Tả quân Lê Văn Duyệt – Nhà cai trị lỗi lạc của Gia Định Thành

Trong ký ức của người Sài Gòn-Gia Định sinh trưởng vào những thập niên 1940 -1950 trở về trước, hình ảnh “Lăng Ông Bà Chiểu” là một trong những biểu tượng đậm nét, nhất là vào những ngày lễ Tết, việc đi viếng lăng Ông trở thành một tập quán thiêng liêng mà mỗi gia đình đều không bao giờ sơ suất.

Trong nghi ngút khói hương thành kính, lòng mỗi người nhớ về Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định Thành, như một nhân vật lỗi lạc đã góp công lớn trong việc gầy dựng vương triều Nguyễn, mang lại thái bình thịnh trị cho một dải đất trải dài từ Bình Thuận đến Hà Tiên và tạo được thế mạnh trong quan hệ với các nước láng giềng.

LÊ VĂN DUYỆT – HỔ TƯỚNG THỜI NGUYỄN ÁNH – GIA LONG

Năm 1763, khi cư dân Lê Văn Toại, người gốc Quảng Ngãi, chứng kiến sự ra đời của cậu bé Lê Văn Duyệt tại Vàm Trà Lọt – Định Tường (nay thuộc xã Hòa Khánh – huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), nhìn thấy tình trạng bất túc (về cơ quan sinh dục) của con trai, ông chẳng bao giờ nghĩ rằng có một ngày nào đó con mình trở thành một nhân vật hiển hách bậc nhất triều đình.

Chân dung Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt

Trong thời thơ ấu, cậu bé Duyệt chỉ có một đam mê lớn nhất là…đá gà.Thế rồi năm 1780, một bước ngoặt xảy ra khi ông tình cờ gặp được chúa Nguyễn Ánh đang trên đường ẩn lánh trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Với thể trạng bất túc bẩm sinh, Duyệt chỉ có thể làm một thái giám tầm thường chuyên phục vụ nội cung. Thế nhưng, ông đã không cam lòng với thân phận đó, vì sau những bước gian truân cùng chúa Nguyễn nơi đất khách, ông đã chứng tỏ cho mọi người một nhãn quan nhạy bén về quân sự, một khả năng cầm quân đầy hứa hẹn. Nhờ đó, vào năm 1793, từ một Thuộc nội Cai đội (chánh ngũ phẩm) Lê Văn Duyệt được thăng Thuộc nội Vệ úy (chánh tam phẩm), một biệt lệ chưa từng thấy trong giới hoạn quan lúc bấy giờ.

Những năm cuối thập niên 1790, khi nhà Tây Sơn, sau cái chết của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ (1792), đã để lộ những khiếm khuyết trầm trọng, từ sự lộng quyền của Thái sư Bùi Đắc Tuyên đến những mâu thuẫn nội bộ hoàng gia, Lê Văn Duyệt tỏ rõ là một dũng tướng dưới trướng chúa Nguyễn Ánh, không một trận đánh nào do ông cầm quân mà thất bại. Hiển hách nhất là trận Thị Nại vào tháng giêng âm lịch năm 1801, trận đánh quyết định cho cả một cuộc chiến. Lúc này, ông đã là Đô Thống chế Tả dinh quân thần sách, hàm tòng nhất phẩm. Trong trận chiến sống mái với hổ tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng, bộ tướng của ông là Võ Di Nguy bị trúng đạn tử thương, chúa Nguyễn Ánh muốn lui binh, nhưng ông thân hành cầm quân xốc tới, dùng hỏa công thiêu cháy hầu hết thuyền chiến Tây Sơn. Sử xác định đây là võ công lớn nhất trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn.

Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước (1802), kết thúc một thời kỳ biến động dài, võ nghiệp của Lê Văn Duyệt không vì thế mà kém hào hùng. Ở Quãng Ngãi, có người man Thạch Bích thường gọi là “Mọi Đá vách”, rất nhiều lần nổi lên đánh phá, quan quân địa phương không trừ nỗi, cứ mỗi lần như thế, dù ở triều đình hay ở Gia Định Thành, ông đều được điều ra đó để dẹp yên. Đặc biệt năm 1819, ông được cử đi kinh lược đất Thanh Hóa, Nghệ An, nghe oai danh ông, bọn giặc cướp tại địa phương vừa ra hàng, vừa giải tán, chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình rối ren chấm dứt ; ông dâng sớ xin chấn chỉnh bộ máy cai trị ở địa phương, tha thuế cho dân, từ đấy hai trấn này yên hẳn.

LÊ VĂN DUYỆT – NHÀ CAI TRỊ LỖI LẠC

Cùng với Bắc Thành, Gia Định Thành là tổ chức hành chánh đặc biệt thời Gia Long, gồm 5 trấn (Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên), trải dài từ Bình Thuận đến Hà Tiên, phần lớn là đất mới thu phục, dân cư ô hợp từ khắp nơi tụ hội về sinh sống. Năm 1812, Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn Gia Định Thành, quyền hạn cao hơn cả chức Thượng thư. Ông không chỉ là một hổ tướng, mà còn là một nhà cai trị lỗi lạc. Tính chung, thời gian ông đảm trách chức chưởng Tổng trấn là 15 năm, gồm 3 năm thời Gia Long (1812-1815) và 12 năm thời Minh Mạng (1820-1832), đủ để ông làm được nhiều điều, cả ở cương vị một quan cai trị lẫn người đại diện triều đình trong giao dịch, ứng xử với lân bang.

Nhận thấy đất Gia Định phần nhiều là dân tứ chiếng giang hồ, đời sống phức tạp, dễ gây ra tình trạng rối loạn về trật tự trị an, ông cho thành lập các đồn điền, dồn những kẻ du thủ du thực vào đó, vừa tiện giúp đỡ họ mưu sinh, vừa dễ kiểm soát. Chẳng bao lâu, số dân đinh tại những nơi này tăng lên rõ rệt, có lần, vua Minh Mạng đã ban dụ khen ngợi Tả Quân về việc này, vì sự gia tăng số cư dân kiểm tra được chứng tỏ chính sách an dân thực hiện có hiệu quả. Riêng đối với giặc cướp tại địa phương, “Duyệt đặt ra những điều luật ngăn cấm minh bạch, ra lệnh cho các quan chức sở tại mật báo quan biết những tên giặc cướp đó để bắt ngay chúng về trừng trị, lại ra thông cáo cho giặc cướp biết nếu chúng tự mình ra thú, thời sẽ được thu dụng. Từ đó trở đi, giặc cướp mới hết, dân cư nhờ thế mà được yên…” (Giá Sơn Kiều Oánh Mậu – Bản triều bạn nghịch liệt truyện – Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn – 1963 – trang 23).

Về bản thân nhà cai trị, cho dù là quan đại thần nhất phẩm triều đình, ông luôn tỏ ra khắt khe, nghiêm cẩn với chính mình. Năm 1825, một viên chức thuộc tào Binh tại Gia Định là Bùi Phụ Đạo lỡ tay đóng triện ngược trong sổ binh dâng về triều, vua Minh Mạng giao cho đình thần nghị xử, cho dù sơ suất đó không có gì là lớn lao. Được tin này, Tả quân cho rằng đó là lỗi mình không trông nom nên dâng biểu xin nhận tội. Vua Minh Mạng đã miễn trách và ban dụ rằng :” …Duyệt là bậc đại thần ở nơi bờ cõi, phàm trong hạt việc lợi thì làm, việc hại thì bỏ, người có tài thì tiến lên, người không tài thì bãi đi, khiến quan lại được xứng chức, nhân dân được yên nghiệp, như thế thì quan to sợ phép, quan nhỏ giữ liêm, ai là không biết khuyên răn, phép làm cho quan lại trong sạch như thế chẳng là đẹp tốt sao ? Điều mà trẫm đòi ở Duyệt là ở đó, mà Duyệt làm được xứng chức cũng là ở đó…” (Đại Nam thực lục – tập 2 – NXB Giáo Dục – 2004 – trang 464).

Nhận xét về ông, những lời lẽ trên của vua Minh Mạng tưởng là đã quá đủ. Tinh thần trách nhiệm mà ông thể hiện đến nay vẫn còn có giá trị thực tiễn cho hậu thế. Bản tính ông thẳng thắn và trung thực nên gặp những việc làm không chính đáng của triều đình là ông phản ứng ngay. Năm 1826 -1827, triều đình lấy cớ hai viên chức người Pháp là Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) và Vannier (Nguyễn Văn Chấn) đã xin về Pháp, không còn ai làm thông ngôn, yêu cầu các địa phương vận động giáo sĩ Pháp về Huế đảm trách giúp việc này. Trong chức trách của mình, Lê Văn Duyệt vận động hai giáo sĩ Gagelin và Odorico ra Huế; nhưng không lâu sau, ông được biết việc tìm thông ngôn chỉ là cái cớ, mục đích chính của triều đình Huế là giam lỏng hầu hết các giáo sĩ tại kinh thành, trong đó có cả Giám mục Taberd.

Cảm thấy có trách nhiệm trong chuyện này, ông vội vàng cho sao một số trong 14 bức thư mà chúa Nguyễn Ánh đã viết gửi cho Giám mục Bá Đa Lộc cùng một số giáo sĩ và viên chức Pháp (để yêu cầu hỗ trợ đánh nhà Tây Sơn) vào những thập niên cuối thế kỷ 18, rồi xin ra Huế bệ kiến nhà vua. Sau một thời gian chờ đợi, ông được vua Minh Mạng cho về triều để dự lễ lục tuần khánh tiết (mừng thọ 60 tuổi) của Thuận Thiên Hoàng Thái hậu.

Mấy tháng sau chuyến đi đó của ông, Giám mục Taberd và các giáo sĩ được thả về địa phương. Trong bức thư đề ngày 8.2.1828 đăng trên Tập san Truyền bá Đức tin (tập IV), Giám mục Taberd đã viết về ông như sau: ”…Ông xứng đáng được người Pháp nhớ ơn…Ông được gọi là Thượng công, là người đầu tiên và cũng là người duy nhất trong số các quan lại được nhà vua nễ sợ… Những quan lại khác cũng rất yêu mến ông, bởi vì họ biết rằng ông là người chính trực; bọn trộm cướp rất sợ ông vì chúng biết là rơi vào tay ông sẽ bị chém đầu, mà không có hi vọng gì dùng tiền bạc để mua chuộc ông, như đã mua chuộc nhiều người khác….” (Tập san Đô thành hiếu cổ – BAVH số 1 năm 1926, trang 2-3)

Về mặt giao dịch với lân bang, ông là người đã mang lại cho triều đình Huế một uy tín lớn lao nhất trong con mắt các láng giềng. Năm 1813, trong lúc nội tình Chân Lạp (Campuchia ngày nay) rối ren, nước Xiêm (Thái Lan) có ý mang quân sang thực hiện những ý đồ định sẵn, ông thân hành dẫn hơn 13.000 quân đưa quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân về nước. Đến nơi, ông ban ngay quân lệnh nghiêm cấm cướp phá dân lành, vỗ về trăm họ, quân Xiêm thấy thế vội rút về nước. Từ đó, vua Chân Lạp xem triều đình Huế là chỗ dựa vững chắc trước sự đe dọa của những lân quốc khác.

Hàng năm, cứ vào chiều 30 Tết, quốc vương Chân Lạp thân hành đến Sài Gòn để sáng mùng một Tết, cùng Tả Quân Lê Văn Duyệt tới Hành cung trong thành Gia Định vọng bái hoàng đế Việt Nam và sau đó ra Đồng Tập Trận (sau Pháp gọi là Plaine des Tombeaux: Đồng mả mồ) xem binh sĩ thao diễn. Đó cũng là dịp để Tả quân cho người lân quốc tỏ rõ sức mạnh quân sự của Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ giao dịch với lân quốc trên thế mạnh, ông còn biết hành xử hợp với lẽ phải ở đời. Có lần Chân Lạp mang tặng nước ta 80 con voi, ông thấy nước bạn còn nghèo, lại không thể không nhận voi, nên tâu xin và được vua Gia Long cho xuất kho tặng lại họ một khoản tiền tương xứng với số voi nhận về.. Vào thời ấy, các sứ bộ Việt Nam đi sang Diến Điện (Miến Điện, nay là Myanmar) trở về kể rằng khi tiếp sứ, quốc vương nước này vẫn thường bắt đầu cuộc nói chuyện bằng câu hỏi :” Lê công có khỏe không?”. Điều này cho thấy oai danh ông khiến cả vùng Đông Nam Á nễ phục.

LÊ VĂN DUYỆT – ĐÔI NÉT VỀ ĐỜI SỐNG RIÊNG

Sử chép rằng Tả quân Lê Văn Duyệt là người tính tình bộc trực đến độ ngang tàng. Năm 1800, trong một trận đánh, ông là Phó tướng của Nguyễn Văn Thành, trước khi xung trận, Thành rót rượu mời ông: “Uống rượu để thêm sức mạnh”, ông từ chối thẳng thừng: “Ai tánh hay sợ mới uống rượu để cho thêm sức mạnh, còn như tôi thời trước mắt coi không trận dữ, cần chi phải uống rượu…” (Quốc triều chánh biên – Nhóm nghiên cứu Sử Địa Sài Gòn – 1972 – trang 37). Ông Thành cả thẹn, từ đấy hai người ít gần gủi nhau như trước.

Trong thời gian ông tại chức Tổng trấn Gia Định Thành, dinh cơ của ông trải dài từ đường Thái Văn Lung ngày nay đến sau dinh Độc Lập. Tư thất phu nhân Tả quân, bà Đỗ Thị Phẫn (vốn là một cung nữ, được vua Gia Long thưởng cho ông để làm bầu bạn), nằm trong khuôn viên dinh Thống Nhất ngày nay. Vườn hoa nơi ông đến để ngắm hoa, người đương thời gọi là Vườn Ông Thượng (thời Pháp thuộc là vườn Bồ-Rô, sau là vườn Tao Đàn, vì danh nghĩa Thượng công (ông quan lớn Thượng thư) là tiếng xưng hô phổ biến nhất trong dân gian.

Cuộc sống thanh đạm, bình dị của ông được George Finlayson, một thành viên trong phái bộ Crawfurd của Anh đến Sài Gòn năm 1822, miêu tả trong một bút ký kể lại lần được diện kiến ông và được ông cho xem trận voi hổ quyết đấu: “…Tư thất của ông to lớn nhưng giản dị, cả bên trong lẫn bên ngoài đều không có trang trí gì… Quan Tổng trấn ngồi ở cuối phòng, trên một cái sập rất đơn giản, rộng khoảng 4 m2, có trải chiếu và đặt một, hai chiếc gối tựa. Trên một cái sập thấp hơn, kê ở phía trái, là chỗ ngồi của ông Phó Tổng trấn, một cụ già dung mạo tao nhã, có lẽ tuổi đã quá thất tuần….Quan Tổng trấn, như lời thiên hạ kể, là một hoạn quan, vẻ mặt của ông xác định điều đó. Ông vào khoảng 50 tuổi (năm 1822, ông Duyệt 59 tuổi – LN), có cái nhìn thông minh và một vẻ năng động mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần. Gương mặt ông tròn trịa và hiền lành, không râu và có những nếp nhăn . Trang phục của ông chẳng những giản dị mà còn có vẻ thiếu chăm chút, như áo quần của những kẻ nghèo khổ nhất…”

CHÚT HUYỀN SỬ VỀ TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT

Sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời vào tháng 7 âm lịch năm 1832, trong con mắt người dân Sài Gòn – Gia Định xưa, ông là hiện thân của sự oai linh và hiển hách. Năm 1835, cuộc nổi dậy do người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi và các tướng sĩ tại thành Phiên An khởi xướng bị triều đình Huế đánh tan, dù mất đã lâu, ông vẫn bị triều đình khép vào 7 tội trảm (xử chém), 2 tội giảo (treo cổ), ngôi mộ ở lăng Ông ngày nay bị xiềng lại và dựng tấm bia khắc tám chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Nơi chịu tội của tên hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt). Sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện (dẫn trên) kể rằng: “Mộ của Duyệt ở bên thành Gia Định từ Minh Mạng năm 16 (1835) trở đi, những lúc trời âm u, đêm yên tĩnh, có tiếng ma quỷ khóc than, hoặc tiếng ồn ào người ngựa; dân cư nơi đó không dám lại gần, người đi đường đều dời lối khác để tránh đi. Đến lúc ấy, vua sai quan địa phương đem giấu bỏ tấm bia và cho con cháu tự ý sửa chữa ngôi mộ, thì tiếng ma quỷ trong ban đêm mới dứt…”
(Sđd – trang 67, 69)

Những câu chuyện truyền tụng đó không có thật về mặt khoa học, nhưng về mặt tâm linh, nó phản ảnh sự đồng cảm của cư dân đất Gia Định trước nỗi oan khuất của một lão thần từng vào sinh ra tử, góp công lớn trong việc xây dựng vương triều Nguyễn, nhưng chỉ vì sự u mê, hẹp hòi của đấng quân vương mà sau khi mất rồi, vẫn còn bị đối xử như một kẻ tội đồ…

VÌ SAO ĐÃ CÓ MỘT THỜI TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT ĐƯỢC COI LÀ NHÂN VẬT “CÓ VẤN ĐỀ”?

Năm 2009, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Đương Thời (số 4 (28), tháng 4.2009), trước yêu cầu trình bày quan điểm về các “nhân vật phức tạp” như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký…, tôi đã trình bày ý kiến về nhân vật Lê Văn Duyệt như sau:

…Những gì xảy ra trong quá khứ cho chúng ta thấy rằng các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, thường được nhìn dưới nhiều lăng kính khác nhau, song có một thứ lăng kính không bao giờ méo mó hay sai lạc, đó là “lăng kính nhân dân”. Sự tồn tại của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu), đền thờ Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, sau nhiều biến chuyển của thời cuộc, đã nói lên điều đó. Có một thời, chúng ta phải đối mặt với hiện tượng quá rạch ròi trước cái tốt và cái xấu, cái gì được cho là tốt thì tốt toàn diện, cái gì bị cho là xấu thì xấu triệt để. Nhưng lịch sử không có cái gì tuyệt đối cả.

Từ nhiều thập niên trước, không ít nhà viết sử đánh giá nhà Tây Sơn là “chính nghĩa”, là “toàn diện” nên thế lực nào không cùng quan điểm hay chống lại phong trào này đều là “phi nghĩa” hết. Nếu bình tâm mà xét, bên cạnh chiến công mà hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã lập được trong việc chống lại quân nhà Thanh năm 1789, nhà Tây Sơn sau năm 1792 chỉ còn là một bóng mờ của quá khứ, vua Cảnh Thịnh còn quá nhỏ, không tạo được một dấu ấn nào, đại thần lộng quyền làm điều xằng bậy, anh em trong nhà chống lại nhau…

Trong tình cảnh đó, sự sụp đổ của nhà Tây Sơn trước lực lượng quân sự hùng mạnh của chúa Nguyễn Ánh là điều dễ hiểu. Cứ nhìn cách cư xử của người dân Bắc hà đối với vua tôi Cảnh Thịnh trong bước khốn cùng vào năm 1802 cũng thấy được điều này (họ bị người dân bắt giữ, mang giao nộp cho quân chúa Nguyễn). Chính quan điểm cực đoan coi nhà Tây Sơn là “chính nghĩa” và “toàn diện” đã gián tiếp đưa những người từng góp công lớn trong việc kết thúc triều đại này vào hàng ngũ “phản diện”. Lê Văn Duyệt là một ví dụ tiêu biểu. Khi cư xử với ông như vậy, người ta quên rằng ông không dính dáng gì đến cuộc xâm lược của thực dân Pháp, vì khi đó, ông đã mất gần 30 năm rồi; mảnh đất miền Nam trải dài từ Bình Thuận vào đến Hà Tiên giặc cướp không dám nổi dậy, người dân an cư lạc nghiệp, các lân bang hết sức tôn trọng triều đình Huế, là nhờ có ông. Khi còn nhỏ, đi học gần lăng ông, tôi thường nhìn thấy rất nhiều người Hoa đến đó thắp hương với tất cả niềm thành kính, và tôi ngộ ra rằng lòng biết ơn của con người thật kỳ diệu, nó không phân biệt quốc tịch, giai cấp hay những giá trị phù phiếm nào khác.

Có lẽ cũng do quan điểm cực đoan trên mà có một thời, các chúa Nguyễn, nhất là các vua triều Nguyễn, đã bị xếp vào hàng ngũ những kẻ “phản động trong lịch sử” và không ít người nhất định cho rằng triều Nguyễn để mất nước là do đã bế quan toả cảng (đến nay vấn đề này vẫn còn tranh cãi) và cấm đạo, cứ làm như thể nếu không có hai chính sách đó thì thực dân Pháp sẽ khoanh tay ngồi yên để chúng ta duy trì sự độc lập dài dài vậy.

Sự chú tâm vào một quan điểm bảo thủ duy nhất khiến đôi lúc chúng ta quên đi một yếu tố quá rõ ràng là hành động của thực dân Pháp nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tranh giành thuộc địa gay gắt với thực dân Anh tại châu Á lúc bấy giờ; và vào giữa thế kỷ XVIII, nghĩa là khoảng 100 năm trước ngày Pháp chiếm Việt Nam, theo đề xuất của một lái buôn Pháp là Pierre Poivre, chính phủ Pháp từng cử người (Bá tước d’Estaing) mang quân đánh úp Phú Xuân của ta (cuộc hành quân bị bỏ dở nửa chừng tại eo biển Malacca vì những nguyên nhân khách quan).

Cuối cùng, chỉ xin nhớ một điều là năm 1558, khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá, thì giang sơn của ta chỉ mới đến Bình Định ngày nay, nếu các chúa Nguyễn không có những chính sách nội trị và ngoại giao sáng suốt, nếu đất nước không có những con người tài năng và tâm huyết như Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại… chúng ta không thể có được dải giang sơn kéo dài đến tận mũi Cà Mau như bây giờ. Chỉ cần quên đi điều này, chúng ta đã biến mình thành những kẻ vô ơn đối với lớp người đi trước rồi…

SỰ THÊU DỆT VỀ MỐI BẤT HÒA GIỮA VUA MINH MẠNG VÀ TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT

Về mối quan hệ giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng, điều đáng tiếc là nhiều cây bút đã cố vẽ ra những tình huống không có thật để tạo nên sự xúc động cho người đọc. Họ vin vào ít nhất 3 sự kiện, một là chuyện trao ngôi thái tử cho hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) vào năm 1816, hai là chuyện xử tử Phó tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý mà họ nhấn mạnh là “cha vợ vua Minh Mạng” và ba là chuyện vua Minh Mạng và triều thần kết án Lê Văn Duyệt về 9 tội chết sau sự biến ở thành Phiên An (1833 – 1835), sau khi vị cố Tả quân họ Lê đã mồ yên mả đẹp được 3 năm rồi.

Căn cứ vào chính sử (hai bộ Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện), không hề có chuyện Lê Văn Duyệt ngăn cản việc vua Gia Long tấn phong thái tử cho hoàng tử Đảm; về sự kiện hai, cũng không hề có chuyện ông Duyệt “tiền trảm hậu tấu”, chém đầu Huỳnh Công Lý trước khi có lệnh triều đình cho giải về kinh; về sự kiện ba, đó là điều có thật, nhưng đã xảy ra 3 năm sau cái chết của ông Duyệt.

Những cây bút dựng lên sự bất đồng sâu sắc giữa hai nhân vật lịch sử này đã bỏ quên gần như hoàn toàn những gì đã diễn ra trong 12 năm, từ khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820) đến khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời (1832).

Chân dung vua Minh Mạng

Theo chính sử, vào tháng 12 âm lịch (AL) năm Kỷ Mão, nhằm vào tháng 1.1820, biết mình không qua khỏi, vua Gia Long đã triệu tập hoàng thái tử, các hoàng tử tước công và hai đại thần Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu để nhận di chiếu.

Dù sử không nêu rõ hai đại thần trên có là cố mệnh lương thần không, song với việc chỉ họ có mặt trong giờ phút lâm chung của vua Gia Long cũng nói lên tầm quan trọng của họ, ít nhất là uy tín đối với tân quân. Vì thế ngay khi vừa lên ngôi, vua Minh Mạng đã viết thư khen, đóng ấn ngọc tỷ ban cho ông Duyệt, đến tháng 4 AL 1820 lại cử ông làm Tổng hộ sứ, điều khiển chung lễ an táng vua Gia Long tại lăng Thiên Thọ (Đại Nam liệt truyện, tập 2, quyển 22, mục XIX, NXB Thuận Hóa, Huế 2006).

Tháng 5 AL, nhà vua “lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn thành Gia Định (đúng ra phải là Gia Định thành – LN). Phàm truất thăng quan lại, hưng lợi, trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm”. (Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục, 2004, trang 62). Như vậy, hầu như nhà vua đã giao cho Tả quân trọn quyền đối với mảnh đất Gia Định thành bao gồm 5 trấn, từ Bình Thuận vào đến Hà Tiên.

Trong suốt 12 năm miệt mài gìn giữ trật tự trị an và phát triển kinh tế vùng đất Gia Định thành rộng lớn, Tả quân Lê Văn Duyệt luôn giữ đạo quân thần, dù được nhà vua dành cho nhiều quyền hạn, song từng chuyển biến nhỏ trong địa hạt của mình, ông đều tâu về triều. Qua lịch sử, chúng ta thấy rằng vua Minh Mạng nhiều lần ban thưởng chẳng những cho bản thân ông Duyệt mà còn cho cả thân phụ và thân mẫu ông nữa.Tháng 8 AL năm 1820, nhà vua truy thăng cha ông Duyệt là cố Chưởng cơ Lê Văn Toại (tòng nhị phẩm) lên chức thống chế (chánh nhị phẩm). Tám năm sau, tháng 12 AL 1828, một lần nữa, nhà vua truy thăng ông Toại lên chức đô thống (tòng nhất phẩm), mẹ ông Duyệt là Nguyễn thị được phong nhất phẩm phu nhân (Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, trang 90 và 690).

Về phần Tả quân Lê Văn Duyệt, ngoài việc dành cho một quyền hạn rộng rãi trong việc cai trị Gia Định thành, nhà vua không bỏ sót một lần ân thưởng nào mỗi khi vị công thần và thuộc hạ làm được những điều ích quốc lợi dân. Tháng 4 AL 1822, nhà vua gửi vào Gia Định thành cho Tả quân một cái ống điếu bằng pha lê bịt vàng, một chén ngọc liệu màu xuân thanh bịt vàng, một chén ngọc liệu màu mỡ cắt bịt vàng, một cái chậu pha lê, với lời dụ đầy cảm mến.

Tháng 6 AL 1824, sau khi về kinh bệ kiến, tâu trình một số việc, Tả quân Lê Văn Duyệt quay về Gia Định thành, vua Minh Mạng cử binh đi theo, và: “Duyệt đương trên đường, vua sai trung sứ mang một cái ống điếu bằng pha lê màu biếc bịt vàng là đồ thượng phương và dụ bảo rằng: “Từ sau khi khanh bệ từ, lòng trẫm băn khoăn chẳng lúc nào quên, khanh nên giữ gìn khi đi lúc nghỉ, chớ để nắng gió cảm nhiễm mà làm lo cho trẫm” (Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, trang 363). Sự ưu ái của bậc quân vương đối với một lão thần đến mức đó là cùng.

Ngoài những việc như thế, tháng 1 AL 1824, nhà vua còn gả em gái là công chúa Ngọc Ngôn cho con thừa tự của Tả quân là Kiêu kỵ Đô úy Lê Văn Yến, vốn là con của Lê Văn Phong, em ruột ông Duyệt, được ông nhận làm con thừa tự. Với sự kiện này, Tả quân Lê Văn Duyệt trở thành thông gia với vua Gia Long! Bản thân Lê Văn Phong lúc ấy cũng đang là Phó tổng trấn Bắc thành.

VỤA ÁN CHA VỢ VUA MINH MẠNG

Câu chuyện “xử tử Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý” từng được nhiều cây bút mô tả như một sự kiện chấn động để thu hút người đọc: “Lê Văn Duyệt giết chết cha vợ vua Minh Mạng!”.

Người ta kể rằng khi quay về Gia Định thành, nghe bẩm báo lại về nhiều hành vi trái pháp luật của Huỳnh Công Lý, như nhũng lạm công quỹ, nhũng nhiễu dân lành, với thanh thượng phương bảo kiếm trong tay và quyền tiền trảm hậu tấu được vua Minh Mạng ban cho, ông Duyệt ra lệnh chém đầu Lý tức khắc, khi triều đình gửi lệnh vào kêu giải Lý về kinh thì chuyện đã rồi.

Song những gì chính sử ghi chép đã phản bác lại hầu hết những chi tiết thiếu chính xác kể trên.

Cần nhắc lại là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt được gọi về triều vào tháng 6 âm lịch (AL) năm 1815, quyền cai trị Gia Định thành được tạm thời giao lại cho Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu. Tháng 8 AL 1818, vua Gia Long cử Tả Thống chế Thị trung Huỳnh Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định thành.

Vua Gia Long thăng hà vào ngày 19 tháng 12 AL năm Kỷ Mão, nhằm ngày 3.2.1820 thì chỉ khoảng 4 tháng sau, vua Minh Mạng đã cử Lê Văn Duyệt trở lại Gia Định thành, tiếp tục cương vị tổng trấn. Hai tháng sau, Tả quân cử Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý mang quân qua Chân Lạp (Campuchia) đánh dẹp cuộc nổi loạn của một nhà sư tên Kế. Song đến tháng 9 AL cùng năm, một sự kiện quan trọng xảy ra: Quan binh và dân chúng Gia Định tố cáo Huỳnh Công Lý 10 điều vi phạm trong thời gian làm việc ở Gia Định thành, chủ yếu là việc tham nhũng và nhũng nhiễu dân chúng.

Ngay sau khi tiếp nhận sự tố giác của nhiều người, Tả quân Lê Văn Duyệt tâu mọi việc về triều. Nhận được bản tấu, vua Minh Mạng đã nói với Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế (tức vua Gia Long – NV) cất, ngôi đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi” (Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục, 2004, trang 93).

Sau đó, nhà vua hội bàn với đình thần, xét thấy nếu triệu Lý về kinh, phải đòi nhân chứng đến, đường sá xa xôi, do đó, tiện hơn cả là tra xét việc làm của Lý tại Gia Định. Bèn cử Thiêm sự Bộ Hình là Nguyễn Đình Thịnh vào Gia Định, phối hợp Tào Hình mà xét hỏi.

Tháng 12 AL năm Canh Thìn, nhằm đầu năm 1821, trong một buổi hội đình thần, vua Minh Mạng cũng đem trường hợp Huỳnh Công Lý ra để răn đe mọi người. Vụ án này không chỉ dính đến cá nhân họ Huỳnh, mà còn làm liên lụy đến nhiều quan lại khác. Tháng 3 AL 1821, ba quan chức trấn Biên Hòa là Trấn thủ Tống Văn Khương, Ký lục Hoàng Công Xuân, Cai bạ Bùi Phụ Đạo từng bắt binh dân trong phạm vi hạt của họ làm việc riêng cho Huỳnh Công Lý nên bị bãi chức cả. Tuy là thời phong kiến, song luật pháp nhà Nguyễn lúc bấy giờ hết sức nghiêm khắc đối với kẻ làm quan.

Tháng 5 AL 1821, vua Minh Mạng ban quyết định tối hậu về những sai phạm của Huỳnh Công Lý: “Hoàng (Huỳnh) Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên hai vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho binh dân” (Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, trang 134).

Vậy là đã rõ, tiến trình vụ án Huỳnh Công Lý diễn ra như sau:

– Tả quân Lê Văn Duyệt tiếp nhận tố cáo của binh dân và tâu về triều.

– Vua Minh Mạng ra lệnh tống giam Lý tại Gia Định, cử người ở Bộ Hình vào tận nơi, phối hợp với bộ máy tại địa phương để tra xét.

– Cuối cùng, khi việc xét hỏi hoàn tất, nhà vua ban lệnh xử tử Huỳnh Công Lý.

Thực tế lịch sử cho thấy mọi việc liên quan đến Huỳnh Công Lý và Tả quân Lê Văn Duyệt hoàn toàn khác với những gì được thêu dệt từ một số cây bút lịch sử, không có việc ông Duyệt thực hiện quyền “tiền trảm hậu tấu”, và triều đình không hề có một biểu hiện nào nhằm che chở cho họ Huỳnh.

Cuộc khai quật mộ cổ Huỳnh Công Lý ở Sài Gòn

Về chi tiết Huỳnh Công Lý là “cha vợ vua Minh Mạng”, cần biết rằng nhà vua có đến 142 con (78 trai, 64 gái), nếu cứ tính trung bình một bà phi sinh cho ông 2 con thì phải có tới hơn 70 bà ở hậu cung, trong đó phần lớn là các nàng hầu. Thân phận của hầu hết những nàng hầu này cũng chẳng có chi là vẻ vang thì thân phận cha mẹ họ càng không có gì để phải quan tâm, khi một trong số người đó phạm pháp. Bằng chứng rõ ràng là khi triều đình phát hiện ra sự phạm tội của Huỳnh Công Lý, vua Minh Mạng hay sử quán triều Nguyễn không hề nhắc tới cương vị của Lý là cha của một nàng hầu trong cung, việc xử tội được áp dụng như bất cứ một thường nhân nào.

Câu chuyện “Lê Văn Duyệt giết cha vợ vua Minh Mạng” được dựng lên để góp phần bi kịch hóa điều mà nhiều người gọi là sự mâu thuẫn trầm trọng giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và nhà vua, khi ông Duyệt còn sinh tiền.

Bài của Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn

Viết một bình luận