Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng ở Sài Gòn – Phần 7: Cầu Xóm Chỉ và kinh Tàu Hủ

Bắc qua con kinh Tàu Hủ ở Chợ Lớn, ngoài cầu chữ Y đến nay vẫn còn, và cầu Chà Và đã được xây mới lại, thì có rất nhiều những cây cầu nhỏ hơn nay đã đi vào quên lãng, đó là cầu Bình Tây, cầu Ba Cẳng, cầu Palicao, cầu Gò Công, cầu Malabars, cầu Chữ U, và cầu Xóm Chỉ.

Sài Gòn – Chợ Lớn vào thời thế kỷ 19 được xem là có nền giao thương trên bến dưới thuyền tấp nập với hệ thống kinh (kênh) – rạch chằng chịt.

Từ sông Sài Gòn, đoạn cột cờ Thủ Ngữ rẽ nhánh vào một rạch lớn là rạch Bến Nghé để đi vào Chợ Lớn. Từ rạch Bến Nghé lại chẻ ra nhiều kinh rạch khác, trong đó có rạch Ông Lớn, kinh Tàu Hủ và các con kinh được đào vào đầu thế kỷ 20 là kinh Tẻ và kinh Đôi.

Rạch Bến Nghé – Kinh Tàu Hủ

Khi người Pháp đến, họ gọi chung rạch Bến Nghé (ở phía quận 1) và kinh Tàu Hủ (ở khu Chợ Lớn) bằng cái tên Arroyo Chinois (kinh Người Tàu), vì khu vực này tập trung rất đông đúc những người gốc Hoa sinh sống và làm ăn. Đa số họ là từ Cù Lao Phố ở Biên Hòa, bị quân Tây Sơn tàn phá nhà cửa nên chạy về vùng Chợ Lớn lập nghiệp, xây dựng cộng đồng và tạo nên cơ nghiệp vững mạnh ở dọc hai bờ rạch, ghe thuyền tấp nập thu hút dân thương hồ ở tứ xứ tụ hợp về đây, họ gọi vùng này là Đề Ngạn, người Việt gọi là kinh Tàu Hủ.

Arroyo Chinois (Kinh Tàu Hủ) năm 1902

Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết cuối thế kỷ 19) thì đoạn đường dọc hai bên rạch đi qua Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, đó là cách người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (khu nhà gạch), sau người Việt nói trại âm thành Tàu Hủ.

Cây cầu đầu tiên bắc qua kinh Tàu Hủ là cầu Chữ Y, ᴄùng lúᴄ vượt trên ngã ba ᴄủa ba nhánh kinh Tẻ, kinh Đôi và kinh Tàu Hủ, đã được chuyenxua.vn nhắc đến ở trong bài viết trước.

Trong phần tiếp theo của loạt bài viết về những cây cầu Sài Gòn, xin nhắc đến cây cầu thứ 2 bắc qua kinh Tàu Hủ, đó là cầu Xóm Chỉ.

Đây là một trong 3 cây cầu đầu tiên mà người Pháp làm trên kinh Tàu Hủ (tính từ đoạn kinh Đôi đến kinh Lò Gốm) từ cuối thế kỷ 19, hai cây cầu còn lại là cầu Bình Tây và cầu Malabars. Dù là cây cầu nhỏ nhưng cầu Xóm Chỉ tồn tại đến 100 năm, từ những năm cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Từ trong tấm bản đồ Chợ Lớn năm 1895 đã thấy sự hiện diện của cây cầu này trên kinh Tàu Hủ:

Cây cầu mang tên đặc biệt này bởi vì nó bắc từ Xóm Chỉ qua bên Xóm Đầm ở hai bên bờ kinh. Theo học giả Vương Hồng Sển, nguồn gốc của cái tên xóm chỉ là vì dân cư ở nơi này ngày xưa chuyên bán kim chỉ may đồ.

Bãi tắm ngựa dưới chân cầu Xóm Chỉ những năm đầu thế kỷ 20

Cầu Xóm Chỉ nằm ở ngay đầu đường Tản Đà (Q5), nối qua bên kia là đường Nguyễn Quyền (Q8). Cầu nhỏ nhưng làm khá cao để tàu bè qua lại dễ dàng bên dưới. Ở hai bên đầu cầu có lối đi bậc thang, vì vậy cầu chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp, phải khiêng xe lên vai, leo dốc thẳng đứng lên cầu.

Ngược thời gian trở về thời điểm quân Pháp đánh Sài Gòn năm 1859, đường Tản Đà vốn là một con rạch nhỏ, khi đó con tàu Pháp mang tên Jaccaréo đã thả neo ở ngay vị trí này để hỗ trợ chiếm đồn Cây Mai. Vì vậy sau này khi lấp rạch làm đường ở đây, người Pháp đặt tên cho con đường này là Jaccaréo, khi đó là con đường khá lớn so với xung quanh. Năm 1955, đường đổi tên thành đường Tản Đà, đến nay vẫn giữ nguyên tên, nhưng đường Tản Đà hiện nay thuộc dạng nhỏ và hẹp.

Từ trên cầu Xóm Chỉ nhìn về đường Jaccaréo. Cuối đường này sẽ là trường tòa hành chánh của thành phố Chợ Lớn, sau này trở thành trường đại học Y Khoa Sài Gòn

Từ trên cầu Xóm Chỉ nhìn về phía quận 8, đường Nguyễn Quyền. Con đường đi ngang là Bến Bình Đông (tên thời Pháp là quai des Jonques.

Ở đầu đường Jaccaréo, ngay chân cầu Xóm Chỉ từng có một trạm xe điện, gọi là trạm Jaccaréo.

Trạm xe điện đầu đường Jaccaréo (Tản Đà)

Trạm xe điện này nằm trên tuyến đường xe điện Sài Gòn đi Chợ Lớn dọc theo Đường Dưới (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt. Tên đường này là để phân biệt với Đường Trên, ứng với đường Nguyễn Trãi ngày nay).

Thời Pháp, con đường dọc theo rạch Bến Nghé – kinh Tàu Hủ (Võ Văn Kiệt ngày nay) mang tên lần lượt là Quai de l’Arroyo Chinois (sau đổi thành Quai de Belgique), Quai de Choquan (Chợ Quán), Quai de Mytho (Mỹ Tho). Đến 1955, đường Quai de Belgique đổi tên thành Bến Chương Dương, Quai de Choquan đổi tên thành Bến Hàm Tử, và Quai de Mytho đổi tên thành Bến Lê Quang Liêm. Vị trí đầu cầu Xóm Chỉ này (đầu đường Tản Đà) chính là ranh giới của 2 đường Bến Hàm Tử và Bến Lê Quang Liêm (sau 1985 Bến Lê Quang Liêm đổi tên thành Bến Trần Văn Kiểu). Sau khi đại lộ Đông Tây được hoàn thành vào năm 2011 thì 3 con đường này nhập lại thành đại lộ Võ Văn Kiệt.

Toàn cảnh đoạn cầu Xóm Chỉ, kinh Tàu Hủ. Bên trái là bến Hàm Tử/bến Lê Quang Liêm, bên phải là bến Bình Đông. Đoạn đường cong cong góc dưới bên trái là đường Gaudot (sau 1955 là đường Khổng Tử, sau 1975 đến nay là đường Hải Thượng Lãn Ông)

Trụ điện tín dưới chân cầu

Đến khoảng đầu thập niên 1990, có một vụ cô gái chán đời nên nhảy xuống kinh Tàu Hủ, người dân hiếu kỳ leo lên kín cầu Xóm Chỉ để xem, làm cho sập cầu và nhiều người bị rớt xuống dòng kinh đen ngòm.

Bên dưới chân cầu

Một số hình ảnh của cầu Xóm Chỉ:


Ở phần sau, loạt bài viết này sẽ tiếp tục tìm hiểu về những cây cầu nổi tiếng khác trên kinh Tàu Hủ là cầu Chà Và, cầu Bình Tây, cầu Ba Cẳng…

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng ở Sài Gòn – Phần 7: Cầu Xóm Chỉ và kinh Tàu Hủ”

Viết một bình luận