Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Phi Nhung (1970-2021)

Phi Nhung là một trong những nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng và nhạc quê hương ở hải ngoại từ thập niên 1990, có lẽ là người yêu nhạc nào cũng đều biết đến tên tuổi của nữ ca sĩ hải ngoại có giọng ca trữ tình, nhẹ nhàng và đi vào lòng người này. Tuy nhiên đằng sau sự thành công đó, ít ai biết rõ được hoàn cảnh tuổi thơ cơ cực mà cố ca sĩ này đã trải qua.


Click để nghe nhạc Phi Nhung

Ca sĩ Phi Nhung tên thật là Lê Thị Tuyết Lan, sinh ngày 10/4/1970 tại Pleiku, cô là kết quả của mối tình giữa một thiếu nữ Pleiku và người lính Mỹ đồn trú tại đây. Mẹ của Phi Nhung đã chịu những áp lực rất lớn trước sự ngăn cản của gia đình để có thể quyết định giữ lại người con để nuôi.

Từ khi được sinh ra, Phi Nhung không lần nào được nhìn thấy cha ruột và lớn lên trong sự dè bỉu, coi thường của người khác. Khi mẹ đi lấy chồng, Phi Nhung ở với ông bà ngoại một thời gian rồi được mẹ đón về ở chung với người cha dượng cùng 5 người em cùng mẹ khác cha.

Sống với mẹ không được bao lâu thì một tai nạn đã đưa mẹ của Phi Nhung đi xa mãi mãi. Đó là năm 1982, khi cô mới hơn 10 tuổi và chuẩn bị lên lớp 6.

Khi người cha dượng lấy vợ mới, Phi Nhung cùng 5 người em phải chuyển về ở cùng ông bà ngoại trong hoàn cảnh chật vật. Cô bé Phi Nhung mới 10 tuổi nhưng giống như một người mẹ, bỏ học để làm thêm để phụ giúp ông bà nuôi các em nhỏ.

Thời gian đó, Phi Nhung chỉ có một nguồn vui duy nhất là được nghe những bài cải lương dân ca mộc mạc, đó cũng là những giai điệu đã gắn liền với sự nghiệp ca hát của cô sau này.

Năm 1989, Phi Nhung chuyển tới Tampa, Florida, Mỹ định cư theo diện con lai, sống cùng với người dì ruột. Từ lúc đó, Phi Nhung bắt đầu từ những công việc chân tay cực nhọc: lau sàn nhà, quét dọn, bồi bàn, may vá thuê… để mưu sinh.

Năm 1992, Phi Nhung làm mẹ đơn thân và sinh người con gái đặt tên là Wendy. Lúc này Phi Nhung làm nghề thợ may để kiếm tiền nuôi con.

Phi Nhung và con gái Wendy thời gian còn ở Florida

Mặc dù cuộc sống vất vả từ nhỏ nhưng Phi Nhung luôn có ước mơ trở thành ca sĩ. Cơ hội đến khi tình cờ cô gặp được Trizzie Phương Trinh (một nữ ca sĩ nổi tiếng thời đó, cũng là vợ cũ của ca sĩ Bằng Kiều), khi Trizzie đang lưu diễn ở bang Florida và hát từ thiện ở một ngôi chùa tại đây.

Nhận thấy tiềm năng ca hát của Phi Nhung, Trizzie đã khuyên Phi Nhung tới California – là nơi có đông đúc người Việt – để thực hiện ước mơ ca hát. Mặc dù yêu thích ca hát nhưng Phi Nhung rất do dự vì ngại thay đổi. Lúc đó công việc đang ổn định, nghề thợ may đang có lương khá, và cô đang làm mẹ đơn thân nên mọi sự gãy đổ về tài chính có thể làm cho mẹ con cô lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Phi Nhung tâm sự:

“Nguyên 1 tuần tôi không ăn uống gì hết mà cứ nhìn con rồi tự nhủ sẽ cố gắng. Tôi không muốn con phải khổ giống như mẹ. Thế rồi quyết định ẵm con đi.

