Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo nổ rượu hồng
Đó là những câu hát đầu tiên trong bài nhạc xuân quen thuộc Câu Chuyện Đầu Năm của nhạc sĩ Hoài An mà hầu như mọi người Việt Nam đều biết tới. Bài hát nói về một phong tục được lưu truyền qua nhiều đời nay của người Việt, đó là đi lễ đầu năm.
Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới, người Việt thường đi lễ chùa với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Ngay sau giờ phút đón giao thừa, nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Lúc này, khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các đền, chùa, sân đình bỗng trở nên đông đúc và nhộn nhịp bước chân người.
Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nhìn chung khi đến sân chùa, cổng đình, được hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người đều cảm nhận được sự giao hòa của trời – đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Tấm hình dưới đây được chụp cách đây tròn 60 năm, vào dịp xuân Nhâm Dần năm 1962, ghi lại hình ảnh 2 cô gái Sài Gòn đang đi lễ ở Lăng Ông. Tấm hình được đăng trên bìa 4 của tạp chí Sáng Dội Miền Nam vào đầu năm 1962 này gần đây xuất hiện trên một tờ báo mạng với lời chú thích rằng đây là những cô gái Hà Nội đi lễ đầu xuân, làm cho mạng xã hội “dậy sóng” vì nhiều người đăng tải lại để đính chính về nguồn gốc tấm ảnh.
Có thể nhận biết địa điểm mà 2 cô gái (nay có lẽ đã ngoài 80, hoặc là đã thành thiên cổ) trong hình này là Lăng Ông dựa vào cái lư hương lớn màu đen để giữa sân miếu để khách thập phương tới hương khói.
Người Sài Gòn từ vài trăm năm qua, không chỉ có thói quen đi lễ chùa đầu năm, mà còn có địa điểm quen thuộc khác là Lăng Ông (lăng tả quân Lê Văn Duyệt) ở Bà Chiểu thường tấp nập người đi lễ, vì nơi này được biết đến như là chốn rất linh thiêng.
Tả quân Lê Văn Duyệt là tổng trấn thành Gia Định, một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn, là tướng tài của vua Gia Long. Khi ông mất, dân gian xem ônɡ như một νị thần ᴄhứ khônɡ ᴄòn là một νị tướnɡ qᴜân thônɡ thườnɡ, νì νậy νiệᴄ thờ ᴄúnɡ νà tế lễ ônɡ tại lănɡ manɡ nɡhi thứᴄ thờ thần νà tế thần.
Hàng năm, tại lăng đều tổ chức lễ giỗ Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt rất long trọng, số người dự hội lên đến hàng chục vạn, không chỉ người địa phương mà cả khách tỉnh xa cũng về dự hội. Trong số người đi lễ Lăng Ông thì số lượng người Hoa chiếm khoảng phân nửa, bởi họ đến dâng hương để tạ ơn một vị phúc thần, vì lúc sinh thời làm tổng trấn Gia Định, tả quân đã có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Hoa làm ăn, an cư lạc nghiệp trên quê hương thứ hai sau khi chạy loạn.
Sau đây là một số hình ảnh đi lễ Lăng Ông đầu xuân năm xưa:
Đôi nét về việc tế lễ ở Lăng Ông:
Kể từ năm 1849 đến 1914, hàng năm miếu thờ Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt đều có tế lễ do hương chức làng Bình Hòa đảm nhiệm, với huê lợi từ mấy chục mẫu ruộng nằm kế bên mộ, từ lăng mộ đến Cầu Bông. Đến năm 1914, Hội Thượng Công quí tế ra đời lãnh trách nhiệm thờ cúng, tế lễ, trùng tu thay cho hương chức làng Bình Hòa (khi ấy gọi là Bình Hòa xã).
Cũng trong thời gian này (khoảng đầu thế kỷ 20), tương truyền có một gia đình người Hoa có danh tiếng ở Chợ Lớn có người con đi lạc mất, tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, họ đã tới lăng cầu khấn thì được biết (qua lá xăm) rằng người con vẫn còn ở Sài Gòn và sẽ trở về nhà sau ba ngày nữa.
Sự việc xảy ra quả đúng như vậy nên gia đình này đã tạ ơn bằng cách dâng cúng một số tiền để sơn phết lại Lăng Ông cho đẹp hơn.
Sự linh thiêng của Lăng Ông sau đó ngày càng nhiều hơn, thậm chí người ta nói rằng, khi có những đám đông lớn như đám tang, đám cung nghinh, thỉnh sắc… đi ngang Lăng đều phải vào Lăng tạ Ông mới đi qua được.
Hội Thượng Công Quí Tế chánh thức thành lập ngày 16-1-1914 với bổn phận phụ trách việc thờ cúng, trùng tu lăng và không có phụ cấp.
Ban quản trị đầu tiên của Hội này là nhiệm kỳ 1914-1922, đến nhiệm kỳ thứ 2 là 1922-1932 thì hoạt động của Hội cũng như thờ cúng tế lễ được đi vào nề nếp, có biên bản họp, có con dấu thành lập tủ đựng tiền quyên góp, có người bàn xăm… Cũng trong nhiệm kỳ này, Lăng Ông được trùng tu năm 1925.
Nhiệm kỳ thứ 3 là từ 1932-1953, ó bảng cẩm thạch để kỷ niệm ghi tên những người có tên tuổi đóng góp việc trùng tu. Năm 1937, xây cất toàn diện lại miếu với phí tổn 30.000 đồng với lễ khánh thành được tổ chức linh đình với một chương trình Hát Bội bảy ngày liền từ 21 đến 27-6-1937. Năm 1948, Hội xây lại vòng thành Lăng và năm 1949, xây lại cửa tam quan của Lăng, xây cất chánh điện và hai bên Đông lang Tây Lang, xây phòng khánh tiết để tiếp khách.
Nhiệm kỳ thứ 4 là từ 1953-1961 được bầu do đích thân Tỉnh trưởng tỉnh Gia Định là Ông Nguyễn Văn Điệu điều khiển. Từ đó về sau, Lăng được trùng tu ngày càng đẹp hơn. Hàng năm vào ngày mùng 2 tết, Lăng nghi ngút khói hương do bá tánh từ thập phương kéo đến cúng bái.
Ngoài ra, hàng năm tại Lăng Ông đều có tổ chức lễ giỗ Tả Quân Lê Văn Duyệt long trọng, vào các ngày 29 hoặc 30 tháng 7, mồng 1 và 2 tháng 8 âm lịch. Lễ giỗ được cử hành theo nghi thức cấp tiểu cung đình triều Nguyễn, lễ tế do Ban Quý Tế Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt thực hiện. Ngoài lễ tế, còn có lễ xây chầu – đại bội và lễ Tôn Vương, diễn những vở tuồng xưa để phụng cúng Đức Tả Quân và bá tánh thưởng thức,
Tổng hợp