Chuyến trăng mật bí mật của “Vua hề” Charlot và Nữ minh tinh Goddard tại Việt Nam năm 1936 qua tư liệu báo chí

Tháng 4 năm 1936, “vua hề Charlot” (tên thật là Charlie Chaplin) đã có chuyến trăng mật cùng vị hôn thê là nữ minh tinh nổi tiếng Hollywood Paulette Goddard sang Đông Dương. Họ ở lại đây hơn 3 tuần và đã ghé thăm nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, vịnh Hạ Long…

Hà Thành ngọ báo số ra ngày 9/4/1936 đưa tin:

Charlot qua Saigon. Đến ngày 15 hay 16 Avril [Tháng 4] này, Saigon sẽ được nở một nụ cười tiếp rước ông vua cười của thế giới là Charlot.

Charlot sẽ đáp bộ ở Singapour qua Xiêm, theo ngả đường ấy mà đi thăm Đế thiên Đế thích, rồi xuống Nam Vang đi Saigon.

Cùng đi với Charlie còn có ba người nữa là cô đào trứ danh Paulette Goddard và song thân của cô đào ấy.

Cô Paulette Goddard là cô đào mới cùng Charlie Chaplin đóng tuồng trong phim “Les Temps modernes”.

Tuy nhiên, khác với dự tính ban đầu, vua hề Charlot đi tàu tới thẳng Sài Gòn rồi mới lên Đế thiên Đế thích (tức đền Angkor bên Cao Miên). Đoàn của Charlot đi tàu Aramis của Công ty Vận tải đường biển (Messageries Martimes) sang Đông Dương cùng mẹ con nữ diễn viên Paulette Goddard và một người bồi (giúp việc) thân tín người Nhật tên là Yonnemori.

Charlot và Paulette Goddard

Có một chi tiết đặc biệt, là thời điểm vua hề Charlot và nữ minh tinh nổi tiếng Hollywood là Paulette Goddard tới Việt Nam năm 1936, mối quan hệ của họ vẫn là sự bí mật, chưa có ai (ngoài gia đình họ) biết được chắc chắn.

Cũng trong năm 1936, họ cùng hợp tác với nhau trong phim Les Temps modernes (Modern Times).

Charlot và Paulette Goddard trong phim Les Temps modernes (Modern Times) năm 1936

Vua hề Charlot và Paulette Goddard tới Việt Nam vào tháng 4 năm 1936, thì cũng trong chuyến đi họ, họ qua Hongkong rồi làm đám cưới bí mật ở Quảng Đông (Trung Quốc) vào tháng 6 năm 1936. Tới lúc đó công chúng thế giới vẫn không biết gì về mối quan hệ của họ.

Mãi tới tận năm 1940, tại buổi ra mắt phim The Great Dictator, Charlot mới lần đầu gọi Paulette là “vợ tôi”, nhưng đó chỉ là lần duy nhất ông nói như vậy trước công chúng, từ đó cho tới khi ly dị, họ vẫn không công khai về tình trạng hôn nhân.

Mối quan hệ của họ vốn bắt đầu từ năm 1932, sau đó Paulette Goddard bí mật chuyển đến sống chung tại nhà của vua hề Charlot ở Beverly Hills. Tròn 10 năm sau đó, vào ngày 3 tháng 6 năm 1942, Goddard đệ đơn ly hôn ở Mexico và được chấp thuận vào ngày hôm sau đó.

Sau ly hôn, họ vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, Paulette vẫn thân thiết với hai con trai lớn của ông Charlot là Charles Chaplin Jr. và Sydney Chaplin.

Trở lại với chuyến đi của Charlot và vị hôn thê Paulette, họ đi trên con tàu mang tên Aramis, cập bến cảng Sài Gòn vào 8 giờ 30 ngày 13/4/1936, qua đêm tại khách sạn lừng danh xứ Đông Dương là Continental Palace.

Continental Palace thập niên 1930

Hà Thành ngọ báo, ngày 19/4/1936 đưa tin:

Một cái tin làm cho những người hâm mộ hát bóng đều quan tâm: Charlie Chaplin tức là chú hề Charlot danh tiếng khắp hoàn cầu đến Saigon.

Quả thật, 8 giờ rưỡi sáng thứ bảy, chú hề Charlot, cô đào Paulette Goddard – hai ngôi sao hát bóng, đã do tàu Aramis của hãng Messageries Martimes đến Saigon.

Tầu vừa cặp bến thì có một số đông người mến danh và muốn thấy mặt “chú hề” đã từng làm cho thế giới cười nôn ruột, đứng chực ở bến.

Cũng có phóng viên các báo đón để chụp hình.

Nhưng hình như mấy người danh tiếng ở Ây, Mỹ đã bị mấy anh phóng viên và thợ chụp hình phá rầy quá tay rồi nên người nào cũng sợ cái “nạn” chụp hình và phỏng vấn lắm, đến đâu họ cũng lo trốn tránh mấy nhà báo như tội nhân trốn lính.

Chú hề Charlot và cô đào Paulette Goddard cũng vậy.

Bởi thế nên chụp hình và phỏng vấn được Charlot không phải là chuyện dễ.

Như tin các báo đã đăng mấy hôm nay, Charlie Chaplin đến Saigon là cốt đi du lịch Đế thiên Đế thích [đền Angkor Wat]. Chàng ta có đem theo một người bồi Nhật Bản, người bồi trung tín đã ở với Charlot từ hồi nào đến giờ.

Vừa bước lên bờ thì họ kéo nhau đến nhà hàng Continental và vẫn cứ tránh mặt không chịu tiếp ai hết.

Nhưng đã quyết gặp mặt chú hề Charlot để hỏi thăm một vài điều cho bạn đọc, thì dẫu chàng ta có sợ bị phỏng vấn như sợ bệnh dịch và lo trốn tránh cách nào, tôi cũng lằm theo ý muốn cho kỳ được.

Chú hề Charlot phải tiếp chuyện tôi trong 15 phút đồng hồ, buổi chiều chủ nhật tại nhà hàng Continental.

Tuy chàng ta cố tránh phóng viên, nhưng khi gặp mặt, bắt buộc phải tiếp, chàng cũng niềm nở, tươi cười, tiếp đãi tử tế lắm.

Charlie Chaplin tôi phỏng vấn chiều hôm nọ, khác hẳn chú hề Charlot trên màn ảnh. Trên màn ảnh, Charlot là một chàng ăn bận lôi thôi, có những cử chỉ quái kỳ, mỗi cái đi đứng, mỗi cái nhăn mặt là làm cho chúng ta phì cười, nói tóm lại, là một anh chàng khôi hài đặc biệt.

Còn đây Charlie Chaplin tuy với chú hề Charlot vẫn là một người, nhưng lại khác cả tâm hồn, khác cả cử chỉ.

Thấy Charlot trên màn ảnh, chắc ai cũng tưởng rằng Charlie Chaplin là người vui vẻ, bộ tịch lăng xăng, nói cười không ngớt.

Sự thật lại khác hẳn. Ngoài màn ảnh, Charlie Chaplin là người trầm tĩnh nghiêm trang, nét mặt hiền từ nhưng lúc nào trông cũng thấy phảng phất một vẻ buồn.

Tôi sực nhớ lại rằng các báo ở Âu châu trước đây đã từng viết rằng cái con người làm cho thế giới vui cười ấy lại phải ở trong cảnh thảm sầu, mặc dầu là giữa muôn triệu…

Trông Charlie Chaplin như kẻ đã chán đời và đã trải qua lầm đoạn đường chua cay, đau đớn… Các báo Âu Mỹ cũng đã cho ta biết rằng những nỗi chua cay đau đớn ấy là vì tình…

[…]

Cái cảm tưởng trước nhất của Charlot khi mới tới Saigon

…Tôi hỏi Charlot cái gì đã khiến chàng ta để ý đến trước nhất khi chàng bước chân đến Saigon.

Charlot trả lời bằng tiếng Anh, vì chàng nói tiếng Pháp không thạo:

– Cái mà tôi để ý đến trước nhất ư? Là sự rất yên tĩnh trong một cuộc biểu tình Cộng sản.
– ?????
– Thật vậy. Sáng nay, lúc ở tầu biển xuống, ô-tô tôi gặp giữa phố Catinat, ngay trước chỗ rạp hát lớn này (Charlot giơ tay trỏ giữa chỗ có xe điện chạy qua) một người cầm giơ chiếc cờ đỏ.

Tôi đã tưởng là tôi sắp “bị rơi” vào giữa một đám biểu tình cộng sản, thì ra tôi tưởng lầm vì người cầm cờ kia chỉ là người gác rào báo cho khách qua đường biết sắp có xe điện chạy qua.

Biết đây trong một phim ảnh sau, Charlot lại không lấy cái chuyện tưởng lầm đáng tức cười bữa ấy mà pha lẫn vào trò.

Nhưng lại còn một tin mới lạ khác về ông vua hề: Charlot sẽ không đóng phim khôi hài nữa. Khi trở về Hollywood, vào quãng tháng Juin [tháng 6], Charlot sẽ sửa soạn đóng một phim “đứng đắn” mà chính chàng ta xếp cảnh.