Năm 1993, tôi ẵm con sang bang California. Lúc ấy nghề ca sĩ cực khổ nhưng cũng dễ dàng hơn bây giờ. Tôi may mắn được trời phật ban cho giọng hát nhiều người khen hay, lại may mắn đúng thời điểm đó. Chứ bây giờ nhiều người hát hay cũng khó tìm được chỗ đứng trong giới ca sĩ”

Wendy khi còn nhỏ

Đến California, mẹ con Phi Nhung đến ở nhờ trong nhà của Trizzie. Lúc này Phi Nhung chưa được đi hát ngay, mà phải vừa đi làm nhà hàng ban đêm, vừa làm nhân viên bán CD nhạc cho trung tâm Thúy Anh và gửi con mới được hơn 1 tuổi để nhờ mẹ của Trizzie chăm sóc.

Phi Nhung và Trizzie Phương Trinh

Là ca sĩ mới, phải tự bươn chải, Phi Nhung không đủ tiền để sắm áo dài mà phải mượn áo của mẹ của Trizzie. Thời gian này Phi Nhung phải học nốt nhạc và học cách phát âm giọng Bắc để có thể hát nhạc trữ tình. Mỗi cuối tuần cô đến phòng thu của Trizzie để luyện giọng, hát thử. Phải đến 2 năm sau, Phi Nhung mới ra được CD đầu tiên có 2 bài hát Nỗi Buồn Hoa PhượngNối Lại Tình Xưa trong 1 CD được ghép chung cùng 2 ca sĩ nổi tiếng Hương Lan, Thanh Tuyền.

Lúc đó Phi Nhung đã tính đến chuyện về lại Florida để làm cô thợ may như trước, nhưng khi trực tiếp đứng bán, thấy CD được mua nhiều nên biết được là mình đã được khán giả chấp nhận. Cô quyết tâm theo đuổi đam mê.

Khán giả yêu dòng nhạc quê hương bắt đầu yêu mến Phi Nhung sau khi cô song ca cùng Thái Châu trong ca khúc Sông Quê (sáng tác của Đynh Trầm Ca) cùng với nam ca sĩ nổi tiếng Thái Châu tại Hollywood Night 15. Từ đó về sau, có thể nói Phi Nhung là người phát hành được nhiều album nhạc nhất ở hải ngoại.


Click để nghe song ca Thái Châu – Phi Nhung hát Sông Quê

Có thời gian gần như dòng nhạc trữ tình quê hương độc diễn tại thị trường hải ngoại, và giọng hát nghẹn ngào như sắp khóc của Phi Nhung rất thích hợp với thể loại này. Năm 1998, Phi Nhung được ghi nhận là nữ ca sĩ ra nhiều album nhất, doanh số bán chạy cũng thuộc hàng kỷ lục nên cô được người trong giới và khán giả đặt cho nghệ danh ”Nữ hoàng băng đĩa”.

Những trung tâm băng nhạc mà Phi Nhung đã cộng tác là Tình, Mây, Thúy Anh, Làng Văn, Vân Sơn, Asia, và đặc biệt cô được biết đến là một trong những nữ ca sĩ chủ chốt của trung tâm Thúy Nga từ thập niên 2000.


Click để nghe ca khúc đầu tiên Phi Nhung xuất hiện trên Paris By Night năm 1999

Phi Nhung kể lại rằng cô xin vào hát cho Thúy Nga từ 1994 nhưng không được chấp thuận, dù lúc đó giọng hát của cô đã làm mưa làm gió thị trường nhạc. Sau nhiều năm kiên trì, đến năm 1999 Phi Nhung mới được lần đầu xuất hiện trên Paris By Night 49 với ca khúc Lý Con Sáo Bạc Liêu, ngay sau đó là nhiều tiết mục song ca cùng Mạnh Quỳnh trong một loạt các bài Tân Cổ: Căn Nhà Màu Tím, Đoạn Cuối Tình Yêu, Phận Gái Thiền Quyên, Lý Chim Quyên, Duyên Nghèo, Hai Đứa Giận Nhau…

Cho đến khi qua đời năm 2021, Phi Nhung đã thu âm tổng cộng 60 ca khúc cho Thúy Nga – Paris By Night. Cô cũng có một thời gian ngắn tham gia chương trình Asia vào năm 1999-2000, thu âm 6 ca khúc cho trung tâm này, để lại dấu ấn với các ca khúc Ba Tháng Tạ Từ, Mưa Rừng, Một Chuyến Xe Hoa.


Click để nghe Phi Nhung hát Ba Tháng Tạ Từ trên Asia năm 1999

Phi Nhung được sinh ra ở vùng đất cao nguyên, nhưng sự nghiệp ca hát của cô gắn liền với những bài hát viết về quê hương, miền tây sông nước, đặc biệt là ca khúc Bông Điên Điển của nhạc sĩ Hà Phương sáng tác vào đầu thập niên 1990, và Phi Nhung chính là người đầu tiên hát bài này trong MV do Tình Production sản xuất.

Phi Nhung – Mạnh Quỳnh trở thành đôi song ca nhạc vàng được yêu thích nhất tại hải ngoại những năm đầu thập niên 2000, đến nỗi nhiều người đồn họ là một cặp, thậm chí có người nghi ngờ Mạnh Quỳnh là cha của Wendy – con gái của Phi Nhung. Tuy nhiên Phi Nhung đã giải thích:

“Nếu Wendy là con của Mạnh Quỳnh thì Wendy còn đẹp hơn nữa. Mạnh Quỳnh là người bạn thân, thân nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi không muốn khán giả hiểu lầm.”


Cick để nghe Phi Nhung – Mạnh Quỳnh hát song ca tân cổ giao duyên

Phi Nhung nhận nuôi rất nhiều con, và cô cũng có người con gái ruột duy nhất tên là Wendy Phạm. Để con gái có một cuộc sống bình lặng để chuyên tâm học hành, Phi Nhung giấu kín con trước khán giả và truyền thông cho đến lúc con được trưởng thành, ra trường và đi làm liên quan đến nghề y. Vì vậy rất nhiều khán giả đã ngạc nhiên khi đến tận sau này mới được biết đến người con gái Wendy này.

Phi Nhung và Wendy

Phi Nhung tâm sự:

“Nhiều người hỏi tại sao Phi Nhung không có bạn trai, bởi vì tôi không muốn con gái thấy mẹ nay quen người này mai quen người khác. Tôi muốn khi con lớn lên, con phải được hạnh phúc, phải có một chồng một vợ như người ta, để mọi người nhìn vào không thấy giống như mẹ.

Con học ra trường phải có một gia đình tốt chứ không phải mẹ đơn thân, quen hết người này đến người kia. Nếu mình cứ quen hết người này đến người kia, thì làm sao dạy con được, con cũng sẽ bắt chước. Nên mình phải cố gắng.”

Có một điều ít người biết rằng cô bé Wendy từng tham gia diễn xuất trong MV ca nhạc của Phi Nhung, đó là MV do Tình Production sản xuất, ca khúc Áo Xanh. Mời các bạn xem bên dưới:


Click để xem MV Áo Xanh

Khi Phi Nhung qua đời vào tháng 9 năm 2021, Wendy Phạm đã lấy chồng và có 2 người con trai.

Wendy

Vì đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống nên Phi Nhung có thể thấu hiểu được sự thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi, nên khi trở thành một ca sĩ nổi tiếng, có điều kiện về tài chính, cô đã dùng số tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ rất nhiều hoản cảnh khó khăn. Đặc biệt là cô còn nhận nuôi rất nhiều trẻ mồ côi và xem như là con ruột của mình.

