Cuộc sống hiện tại của danh ca Chế Linh ở tuổi ngoài 80 – Một trong những ca sĩ lớn tuổi nhất thế giới vẫn còn đi hát

Nam danh ca Chế Linh được xem là một huyền thoại của dòng nhạc vàng, là một trong những ca sĩ đầu tiên hát nhạc vàng phổ thông thịnh hành và được yêu thích cho đến ngày nay. Ông bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1960, sau đó cùng với các ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường được xưng tụng là “tứ trụ nhạc vàng”, và trong bộ tứ này hiện nay chỉ còn lại duy nhất ca sĩ Chế Linh, 3 người còn lại đã tạ thế được nhiều năm.


Nghe podcast về cuộc đời ca sĩ Chế Linh

Danh ca Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà – len), là người gốc Chăm và có tên tiếng Việt Là Lưu Văn Liên, sinh năm 1942 tại làng Hữu Đức, một làng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, trong gia đình có 3 anh em. Cha của Chế Linh mất sớm, khi đó ông mới được 4 tuổi, sau đó ông có thêm cha kế và 3 người em cùng mẹ khác cha.


Click để nghe tuyển tập nhạc Chế Linh thu âm trước 1975

Dù gia cảnh khó khăn, cnhưng Chế Linh may mắn được học hành đầy đủ. Lúc nhỏ, khi theo học tại trường làng Hữu Đức, ông được các linh mục người Pháp dạy về nhạc lý căn bản. Lớn lên, ông theo học trung học tại trường Bồ Đề ở Phan Rang.

Năm 1957, khi mới 15 tuổi, Chế Linh trốn gia đình để bỏ làng, rời mảnh đất quê hương quanh năm khô cằn nắng cháy để một mình vào vùng đất hứa Sài Gòn để tự đi tìm tương lai tốt đẹp hơn. Ông kể lại:

“Tôi leo lên xe lửa chỉ với một chồng bánh tráng, một bộ đồ, phía đó không có một người quen biết nào cả, nhưng tôi đã nghĩ chỗ nào cũng là con người, rồi sẽ có tình thương, bao cậu bé đánh giày cũng sống được cơ mà. Khi ấy tôi thậm chí chưa nói thông thạo được tiếng Kinh, chưa biết chữ nên việc đầu tiên là tôi lo kiếm việc để sống chứ chưa có ý thức sẽ học nhạc.

Đến Sài Gòn, ba ngày đầu tôi chẳng có nơi ngủ, chẳng có gì ăn ngoài bánh tráng. Đến ngày thứ tư một ông xích lô đã chở tôi đến gặp gia đình người Tàu để nhận trông con giúp. Ban ngày trông trẻ, buổi tối tôi tự học nhưng không dám thắp đèn của chủ, mà tự mua đèn dầu để học. Thấy tôi như vậy, họ sợ cháy nhà và thương tôi nên đã mua bàn, mua đèn neon cho tôi học. Từ đó gia đình coi tôi như con, ông bà cho tôi đi học.”

Tuy được gia đình người Hoa đối xử rất tốt, được cho ăn học đàng hoàng, nhưng việc làm thuê như vậy không thể giúp tiến thân, không phải là mục đích khi quyết định rời xa quê, nên Chế Linh muốn tìm hướng đi khác cho cuộc đời.

Bằng một nghị lực phi thường, Chế Linh tìm mọi cách để len lỏi được vào trong làng nhạc Sài Gòn, dù lúc đó ông vẫn chưa nói rành tiếng Việt, thường hát nhạc Pháp và nghe cổ nhạc chứ không nghe tân nhạc Việt. Tuy nhiên từ năm 1960, ông quyết tâm bước chân vào làng nhạc với suy nghĩ rằng chỉ có âm nhạc mới có thể giúp hoà đồng được với cuộc sống ở vùng đất mới. Năm 1962, khi tròn 20 tuổi, Chế Linh có may mắn tình cờ gặp lại vị linh mục người Pháp lúc nhỏ đã dạy nhạc cho mình. Vị linh mục tốt bụng đã nhận nuôi và động viên ông tiếp tục đi học.

Trên bước đường đến với âm nhạc, Chế Linh rất may mắn khi gặp được những nhạc sĩ đàn anh hết lòng hướng dẫn, giúp đỡ trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, đó là các nhạc sĩ Châu Kỳ, Trúc Phương, Mạnh Phát, và đặc biệt là Duy Khánh.

Cũng trong năm 1962, đoàn văn nghệ Biệt Chính ở Biên Hòa tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ để bổ sung cho đoàn, Chế Linh đăng ký tham gia, xuất sắc giành được giải nhất và trở thành ca sĩ của Biệt Chính Đoàn, được làm việc chung với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng là Trúc Phương, Bằng Giang, Châu Kỳ,…

Đoàn biệt chính tan rã, Chế Linh cùng người bạn thân là nhạc sĩ Bằng Giang iwr lại Biên Hòa, vừa làm thuê vừa luyện giọng, tìm cho mình hướng đi khác biệt so với các nghệ sĩ đàn anh, trước khi trở lại Sài Gòn để chính thức gia nhập làng nhạc Sài Gòn.

Từ lúc này trở đi, với giọng hát gần gũi, tràn đầy tình cảm trong các bài hát được sáng tác riêng cho giọng hát của mình, cùng với sự giúp đỡ tận tình của các nhạc sĩ thế hệ đi trước, Chế Linh nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Cuối năm 1964, hãng đĩa Việt Nam ký hợp đồng với tiếng hát Chế Linh trong nhiều năm.

