Việc làm ruộng, trồng lúa gạo của người Việt 100 năm trước qua bộ ảnh hiếm

Theo các tài liệu khảo cứu, khu vực đồng bằng sông Hồng được bồi tụ bởi phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình chính là nơi tụ cư đầu tiên của người Việt cổ. Tổ tiên người Việt cũng là những người đầu tiên thuần hóa cây lúa dại thành cây lúa trồng.

Người Việt tận dụng ưu thế điều kiện tự nhiên của một xứ nóng ẩm, mưa nhiều, nhiều ao hồ, sông nước, nên đã chọn nghề trồng lúa nước để sinh sống. Cũng rất tự nhiên, người Việt lấy lúa gạo làm nguồn lương thực cơ bản, trồng rau củ và đánh bắt cá theo mô hình tự cung tự cấp. Do đó, bữa ăn của người Việt chủ yếu là: cơm (nấu từ lúa gạo) và các loại rau, thuỷ sản.

Theo thời gian, những vựa lúa lớn ở Việt nam ở khu vực đồng bằng sông Hồng ở phía bắc, khu vực đồng bằng ở Bắc Trung bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Bộ đều có tỷ lệ đông đảo người Việt định cư và trồng lúa.

Ruộng lúa bên cầu Doumer năm 1915 (nay là cầu Long Biên)

Ngay từ thập niên 1920 dưới thời Pháp thuộc, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lên tới khoảng 2 triệu tấn, là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới.

Nghề làm ruộng, trồng lúa gạo ở Việt Nam thời điểm đầu thế kỷ 20 đã được Phan Kế Bính kể như sau:

Nước ta là nước Nông quốc, nghĩa là lấy việc làm ruộng làm gốc sinh nhai. Địa thế nước ta có 2 đại bình nguyên rải theo 2 dọc sông Cửu Long và sông Nhĩ Hà (sông Hồng). Đất tốt màu mỡ, lại là xứ nhiệt đới, cây cối dễ mọc, mà người thì ít đất thì nhiều, cho nên xưa nay chỉ lấy việc cày cấy làm trọng hơn cả.

Ruộng chia làm hai vụ: cày cấy từ tháng 5 tháng 6, đến tháng 8 tháng 9 được gặt gọi là vụ mùa, cày cấy từ tháng 1 tháng chạp đến tháng tư tháng 5 năm sau được gặt, gọi là vụ chiêm. Cũng có nhiều ruộng làm được cả 2 vụ, có ruộng chỉ cấy 1 vụ, còn 1 vụ thì trồng hoa màu.

Nhà làm ruộng rất là gian khổ. Đầu tiên cày vỡ, bừa cỏ rồi đến gieo mạ cấy lúa. Cày hôm cuốc sớm, vất vả quanh năm, nào khi làm cỏ, nào khi tát nước; trời nắng chang chang, xém cả da cháy cả thịt cũng phải lọm cọm ở giữa cánh đồng, qua sang đông thì trời rét như cắt thịt, xẻo da mà cũng phải dầm chân xuống nước. Nói rút lại thì nghề nghiệp nước ta, không nghề gì khó nhọc bằng nghề làm ruộng.

Cái cảnh nhà làm ruộng của ta chẳng còn nước nào khổ hơn. Song cũng lắm lúc vui thú mà vui thú thật. Xem những lúc cất gặt, chỗ túm năm, chỗ tụm ba đua ganh nhau làm ăn, câu chuyện pha trò, tiếng cười hể hả làm cho quên sự mệt nhọc mà sinh vui. Nhất là đi những quãng đồng thanh vắng thỉnh thoảng được nghe mấy câu hát ví của các cô cấy mạ, tiếng vang lanh lảnh, gió đưa như rót vào tai, khiến cho lòng người bát ngát. Những lúc mùa màng lúa chín, đi hai bên bờ ruộng gió đưa thơm đến mũi, sướng biết là dường nào. Lại những khi chiều hôm gió mát, mấy đứa mục đồng ngồi trên lưng trâu thả cánh diều nhỏ, xem dáng nó ung dung đắc ý thì lại thêm vui cho tai mắt mình hơn nữa. Cho nên lại có câu “Điền gia lạc thú” thì tưởng ra không nghề gì vui bằng nghề làm ruộng.

Duy phải một điều là nghề làm ruộng của ta phần nhiều nhờ ở trời, phần chắc ở sức mình thì ít. Có câu tục ngữ rằng: “Mồng chín tháng chín có mưa, mẹ con đi sớm về trưa mặc lòng”; lại rằng: “Mồng chín tháng chín không mưa, mẹ con bán cả cày bừa mà ăn”. Xem vậy thì biết ta không chịu dùng sức người để tranh quyền tạo hóa, cũng vì nông học của ta chưa mở mang.

Ta lại phải một điều nữa là cách thức làm ruộng từ xưa thế nào, bây giờ vẫn giữ lối ấy, không ai trù nghĩ được cách nào tiện lợi hơn. Mà đất sơn lâm bỏ hoang còn nhiều, chưa khai khẩn được hết.

Ít năm nay nhờ có nhà nước mở mang, đa khai phá được nhiều nơi hoang địa, và lại nhờ có cơ khí cày bừa tiện hơn xưa, nhờ có đào kinh xẻ lạch, tiện bề lấy nước và tháo nước. Lại dạy cho ta cách lựa giống, cách bón màu, chẳng bao lâu ta theo được phép canh nông, thì việc làm ruộng của ta chắc mỗi ngày một phát đạt.

Nghề trồng ruộng cũng đi vào trong ca dao Việt Nam với 2 câu rất quen thuộc với tất cả mọi người: Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.

Sau đây là bộ ảnh làm ruộng của người Việt 100 năm trước (thập niên 1920):

Một trong những công việc đầu tiên của việc làm ruộng là cày, để lật những lớp đất màu mỡ nằm sâu bên dưới lên trên để canh tác. Ngày xưa con trâu là đầu cơ nghiệp, làm công việc nặng nhọc là cày ruộng. Một số vùng cho bò đực cày, còn nhà nghèo không có trâu bò thì con người làm thay việc ấy

Sau khi cày xong thì công đoạn tiếp theo là bừa ruộng để cho đất tơi xốp, bằng phẳng
Việc bừa đất sẽ đánh động tới hang ổ của cá cua, nên phái trước là trâu bừa, phía sau có người mang theo cái nơm bắt cua, cá

Đàn trâu trở về sau 1 ngày cày bừa

Sau khi bừa xong thì tới công đoạn gieo mạ (trồng hạt giống)

Khi cây mạ lớn thì tới công đoạn nhổ mạ và cấy lúa:

mạ được bó thành bó

Gom mạ để mang đi cấy

Mạ được cắt đầu, bứt rễ để mang đi cấy

Xe bò vận chuyển mạ tới nơi cấy

Ngày xưa thường cấy lúa đổi công, người dân tập trung cấy trên 1 mảnh ruộng

nếu như mạ được gieo ngẫu nhiên, thì lúa phải được cấy thẳng hàng để gặt lúa dễ hơn

Trong lúa chờ lúa trổ bông, nông phu thường xuyên ra thăm ruộng để phát hiện sâu bệnh

Thời gian từ cây lúa mới cấy tới lúa trở bông trải qua nhiều giai đoạn: Lúa sau khi được cấy bắt đầu bén rễ, đổi từ màu vàng sang màu xanh, tươi tốt phơi phới thành lúa non, gọi là lúa thì con gái. Sau đó lúa làm đồng, tròn mình, gọi là lúa có chữa. Tiếp theo là lúa mút đồng, trổ bông, hạt lúa bắt đầu tách vỏ khoe màu, sau mấy ngày thì bắt đầu ngậm sữa, tròn chín, nặng hạt, cây lúa cuối đầu, rồi đỏ đuôi bắt đầu chín chờ gặt.

Tới mùa gặt:

Gánh lúa trở về
Nếu ruộng còn ướt, lúa thường được gặt và gánh về đem ra sân phơi, cho trâu bò dẫm nát để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo là đập lúa (hoặc tuốt lúa)
Nếu ruộng khô, nông phu xưa thường đập lúa ngay tại ruộng, đây là một công việc nặng nhọc. Nơi đập lúa là một miếng ván, lúa rớt xuống tấm bạt bên dưới. Sau này người ta có thùng tuốt lúa, đỡ nặng nhọc hơn. Cây lúa còn lại được phơi khô tại ruộng để sau đó mang về làm ụ rơm cho bò ăn
Bài thơ về máy tuốt lúa ngày xưa

Sau khi đập lúa thì sàn lúa loại bỏ tạp chất
Lúa đem về được phơi khô, sau đó vê lúa để loại bỏ hạt lép
Lúa được bỏ vô máy xay lúa bằng tay để tách vỏ trấu để thành gạo (nguyên cám). Trấu được tận dụng làm đồ nấu bếp
Gạo nguyên cám phải qua công đoạn giã cạo để tách cám ra khỏi gạo. Cám được tận dụng làm thức ăn gia súc

Giã gạo ở xứa Thượng

Gạo thành phẩm đem ra chợ bán

Các công đoạn từ cây lúa thành hạt gạo ngày xưa phải qua rất nhiều bước. Ngày nay, công nghệ tân tiến nên có xe gặt lúa đi một đường trên ruộng là làm hết các công đoạn gặt lúa, tuốt lúa, vê lúa, để có hạt lúa bỏ vô bao.

Cối xay gạo thành bột
Đãi lúa ủ giống cho vụ mùa sau

Thời thập niên 1920, lúa gạo đã được làm công nghiệp với các nhà máy xay lúa quy mô rất lớn của những thương nhân Hoa kiều. Các ông chủ thu mua lúa gạo đem về nhà máy chế biến gạo để xuất khẩu. Thời điểm 100 năm trước, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới
Nhà máy xay lúa trên kinh tàu Hũ. Từ cuối thế kỷ 19, ngành công nghiệp lúa gạo chủ yếu nằm trong tay người Hoa, kéo dài xuốt gần 100 năm
Bao gạo trong nhà máy

Xuất khẩu gạo mang lại lợi nhuận to lớn và nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Nam kỳ và nguồn thu lớn cho ngân sách.

Theo thống kê vào năm 1923, cách đây tròn 100 năm, các nhà máy xay lúa của người Hoa sản xuất số lượng gạo mỗi ngày như sau:

Nhà máy Ban Aik Guan (Vạn Ích Nguyên): 500 tấn
Guan Hong Sen: 400 tấn
Ngy Cheong Leng: 550 tấn
Yhê Cheong: 1000 tấn
Quách Đàm (ở Lò Gốm): 250 tấn
Quách Đàm (ở Chánh Hưng): 250 tấn
Ban Siianl An (Vạn Thuận An): 750 tấn
Nam Loong: 700 tấn
Sam Hinfi: 250 tấn

Tổng cộng tất cả các nhà máy ở Sài Gòn – Chợ Lớn sản xuất được 11.000 tấn mỗi ngày (khoảng 4 triệu tấn/năm), 1 nửa trong đó là để xuất khẩu.

Công đoạn nấu rượu gạo



Nấu rượu gạo
Gạo được đưa tới nhà máy nấu rượu

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận