Thi sĩ Đinh Hùng – Bi kịch của một thi sĩ tài hoa

Trên thi đàn Việt Nam, Đinh Hùng có một chỗ đứng riêng biệt, rất dễ nhận diện với hàng trăm tên tuổi lừng lẫy khác vì nét thơ khác lạ, ngôn ngữ thơ có sắc màu diễm ảo, lúc nào cũng như chìm vào trong một cõi siêu tưởng, mộng mị về một cõi nhân gian từ đâu đã khuất lìa.

Theo nhận xét của Tạ Tỵ, “Đinh Hùng tự mình tạo nên sắc thái đặc biệt, rất đặc biệt, để ngụp lặn trong dòng mê cảm đó với khổ đau cũng như kiêu hãnh. Từng hình ảnh mông lung, từng nỗi buồn vò xé, từng uất hận nghẹn ngào, tất cả, biến Đinh Hùng thành một nạn nhân, nạn nhân của mặc cảm. Đinh Hùng đã bị mặc cảm giày vò tái tê từ thể xác tới linh hồn. Mặc cảm đó là nỗi bơ vơ lạc loài của kiếp người trói buộc vào áo cơm trách nhiệm với ngần ấy vốn liếng riêng tư giữa cuộc sống xô bồ giả tạo. Đinh Hùng làm thơ chẳng phải để tỏ bày tâm sự, mà để xác định thái độ, một thái độ bi phẫn khi nhận thấy kích thước trần gian không phải nơi mình mơ ước”.

Có thể nói bi kịch của Đinh Hùng chủ yếu là vì nội tâm của ông luôn bị giằng xé, vì mộng mị lúc nào cũng đẹp, mà trần gian thì luôn phũ phàng, và những tai họa liên tục giáng xuống người thanh niên có vóc người nhỏ bé ấy ngay từ khi mới lớn.

Theo lời Bùi Giáng, thì “Đinh Hùng là thi sĩ muốn khai phá một nẻo đường đưa tới thế giới hồng hoang, nơi đây con người trút bỏ hết hình hài, thể phách tinh anh cũ mà đắm mình trong một bầu không khí ảo huyền, trác tuyệt đầy những sương lá phong thần”.

Những biến cố lớn nhất ảnh hưởng đến nét thơ Đinh Hùng, có lẽ là xuất phát từ thuở còn tuổi thiếu niên. Năm 11 tuổi, chị của ông là Tuyết Hồng, một hoa khôi 18 tuổi, vì buồn chuyện tình duyên đã tự trầm tại hồ Trúc Bạch. Vài tháng sau, thân phụ thất lộc khi chưa đầy 50 tuổi. Rồi 3 năm sau nữa, người chị lớn nhất tên Loan cũng quɑ đời trong tuổi thanh xuân.

Khi còn đi học, những nỗi buồn liên tục đã mang đến cho Đinh Hùng một tính cách thơ phóng khoáng và có phần nổi loạn:

Ta ném bút, dẫm lên sầu một buổi,
Xa vở bài, mở rộng sách ham mê,
Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về,
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn.

Đời đổi mới từ ngày ta dấy loạn,
Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương.
Ta ra đi tìm lớp học thiên đường,
Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc.

Theo lời kể của Đinh Hùng, khi mới làm thơ, làm xong bài nào ông cũng nhờ Thế Lữ đọc và cho ý kiến, nhưng lần nào Thế Lữ cũng lắc đầu không ưng ý. Cho đến khi Đinh Hùng đưa bài Kỳ Nữ, Thế Lữ mới gật đầu hài lòng và khuyến khích nhà thơ trẻ hãy chú tâm khai thác về thế giới sơ khai. Cũng vì vậy mà thời gian sau này, độc giả yêu thơ được đắm mình vào trong một thế giới hoang sơ, lạ lẫm trong thơ Đinh Hùng – thế giới của thời tiền sử.

Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em – ôi biển sắc, rừng hương!
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,
Em đến đây như đến tự thiên đường.

Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc,
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly,
Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ!
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước.

Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,
Cả con đường sao mọc lúc ta đi,
Cả chiều sương mây phủ lối ta về,
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ (Kỳ Nữ)

Đỉnh cao của dòng thơ đề tài thế giới ban sơ của Đinh Hùng, phải kể đến Bài Ca Man Rợ, thi phẩm khắc sâu hình tượng một kẻ lạc loài giữa thời đại mà lúc nào chàng thi sĩ cũng trăn trở suy tư về nó:

Lòng đã khác ta trở về đô thị,
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa
Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ,
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối.

Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối,
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng
Rồi ta đi, khí núi bốc trên lưng,
Mắt hung ác và hình dung cổ quái.

Sự lạc loài của Đinh Hùng chỉ được thể hiện ở trong nội tâm, còn vẻ bề ngoài, theo mô tả của Tô Kiều Ngân, thi sĩ Đinh Hùng vốn là một người đẹp trai, ra đường lúc nào cũng mặc com lê, thắt cà vạt, đội mũ phớt, theo đúng hình mẫu của một trang công tử hào hoa người Hà Nội diện theo lối Tây phương. Hình tượng đó của Đinh Hùng được thể hiện nhiều nhất khi ông vẫn còn ở Hà Nội, đêm đêm đi đánh đàn cho các phòng trà hát tân nhạc, là hình thức giải trí bắt đầu mọc lên rất nhiều thời kỳ thập niên 1940. Lúc đó ông vẫn chưa vương vào hơi khói của nàng phù dung để rồi dẫn đến sự tiều tụy về thể xác vào thời gian sau này. Tô Kiều Ngân còn cho biết chữ của Đinh Hùng rất đẹp, dù là viết thư cho bạn nhưng vẫn dùng lời lẽ trang trọng, nhẹ nhàng như thơ, thể hiện được sự hào hoa thanh lịch của người Hà Nội xưa.

Trong thơ Đinh Hùng, rất thường xuyên người ta thấy những sự ám ảnh có phần cổ quái, kéo lê thê trong từng câu chữ để thể hiện sự dằn vặt trong nội tâm. Nhưng mặt khác, Đinh Hùng cũng có những bài thơ trữ tình diễm tuyệt:

Anh trở lại đường lên núi biếc
Thương mây bay từ đó vẫn cô đơn
Những cánh hoa còn lại nửa linh hồn
Những lá cỏ nghiêng vai tìm mộng ảo (Cánh Chim Dĩ Vãng)

Bài thơ trữ tình của Đinh Hùng được nhiều người yêu nhạc biết đến nhất có lẽ là Tự Tình Dưới Hoa, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc Mộng Dưới Hoa:

Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng

Trong thơ Đinh Hùng, cũng dễ dàng bắt gặp khung cảnh có phần rùng rợn với những câu thơ quá mức tưởng tượng:

Trời cuối thu rồi. Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu (Gửi Người Dưới Mộ)

Năm 1946, phong trào kháng Pháp bùng bổ, Đinh Hùng và người bạn thân là thi bá Vũ Hoàng Chương rời Hà Nội, đi tản cư theo kháng chiế n. Từ đó đã có sự biến chuyển lớn trong đường lối sáng tác, trước kia Đinh Hùng làm thơ ca tụng kỳ nữ, thì lúc này ông chuyển sang tôn vinh nàng du kích đánh Tây:

Lòng gái rung theo bước lữ đoàn
Lâu rồi chinh chiế n lạnh dung nhan

Dù thay đổi về mặt đối tượng nhắc đến, có thể thấy nét thơ của Đinh Hùng vẫn không hề thay đổi. Dù vậy, những vần thơ này không thể nào hợp nhãn lãnh đạo vì nó bị coi là ủy mị ẻo lả, không thích hợp cho công tác tuyên truyền. Đinh Hùng nhận ra con đường này không thích hợp với mình, và sự xuất hiện của ông ở đó chỉ là thừa thải, nên bàn với Vũ Hoàng Chương tính chuyện dinh tê.

Đinh Hùng về lại Hà Nội làm báo, viết cho tờ Giác Ngộ, Hồ Gươm, chủ biên giai phẩm Kinh Đô Văn Nghệ. Làm nhiều việc nhưng vẫn không đủ sống, ông nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè.

Khoảng năm 1953, Đinh Hùng tuyển chọn những bài thơ đã sáng tác trong hơn 10 năm để thành tập Mê Hồn Ca. Ngay từ tựa đề cũng đã thể hiện được chất thơ, những bài thơ đưa người vào thế giới riêng của Đinh Hùng, thế giới của những đắm mê ảo mộng. Tập thơ này được Hồ Dzếnh viết lời tựa, và Hồ Dzếnh cũng bỏ tiền ra để in. Nhưng không may, sách vừa in xong chưa kịp phát hành thì hiệp định Geneve được ký kết, đất nước chia đôi, Đinh Hùng theo dòng người hàng triệu đồng bào di cư vào Nam, ôm theo cả 2000 cuốn thơ lên tàu há mồm, cùng gia đình đi tìm vùng đất mới. Chị của nhà thơ Đinh Hùng là Đinh Thị Thục Oanh, lúc này đã là vợ của thi bá Vũ Hoàng Chương, cũng đi chung một chuyến.

Vào đến Sài Gòn, họ thuê chung một ngôi nhà vách ván, mái tôn nóng hầm hập ở xóm lao động Hòa Hưng, nơi tập trung nhiều người di cư. Đinh Hùng ở tầng dưới, dành tầng trên cho gia đình của chị. Tại căn nhà này, Đinh Hùng bắt đầu viết các tiểu thuyết Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, Đao Phủ Thành Đại La để đăng trên các nhật báo. Ngoài viết truyện dài nhiều kỳ, ông còn vẽ tranh biếm họa và phụ trách mục thơ trào phúng Đàn Ngang Cung với bút danh Thần Đăng. Khi đã ổn định công việc và có thu nhập, Đinh Hùng chia tay gia đình Vũ Hoàng Chương để mỗi nhà đi thuê một nơi ở khác. Tuy nhiên nơi ở mới của Đinh Hùng cũng không hơn gì nhà cũ, đó là căn gác xép ở xóm lao động gần đường Võ Tánh – Lê Lai, bên cạnh ga xe lửa (nay là công viên 23/9), tối tăm và nóng bức.

Tháng 8 năm 1954, Đinh Hùng lập nhật báo Tự Do, đồng thời thường xuyên đăng thơ, truyện lên tuần báo Thẩm Mỹ. Năm 1955, Tô Kiều Ngân và Thanh Nam phụ trách chương trình “Bình văn ngâm thơ” trên đài phát thanh Sài Gòn, quy tụ những giọng ngâm thơ lừng lẫy là Mộng Hoàn, Hồ Điệp, Giáng Hương, Thiếu Lang…, là chương trình được nhiều thính giả yêu thích. Thông qua giới thiệu của Tô Kiều Ngân, giám đốc đài lúc đó là Đoàn Văn Cừu – cũng là người yêu thơ, đã gặp Đinh Hùng và giao phụ trách chương trình Thi văn Tao Đàn. Chương trình này thành công ngoài mong đợi của tất cả những người thực hiện, trong đó nòng cốt là Đinh Hùng, Thanh Nam, Thái Thủy, các giọng ngâm Hồ Điệp, Thái Hằng, Giáng Hương, Hoàng Thư, Quách Đàm, Thanh Hùng…, nhạc phụ họa có Tô Kiều Ngân và Nguyễn Đình Nghĩa phụ trách phần sáo; nhạc sĩ Ngọc Bích và Phạm Đình Chương đảm trách phần dương cầm; và nghệ sĩ Bửu Lộc chịu trách nhiệm phần đàn tranh.

Giọng Đinh Hùng bình thơ rất cuốn hút trên đài phát thanh với đầy đủ các loại thơ tiền chiến, thơ tự do, thơ Đường, thơ Tây phương. Thỉnh thoảng chương trình Tao Đàn cũng diễn kịch thơ, diễn đọc truyện ngắn, tùy bút, giới thiệu gương mặt mới của thi đàn, diễn ngâm cả những sáng tác của các thi sĩ sinh sống ở miền Bắc là Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Phùng Quán, Trần Dần, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan…


Click để nghe chương trình Ngâm Thơ Tao Đàn – Thi Nhạc giao duyên (trước 1975)

Trong cuốn Mặc Khách Sài Gòn, Tô Kiều Ngân kể lại rằng mỗi lần xong việc ở đài phát thanh, Đinh Hùng thường rủ bạn văn nghệ về tụ tập ở một quán rượu đường Lê Lai, gần chỗ ông ở bên cạnh ga xe lửa (nay là công viên 23/9). Ban đêm khu này vắng tanh, có lần say khướt cả, Đinh Hùng cao hứng mở cuộc thi bò ra đường. Vậy là những văn thi sĩ tài danh như Đinh Hùng, Thanh Nam, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Thái Thủy… cùng ngất ngưỡng thi xem ai bò nhanh, xong rồi nằm lăn ra đường, vừa đọc thơ cho nhau nghe, vừa ngửa mặt lên trời cười với trăng sao.

Sau 14 năm gắn bó với chương trình thi văn Tao Đàn, Đinh Hùng từ giã vì căn bệnh ung thư hành hạ. Ông mất ở bệnh viện Bình Dân lúc 5 giờ sáng ngày 24/8/1967. Lúc đó Tổng trưởng thông tin là một vị tướng quân đội rất yêu thơ, mến tài Đinh Hùng, nên ông đã cho tổ chức đám tang nhà thơ một cách trọng thể, an táng ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Sinh thời, Đinh Hùng có viết thơ rằng:

Khi anh chếƭ các em về đây nhé
Vì chút tình lưu luyến với nhau xưa
Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ
Tay cầm hoa, xõa tóc đứng bên mồ…

Có lẽ chính tác giả cũng không ngờ, mà cũng sẽ không bao giờ có cơ hội được biết rằng thực tế đã xảy ra đúng như trong thơ. Trong đám tang, người ta thấy có 20 thiếu nữ mặc áo trắng, xõa tóc, tay cầm hoa lặng lẽ nhỏ lệ và sắp hàng đi theo linh cữu. Họ đến bên huyệt mộ và thả những bó hoa xuống, ngậm ngùi đưa tiễn người thi sĩ tài hoa lúc đó mới 47 tuổi. Sự việc này diễn ra tự nhiên, không có sự sắp đặt nào cố ý.

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Thi sĩ Đinh Hùng – Bi kịch của một thi sĩ tài hoa”

Viết một bình luận