Phi Nhung và những người con nuôi trong chùa ở Bình Phước

 

Câu chuyện khởi đầu từ khoảng năm 1998, trong một lần về nước và làm từ thiện ở Bình Phước, Phi Nhung gặp sư cô Thích Nữ Minh Viên tại một ngôi chùa rất nhỏ tên là Pháp Lạc ở thôn Tân Phú, xã Bù Nho (Bù Gia Mập). Chùa nằm khuất trong con hẻm, xa đường lộ, vừa nhỏ vừa sơ sài nên rất ít người biết đến. Lúc đầu, chùa chỉ là một cái am bằng ván ghép, nhiều đêm kê ván ngủ mà sư cô cứ thấp thỏm sợ rắn vào nhà. Cảm động trước hoàn cảnh đó, Phi Nhung bỏ tiền túi và vận động thêm từ bạn bè khắp nơi để xây mới khang trang.

Khoảng 10 năm sau đó, biết được nguyện vọng của sư cô Minh Viên là mong muốn nhận nuôi trẻ mồ côi tại chùa, Phi Nhung đã trợ giúp để đi tìm những đứa bé bị bỏ rơi từ các bệnh viện địa phương để mang về chùa nuôi dưỡng. Mất đến 2 năm để làm đủ mọi thủ tục giấy tờ, chính quyền mới chính thức cho phép Phi Nhung và chùa nuôi dưỡng các bé. Ban đầu chỉ định nhận nuôi 7-8 trẻ, nhưng trong quá trình tìm kiếm, thấy có quá nhiều trẻ nhỏ mồ côi không được cha mẹ nhìn nhận từ khi mới lọt lòng, vì quá thương nên Phi Nhung nhận về đến 13 bé.


Click để xem phim phóng sự về những người con nuôi của Phi Nhung tại Bình Phước

13 đứa trẻ lúc đó có xuất thân, hoàn cảnh khác nhau, và đều rất tội nghiệp. Vì dụ một hoàn cảnh của cậu bé tên Phạm Đức Hiếu (tên do Phi Nhung đặt), cô kể lại:

“Cha mất sớm, mẹ bị bệnh tâm thần, Hiếu bị bỏ lại trơ trọi ở bãi biển khi mới 4-5 tuổi, đi lang thang ai cho gì ăn đó, có khi ăn cả cá sống, bị trầy trụa khắp cả người. Một lần Phi Nhung đi từ thiện gặp được và đưa về nuôi. Thời gian đầu mới về, Hiếu nhút nhát, lo sợ và câm lặng. Phi Nhung và sư cô Minh Viên phải thay nhau an ủi trò chuyện mất hơn 1 năm thì Hiếu mới bình thường được.”

13 đứa trẻ này đều mang họ Phạm của Phi Nhung. Ai từng làm cha mẹ cũng đều biết nuôi 1,2 người con cũng đã vất vả, đằng này Phi Nhung nuôi 13 người con, và ai cũng đã từng có tinh thần bất ổn. Cô kể:

“Một đứa bị bệnh thì ảnh hưởng dây chuyền, mấy đứa sau cũng bệnh theo. Một đứa khóc là cả nhóm còn lại cứ thế khóc theo. Nhưng sự xuất hiện của mấy đứa nhỏ làm cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Sau vai diễn, tôi chỉ chuyên tâm vào vai làm mẹ, đi chợ sắm cho từng đứa cái bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, ly uống nước, bình đựng sữa. Tôi hạnh phúc vì tụi nhỏ sống không thể thiếu mẹ Nhung. Mẹ con tôi gắn với nhau như một sợi dây, cắt một cái là đau thấu trời. Làm mẹ cực lắm, nhưng chẳng thấm vào đâu so với những mất mát của các con. Những lúc ôm tụi nhỏ vào lòng, cho con uống sữa, thay tã lót cho con, rồi những khi rời con đi lưu diễn, mấy đứa nhỏ cứ quấn quýt khóc đòi, chẳng cho mẹ đi, tôi lại thấy làm mẹ sao mà thiêng liêng quá, có những điều chỉ có mẹ mới làm được”.

Thời gian sau này, số lượng trẻ nhận nuôi cũng tăng lên. Khi các bé còn nhỏ, nếu cùng lắm thì ngôi chùa giống như một nhà trẻ, tất bật lo ăn, lo uống. Nhưng khi những đứa trẻ lớn lên, mỗi người một tính cách, người mẹ phải lo lắng về nhiều thứ khác. Phi Nhung nói rằng không chỉ cho các con ăn uống là đủ, mà còn gây dựng tương lai về sau cho các con. Cô và sư cô trong chùa cùng nhau mua đất, trồng mì, làm hạt điều, mở quán cơm chay để có thêm chi phí nuôi con, ngoài ra Phi Nhung cũng đã mở tài khoản cho mỗi người con, để sau này lớn lên, tài khoản đó sẽ là nguồn tài chính ổn định để các con vào đời.

Quán cơm chay Phi Nhung

Nhiều khán giả khâm phục tấm lòng của Phi Nhung, đồng thời cũng thắc mắc vì sao một ca sĩ nổi tiếng như cô lại không chọn một cuộc sống gia đình bình thường như bao người khác để bù đắp lại những mất mát thuở nhỏ, mà chọn làm một người chăm lo cho nhiều trẻ mồ côi. Phi Nhung nói: “Có lẽ tôi không đủ khả năng để trở thành một người vợ, nhưng tôi có thể là người mẹ của các con, đủ tình thương để nuôi các con khôn lớn. Đó cũng là một sự bù đắp cho tuổi thơ thiếu thốn của tôi. Nếu nhỡ tôi lấy chồng, chắc các con hụt hẫng lắm”.

Phi Nhung cũng có lời nhắn nhủ đến mọi người như sau:

“Bàn tay tôi nhỏ bé quá nên chẳng thể giúp hết được những đứa bé bị người ta bỏ rơi. Có duyên lắm Nhung mới ẵm một bé về để nuôi, thành ra các bà mẹ cũng đừng có suy nghĩ là Nhung thích em bé mà cứ đẻ ra là bỏ con trước chùa cho Nhung thì tội nghiệp cho các con lắm. Có những trường hợp, Nhung đành đem đến gửi Hội Chữ thập đỏ vì không thế nào nuôi nổi. Một khi đã nhận, Nhung xem như con ruột của mình và phải lo tốt cho các con ăn học, dạy dỗ như những đứa trẻ bình thường khác. Mọi người đừng cứ nghĩ như thế mà bỏ em bé thì tội nghiệp vì Nhung không có làm nổi hết được”

Cho đến năm 2021, ngoài người con ruột Wendy Phạm đang sinh sống và làm việc tại Mỹ và những người con nuôi là ca sĩ, thì Phi Nhung còn nhận nuôi dưỡng 23 người con nuôi là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh khó khăn, Trong đó có một số con nuôi sống cùng nhà với cô, số còn lại sống ở chùa Phước Lạc (Bình Phước) và chùa Tăng (Sài Gòn)

Từ năm 2005, Phi Nhung chính thức được phép trở về biểu diễn tại Việt Nam và trở thành ca sĩ độc quyền của trung tâm băng nhạc Rạng Đông. Ngoài ca hát, Phi Nhung còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như diễn viên truyền hình, diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ kịch nói, nghệ sĩ hài, MC, đặc biệt là cô còn thường xuyên ngồi ghế giám khảo trong các cuộc thi thố âm nhạc trên truyền hình kể từ năm 2014 về sau. Các gameshow mà Phi Nhung làm giám khảo: Solo Cùng Bolero (trọn 6 mùa), Ngôi Sao Phương Nam, Cặp Đôi Hoàn Hảo, Ban Nhạc Quyền Năng, Hãy Nghe Tôi Hát, Bạn Có Thực Tài, Kịch Cùng Bolero, Tài Tử Tranh Tài, Gia Đình Nghệ Thuật, Duyên Dáng Bolero.

Từ khoảng cuối tháng 8 năm 2021, nhiều người yêu nhạc vàng đã bàng hoàng trước thông tin rằng ca sĩ Phi Nhung bị nhiễm n.Cov.2, được điều trị ở Bệnh viện Gia An 115, đến ngày 26/8 thì được đưa vào phòng Hồi sức đặc biệt (ICU) của bệnh Chợ Rẫy, là nơi điều trị các ca nặng. Hơn 1 tháng sau đó, vào ngày 28/9/2021, dù được sự nỗ lực điều trị của y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng ca sĩ Phi Nhung đã không qua khỏi, cô trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11h57, trong sự tiếc thương của hàng triệu người yêu nhạc.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã chính thức chia sẻ với báo Tuổi Trẻ như sau: “Tất cả các loại thuốc cao cấp nhất đã được bệnh viện sử dụng để điều trị cho ca sĩ Phi Nhung. Tất cả các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình nhưng đã không thể cứu sống được ca sĩ và rất đáng tiếc trước sự ra đi này”.

Ca sĩ Phi Nhung có giọng hát ngọt ngào đã nổi tiếng với thể loại nhạc vàng, nhạc quê hương từ thập niên 1990. Gần 30 năm qua, tiếng hát Phi Nhung đã gắn bó với nhiều thế hệ khán giả, là một phần tuổi thơ của nhiều người. Những ca khúc như Chiều Lên Bản Thượng, Ba Tháng Tạ Từ, Chiều Qua Phà Hậu Giang, Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Sông Quê… đã gắn liền với sự nghiệp ca hát gần 30 năm của Phi Nhung.


Click để nghe 30 bài hát của Phi Nhung do trung tâm Thúy Nga tuyển chọn

Có một điều đặc biệt, đó là đa số những bài hát mà Phi Nhung tạo được dấu ấn riêng biệt đều là sáng tác sau năm 1975, đó là Chiều Qua Phà Hậu Giang, Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Lý Con Sáo Bạc Liêu, Sông Quê, Phải Lòng Con Gái Bến Tre, Ru Lại Câu Hò, Trách Ai Vô Tình, Ngựa Ô Thương Nhớ, Hoàng Hôn Màu Tím…

Sau đây mời các bạn nghe lại những ca khúc được yêu thích nhất của Phi Nhung:

Sáng tác trước 1975:

Chiều Lên Bản Thượng

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh được Phi Nhung trình bày trong chương trình Paris By Night 70 năm 2003, trở thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của cô:


Click để nghe Phi Nhung hát Chiều Lên Bản Thượng

Chiều Thương Đô Thị

Mặc dù bài hát này đã được đóng dấu với tên tuổi của các ca sĩ thế hệ trước 1975, đặc biệt là Duy Khánh, nhưng khi Phi Nhung hát lại ca khúc này trên Paris By Night 74 vào năm 2004, cô vẫn tạo được dấu ấn riêng:


Click để nghe Phi Nhung hát Chiều Thương Đô Thị

Mặc dù Phi Nhung chỉ tham gia Asia chỉ trong 2 năm 1999- 2000, nhưng dấu ấn của cô khi xuất hiện tại chương trình này rất đậm nét, đặc biệt là với 3 ca khúc được sáng tác trước năm 1975 là Ba Tháng Tạ Từ, Một Chuyến Xe Hoa và Mưa Rừng. Phần hòa âm đỉnh cao của trung tâm Asia đã góp phần chắp cánh cho giọng hát Phi Nhung vang xa hơn nữa:

Ba Tháng Tạ Từ


Click để nghe Phi Nhung hát Ba Tháng Tạ Từ

Mưa Rừng


Click để nghe Phi Nhung hát Mưa Rừng

Một Chuyến Xe Hoa


Click để nghe Phi Nhung hát Một Chuyến Xe Hoa

Những ca khúc sáng tác sau năm 1975

Lý Con Sáo Bạc Liêu

Ca sĩ Phi Nhung đã gắn bó với trung tâm Thúy Nga suốt hơn 20 năm qua, và ca khúc đầu tiên mà cô hát tại Paris By Night là Lý Con Sáo Bạc Liêu, một ca khúc của nhạc sĩ Phan Ni Tấn.

