Tiểu sử nhạc sĩ Hoài An – Tác giả Câu Chuyện Đầu Năm, Tấm Ảnh Không Hồn, Trăng Về Thôn Dã…

Nhạc sĩ Hoài An là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng, là tác giả của những bài hát nổi tiếng là Trước Giờ Tạm Biệt, Tấm Ảnh Không Hồn… Khi nhắc đến nhạc sĩ Hoài An, người ta cũng thường nhớ đến những bài hát tình tự quê hương được ông sáng tác vào những năm đầu của sự nghiệp là Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Tình Mùa Hoa Nở… và những bài nhạc xuân bất hủ là Câu Chuyện Đầu Năm, Tâm Sự Ngày Xuân, Ngày Xuân Thăm Nhau.

Nhạc sĩ Hoài An tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh, sinh năm 1929 tại Hải Phòng, được xem là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu tiên của nhạc vàng, đã sáng tác nhạc vàng từ những năm thập niên 1950. Ngoài sáng tác với bút danh Hoài An, ông còn ký tên Trang Dũng Phương trong một số bài nhạc đại chúng như Trước Khi Trả Lời, Chúng Mình Vẫn Còn (viết chung với Lê Hoài), Thiên Duyên Tiền Định (viết chung với Nguyên Lễ – tức nhạc sĩ Hoài Linh)… Đặc biệt các ca khúc Ngày Xuân Thăm Nhau, Ngày Về Thăm Quê Anh, Không Bao Giờ Nhạt Phai… được ông ghi tên sáng tác là Hoài An – Trang Dũng Phương.

Năm 1952, nhạc sĩ Hoài An lập gia đình với một người bạn gái thuở đầu đời là Đặng Thị Ninh, sinh năm 1931, quê ở Thái Bình. Họ gặp nhau lúc bà Ninh mới 15,16 tuổi, còn nhạc sĩ cũng chỉ mới 17,18 tuổi. Khi đó nhạc sĩ Hoài An có thời gian ở Thái Bình, quen biết với cô thiếu nữ Ninh làm công việc trông nom và dạy múa hát cho các em nhỏ trong làng. Chàng nhạc sĩ, lúc đó cũng là ca sĩ, vốn thuộc nhiều bài hát nên dạy lại cho cô Ninh để hướng dẫn các em nhỏ, nên từ đó họ quen nhau.

Nhạc sĩ Hoài An và vợ thời trẻ

Nơi họ sống là một vùng quê nghèo, vùng thôn trang đêm về lúc nào cũng ngập tràn ánh trăng soi sáng cho những sinh hoạt buổi tối của dân làng. Sau này, nhạc sĩ Hoài An là người sáng tác nhiều bài hát về trăng nhất, tiêu biểu là Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Gửi Ánh Trăng Thề, Mộng Về Đêm Trăng… Nội dung của từng bài hát là những câu chuyện thật của chính nhạc sĩ, hồi tưởng lại thời còn sống gần người yêu nơi thôn trang vùng thôn dã những năm cuối thập niên 1940 ở Thái Bình.

Vợ chồng nhạc sĩ Hoài An có tổng cộng 11 người con, trong đó có 8 con gái. Nhạc sĩ là người sáng tác nhiều ca khúc về mùa xuân, rất thích hoa mai (…như hoa mai nở phơi phới…), nên khi đặt tên cho con gái, ông đều sử dụng tên Mai, đó là Mai Trâm, Mai Loan, Mai Trinh, Mai Ly, Mai Phương, Mai Thảo…

Thời gian đầu thập niên 1950, nhạc sĩ Hoài An từng có thời gian tham gia trong ban nhạc hát trên đài phát thanh là ban hợp ca Lửa Hồng được thành lập ở Hải Phòng, ban nhạc này còn có 1 danh ca thế hệ đầu của tân nhạc là ca sĩ Ánh Tuyết (đã qua đời năm 2017).

