Tàu điện Hà Nội xưa (Tô Hoài)

Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường

La ga thì ở Thụy Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền ký cược đi làm “sơ vơ”

Xưa nay có thế bao giờ
Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba.

(Ca dao vùng Bưởi)

Bọn trẻ con trong làng thường đánh võng kẽo kẹt, nghêu ngao hát ngẩn ngơ như thế. Đứa nào sợ thì hát là “ông Tây”, không dám hát là thằng Tây. Hay là lại hát câu:

Ngày ngày ra đứng cửa chùa.
Trông lên Kẻ Chợ mà mua lấy sầu.

Nào vè cái tàu điện, cái đèn máy, cái cầu Đu- me, vè về công việc bồi bếp, về dạo cảnh phố phường, vè kể đi lính sang Tây. Chứ các câu vè “thất thủ kinh đô”, vè “quan ba Ngạc Nhe chết trận” thì chúng tôi không biết. Những người viết sử bây giờ không nên quá thiên, tưởng như ai lúc ấy cũng gọi Tây là “thằng” mà lắm khi hóa ra sai sự thật.

Trên đường phố bấy giờ lưa thưa, loáng thoáng xe kéo, xe bò, xe cút kít, xe đạp, ôtô, xe bình bịch. Tây đầm mũ áo lòe loẹt ngồi trên cỗ xe song mã – sơn then, người xà ích đồng phục áo đen cổ cồn trắng đứng đội mũ vành cao cầm cương ở ghế trên. Có khi là xe một ngựa độc mã, cả nhà tây đầm và trẻ con ngồi ghế mây quây tròn quanh người đánh xe. Bánh cao su đặc êm êm. Chỉ có cái xe ngựa hòm vuông sơn vàng đưa bánh tây tháng của hãng bánh mỳ Hợp Nhất, bánh sắt lăn lọc cọc, reng reng. Bố tôi đã có dạo làm công nhật đưa bánh của sở bánh mỳ này. Nhưng khi ấy tôi chỉ mới lên hai, lên ba, nghe kể lại bố tôi hay đem về cái bánh mỳ tròn to bằng cái rá vo gạo.

Xe ngựa, xe bánh sắt, xe cút kít một bánh gỗ rít váng óc giữa oi ả trưa hè, dần dần mất đi, chỉ có cái tàu điện vẫn còn và được nối thêm một toa, hai toa, chạy ầm ầm giữa tiếng chuông ở chân người lái tàu dận xuống, thành tiếng dài dài keng keng ầm ầm mà người vùng Bưởi gọi là tiếng “keng ầm” tàu điện.

Tàu điện tuyến số 1 đang đi trên rue Francis Garnier, nay là phố Đinh Tiên Hoàng. Trước đó, đây là phố Hàng Chè, nối liền với phố Hàng Bài (chỗ người chụp hình đang đứng, lúc này mang tên đại lộ Đồng Khánh). Bên trái hình này là Hồ Hoàn Kiếm, bên phải là rue Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền)

Thân hình cái tàu điện, toa tàu đầu tàu, đường ray đến bây giờ vẫn tương tự thế. Chỉ khác, ngày trước người “vát nam” lái tàu đứng chong chỏng suốt ngày như chiếc cột mốc, quay chiếc vòng tay lái bằng đồng mở khấc ba thì tàu chạy chậm, mở khấc bảy cho tàu chạy nhanh, còn tay kia nắm chuôi cái hãm cũng quay quay. Ở quê tôi đã thành tiếng địa phương, cái gì “mở bảy” tức là nhanh nhất: chạy mở bảy, làm mở bảy, ăn mở bảy… Bây giờ thì người lái tàu có ghế ngồi. Trong tàu ngày đó ở chỗ cửa bước vào, có một khoang nhỏ, đặt ghế bọc đệm vải sơn cánh gián. Khác hai hàng ghế gỗ dài đồng loạt ngoài kia. Bởi vậy, cái bài hát ru em ngô nghê “vè tàu điện” còn có câu kết rằng: “Năm xu ngồi ghế đệm bông. Hỏi mình có sướng hay không, hả mình?”.

Tàu điện đi trên phố Hàng Bài năm 1960. Bên trái là cửa hàng Mậu Dịch Quốc Doanh (nay là Tràng Tiền Plaza)

Đường nối phố Hàng Đậu lên Yên Phụ, quãng xe điện ấy làm sau cùng, khoảng năm 1934. Trước đấy, học trò các trường Yên Phụ, Yên Thành, Hàng Than thường lên bãi ven đê đá bóng, vật nhau, đánh nhau và đúc dế. Từ khi làm đường tàu, mất bãi chơi. Vì ngày nào cũng chơi nhởi hò hét ở bãi mà tôi nhớ lâu.

Tàu điện tuyến số 2 tại phổ cổ Hà Nội. Hai bên đường là trụ cấp điện cho xe, thông qua 1 cái cần gắn trên nóc xe

Nhưng trên đường xe điện này, cũng nhiều những cái bây giờ không còn. Bến tàu đi Hà Đông ngày trước dài đến cuối phố Cầu Gỗ, bên cạnh có một nhà bàn giấy cho công việc các đường tàu. Đường Hà Đông, tám giờ tối hết tàu, tàu không dồn về nhà tàu điện giữa làng Thụy, mà tàu và toa chạy về trạm Cầu Mới. Sáng mai, năm giờ tàu lại ra chuyến thứ nhất. Ở các bến giữa, bến cuối mỗi đường có một nhà đợi tàu lợp ngói, ba phía tường kín mít. Cũng chẳng ai chui vào đấy ngồi đợi tàu. Cái nhà thành nơi ỉa đái và ăn mày trú ngụ. Ở bến tàu Bưởi bây giờ hãy còn hình thù căn nhà đợi tàu ngay bên kia cửa đình Thọ trông sang, cạnh một gốc sung cổ thụ trên bến đãi bìa sông Tô Lịch. Cái nhà đợi tàu nay được sửa lại, và người ta ở giống mọi nhà trong phố. Khó lòng ai biết được đấy lại là nơi đợi tàu và coi như cái nhà hoang.

Bến tàu điện ở Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục)

Trên các quãng tàu tránh, từ đầu ô trở ra, mỗi khi tàu đỗ, tiếng ăn mày kêu xin, tiếng hát xẩm lại thảm thiết rên rỉ. Ở Vọng, cổng Rong, chợ Mơ, bến chợ trâu Hà Đông. Này anh khóa ơi… Rồi tiếng hát cải lương và cái nhị cò cử, cái đàn bầu không phải vỏ quả bầu lọ phơi khô mà bầu đàn bằng chiếc ống bơ. Văng vẳng tiếng chuông chùa… Nhưng ai oán vang lên tiếng nức nở triền miên là câu kẻ khó xin ăn: Con cá nó sống vì nước. Con sống vì các ông các bà, các ông các bà ơi!

Tàu điện Hà Nội năm 1973

Đôi bên hàng tàu vẫn ngồi im, chẳng ai ngoái cổ ra. Những người tàn tật, ăn mày các bến, các chỗ tránh tàu điện thì nhiều không kể xiết. Dẫu ai đi tàu có tò mò để ý cũng không thể nhớ lâu được người nào. Những người ăn mày mòn mỏi chết như ma biến. Người nào cũng chỉ thấp thoáng chỗ ấy một vài lần… Con cá nó sống… Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại… Nghe giọng khác mọi khi, nhưng người cầm cái rá, cái ống bơ, thì vẫn chỗ ấy. Không phải người ăn mày hôm qua. Người hôm qua chết rồi, người ăn xin mới đến này vẫn lạy van một câu thế.

Tàu điện Hà Nội năm 1979

Vừa lên tàu, đã có ông “sơ vơ” đeo cái túi cặp da đến bán vé. Vé đi đâu, Bạch Mai hay lên Bưởi, hay cầu Đơ, màu vàng, màu xanh, màu hường khác nhau, chẳng cần trông số chữ, không biết chữ, cứ nhìn màu vé cũng biết được giá tiền. Lại có vé đi từng quãng ngắn. Bưởi xuống Quan Thánh, rồi Bờ Hồ, rồi Bạch Mai ba chặng. Lát sau, đến người “công tôn” (contrôle) vào soát vé. Người này xem lại vé rồi xé rách nửa giữa. “Công tôn” người An Nam soát vé từng quãng đều đều.

Tàu điện Hà Nội năm 1989

Nhưng “công tôn” Tây Coóc thì cứ bất chợt nhảy lên tàu. Lão Tây Coóc lùn một mẩu, mặt đỏ lựng. Cái mũi to sùi của Tây Coóc còn đỏ gay gắt hơn. “Công tôn” Tây Coóc có tiếng ác, mắt xanh bi ve xanh lét như mắt chó dại. Người lên tàu xuống tàu, chẳng bận đến nó, mà cứ phải nhớn nhác sợ hãi trông nó trước. Bắt được “sơ vơ” và “công tôn” ta để sót vé, Tây Coóc điệu đi theo nó ngay về sở. Bị phạt trừ lương là cầm chắc. Gặp người đi tàu đứng cheo leo ở bậc lên xuống, thấy trẻ con trèo thành tàu, Tây Coóc đẩy xuống tức thì. Đứa nào ngã ra đường hay lăn vào bánh tàu, chết chẹt mặc kệ.

Tôi đã được chứng kiến một cảnh người chạy Tây Coóc nhảy tàu truyền toa chết hết sức thảm thương.

Một trong những chuyến xe điện cuối cùng năm 1994

Chỗ ấy quãng đường uốn cong xế cửa trường Bưởi, Tây Coóc thình lình lên khám vé. Một thằng bé, quần đùi áo nâu, cắp hộp kẹo vừng kẹo bột trốn vé chạy ra cửa tàu. Nhưng nó vẫn ham bán kẹo – có lẽ thế. Nó không nhảy xuống đường. Nó chuyền cuối tàu sang toa. Thế là cả người và cái hộp kẹo lạng vào bánh tàu điện, tàu đương lượn nghiêng, bánh tàu xiết vào đường ray rên lên ken két, tôi thoáng thấy thằng bé sa xuống giữa đường sắt dưới ấy, mặt xám như đất. Tây Coóc cũng đã bị nhiều vố đau. Có lần Tây Coóc vừa nhảy lên cửa tàu. Một gói giấy bọc cứt ném bịch vào lưng áo. Tàu đương chạy,

Tây Coóc đành chịu chết đứng, lưng áo tung tóe cứt. Tây Coóc bị ném c…, ném đá luôn – người ta nói thế.

Cái tàu điện chạy sớm, náo động cả phố xá. Các cụ kể ngày mới có tàu điện, cả tháng liền vùng ngoại ô nô nức được đi tàu không mất tiền vé, cứ lên tàu ngồi chơi ra Kẻ Chợ. Dẫu sao, ngót trăm năm nay rồi, cái tàu điện keng keng ầm ầm vẫn “chạy quanh phố phường”.

Tô Hoài

 

Viết một bình luận