Là một người được sinh ra ở Cần Giuộc, nhạc của Phan Ni Tấn đậm chất trữ tình quê hương với giai điệu âm hưởng dân ca Nam Bộ, với ảnh hưởng từ người cha của ông vốn là một nhạc công cổ nhạc.

MV bài hát này được thực hiện tại Việt Nam, đạo diễn là Huỳnh Phúc Điền, xuất hiện trong Paris By Night 49 chủ đề Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương.


Click để nghe Phi Nhung hát Lý Con Sáo Bạc Liêu

Phải Lòng Con Gái Bến Tre

Một ca khúc nổi tiếng khác của Phi Nhung cũng của nhạc sĩ Phan Ni Tấn, phổ thơ Luân Hoán.

MV ca khúc này cũng được đạo diễn Huỳnh Phúc Điền thực hiện tại Việt Nam với kinh phí rất lớn là $15.000 vào năm 2000. Trong chương trình Music Box đầu năm 2021, ca sĩ Phi Nhung kể lại rằng đây là MV thực hiện mất thời gian nhất. Thời đó cô đã bỏ rất nhiều show để về Việt Nam một tuần, quay phim hết 3 ngày ở Bến Tre. Sau khi thực hiện xong, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đưa video cho Phi Nhung quay về Mỹ. Sau khi giám đốc trung tâm Thúy Nga là cô Thủy xem xong và không thấy có phà Rạch Miễu trong MV, cô không hài lòng và yêu cầu Phi Nhung quay về Việt Nam một lần nữa để quay cho được hình ảnh “Bậu sang phà Rạch Miễu”.

Việc quay về lại Việt Nam và bao nguyên trọn chuyến phà Rạch Miễu để quay phim tốn rất nhiều chi phí, nhưng trung tâm Thúy Nga vẫn chấp nhận đầu tư để có được những thước phim hoàn hảo nhất.


Click để nghe Phi Nhung hát Phải Lòng Con Gái Bến Tre

Chiều Qua Phà Hậu Giang

Ca sĩ Phi Nhung rất có duyên với những chuyến phà, ngoài phà Rạch Miễu thì còn có phà Hậu Giang, với ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nhật Ngân được Phi Nhung trình bày đầu tiên là Chiều Qua Phà Hậu Giang:

Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay
Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa
Chân nạng gỗ thấp cao kéo lê đời theo dòng nhạc đưa
Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi

Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai nhắc kỷ niệm xưa
Tiếng ca gợi trong tim bao nhiêu niềm đau chưa lãng quên
Nhưng người qua vẫn qua bước vô tình không hề dừng chân
Ôi xót xa trong lòng tiếng ca buồn chìm vào trong mưa…


Click để nghe Phi Nhung hát Chiều Qua Phà Hậu Giang

Hoàn cảnh sáng tác bài hát này được nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại trên Paris By Night 66 năm 2002, đó là trong một lần ông về Việt Nam và đi miền tây quê của vợ, qua phà Hậu Giang thì gặp một người bạn cũ là thương phế binh đi đàn dạo kiếm sống.

“Buổi chiều đó mưa bay bay, tôi ngồi trong quán, bỗng nhiên nghe được giọng hát rất xúc động của một người thương phế binh mặc áo treillis bạc màu, ngồi ở ngoài hàng hiên ôm đàn hát. Nhìn cách đệm đàn của anh, tôi nghĩ không phải là một người hát dạo bình thường. Điều làm cho tôi thật xúc động, đó là anh hát bài “Xuân Này Con Không Về”.

Tôi ra nói chuyện với anh, khi vừa ra tới nơi thì nhận ra đó chính là một người bạn học cũ của tôi, học chung từ thời trung học, rồi sau đó anh đi Võ Bị Đà Lạt. Thời gian sau đó anh bị thương ngoài ᴄhιến trường, gãy một chân và được giải ngũ từ đó. Sau khi tôi nói chuyện với anh, tôi suy nghĩ nhiều và thấy ngậm ngùi” (lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân).

Sau khi về lại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Nhật Ngân đã bàn với nhạc sĩ Trần Trịnh và cùng sáng tác Chiều Qua Phà Hậu Giang.

Bông Điên Điển – Ai Về Miệt Thứ

Có 2 ca khúc của nhạc sĩ Hà Phương sáng tác sau năm 1975 đã góp phần tạo dựng tên tuổi ca sĩ Phi Nhung, đó là Bông Điên ĐiểnAi Về Miệt Thứ. Nhạc sĩ kể lại hoàn cảnh sáng tác những ca khúc này như sau:

“Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Nhớ Đất Quê, Chiều Mưa Qua Sông, Đồng Sâu Xứ Lạ, Bông Lục Bình, Chuyện Tình Hoa Cát Đằng… Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam: Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”

Từ những cảm xúc đó, nhạc sĩ Hà Phương đã viết thành 2 ca khúc Bông Điên ĐiểnEm Về Miệt Thứ nổi tiếng qua tiếng hát Phi Nhung. Sau này ca sĩ Phi Nhung đã luôn biết ơn nhạc sĩ Hà Phương vì 2 ca khúc này đã góp phần lớn làm nên tên tuổi của cô ở hải ngoại.


Click để nghe Phi Nhung hát Em Về Miệt Thứ


Click để nghe Phi Nhung hát Bông Điên Điển

Sông Quê

Đây là sáng tác của nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, đã có rất nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng khi nhắc đến Sông Quê, hầu như người yêu nhạc chỉ nhớ đến phiên bản đỉnh cao của Phi Nhung song ca cùng Thái Châu trong chương trình Hollywood Night 15 năm 1997: Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ…


Click để nghe Phi Nhung – Thái Châu hát Sông Quê

Thị Trấn Mù Sương

Bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn viết riêng tặng cho ca sĩ Phi Nhung. Trong chương trình Music Box, ca sĩ Phi Nhung kể lại rằng vào những năm cuối đời, nhạc sĩ Thanh Sơn mắc nhiều chứng bệnh, trong đó có một lần phải mổ tim, chi phí khá lớn. Phi Nhung khi đó ở Việt Nam đã đưa hết số tiền mình có lúc đó để giúp nhạc sĩ Thanh Sơn chữa bệnh, đồng thời gọi cho trung tâm Thúy Nga để xin giúp đỡ thêm, nhờ vậy nên nhạc sĩ đủ trang trải cho bệnh tình của mình. Sau khi khỏe lại, nhạc sĩ Thanh Sơn có nhã ý muốn sáng tác một bài hát để riêng tặng Phi Nhung. Cô nói rằng rất nhớ quê Pleiku và muốn được sáng tác một bài về quê mẹ, từ đó bài Thị Trấn Mù Sương ra đời:

Em sinh ra trên vùng đất đỏ sương mù tên gọi là Pleiku
Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời
Rừng cao nguyên với rẫy nương sườn đồi
Những buôn làng ấm no, vui nụ cười trên môi…


Click để nghe Phi Nhung hát Thị Trấn Mù Sương

Trách Ai Vô Tình

Một trong những sáng tác cuối đời của nhạc sĩ Nhật Ngân, ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Nhật Ngân cũng là một trong những người đầu tiên hướng dẫn Phi Nhung khi bắt đầu đi hát.

Bạn tình ơi dẫu gì cũng xa nhau rồi,
dòng sông lững lờ trôi con thuyền sóng đưa xa bờ…


Click để nghe Phi Nhung hát Trách Ai Vô Tình

Hoàng Hôn Màu Tím

Bài hát của nhạc sĩ Thế Hiện từng được Phi Nhung hát trên Hollywood Night từ thập niên 1990:


Click để nghe Phi Nhung hát Hoàng Hôn Màu Tím

Vọng Kim Lang – Bậu Đi Theo Người

Liên khúc này được Phi Nhung hát trên Paris By Night 75 năm 2004:


Click để nghe

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận