Tết ngày xưa với Tết ngày nay (Bài báo năm 1937 trên tờ Tiếng Dân)

Mời các bạn đọc lại một bài tiểu luận so sánh giữa Tết xưa và Tết nay, đăng trên Nhựt báo Tiếng Dân đầu năm 1937. Đây là tờ báo do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút, xuất bản ở Huế thời gian 1927-1943.

Bài này được đăng trên báo năm 1937, vì thế “Tết nay” được nói tới trong bài là Tết năm 1937, còn “Tết xưa” là nói đến Tết trước đó 40 năm, tức là những năm cuối thế kỷ 19.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam, những người biết chữ, có học, được người dân quê hoặc giới bình dân gọi chung là thầy. Vì lúc đó những người biết chữ thì thường làm những chức vụ thấp nhất cũng là ký lục, được gọi là thầy ký, tức người ghi giấy tờ sổ sách trong các cơ quan. Bên cạnh đó còn có một “thầy ký” khác, đó là ký giả, tức người làm báo, viết báo. Tác giả bài viết này là một ký giả, tự xưng mình là ký giả, lấy bút danh là X.X, và được những người khác kính cẩn gọi là “thầy”.

Quanh năm chui đầu nơi thành phố, không thì giờ rảnh, dầu ngày chủ nhật, ngày lễ cũng bị anh em kéo đi dạo phố hoặc sân tê-nít [tennis], hoặc rạp xi-nê, nhà hát cải lương v.v. Nói tóm lại là không ngày nào đứng ra ngoài cái cảnh phồn hoa náo nhiệt. Trừ ra một đôi khi có pha màu phong lưu, thuê chiếc đò lửng lơ trên sông Hương ra cửa Thuận thì gió mắt trăng thanh, trên trời dưới nước, có chút thú thiên nhiên, nhưng lâu lắm là một ngày một đêm, mà cái vui chỉ vài người, không phải cái hoàn cảnh chung, thoảng qua một nhoáng, rồi lại chui mình vào cảnh náo nhiệt!

Nhân dịp Tết nầy, nghỉ được một tuần, cái tuần đặc biệt trong một năm, được dịp ít có ấy, ký giả về thăm cảnh quê, cái cảnh mà trên 10 năm nay, chỉ có một đôi khi về thăm cũng ngồi trong một ngày nơi lều tranh riêng của mình không kịp đi thăm riêng ai, cũng không được gặp ai nói chuyện lâu, vì một lần đi về rồi trở ra, lắm điều bất tiện.

Năm nay, đường xe lửa đã thông, nhà quê đi lại cũng tiện hơn trước, ký giả mới ở lại nhà quê mấy ngày đi thăm bà con. Trong mấy ngày từ mồng 2 đến mồng 5, đi tới nhà nào cũng dự cái tiệc “bánh tổ, bánh tét”, nhà nào cũng như nhà nào, lại được nghe thuật cái quang cảnh dịp tết ngày xưa.

Tết ngày xưa

– Thầy không mấy khi về, năm nay về gặp dịp năm mới, mời nếm miếng bánh nhà quê uống trà – Lời ông lão chủ nhà.

– Vâng, mời bác, xin hỏi bác: cái tết nhà quê ngày nay với ngày xưa có khác gì không?

– Bì đâu được ngày xưa, thầy, ngày xưa dân gian thong thả ăn chơi luôn đến tháng hai, ngày nay thì mùng 3 mùng 4 là hết vẻ tết rồi.

– Vậy sao ngày xưa lại thong thả?

– Tôi cũng không rõ vì sao, chỉ biết theo đời tôi đã 70 năm nay, 40 năm về trước, thấy nhân dân ít việc, quanh năm lo thuế xong – thuế điền nộp bằng lúa, thuế đinh nộp tiền mà nhẹ lắm – là lo lằm ăn, hễ trong nhà có gạo là phong lưu rồi, ngoài ra không có việc gì phiền lụy, quanh năm dân gian không mấy ai biết mặt quan, trừ ra tổng lý cùng người nào có việc kiện cáo. Đó là ngày thường, đến dịp tết lại có vẻ đặc biệt nữa.