Như bài báo bên trên nhắc tới, vua hề Charlot tới Sài Gòn đầu tiên, cốt là để sang thăm đền cổ Angkor mà người Việt thời đó gọi là Đế thiên Đế thích, sau đó ông trở về Sài Gòn, lên Đà Lạt chơi rồi nhằm hướng Bắc của Việt Nam đi tiếp.

Trên đường ra Huế, đoàn của Charlot đến Đà Nẵng ngày 23/4, tham quan Ngũ Hành Sơn và bảo tàng Henri Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm).

Bảo tàng Henri Parmentier ở Tourane (nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng)

Sáng 24/4, Charlot ra Huế, hầu như không nhận phỏng vấn. Ông tham quan lăng tẩm ở Huế và Bảo tàng Khải Định cho tới ngày 27/4 thì đi xe hơi ra Hà Nội.

Bảo tàng Khải Định

5 giờ 15 chiều ngày 29 tháng 4 năm 1936, vua hề cùng đoàn tới Hà Nội, trọ tại khách sạn Métropole (nay vẫn còn, là khách sạn Sofitel Legend Metrople Hanoi tại số 15 phố Ngô Quyền). Tối hôm đó, ông có uống nước tại Taverne Royale (Tửu quán Hoàng gia) trên đường Francis Garnier (nay là Nhà Thông tin – Triển lãm ở 93 Đinh Tiên Hoàng).

Taverne Royale (Tửu quán Hoàng gia)

Tại đây, nhiều người đã nhận ra ông và đến xin chữ ký. Nhân dịp đến Hà Nội, Charlot và Paulette Goddard cũng ghé qua hiệu nhuộm Tây Hồ ở số 46 Hàng Trống để mua tơ lụa cùng quần áo làm kỷ niệm.

Hà Thành ngọ báo số ra ngày 29/4/1936 đưa tin: Vua hề Charlot tới Hanoi, như sau:

Sau khi thăm thành phố Huế, vua hề Charlot đến thăm viện Bảo tàng Khải Định rồi đáp ô-tô ra Hanoi cùng cô Paulette Gaddard. Ông đã gọi điện thoại tới khách sạn Métropôle để lấy phòng.

Tại kinh thành Huế, ông Charlie Chaplin ít tiếp khách, không có những cuộc phỏng vấn huyên náo.

Ông đi thăm lăng tẩm và những nơi cổ tích, ông lên ô tô từ biệt thần kinh hồi 10 giờ hôm qua. Qua Cửa Tùng có dừng lại ăn cơm trưa và tối ngủ tại Vinh.

Nếu đi ô tô thì chừng chiều nay khoảng 5 giờ, vua hề Charlot sẽ tới Hanoi, Charlot định ở Bắc Kỳ 3 ngày rồi đi Hạ Long.

[…]

Ngoài ra, Hà Thành ngọ báo ngày 1/5/1936 cũng đưa tin ngắn về cuộc phỏng vấn 5 phút với vua hề Charlot:

…chúng tôi yêu cầu “ngôi sao” ở Hollywood cho chúng tôi được biết cái cảm tưởng ủa ông trong khi đến du lịch xứ Đông Dương.

Vừa nghe hết câu hỏi, Charlie Chaplin lên cái giọng nói rất dịu dàng đáp:

– Đông Dương gây gây cho tôi một cảm tưởng rất sâu xa và trong mắt tôi, xứ này khác hẳn với những xứ mà tôi đã từng du lịch.

Từ Đế thiên Đế thích, qua Ngũ hành sơn; tới Huế rồi ra Bắc kỳ, những đền đài lộng lẫy chìm đắm trong rừng rậm um tùm và núi non liên tiếp làm cho tôi xúc động.

Những nơi tôi vừa đi qua, Java chẳng hạn, cảnh vật tuy đẹp đẽ nhưng không có vẻ âm u như tại Đông Dương. Vẻ âm y đó là chỗ đặc biệt của xứ này mà không bao giờ tôi quên được.

Ở Hà Nội rồi đi tham quan Hạ Long xong, chiều ngày 5/5/1936, Charlie Chaplin và cả đoàn đã đến cảng Hải Phòng để lên tàu Canton đi Hongkong.

Theo đánh giá của phóng viên báo L’Impartial khi gặp mặt Charlie Chaplin ở Hà Nội thì ông là người trầm tĩnh nghiêm trang, nói năng chậm rãi, cử chỉ đoan trang, nét mặt hiền từ nhưng lúc nào trông cũng thấy phảng phất một vẻ buồn”. Nhìn ông “như kẻ đã chán đời và đã trải qua lắm đoạn đường chua cay, đau đớn…”.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận