Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng nhất Sài Gòn – Phần 4: Cầu Nhị Thiên Đường – Cây cầu mang tên nhãn hiệu dầu gió

Người Sài Gòn xưa có câu nói về những cây cầu nổi tiếng nhất của vùng đất này là “Nhất Y, nhì Mống, tam Bông, tứ Đường, năm Nghè, sáu Lợi”. Sau 3 phần đầu nói về cầu chữ Y, cầu Mống và cầu Bông, ở phần tiếp theo của loạt bài những cây cầu nổi tiếng nhất Sài Gòn, xin nói về cầu Nhị Thiên Đường.

Những người từng sống ở Sài Gòn xưa, có lẽ nhiều người đã từng nghe đến câu nói vui cửa miệng: Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá”.

Về ý nghĩa của câu này, Nhất dương chỉ là môn võ tuyệt luân của dòng họ Đoàn trong truyện kiếm hiệp Kim Dung là Thiên Long Bát Bộ (thời xưa được dịch đăng báo ở Sài Gòn với cái tên Lục Mạch Thần Kiếm), còn Nhị Thiên Đường là loại dầu gió phổ biến nhất của Việt Nam thời xưa.

Ngoài ra, Nhị Thiên Đường còn là tên cây cầu nổi tiếng được xây dựng từ năm 1925 ở Chợ Lớn. Sẽ có người thắc mắc là dầu Nhị Thiên Đường có liên quan gì đến cây cầu nổi tiếng trùng tên hay không, và tên nào có trước? Theo sử liệu để lại thì có, và tên cây cầu được đặt theo tên nhãn hiệu dầu gió Nhị Thiên Đường của gia tộc gốc Quảng Đông họ Vi khai sinh ở Chợ Lớn những năm đầu thế kỷ 20.

Cầu Nhị Thiên Đường được xây dựng từ năm 1925, dài khoảng 1km, nằm trên đường Tùng Thiện Vương và bắc qua kênh Đôi thuộc địa bàn Quận 8.

Dù cầu Nhị Thiên Đường được Pháp xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của những cây cầu sắt, nhưng nó mang dấu ấn đặc biệt với kết cấu hoàn toàn bằng bê tông cốt thép. Nét kiến trúc nổi bật của cầu Nhị Thiên Đường là hai hàng cột màu xanh, xếp song song, từ đầu đến cuối 2 bên thành cầu.

Ngoài ra, phần mái vòm dưới dạ cầu cũng được thiết kế theo nhiều cây cầu hiện đại của Pháp vào thời điểm đó, tạo nên sự khác biệt giữa Nhị Thiên Đường với các cây cầu khác sau này.

Cầu Nhị Thiên Đường ngày xưa

Năm 2003, cầu Nhị Thiên Đường xuống cấp, thành phố đã cho xây dựng thêm 1 cây cầu mới song song với cầu cũ và đặt tên là Nhị Thiên Đường 2 để giảm tải, cây cầu cũ được gọi là Nhị Thiên Đường 1.

Sau gần 1 thế kỷ, cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, phương án ban đầu là tháo bỏ và xây dựng cây cầu mới với kiến trúc giống với cầu Nhị Thiên Đường 2. Tuy nhiên việc này gặp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều người về việc sẽ làm mất đi một di tích lịch sử hàng trăm năm. Cuối cùng cầu Nhị Thiên Đường 1 được xây lại hoàn toàn mới, với kiến trúc giữ một phần của cầu Nhị Thiên Đường cũ, đó là hàng cột màu xanh hình thanh kiếm như nguyên thủy.

Về nguồn gốc tên gọi cầu Nhị Thiên Đường, có các giả thuyết khác nhau và không thống nhất.

Từ 100 năm trước, dầu gió nhãn hiệu Nhị Thiên Đường có hai cơ sở ở Chợ Lớn là “Nhị Thiên Đường Dược Hành” ở số 47 Canton (nay là đường Triệu Quang Phục – Q5), là tổng đại lý, còn cơ sở sản xuất được gọi là “Nhị Thiên Đường Chế Dược Xưởng” ở đường des Marins (nay là góc đường Trần Hưng Đạo B – Nguyễn Văn Đừng).

Trụ sở Nhị Thiên Đường ở số 47 Canton, nay là đường Triệu Quang Phục

Công nhân ở phía ngoại thành muốn vào làm việc đều phải đi đò qua Kênh Đôi để đi về phía cầu Chà Và, mất nhiều thời gian.

Ông chủ của Nhị Thiên Đường lúc đó là Vi Thiều Bá (có nơi ghi là Vi Thiếu Bá) quyết định góp tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ để xây nên cây một cây cầu qua kênh đôi để dân chúng (trong đó có các công nhân của Nhị Thiên Đường) thuận tiện đi lại.

Thông tin khác nói rằng kinh phí xây cầu đều do chính phủ Nam Kỳ lúc đó bỏ ra, ban đầu cầu này mang tên là Cầu Mới, nhưng do ở gần chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Đường. Trước đây địa điểm này được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Đường, nên khi xây cầu xong người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Đường đặt cho cây cầu, lâu dần thành tên chính thức

Không rõ trong các giai thoại trên cái nào là chính xác nhất nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Đường của ông Vi Khai.

Ông Vi Thiều Bá (Vi Khai)

Thời xưa, dầu Nhị Thiên Đường được dân chúng gọi là “dầu trị bá bệnh”, vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai bên thái dương, ho thì thoa lên cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ ở đâu thì thoa ở đó, nếu bị côn trùng cắn hay là dị ứng cũng thoa lên da.

Không chỉ dùng ngoài ra, dầu còn dùng cho vết thương hở, như là bị mèo cào, gai xước, chảy máu… thì dầu này cũng như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Ngay cả sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức.

Thậm chí là chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng mà uống, hoặc là nếu cần xông hơi trị cảm thì khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong. Thật đúng là một loại thần được chữa bách bệnh.

Người đã đưa nhãn hiệu dầu Nhị Thiên Đường lên đỉnh cao suốt nhiều thập kỷ là Vi Thiều Bá (tự là Vi Khai). Cha của ông là Vi Kính Trang, vốn là người huyện Tam Thủy, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, đến Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 và hành nghề bói toán. Ông lấy vợ người Việt, sinh ra con trai là Vi Thiều Bá. Vì tinh thông về y thuật nhờ học lại từ cha của mình là Vi Tế Sanh, ông Vi Kính Trang sáng lập dòng thuốc “Hiệu ông Phật” ở Chợ Lớn, sau đó truyền lại nghề cho con trai.

Ông Vi Thiều Bá tốt nghiệp trường kinh doanh và trường trung cấp y khoa của Pháp; thông thạo tiếng Pháp, Anh, Việt, Trung. Nhà thuốc được thành lập sau khi ông du học trở về Việt Nam. Ông này quan niệm “ân dĩ thực vi thiên (lời trong Đạo đức Kinh của Lão Tử), “dĩ dược vi đệ nhị thiên” (dân coi miếng ăn như trời, coi thuốc là trời thứ 2), nên đã lấy tên Nhị Thiên Đường, vẫn kế thừa nhãn ông Phật của cha. Từ đó cái tên Nhị Thiên Đường tồn tại ở Sài Gòn – Chợ Lớn suốt 100 năm qua.

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng nhất Sài Gòn – Phần 4: Cầu Nhị Thiên Đường – Cây cầu mang tên nhãn hiệu dầu gió”

  1. Tôi rất yêu thích bài này với nội dung cùng tâm trạng của mình, đặc biệt giọng ca của cố ca sĩ Lệ Thu. Ở VN tôi được nghe băng nhạc vào năm 1992 khi tôi chọn ” nhạc hải ngoại, giọng Lệ Thu” . Phải nói tôi ghiền bài này như người nghiện morphine. Tôi đã nghe và chép lại trên giấy để học thuộc ( lúc bấy giờ chưa có karaoke). Cảm ơn tác giả và cố ca sĩ LT!

    Trả lời

Viết một bình luận