– Đặc biệt thế nào?

– Về việc quan thì ngày 25 tháng chạp đã xếp ấn, đến ngày mùng 4,5 tháng giêng mới khai ấn. Trong khoảng 9,10 ngày để riêng cho phần ăn tết đó, trừ ra việc giặc cướp, án mạng… việc phi thường quan phải làm việc, còn việc thường thì gác lại ráo. Trong dân gian cũng thế, đã xếp ấn rồi thì nợ nần vay mượn, gì gì cũng đình lại… cho đến công việc làm ăn cũng nghỉ. Nói tóm lại, trước sau dịp tết nầy, khắp nơi đâu đâu đầy là không khí tết bao bọc, trong xã hội giao tế, toàn tỏ ra cái vẻ ôn hòa nhã độ. Đến sau dịp tết rồi, thì bất kỳ tới nhà ai, cũng tiếp đãi một cách niềm nở khác với ngày thường. Còn nói gì đến sự chơi vui thì kéo dài đến tháng 2 mà còn cái vẻ tết.

– Thưa bác chơi gì mà dai thế?

– Lắm trò, nhưng không tốn kém nhiều. Nhà giàu thì rủ bạn đi săn đôi mươi ngày; làng thì đu tiên, hát bội, bài chòi, bài xạo, còn các bác học trò thì cờ, kiệu, tổ tôm. Tức cười là mỗi sòng trên dưới 10 quan tiền mà kéo dài 5-7 ngày, cái chơi hội ấy, cũng như đồng bạc đánh số ngày nay, chớ không có mấy đám bạc trăm bạc chục như…

– Còn ngày nay thì sao?

– Ngày nay thì ai cũng lo đói, lo việc nầy việc nọ, thì giờ đâu mà chơi việc quan cũng nghỉ chăng một vài ngày. Thỉnh thoảng cũng có cuộc chơi, nhưng chỉ là bọn lợi dụng kiếm lợi, chớ không phải cái quang cảnh “vui chung” như trước.

Ông lão nói đến đây, ký giả từ ra để đi thăm nhà khác. Trải có mấy nhà mà nhà nào cũng tỏ ý rằng tết ngày nay không vui bằng cái tết ngày xưa. lời bói họ vẫn quê mùa chất phác, không rõ nguyên nhân vì sao. Song nhân đó mà hiểu được cái cớ mà xưa nay khác nhau tức là “đời sống dễ” và “đời sống khó” chớ chẳng gì khác.

Lại ra thành phố

Xờ rờ đã hết một tuần, ký giả lại ra Huế, lại mài miệt với ngòi bút sắt, lại làm vai viết báo, quang cảnh chung quanh, y như năm ngoái, chẳng có vẻ gì khác. Thêm một điều rất phiền cho ký giả xấp mất ngày thường, là sau dịp nghỉ tết một tuần, những bài lai cảo và tin tức các nơi gởi lại, chồng cả mấy xấp như chồng sách. Vì coi việc tin tức và lai cảo, ông chủ giao phần cho ký giả nên trông thấy mà ngợp!

Rõ là cái đời nhiều chuyện! mà cũng chứng rằng dân ta ngày nay không thong thả trong dịp tết như ngày xưa; không thế, quanh năm đằng đẳng, mới nghỉ một tuần mà tin và bài đâu chất đống như thế?

Thế là ký giả phải cong lưng lựa chọn, việc gì quan hệ thì lặt đăng đại lược, còn tin gì cũ quá, hơi trễ thì buộc phải gác lại. Vậy xin thưa cùng độc giả: trong dịp tết nầy, có tin gác lại xin thứ lượng cho.

Tác giả: X. X

 

Viết một bình luận