Nhạc sĩ Hoài An lập gia đình năm 1952, đến năm 1955 thì dẫn vợ con vào định cư ở Sài Gòn. Thời gian đầu ở miền Nam, cuộc sống có nhiều khó khăn nơi đất khách quê người, ông kiếm sống bằng nghề đi hát trước giờ chiếu phim trong chương trình phụ diễn tân nhạc ở các rạp phim rất phổ biến ở Sài Gòn vào thời kỳ giữa thập niên 1950.

Thời gian này Hoài An cũng tham gia trong ban nhạc Sông Ngự với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác là Phó Quốc Lân, Huyền Linh, rồi cùng với Phó Quốc Lân sáng tác Dựng Một Mùa Hoa, cùng Huyền Linh sáng tác Hương Nhạc Tình Quê, là những bài hát ca ngợi cuộc sống mới trên vùng đất mới mà họ vừa di cư đến.

Vài năm sau đó, nhạc sĩ Hoài An ít đi hát hơn để dành nhiều thời gian hơn để sáng tác và đi làm ở đài phát thanh.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nhận xét về nét nhạc của Hoài An như sau: 

“Nhạc Hoài An mộc mạc nhưng trữ tình, giản dị, dễ thuộc, gần như ai cũng có thể nhớ và hát được, dù người ta có không phải là ca sĩ chăng nữa. Có thể coi nhạc Hoài An một nửa là dân ca, một nửa là tình ca”.

Nhắc về mảng dân ca, nhạc sĩ Hoài An là 1 trong số những nhạc sĩ tiên phong sáng tác thể loại nhạc đồng quê sử dụng nhịp điệu Nam Mỹ như là rumba, mambo, với các ca khúc tiêu biểu là Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Dựng Một Mùa Hoa, Hương Nhạc Đồng Quê…

Từ nửa cuối thập niên 1950 ở Sài Gòn, bên cạnh Hoài An còn có các nhạc sĩ Lam Phương, Hoàng Thi Thơ và cả nhạc sĩ Phạm Duy cùng nhau hăng say sáng tác những bài ca yêu đời, ca ngợi quê hương có đồng lúa và trăng thanh, mô tả cuộc sống yên lành thanh bình trên mảnh đất miền Nam hiền hòa hiếu khách.

Về mảng tình ca của nhạc sĩ Hoài An, ông có những bài hát đã trở thành bất hủ là Trước Giờ Tạm Biệt hay Tấm Ảnh Không Hồn… và những bài hát mà đã hơn nửa thế kỷ qua luôn được nhớ đến vào những mùa xuân: Câu Chuyện Đầu Năm, Tâm Sự Ngày Xuân, Ngày Xuân Thăm Nhau, Thiên Duyên Tiền Định.

Trong các ca khúc ca khúc nhạc xuân này, đặc biệt là Thiên Duyên Tiền Định (viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh) chúng ta có thể bắt gặp các hình ảnh quen thuộc trong ngày xuân năm xưa là xem bói, khấn nguyện… và thật trùng hợp là trong 15 năm cuối đời, nhạc sĩ Hoài An đã chuyên tâm nghiên cứu về tử vi.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài An ở lại trong nước, sống rất kín tiếng tại nhà riêng ở quận Tân Bình, ít gặp gỡ công chúng, và qua đời trong lặng lẽ vào năm 2012.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài An có sáng tác thêm nhiều ca khúc, nhưng không được phổ biến. Theo con gái của ông cho biết thời gian này các sáng tác của ông thiên về gia đình, viết cho gia đình, điển hình là bài hát sau đây được viết cho cháu nội:


Click để nghe một ca khúc được nhạc sĩ Hoài An sáng tác sau năm 1975

Sau đây là 1 số hình ảnh nhạc sĩ Hoài An sau năm 1975:

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Tiểu sử nhạc sĩ Hoài An – Tác giả Câu Chuyện Đầu Năm, Tấm Ảnh Không Hồn, Trăng Về Thôn Dã…”

  1. Một dòng nhạc dân dã đi vaot lòng người một cách tự nhiên toit giọt mới biết ông cảm ơn đời đã có người cho chúng ta những bài ca sống mãi trọng tâm hồn.

    Trả lời

Viết một bình luận