Ca sĩ Julie và hoàn cảnh sáng tác 2 bài hát bất tử Mùa Thu Chết – Trả Lại Em Yêu

Ca sĩ Julie (trước 1975 có nghệ danh là Julie Quang) là một nữ ca sĩ nổi tiếng trước 1975 được yêu mến với giọng hát rất đặc biệt, được mô tả là liêu trai và đầy mê hoặc. Ngoài ra, 2 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy là Mùa Thu ChếtTrả Lại Em Yêu đã gắn liền với ca sĩ Julie, không chỉ là người hát đầu tiên, mà Julie còn liên quan mật thiết đến hoàn cảnh ra đời của 2 bài hát.


Click để xem Julie trình diễn bài Mùa Thu Chết trên Asia

Ca sĩ Julie sinh ngày 18 tháng 1 năm 1951 mang hai dòng máu Việt và Ấn, nói và hát được thông thạo cả 2 tiếng Pháp và Anh. Cô là con cả trong một gia đình gồm sáu chị em. Mẹ của Julie là bà Nguyễn Thị Hoài người ở Cần Thơ, là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ca khúc mang tên Mái Tóc Chị Hoài.


Click để nghe Julie hát Mái Tóc Chị Hoài

Cha Julie là lính trong quân đội viễn chinh Pháp, lúc cô mới 11 tháng thì cô và mẹ cô phải theo cha sáng Pondichery, Ấn Độ. Sau năm năm, mấy mẹ con phải quay về lại Việt Nam sống với ông bà ngoại ở Cần Thơ.

Julie kể trong hồi ký rằng mẹ cô một mình nuôi các con ăn học, và cho dù rất nghèo, thiếu thốn đủ thứ nhưng người mẹ vẫn tằn tiện cho con theo học trường Pháp vì không muốn con mình bị thiệt thòi, và không hề tiếc tiền khi phải chắt chiu từng đồng mua cho cô rất nhiều bài nhạc hoặc tuyển tập thuộc dạng xa xỉ để nuôi dưỡng âm nhạc trong con người Julie từ thuở thiếu thời. Sau đó, Julie đã chính thức bước vào con đường nghệ thuật với sự ủng hộ hết mình của người mẹ.

Từ cuối thập niên 1960, Julie hát nhạc ngoại tại các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất… trong một số ban nhạc trẻ, trong đó có ban The Free Ones. Cũng trong ban nhạc này, Julie đã gặp ca sĩ Duy Quang, họ cùng nhau hát chung tại Nha Trang trong khoảng thời gian 1968-1970 và trở thành một cặp đôi đẹp cả trên sân khấu lẫn ngoài đời.

Thời gian sau đó, qua sự quen biết với Duy Quang, Julie được nhạc sĩ Phạm Duy khuyến khích và dẫn dắt để chuyển sang hát nhạc Việt, và ca khúc được thu dĩa đầu tiên của Julie chính là ca khúc định mệnh Mùa Thu Chết, gắn liền với tên tuổi của cô suốt 50 năm qua. Nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác Mùa Thu Chết riêng cho tiếng hát Julie, và trong cùng thời điểm đó, cũng chính ông đã đặt cho Julie cái nghệ danh mới là Julie Quang.

Khi thu âm bài Mùa Thu Chết, bà Sáu Liên (chủ hãng dĩa Việt Nam) yêu cầu ca sĩ phải có tên tiếng Việt để in trên bìa dĩa, và nhạc sĩ Phạm Duy đã ghép thêm tên Quang (tức Duy Quang) vào bên cạnh Julie, như là ngầm ý chúc phúc cho đôi uyên ương thuở ấy.

Julie nói về bài hát như sau: “Mùa Thu Chết là một kết hợp của Thi Ca – East meets West (Đông Tây gặp gỡ) – thai nghén và sinh ra bởi những cổ thụ như Apolinaire, Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu thời thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy…”


Click để nghe Mùa Thu Chết bản thu trong dĩa nhựa năm 1970 của Julie

Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, Julie kể trong hồi ký rằng vào năm 1970, thời điểm cô bắt đầu được nhạc sĩ Phạm Duy dẫn dắt để chuyển sang hát nhạc Việt, cô không biết Bùi Giáng là ai, dù lúc đó ông đã là một thi sĩ lừng lẫy.

Một hôm Bùi Giáng đến thăm Phạm Duy, nhạc sĩ khoe với thi sĩ: “Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát cho Toi nghe! Julie, con hát bài “Vòng Tay Nữ Sinh” và bài “Hai Khía Cạnh Cuộc Đời nhé!” (Đó là 2 ca khúc nhạc ngoại lời Việt của Phạm Duy, tên gốc là To Sir With Love và Both Sides Now).

Trong lúc Julie hát thì Bùi Giáng cầm cây bút chì hí hoáy vào một tờ giấy… Rồi ông khen Julie hát hay, và nói: “Ông và Bố sẽ có bài hát dính liền với tên con!”

Khi Julie đang hát thì thi sĩ dịch bài thơ L’autaumne est morte của Guillaume Apolinaire ra tiếng Việt ngay tại chỗ, rồi chỉ nửa tiếng sau đó nhạc sĩ Phạm Duy đã cho ra đời ca khúc Mùa Thu Chết để dành riêng cho giọng hát Julie:

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo,
Em nhớ cho mùa thu đã ᴄhết rồi”


Click để nghe Julie hát năm 1992

Ca khúc Mùa Thu Chết cũng là bài nhạc Việt đầu tiên nhạc Việt đầu tiên mà Julie thu trong dĩa hát, gắn liền với tên tuổi của cô suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, Julie nói rằng trong tất cả những bài đã từng hát, cô ấn tượng nhất, không phải là Mùa Thu Chết, mà là Trả Lại Em Yêu.

Khi nói về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, Julie cho biết từ đầu thập niên 1970 cô đi hát trong ban nhạc gia đình The Dreamers của gia đình họ Phạm (gồm Julie và các anh em Duy Quang, Minh, Hùng Cường). Ngày 2 buổi đến phòng trà và về nhà vào mỗi đêm, các thành viên trong ban The Dreamers đều đi trên con đường Duy Tân, nên con đường này trở nên rất thân thuộc, sự thay đổi của từng góc cây ven đường cũng có thể nhận ra. Julie nói rằng mỗi đêm đi hát về được đi trên con đường này, cô cảm thấy rất thoải mái và được thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Đường Duy Tân xưa

Mỗi ngày đi ngang qua trường Luật trên đường Duy Tân, Julie để ý ở góc cây đối diện trường, đêm nào cũng có một cô gái mặc áo dài trắng đứng nhìn qua trường luật, có lẽ trong lòng mang nhiều tâm sự. Ngày nào đi hát về ban đêm cũng thấy cô đứng đó, lặng thinh, suốt một thời gian dài.

Tôi từng đặt câu hỏi trong đầu: Cô chờ ai? Và phải chờ đợi một mình như thế bao lâu? Cô ta không sợ một mình trong bóng đêm? Đã có lúc tôi ngỡ cô là bóng ma trên con đường Duy Tân! (Julie)

Rồi bỗng đến một ngày không còn thấy cô gái đứng đó nữa, Julie cảm thấy có chút hụt hẫng trong lòng, dâng trào cảm xúc, mới biết là hình dáng người con gái mong manh trong đêm tối đó đã trở nên thân thuộc với mình, đến khi không còn thấy nữa thì cảm thấy như có sự thiếu vắng. Cô về nói lại với bố chồng là nhạc sĩ Phạm Duy tâm trạng đó của mình và đề nghị ông đưa con đường Duy Tân vào trong âm nhạc.

Ngày hôm sau, nhạc sĩ hỏi Julie một số thông tin để làm chất liệu cho bài hát viết về tình yêu tuổi trẻ, hỏi rằng ở đó có gì đặc biệt để đưa vào nhạc, giới trẻ ra khu vực đó thường làm những gì. Julie trả lời lại rằng ở đó có trường đại học, có hàng quán, có cư xá Duy Tân… Và đó chính là những hình ảnh được nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào nhạc:

Trả lại em yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn


Click để nghe Julie Quang hát Trả Lại Em Yêu trước 1975

Cũng trong thời gian này, Julie Quang và Duy Quang là cặp đôi đẹp dưới cả ánh đèn màu và cả dưới ánh mắt của những người hâm mộ tiếng hát họ. Họ có chung một người con gái tên Phạm Lylan.

Nhưng rồi, Julie đã chia tay với Duy Quang một cách bất ngờ mà theo Duy Quang tâm sự: “Do khi ấy chúng tôi còn quá trẻ, chẳng có kinh nghiệm trong đời, huống gì tính đến chuyện trăm năm”.

Họ ly thân với nhau, Julie Quang lấy lại tên Julie, rồi tách khỏi nhóm The Dreamers, thay thế Julie trong Dreamers là cô em Thái Hiền của Duy Quang. Mùa Giáng Sinh năm 1974, Julie sang Pháp du lịch và ở lại đây luôn khi mà Miền Nam sụp đổ chỉ sau đó vài tháng.

Sau năm 1975, Duy Quang kẹt lại trong nước, và dù đã ly thân nhưng Julie đã tìm mọi cách để giúp Duy Quang rời Việt Nam. Năm 1978, Julie bảo lãnh Duy Quang sang Pháp, rồi đến năm 1982 thì họ mới chính thức chia tay.

Tại hải ngoại, Julie thu âm rất nhiều CD trong trung tâm Thanh Lan và xuất hiện trên video Asia.

Năm 1997, mẹ của Julie qua đời. Vì mất đi người có ảnh hưởng lớn lao nhất đối với cuộc đời, sau đó không lâu thì Julie cũng chọn rời xa sân khấu khi chưa đến 50 tuổi. Giải thích cho việc này, cô nói rằng đã mất đi niềm đam mê và tha thiết với âm nhạc. Có lẽ là vì mẹ chính là người đã gầy dựng đam mê âm nhạc cho Julie, nên khi mẹ không còn thì niềm tha thiết đó cũng đã đi theo.

Khi Duy Quang lâm bệnh nặng hồi năm 2012, Julie là người kề cận chăm sóc Duy Quang vào những giờ phút cuối cùng.

Nhiều năm qua, Julie chọn sống lặng lẽ bên căn nhà và mảnh vườn nhỏ có đủ loại cây trồng, bình an nhìn ngày tháng đi qua.

Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận