Chuyện về những bùng binh của Sài Gòn xưa

Từ xưa đến nay, các vòng tròn ở giữa các ngả đường vẫn được người trong Nam gọi là bùng binh, ngoài Bắc gọi là vòng xuyến, nhiều nơi cũng gọi là vòng xoay. Bùng binh đầu tiên của Việt Nam có lẽ là Bùng binh Bồn Kèn, sau là bùng binh Cây Liễu, nằm giữa 2 đại lộ lớn nhứt Sài Gòn là Charner – Bonard, nay là Nguyễn Huệ – Lê Lợi.

Theo học giả Vương Hồng Sển, bùng binh Bồn Kèn cũng từng được gọi là một cái “bồn binh”, cách đây tròn 100 năm là một bậc hình bát giác, các lính Pháp thường đến đây thổi kèn trỗi nhạc Tây cho người dân thưởng thức, nên được gọi là Bồn binh Bồn Kèn, sau thành “Bùng binh Bồn Kèn”. Trong hình Sài Gòn thập niên 1920 sau đây, ta có thể nhìn thấy cái vòng tròn hình bát giác đó:

Bồn binh (bên trái hình) năm 1938
Bồn kèn có bậc thang lên để cho lính lên thổi kèn

Nhiều ý kiến cho rằng Bùng binh xuất phát từ chữ Bồn binh ở chỗ này.

Tuy nhiên chữ “bùng binh” không phải là lần đầu xuất hiện từ thời đó, mà đã được người trong Nam sử dụng trước đó rất lâu. Năm 1895, Huỳnh Tịnh Của đã định nghĩa từ “bùng binh” trong Đại Nam Quấc âm tự vị là: “khúc sông rộng phình tròn ra”. Nam Kỳ lục tỉnh xưa kia thông thương theo kiểu “trên bến dưới thuyền”, vì vùng này có đặc điểm địa hình tự nhiên có sông ngòi chằng chịt, và ban đầu “bùng binh” dùng để định nghĩa cái chỗ phình ra của sông. Đến sau này, khi người Pháp xây Sài Gòn thì họ đã lấp phần lớn các kênh rạch nhỏ để làm đường, rồi có thể là từ đó cái chữ “bùng binh” được người ta đem lên cạn để xài. Trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức năm 1970 giải nghĩa lại chữ bùng binh là “khu đất rộng nối các trục đường trong thành phố”: bùng binh Ngã Sáu, bùng binh Ngã Bảy… Như vậy “bùng binh” vốn là một từ chỉ sông nước đã được dùng để gọi tên giao lộ của các con đường trên bộ.

Sau đây mời các bạn xem lại hình ảnh xưa của các bùng binh nổi tiếng Sài Gòn:

Bùng binh Bồn kèn

Bùng binh ngã 6 Phù Đổng

Thời điểm trước 1975, đây là nơi giao nhau của 6 con đường khác nhau mang tên: Gia Long, Phạm Hồng Thái, Phan Văn Hùm, Ngô Tùng Châu, Lê Văn Duyệt và Võ Tánh. Ngày nay, chỉ còn tên đường Phạm Hồng Thái là tên cũ, còn tên đường Gia Long thành Lý Tự Trọng, Phan Văn Hùm thành Nguyễn Thị Nghĩa, Ngô Tùng Châu thành Lê Thị Riêng, Lê Văn Duyệt thành CMT8, còn Võ Tánh thành Nguyễn Trãi nối dài.

Hình ảnh bùng binh trước năm 1966

Bùng binh này được hình thành vào thập niên 1910, cụ thế là sau năm 1914, khi chợ Bến Thành được xây dựng xong. Khu vực này trước đó vốn chỉ là một đầm lầy, nhưng sau khi chợ Bến Thành mọc lên thì xung quanh chợ thay đổi rất nhiều, đồng thời đối diện chợ cũng được xây nhà ga xe lửa, bên cạnh ga xe lửa thì nhiều đường mới được mở ra, trong đó có các đường ở khu vực ngã 6 này.

Đến năm 1966, bùng binh này mới được gọi là Ngã 6 Phù Đổng. Tên gọi này xuất phát từ tượng đài nhân vật huyền thoại Thánh Gióng (tức Phù Đổng Thiên Vương) đang cưỡi ngựa, tay nắm thân tre, được binh chủng Thiết giáp dựng lên năm 1966 ở giữa bùng binh.

Bùng binh Chợ Bến Thành

Bùng binh này được xây dựng trước chợ Bến Thành, ban đầu tên là quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac), đặt theo tên thị trưởng người Pháp đầu tiên của thành phố Sài Gòn.

Đến năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa đổi tên nơi này thành quảng trường Diên Hồng, đến năm 1963 được mang thêm tên mới là quảng trường Quách Thị Trang, là tên một nữ sinh 15 tuổi chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính giữa bùng binh cũng có bức tượng của Quách Thị Trang được xây dựng và tồn tại suốt 40 năm trước khi được dời về công viên Lý Tự Trọng.

Tượng đài Quách Thị Trang (lúc này chưa có tượng đài Trần Nguyên Hãn

Từ năm 1965, ngay bên cạnh tượng Quách Thị Trang, binh chủng truyền tin đã dựng tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn (người được suy tôn là thánh tổ của binh chủng này) cưỡi ngựa và phóng bồ câu đứng trên một bệ đá cao ngay chính giữa bùng binh.

Một số bùng binh khác:

Bùng binh Cây Gõ với tượng đài Lê Lợi – thánh tổ địa phương quân, nay đã được dời về công viên Phú Lâm để xây cầu vượt. Bùng binh nằm nằm ở đường Hồng Bàng – Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2)

Bùng binh trước Bưu điện Chợ Lớn, có tượng đài Phan Đình Phùng – thánh tổ quân cụ

Bùng binh ngã 7 Lý Thái Tổ, có tượng đài Biệt Động Quân:

Bùng binh ngã tư Hồng Bàng – Tổng Đốc Phương (nay là Hùng Vương – Châu Văn Liêm), có tượng đài Chiến sĩ vô danh:

Bùng binh ở Ngã 6 Minh Mạng (Chợ Lớn), có tượng đài An Dương Vương ngày nay vẫn còn. An Dương Vương được xem là Thánh tổ Binh chủng Công binh VNCH.

Bùng binh này nằm giữa 2 đường Nguyễn Tri Phương – Trần Hoàng Quân (nay là Nguyễn Chí Thanh).

Hình ảnh bùng binh khi chưa có tượng đài

chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Chuyện về những bùng binh của Sài Gòn xưa”

Viết một bình luận