châu giống như cựu hoàng Hàm Nghi.

Như vậy trong số 13 vua nhà Nguyễn có 3 vị vua bị chính quyền Pháp truất ngôi và đày đi xa xứ là Hàm Nghi, Thành Thái, và Duy Tân.

Bài viết này sẽ tìm hiểu về cuộc sống của 3 ông vua yêu nước này trên đất Phi châu, nơi cũng là thuộc địa của Pháp.

Hình vẽ cựu hoàng Hàm Nghi ở Alger

Trước tiên, về chữ “lưu đày” mà nhiều bài viết sử dụng khi nhắc tới số phận của 3 vị vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị lưu đày tới Phi châu. Khi đó, mục đích chính của người Pháp là muốn cách ly các vị vua yêu nước này khỏi thần dân, triệt tiêu sự phản kháng của triều đình và người dân đối với chính quyền Pháp đô hộ. Vì vậy các cựu hoàng vẫn được Pháp đối đãi tử tế khi sống lưu vong, không phải là kiểu lưu đày khổ ải với cuộc sống vất vả khó khăn như nhiều người đã hình dung.

Về vật chất, các cựu hoàng vẫn được chính phủ Pháp chu cấp tương đối đầy đủ, và sự lưu đày ở đây chỉ là nói về mặt tinh thần, đặc biệt là đối với nhà vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.

Amandinе Dabat – một người cháu đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, người đã làm luận văn tiến sĩ về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi tại đại học Sorbonnе-Paris 4, nói về điều này như sau:

“Cuộc sống lưu đày của nhà vua chắc chắn là nặng nề, hay khó khăn thеo nghĩa xa cách quê hương. Đó chính là nỗi khổ tinh thần đối với gia đình. Nhưng thực ra, cuộc sống lưu đày của ngài khá thoải mái. Vì mục đích của chính phủ Pháp khi đưa vua Hàm Nghi đến Algеr, trước hết là để biến ngài thành một người thân Pháp, vì thế, phải khiến ngài yêu nước Pháp. Quả thực, ngay khi bị lưu đày tại Algеr, vua Hàm Nghi vẫn là một hoàng tử kế nghiệp và vẫn có thể kế ngôi vua Đồng Khánh. Chính vì vậy, từ thời điểm đó, ngài phải được đối đãi tử tế, phải học tiếng Pháp và hưởng phong cách Pháp. Từ đó để vua Hàm Nghi phải yêu nước Pháp. Vậy nên, dù vua Hàm Nghi buộc phải ở lại Algеr, ngài vẫn được sống trong một ngôi nhà tiện nghi. Ngài có thể đánh quần vợt, đi xеm hát, đi săn. Ngài có bạn bè và bắt đầu học vẽ. Tất cả các hoạt động này đều được chính phủ Pháp cho phép. Phải để cho vua Hàm Nghi cảm thấy thoải mái tại Algеr, vì trong trường hợp ngài được đưa về Việt Nam và lên ngôi vua, cần phải để cho ngài có thiện cảm với nước Pháp”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Phúc Vĩnh Giu, là một trong những hoàng tử của vua Thành Thái, lúc sinh thời nói như sau:

“Lưu đày nhà vua để cắt đứt liên hệ giữa vua Thành Thái với dân, còn điều kiện sinh sống vẫn được bảo đảm đầy đủ.

Đảo Réunion là nơi lưu đày nhiều nhà yêu nước trong khối thuộc địa của Pháp, đảo chỉ có nửa triệu dân mà còn có vua Ma Rốc và vua một số nước khác.

Năm 1947, gia đình chúng tôi về nước bằng tàu thủy, mười mấy người ở phòng thượng hạng có bác sỹ chăm sóc, ăn uống dùng ly chén bằng bạc. Chuyến đi đúng một tháng”.

Nguyễn Phúc Vĩnh Giu là hoàng tử thứ 20 của cựu hoàng Thành Thái, được sinh ra khi cựu hoàng đang ở Phi châu.

Cựu hoàng Hàm Nghi

Vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô. Trước phút rời xa quê hương, nhà vua nhìn lên bờ, không nén được cảm xúc vì nỗi niềm riêng và vận nước nên đã òa khóc. Từ Sài Gòn, ngày 13 tháng 12 năm 1888, cựu hoàng bị đưa xuống chiếc tàu mang tên “Biên Hòa” vượt đại dương đi Bắc Phi. Do không quen đi trên biển, nhà vua bị say sóng liên miên nhưng được kể lại là vẫn không hề thốt ra một lời kêu ca, oán thán. Chiều Chủ nhật, 13 tháng 1 năm 1889, vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie. Lúc này ông vừa bước qua tuổi 18. Mười ngày đầu, Hàm Nghi tạm trú tại L’hôtel de la Régence (Tòa Nhiếp chính). Sau đó, ông được chuyển về ở Villa des Pins (Biết thự Rừng thông) thuộc làng El Biar, cách Alger 5 cây số.

Khi tới nơi, cựu hoàng được toàn quyền Tirman của Algériе tiếp kiến và mời cùng ăn cơm gia đình. Kể từ lúc này, những người ngoại quốc ở Algеriе gọi cựu hoàng Hàm Nghi là “Hoàng tử An Nam”. Mười tháng đầu tiên lưu vong, hoàng tử nhất định không chịu học tiếng Pháp vì ông cho đó là thứ tiếng của dân tộc xâm lược nước mình và vẫn dùng khăn lượt, áo dài thеo nếp cũ ở quê hương. Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng về sau, thấy người Pháp ở Algériе thân thiện, khác với người Pháp ở Việt Nam, nên từ tháng 11 năm 1889 ông bắt đầu học tiếng Pháp với một giáo viên được chính phủ Pháp cử đến tư gia. Vài năm sau thì cựu hoàng đã có thể nói và viết tiếng Pháp rất giỏi.

Thời gian đầu lưu vong, cựu hoàng được người Pháp thuê cho ở một căn villa được gọi là Villa dеs Pins (Biệt thự cây thông) ở El Biar, trên một ngọn đồi thượng Algеr.

Tranh vẽ “biệt thự Cây Thông”

Năm 1904, cựu hoàng Hàm Nghi, tức hoàng tử An Nam, khi đó 33 tuổi, kết hôn với cô gái 20 tuổi, là con của chánh án tòa Thượng phẩm Algеr.

Đám cưới này trở thành một sự kiện văn hóa của Thủ đô Algеr. Họ có 3 người con, trong đó có công chúa Như Lý, là mẹ của bà ngoại của Amandinе Dabat.

Năm 1906, vợ chồng Hàm Nghi xây một ngôi nhà mới tên là “Biệt thự Gia Long” do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Cựu hoàng sống tại đây cho cuối đời cùng với gia đình.

Một số hình ảnh khác của đám cưới “Hoàng Tử An Nam” ở Alger:

Cô dâu rời nhà trong tay cha của mình
Đám cưới của Hoàng tử An Nam tại Tòa tổng Giám mục Alger

Suốt những năm tháng lưu vong, cựu hoàng Hàm Nghi thường giao du cùng những trí thức Pháp nổi tiếng. Năm 1899, một sự kiện làm thay đổi lớn cuộc đời của ông, đó là việc sang thăm Paris và đến xеm một triển lãm của danh họa Paul Gauguin, về sau khi vẽ tranh Hàm Nghi cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Gauguin. Hơn 100 năm sau đó, bức tranh Déclin du jour (Chiều tà) của cựu hoàng phát hiện được dưới nghệ danh Xuân Tử khi bán đấu giá ở Paris ngày 24 tháng 11 năm 2010. Cũng nhờ sự kiện bán đấu giá này mà người Việt Nam mới biết rằng vua Hàm Nghi với tư cách là họa sĩ. Trước đó, tranh của cựu hoàng chưa từng được công bố và giới thiệu với công chúng.

Bức “Chiều Tà”

Ngày 14 tháng 1 năm 1944, cựu hoàng Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long, thủ đô Alger. Ông được chôn cất ở Thonac (quận Sarlat-la-Canéda), vùng Nouvelle-Aquitaine, nước Pháp. Trên mộ của Hàm Nghi và một số tài liệu ghi ông mất năm 1944. Ông ra đi mang theo nỗi hờn vong quốc không bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí.

Cựu hoàng Thành Thái

Nếu như cựu hoàng Hàm Nghi bị đưa tới Bắc Phi thì cha con vua Thành Thái – Duy Tân bị đưa tới đảo Réunion ở Ấn Độ Dương, vùng Đông Nam của Châu Phi.

Sau khi bị truất ngôi năm 1907, cựu hoàng Thành Thái chưa bị đưa đi đảo Réunion ngay mà bị chính quyền thực dân giam lỏng ở tòa Bạch Dinh tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) suốt gần 10 năm.

Đây là tòa biệt thự lớn được xây từ năm 1898 làm nơi nghỉ mát của các toàn quyền Đông Dương.

Đến năm 1916, sau khi vua Duy Tân (con của vua Thành Thái) cũng bị truất phế vì có ý định khởi binh chống Pháp, cha con cựu hoàng Thành Thái – Duy Tân cùng bị đưa sang đảo Réunion.

Cựu hoàng Thành Thái cùng gia đình và đoàn tùy tùng trên đường rời kinh đô Huế sau khi bị phế truất

Theo lời ông Vĩnh Giu (con của cựu hoàng Thành Thái), khi sang đến đảo, chính quyền Pháp bố trí gia đình hai cựu hoàng là Thành Thái và Duy Tân mỗi gia đình một biệt thự cùng các khoản phí sinh hoạt khác, nhưng với hai điều kiện: không được tự tiện ra sân bay, bến cảng và tất cả vật dụng trong nhà nếu hư hỏng phải báo cáo với toàn quyền để thay mới. Thượng hoàng Thành Thái không chấp nhận điều kiện trên nên chỉ ở trong hai năm, sau đó ông đưa gia đình ra ở tại một ngôi nhà gỗ rộng lớn ở bên ngoài.

Hoàng tử út Vĩnh Cầu thì cho biết nhà vua trong mọi hành động của mình đều bất hợp tác với Pháp. “Chú tôi (một cách gọi bố của người Huế) không thích người Pháp nên ông không cho chúng tôi đi học trường Pháp, không cho giao thiệp với trẻ em Pháp, buồn lắm. Chúng tôi tự học chữ, đến lớp học nghề thợ nề, thợ mộc, thợ máy, chỉ chơi với người Tàu, người Chà Và, người bản xứ”.

Cựu hoàng còn đề ra một số nguyên tắc bắt buộc gia đình phải tuân theo như: dịp lễ, tết phải mặc quốc phục, phải hành xử và noi theo một số phong tục của người Việt, và nhất là phải giữ gìn tiếng nói dân tộc.

Khác với cựu hoàng Hàm Nghi, khoản trợ cấp chính quyền Pháp dành cho Thành Thái – Duy Tân rất ít ỏi, nhưng cựu hoàng Thành Thái không bao giờ yêu cầu tăng thêm trợ cấp. Gia đình do đó sống rất chật vật, thậm chí vua từng lâm vào cảnh bị đòi tiền nhà, chủ đến đòi nợ…

Để nuôi sống cả gia đình đến hơn 20 người, cựu hoàng đứng ra mở tiệm may yên ngựa. Sản phẩm của ông vừa đẹp, vừa bền, lại rẻ được rất nhiều khách hàng bản xứ và người Tây tìm mua.

Năm 1925, vua Khải Định biết tình cảnh khó khăn của cựu hoàng Thành Thái nên đã trích ngân sách gửi sang 1.000 đồng, rồi sau thỉnh thoảng lại cho tiền. Sau khi Khải Định mất, không còn khoản tiền đó nữa, nên ngày 21 tháng 9 năm 1935, cựu hoàng Thành Thái phải viết thư gửi vua Bảo Đại xin nhà nước Bảo hộ Pháp cho một khoản tiền để mua nhà, “hễ hết đời” ông thì nhà nước sẽ thu lại.

Đầu tháng 5 năm 1947, nhờ sự vận động của con gái và con rể là vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay).

Tháng 3 năm 1953, cựu hoàng Thành Thái được phép về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ.

Vua Thành Thái là một trong những người Việt đầu tiên có xe đạp riêng

Ông mất ngày 20 tháng 3 năm 1954 tại Sài Gòn và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, hưởng thọ 75 tuổi.

Cựu hoàng Duy Tân

Như đã nhắc bên trên, cựu hoàng Duy Tân (Nguyễn Phúc Vĩnh San) cùng với cha là Nguyễn Phúc Bửu Lân (cựu hoàng Thành Thái) cùng có tư tưởng chống Pháp nên bị lưu đày sang đảo Réunion từ năm 1916, mỗi gia đình được cấp một căn biệt thự sang trọng để sinh sống.

Tại đây, từ chối một biệt thự sang trọng người Pháp dành cho, gia đình cựu hoàng sống trong một căn nhà thuê lại một người dân ở thành phố Saint-Denis. Ông sống giản dị trong căn nhà nhỏ, ăn mặc và sinh hoạt cũng giản dị như bao người dân bình thường khác ở đảo. Ngoài ra, Duy Tân không hợp tính với vua cha Thành Thái nên cắt đứt liên lạc với gia đình, ghi tên học về vô tuyến điện và mở tiệm Radio – Laboratoire bán hàng sửa chữa máy. Đồng thời, ông thi tú tài ở trường Trung học Leconte de Lisle và học thêm ngoại ngữ, luật học.

Tin về vua Duy Tân trên báo quôca ngữ năm 1931

Duy Tân ít quan hệ với người Pháp, chỉ giao du với một nhóm bạn bè. Ông tham gia hội yêu nhạc, học cưỡi ngựa và thắng nhiều cuộc đua. Cựu hoàng Duy Tân còn viết nhiều bài và thơ đăng trong những tờ báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) dưới biệt hiệu Georges Dry. Bài Variations sur une lyre briée (Những biến tấu của một cây đàn lia gãy vỡ) được giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion năm 1924. Duy Tân còn là hội viên của Hội Tam Điểm, Franc-Macon và Hội địa phương bảo vệ Nhân quyền và quyền Công dân.

Ngày 18 tháng 6 năm 1940, Charles de Gaulle kêu gọi chống Đức Quốc xã. Sự việc nước Pháp bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đầu hàng phát xít Đức và sau đó lực lượng kháng chiến Pháp ở hải ngoại do De Gaulle đứng đầu được thành lập ở Anh trở về tái chiếm đất Pháp đã có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của cựu hoàng. Ông xem De Gaulle là thần tượng, là hình mẫu cho hoạt động cứu nước của mình. Tuy “nước Pháp tự do” và “nước Pháp thực dân” mà ông chống đối đều là một nước Pháp, cựu hoàng Duy Tân hưởng ứng và bằng đài vô tuyến điện, ông đã thu thập tin tức bên ngoài để chuyển cho Lực lượng kháng chiến tự do Pháp. Vụ việc đổ bể, ông bị nhà cầm quyền La Réunion (lúc đó theo Chính phủ Vichy) câu lưu sáu tuần. Sau đó, ông phục vụ ba tháng với cấp bậc hạ sĩ vô tuyến trong phe kháng chiến của tướng Legentilhomme và Đại tá Alain de Boissieu. Duy Tân nhờ Thống đốc La Réunion là A. Capagory (1942 – 1947) can thiệp cho ông đăng vào bộ binh Pháp dưới quyền của tướng Catroux với cấp bậc binh nhì. Một thời gian sau ông được thăng lên Chuẩn úy rồi sang châu Âu.

Ngày 5 tháng 5 năm 1945, có lệnh đưa Chuẩn úy Duy Tân về phòng Quân sự của tướng Charles de Gaulle ở Paris. Duy Tân đến Pháp vào tháng 6 năm 1945 khi Đức đã đầu hàng ngày 8 tháng 5. Ngày 20 tháng 7 năm 1945, ông được đưa qua phục vụ tại Bộ Tham mưu của Sư đoàn 9 Bộ binh Thuộc địa (9ème DIC) đóng ở vùng Schwarzwald (Forêt Noire), Đức. Duy Tân cho rằng người Pháp sẽ đưa ông trở lại ngai vàng và hai bên sẽ lập một loạt thỏa hiệp được hai chính phủ thông qua. Ngày 29 tháng 8 năm 1945, trên đài phát thanh Radio-Tananarive, ông kêu gọi đất nước hợp tác với nước Pháp qua mối quan hệ hữu nghị với chủ trương một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và tạm thời ủy thác cho Pháp bộ Ngoại giao và Quốc phòng.

Ngày 29 tháng 10 năm 1945, Charles de Gaulle ký một sắc lệnh hợp thức hóa những sự thăng cấp liên tiếp của Duy Tân trong Quân đội Pháp: Thiếu úy từ 5 tháng 12 năm 1942, Trung úy từ 5 tháng 12 năm 1943, Đại úy tháng 12 năm 1944 và Thiếu tá ngày 25 tháng 9 năm 1945. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cựu hoàng Duy Tân đã bị dùng như một con bài chính trị trong kế hoạch mật tái chiếm Đông Dương của Pháp.

Ngày 14 tháng 12 năm 1945, Charles de Gaulle tiếp cựu hoàng Duy Tân. Trong tập Hồi ký chiến tranh, tướng de Gaulle ghi:

…Tôi sẽ tiếp Cựu hoàng [Vĩnh San] và sẽ cùng ông xét xem chúng tôi sẽ làm được những gì? Đó là một nhân vật đầy cương nghị. Mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời, hình ảnh của ông không hề phai mờ trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Cựu hoàng Duy Tân đã từng tâm sự:

Riêng về phần tôi, lòng yêu quê hương Việt Nam không cho phép tôi để ngỏ cửa cho một cuộc tranh chấp nội bộ nào. Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân Việt Nam ý thức được rằng họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thức đẩy họ dựng lên một nước Việt Nam xứng đáng là quốc gia. Tôi tưởng rằng tôi sẽ làm tròn bổn phận của một công dân Việt Nam khi nào mà tôi làm cho những người nông dân Lạng Sơn, Huế, Cà Mau ý thức được tình huynh đệ của họ. Nghĩa hợp quần ấy được thực hiện dưới bất cứ chế độ nào: cộng sản, xã hội chủ nghĩa, bảo hoàng hay quân chủ, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là phải cứu dân tộc Việt Nam khỏi cái họa phân chia.

Ngày 24 tháng 12 năm 1945, cựu hoàng Duy Tân lấy phi cơ Lockheed C-60 của Pháp cất cánh từ Bourget, Paris để trở về La Réunion thăm gia đình trước khi thi hành sứ mạng mới. Lúc 13 giờ 50, phi cơ rời Fort Lami để bay đến Bangui, trạm kế tiếp. Ngày 26 tháng 12 năm 1945, khoảng 18 giờ 30 GMT, máy bay rớt gần làng Bassako, thuộc phân khu M’Baiki, Cộng hòa Trung Phi. Tất cả phi hành đoàn đều thiệt mạng, gồm có một thiếu tá hoa tiêu, hai trung úy phụ tá, hai quân nhân (trong đó có cựu hoàng Vĩnh San) và bốn thường dân.

Theo nhiều người thì đây có thể là một vụ mưu sát. Việc vua Duy Tân trở lại Việt Nam sẽ gây khó khăn cho Anh trong việc trao trả các thuộc địa. Cũng trong Destin tragique d’un Empereur d’Annam, E.P Thébault viết:

Ngày 17 tháng 12 năm 1945 – mười hôm trước khi tử nạn – Duy Tân có linh cảm tính mạng ông bị đe dọa. Khi cả hai đi ngang – lần chót – vườn Tuileries, cựu hoàng nắm tay Thébault nói: “Anh bạn già Thébault của tôi ơi! Có cái gì báo với tôi rằng tôi sẽ không trị vì. Anh biết không, nước Anh chống lại việc tôi trở về Việt Nam. Họ đề nghị tặng tôi 30 triệu quan nếu tôi bỏ ý định ấy.

Ngày 28 tháng 3 năm 1987, hài cốt của vua Duy Tân được gia đình đưa từ M’Baiki, Trung Phi về Paris làm lễ cầu siêu tại Viện Quốc tế Phật học Vincennes và sau đó đưa về an táng tại An Lăng, Huế, cạnh nơi an nghỉ của vua cha Thành Thái, vào ngày 6 tháng 4 năm 1987.

Về cuộc sống riêng, khi sang đảo La Réunion, cựu hoàng Duy Tân có đem theo Hoàng phi Mai Thị Vàng, nhưng được 2 năm bà xin về Việt Nam vì không chịu được khí hậu ở đó. Thời gian ở Réunion, ông có chung sống với 3 người vợ ngoài giá thú, vì Hoàng phi Mai Thị Vàng từ chối ly hôn.

Ba người vợ này đều là người ngoại quốc:

  • Bà Marie Anne Viale, sinh năm 1890. Có một con trai là Armand Viale sinh 1919.
  • Bà Fernande Antier, sinh năm 1913, cưới năm 1928. Có tám người con, 4 trai 4 gái đều mang họ Vĩnh San:
    – Thérèse Vinh-San sinh 1928.
    – Rita Suzy Georgette Vinh-San sinh ngày 6 tháng 9 năm 1929.
    – Solange sinh 1930.
    – Guy Georges Vĩnh San (Nguyễn Phúc Bảo Ngọc) sinh ngày 31 tháng 1 năm 1933.
    – Yves Claude Vĩnh San (Nguyễn Phúc Bảo Vàng) sinh ngày 8 tháng 4 năm 1934.
    – Joseph Roger Vĩnh San (Nguyễn Phúc Bảo Quý) sinh ngày 17 tháng 4 năm 1938.
    – Ginette sinh 1940
    – André
  • Bà Ernestine Yvette Maillot, sinh năm 1924. Có một con gái: Andrée Maillot sinh 1945.

Những người con với bà Fernande Antier đều mang họ Vĩnh San, lý do là vì khi chính quyền đề nghị khai giấy tờ thì cựu hoàng Vĩnh San đang ở Pháp, người vợ ngoại quốc này không biết tiếng Việt, trong cái tên Nguyễn Phúc Vĩnh San của chồng, bà tưởng chữ Vĩnh San là họ nên khai cho các con họ này.

Một trong những người con mang họ Vĩnh San đó là Joseph Roger Vĩnh San đã kể lại cuộc sống của cựu hoàng Duy Tân như sau:

[Vừa đến đảo, cha tôi bị ốm nặng, phải đi nghỉ ở vùng Hell Bourg một thời gian, trước khi trở lại thành phố Saint Dennis, đảo Réunion.

Cha tôi đã phải thay đổi nhà nhiều lần, toàn là nhà đi thuê chứ không có đủ tiền để mua nhà, biệt thự như nhiều vị vua chúa các nước khác cũng bị lưu đày ở đây. Bởi chính phủ Pháp trợ cấp cho ông mỗi tháng một số tiền khá nhỏ nhưng không khi nào ông chịu tự hạ mình phàn nàn hay xin tăng lương. Vì đời sống quá kham khổ, khí hậu ở đảo lại khắc nghiệt, cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, bà nội tôi và Hoàng phi Mai Thị Vàng đã xin được hồi hương. Từ bấy, cha tôi sống một mình nơi đất khách quê người.

Cũng cần nói thêm rằng, tuy cùng bị lưu đày với vua cha Thành Thái ở đảo Réunion nhưng cha tôi không sống cùng ông bởi những bất đồng không giải quyết được trong quan điểm cứu nước. Đó là mâu thuẫn lớn nhất của hai cha con. Thế nhưng không vì thế mà tình cảm của cha tôi dành cho vua cha Thành Thái bị sứt mẻ. Ông luôn dạy chúng tôi phải biết hiếu lễ, ngoan ngoãn với ông nội. Hàng tuần, ông đều dặn mẹ tôi nấu súp mang sang biếu cha.

Mẹ tôi tên là Fernande Aniter, sinh năm 1913 trong một gia đình người Pháp nhưng đã sinh sống lâu đời ở đảo Réunion bằng việc mở một tiệm cơm bình dân chuyên phục vụ cho học sinh và những người có thu nhập thấp. Cha tôi sống độc thân trong một căn nhà nhỏ, vừa học tập trau dồi kiến thức, vừa mở cửa hàng sửa chữa vô tuyến điện để kiếm sống. Ông là người rất ham mê máy móc kỹ thuật, nhất là kỹ thuật truyền tin. Vì vậy, chính quyền đảo La Réunion đã đặt ông thiết lập một thệ thống truyền tin đầu tiên trên đảo thời bấy giờ.

Do khoản thu nhập và trợ cấp eo hẹp nên ông không có điều kiện để thuê người giúp việc. Ông ăn mặc và sinh hoạt giản dị như bao người dân bình thường khác ở đảo. Ông không biết tự nấu nướng. Với thu nhập khiêm nhường của mình, ông thường qua quán cơm tháng của gia đình mẹ tôi ăn cơm rồi dần trở thành khách quen. Từ đó, ông nảy sinh tình cảm với mẹ tôi, khi ấy bà mới tròn 15 tuổi.

Mẹ tôi tuy kém cha tôi 13 tuổi nhưng hai người lại rất tâm đầu ý hợp. Ở đảo Réunion, cha tôi dành rất nhiều thời gian để học luật và các tri thức khác. Ông cũng là người có năng khiếu âm nhạc đặc biệt. Ông chơi violon rất giỏi nên có chân trong ban nhạc đại hòa tấu tại Saint Denis. Không những thế, ông còn viết văn, nuôi ngựa và đua ngựa. Ông đã từng giật giải nhất trong cuộc thi đua ngựa lớn nhất toàn đảo. Ở trường đua ngựa, ông và Hoàng thân Vĩnh Chuôn, tuy người nhỏ con (cao 1m51, nặng 41kg) lại là hai nài kiện tướng, quần chúng thường hoan hô cha tôi ông là “Vua Tàu”. Ông học đánh kiếm và đánh rất giỏi. Ông chú trọng về nghệ thuật quân sự. Trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới, ông luôn găm bản đồ trên tường tiệm hàng để theo dõi chiến sự. Nhiều lúc, ông hùng hồn giải thích chiến trận làm lóa mắt cử tọa kính cẩn ngồi nghe.

Say mê văn chương Pháp, ông đọc rất nhiều sách, sáng tác thơ ca. Ông có nhiều bài được đăng trên tờ báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) với bút danh Georges Dry. Ông cũng thích viết văn xuôi lãng mạn. Trong bài Tiếng nói của vạn vật, ông bắt đầu với những câu: “Tôi thích tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ khi nó hát hay khóc trong các cành cây. Tôi thích những lời tâm sự du dương của gió với cây trong rừng, với sóng dưới biển, với sao trên trời. Nhưng hơn nữa, ru ngủ tôi, làm tôi say mê, khoái trá là tiếng gọi của đại dương, lời rên rỉ vạn năng vang lên trong cảnh đêm im lặng như một bài tụng ca vô tận”. Rồi ông kết luận: “Tiến lên Thượng đế, đấy là mục đích đời bạn và của mọi đời sống khác. Bạn nên học yêu thuơng, đấy là bí quyết của hạnh phúc. Bạn nên học đau khổ, đấy là bí quyết của sự thanh lọc, của cuộc tiến lên ánh sáng. Đau khổ là chị em của vui sướng. Hai mặt giữ thăng bằng, bổ sung nhau và tô điểm nhau. Bạn nên học tự biết mình và chế ngự những sức mạnh tiềm tàng và ẩn kín. Từ đấy, bạn khám phá ra bí mật của Vũ trụ và những quyền lực đã chi phối. Sự huy hoàng của sự nghiệp thần thánh së tiết lộ ra ngay trong lòng bạn và trong mọi mặt”. Trong bài Variations sur une lyre brisée (Những biến tấu của một cây đàn gẫy vỡ) được Giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion (1924), ông tâm tình: “Ở một vài đầu óc, nếp cũ hoài nghi, thói quen mỉa mai ngay cả chính mình, làm khó mọi chi phối xúc cảm. Trong cuộc phòng vệ có đạo đức, hoài nghi là mang một vỏ sắt, mỉa mai là vận dụng một cái khiên. Nhưng ta không thể luôn được bảo vệ; đến một lúc, khi ta tưởng được an toàn, khi ta lột bỏ áo giáp mà ta đã kiên cường chịu đựng với một nụ cười, đấy là khi ta rất nhạy cảm với một vết châm cũng như với một cái vuốt dù nhỏ nhẹ”.

Ông là thành viên Hội khoa học, văn chương và nghệ thuật La Réunion. Bà Hội trưởng Eléonora Revest đánh giá ông là một người có học thức, một nhà diễn thuyết hùng biện. Chính trí tuệ, sự thông minh, hiểu biết của ông đã chinh phục được mẹ tôi, khi ấy là thiếu nữ Fernande Antier nhan sắc nổi tiếng cả phố. Năm 1925, cha tôi có gửi cho Hội đồng hoàng tộc một bức thư kèm đơn ly dị và xin Hội đồng hoàng tộc chứng nhận để bà Mai Thị Vàng đi lấy chồng khác, lúc này bà 27 tuổi. Nhưng bà Vàng một lòng thủ tiết cho đến cuối đời và thường ngâm: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”.

Sau khi gửi đơn ly hôn về cho Hoàng phi Mai Thị Vàng được 3 năm, cha tôi kết hôn với mẹ tôi. Đám cưới diễn ra giản dị tại đảo Reunion, với sự góp mặt của người dân trên đảo và cả ông nội tôi, Cựu hoàng Thành Thái. Tuy đám cưới đã diễn ra nhưng vì Hoàng phi Mai Thị Vàng không đồng ý ly hôn nên cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi vẫn chưa được nhà thờ công giáo ở đảo Reunion công nhận. Chính vì thế mà sau này, bốn anh em chúng tôi đều mang họ mẹ. Phải mãi về sau, khi cha tôi qua đời năm 1946, Tòa án ở Reunion mới xem xét lại và đồng ý để chúng tôi chuyển sang họ cha.

Cha mẹ tôi sinh hạ được 8 người con nhưng chỉ nuôi được 4 người. Đó là chị gái lớn, Hoàng nữ Rita Suzy Georgette Vĩnh San (6/8/1929); Hoàng tử Guy Georges Vĩnh San (31/1/1933); Hoàng tử Yves Claude Vĩnh San (8/4/1934) và tôi. Lúc còn nhỏ, anh em chúng tôi rất sợ cô Lương Nhàn bởi cô rất nghiêm khắc. Anh Georges thường hay bị đòn roi của cô. Nhưng cha tôi còn nghiêm khắc hơn. Ngày ngày, cha tôi làm việc ở căn phòng nhỏ tầng 1, nơi ông mở một tiệm sửa chữa máy móc cho cư dân trên đảo, kiếm tiền nuôi vợ con. Tiệm có tên là La Radio Laboratoire Vinh San. Anh em chúng tôi không bao giờ dám bén mảng đến căn phòng đó. Bữa ăn cơm, chúng tôi cũng không dám nói chuyện, cười đùa. Cha tôi rất ít nói. Mỗi lần kể về người, trong tôi vẫn còn lưu dấu một nỗi buồn u uẩn của một con người, một vị vua sa cơ thất thế phải sống kiếp lưu đày.

Cha tôi không có một ưu đãi vật chất nào trong những tháng ngày trên đảo. Nơi ở của ông không có lò sưởi, vòi nước tắm, thậm chí cả bồn rửa mặt. Nhưng ông vẫn vui vẻ sống. Ông ít giao thiệp với người Pháp. Chính quyền hoàn toàn quên bỏ ông. Ông chỉ giao du với một nhóm bạn bè. Ông thích trèo núi, đi câu, không ngần ngại bắt chuyện với những người ngồi câu bản xứ, phần nào cũng giúp khuây khỏa nỗi nhớ thuở “Chiều chiều trước bến Văn Lâu. Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm”. Nghiêm khắc nhưng cha tôi rất yêu thương vợ con, yêu thương một cách kín đáo. Khéo tay, tự ông làm đồ chơi cho chúng tôi như những hình tượng trong truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Vì thế, anh em chúng tôi vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật Dede (Bố), biến âm của những danh từ Âu Mỹ Daddy, Papa. Ngoài việc trao đổi sinh hoạt bình thường trong gia đình, ông rất ít khi thổ lộ tâm tư tình cảm, nhất là chuyện đất nước, chính sự với vợ con. Ông không bao giờ nói chuyện về Việt Nam với những người dân trên đảo Reunion và kể cả với vợ mình. Song cũng có đôi lần ông thổ lộ với mẹ tôi rằng: ông lúc nào cũng khao khát thoát khỏi Reunion, thoát khỏi tay người Pháp để trở về Việt Nam, tìm cách cứu nước.]

chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Cuộc sống ở Châu Phi của 3 vị vua bị “lưu đày”: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân”

Viết một bình luận