Những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã đánh dấu thời kỳ hoàng kim của tên tuổi Chế Linh. Đặc biệt là năm 1972, ông được nhật báo Trắng Đen trao giải Kim Khánh cho nam ca sĩ được yêu thích nhất. Tuy nhiên, cũng trong năm này, các hoạt động âm nhạc của Chế Linh bị chính quyền bắt đầu kiểm soát, bị cấm hát ở nhiều nơi đặc biệt trên đài phát thanh và truyền hình, với lý do giọng hát của ông gây ảnh hưởng xấu cho tâm lý người lính.

Sau 1975, Chế Linh bị chính quyền mới cấm hát hoàn toàn. Năm 1978, ông bị khép tội phản động, bị bắt và biệt giam 18 tháng.

Năm 1980, Chế Linh vượt biên đến Canada và định cư ở đó đến nay. Tại Canada, ngoài việc ca hát, thu âm, đi lưu diễn ở nhiều nước có người Việt Chế Linh còn kinh doanh và mở phòng thu.

Lần đầu tiên Chế Linh trở về Việt Nam là năm 2007 sau gần 30 năm xa quê hương. Đó là lần ông theo đoàn văn hoá của UNESCO với mục đích bảo tồn văn hóa Chăm, và lần thứ 2 trở về là năm 2008. Tuy nhiên, những lần đó ông không được cấp phép biểu diễn mà chỉ tham gia biểu diễn giao lưu ở các chương trình riêng dành cho cộng đồng người Chăm. Nhân dịp này, ông về quê hương Ninh Thuận để tham dự lễ hội Kate, vì sự có mặt của Chế Linh nên lễ hội năm đó đã thu hút đến 50.000 người, một kỷ lục trong lịch sử lễ hội Kate.

Năm 2011, Chế Linh chính thức được cấp phép biểu diễn ở trong nước, từ đó đến nay ông thường xuyên về Việt Nam trình diễn, dù vẫn định cư ở Canada.

Hiện nay ở tuổi ngoài 80, Chế Linh vẫn chưa giải nghệ và còn đi hát. Có thể xem ông là một trong những ca sĩ lớn tuổi nhất thế giới vẫn còn hoạt động văn nghệ ở thời điểm hiện tại. Để giữ được giọng hát trong thời gian suốt 60 năm qua như vậy, Chế Linh đã tự đặt ra những nguyên tắc khắt khe cho chính mình, đó là không bao giờ nói chuyện với ai trước mỗi đêm diễn, thậm chí không nói chuyện cả với vợ. ông chia sẻ: “Ông trời phú cho mình giọng hát thì mình phải luôn giữ giọng và tập luyện thường xuyên. Việc một ngày tôi luyện thanh hát từ 10 tới 20 bài là bình thường.

Cơm có thể ăn bớt một chút nhưng việc tập thể thao và luyện giọng thì ngày nào tôi cũng phải làm. Mệt tôi cũng tập, có khi vài chục phút, có khi vài tiếng. Sau khi ngủ dậy uống cà phê thì phải tập rồi muốn đi đâu thì đi, đó là nếp rồi”.

Ngoài ra, danh ca Chế Linh cũng là người rất nghiêm túc và có bản lĩnh trong nghệ thuật. Ông là ca sĩ hiếm hoi nói không với hát nhép trong suốt sự nghiệp của mình, ngoại trừ một số chương trình buộc phải diễn để thu DVD và công khai cho khán giả biết ca sĩ hát nhép (Như trên Paris By Night hay Asia..). Ông chia sẻ: “Tôi không thích hát nhép, chương trình nào có Chế Linh tham gia, tôi cũng bảo ban tổ chức là: Cho Chế Linh hát live, bởi nhiều khán giả chờ đợi mình cả năm trời để nghe nghệ sĩ hát mà nhép thì tội lắm”.

Trong 2 năm đại dịch hoành hành, từ 2020-2021, Chế Linh không lên sân khấu được, nhưng vẫn bận rộn, thường xuyên làm việc trong phòng thu. Ngoài ra, ông còn đang tiến hành viết hồi ký, ghi lại những hành trình từ vực sâu đến đỉnh cao trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chế Linh chia sẻ về thời gian dịch bệnh như sau:

“Gia đình tôi không có gì lao đao, vấn đề tài chính không có gì mệt nhoài. Ở đây có Chính phủ hỗ trợ. Đồng thời Chế Linh vẫn làm việc bình thường, làm trong phòng thu cho các trung tâm. Họ đặt mình cái gì thì mình làm cái ấy. Họ trả tiền cho mình”. Bao năm chạy “sô” khắp nơi trên thế giới, dịch bệnh làm thay đổi nhịp sống bình thường, giúp ông có thời gian nghỉ ngơi, viết sách, viết nhạc.


Nghe Chế Linh tuổi 80 hát Bông Hồng Cài Áo, nhân dịp Vu Lan năm 2022

Năm 2022, ngay sau khi tình hình dịch lắng xuống, Chế Linh tiếp nối việc ca hát, thường xuyên nhận show ở Mỹ cũng như Việt Nam. Gần nhất là tháng 9 năm 2022, Chế Linh trở về Việt Nam tham gia các liveshow trên khắp Việt Nam. Có thể nói, ở tuổi 80, trên thế giới hiếm có danh ca nào có giọng hát bền bỉ và nhận được nhiều mến mộ như Chế Linh.

Một số hình ảnh Chế Linh năm 2022, ở tuổi tròn 80:

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận