Sự hình thành của các hồ ở Đà Lạt và sự nhầm lẫn về việc hồ Xuân Hương được tạo thành từ miệng núi lửa

Đà Lạt có ít sông ngòi, nhưng có rất nhiều hồ và thác rất đẹp. Có một điều ít người biết, đó là hầu hết hồ nước ở Đà Lạt đều là hồ nhân tạo, đã được đào từ những năm đầu thế kỷ 20, hoặc được hình thành do đắp đập ngăn sông tạo thành hồ lớn. Điều này trái với sự nhầm tưởng của nhiều người khi cho rằng các hồ ở Đà Lạt được tạo thành từ miệng núi lửa. Theo nghiên cứu về mặt địa chất trong hàng trăm năm qua, không có phát hiện nào liên quan tới một hố miệng núi lửa đã từng phun trào ở Đà Lạt vào thời kỳ đã kiến tạo xong địa hình.

Nếu có cái gì đó được hình thành tự nhiên ở Đà Lạt, thì đó chính là thác nước và sông. Vùng cao nguyên Lang Biang có 2 dòng sông lớn nhất cùng đổ ra sông Đồng Nai là sông Đa Dung và Đa Nhim, trong đó năm 1942, người Pháp đắp đập Ankroet ngắn sông Đa Dung làm thủy điện Ankroet. Tới năm 1959, người Nhật viện trợ VNCH đắp đập ngăn sông Đa Nhim để làm hồ thủy điện Đa Nhim (theo hình thức bồi thường chiến tranh).

Sông Đa Nhim năm 1952

Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Dankia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập tên là đập Ankroet và đập Dankia (đạp nước Suối Vàng) chắn dòng sông Đa Dung (còn được gọi là Đạ Dâng, Đa Dâng) phát nguyên từ núi Langbian; cạnh đó là một thác nước trắng xóa cũng mang tên Ankroet. Năm 1942, toàn quyền Decoux quyết định xây một đập nước mang tên Ankroet ngay dưới con thác này để làm nhà máy thủy điện đầu tiên của Đà Lạt.

Thác Ankroet
Hồ Ankroet năm 1963

Cả hai con đập đều được xây dựng bằng đá chẻ rất đẹp và vững chãi. Tràn được thiết kế tiêu năng đáy bằng những khối đá xếp cao ngang bụng rất lạ mắt ngay cả với những người làm thủy lợi.

Đập tràn Ankroet năm 1953
Đập tràn Dankia

Việc đắp đập ngăn sông đã tạo ra 2 hồ Dankia và Suối Vàng, sau này trở thành nơi cấp nước chính cho toàn thành phố Đà Lạt.

Ðankia từng nằm trong tính toán của người Pháp dưới thời Toàn quyền Paul Doumer. Nhưng vì những lý do địa hình phức tạp cũng như nhìn ra vai trò quan trọng quyết định đến môi trường, đặc biệt là duy trì chất lượng và sự ổn định của dòng nước thượng nguồn, người Pháp đã không xây dựng nơi này thành trạm nghỉ dưỡng mà chỉ ngăn đập làm hồ, điều tiết nước, điều hòa khí hậu cho một đô thị Ðà Lạt ở địa thế thấp và bằng phẳng hơn về sau.

Lựa chọn một khoảng lùi với Ðankia – Suối Vàng cho thấy sự sáng suốt và tầm nhìn xa của những nhà quy hoạch Pháp hồi đầu thế kỷ XX. Ðó chính là khoảng lùi cần thiết, góp phần gìn giữ một hệ sinh thái riêng, nguồn năng lượng tự nhiên, tài sản khí hậu tuyệt vời cho Ðà Lạt.

Ngoài 2 sông Đa Dung và Đa Nhim, trung tâm Đà Lạt còn có một con sông nhỏ là Cam Ly (người Đà Lạt gọi là suối Cam Ly) uốn lượn quanh Đà Lạt và đi ngang qua một vùng đồng lầy nơi người Lạch (người Lạt) canh tác hoa màu. Sau này người Pháp tới đã mở rộng và đào thành một hồ nước lớn từ đầm lầy đó, ban đầu được gọi là Grand Lac (Hồ Lớn), tới năm 1953 đổi tên thành hồ Xuân Hương, nằm ngay trung tâm Đà Lạt. (Đọc bài chi tiết về quá trình hình thành hồ Xuân Hương tại đây)

Một vài hình ảnh đẹp của hồ Xuân Hương xưa:

Ngoài ra, hồ Than Thở cũng là được hình thành nên từ một nhánh sông Cam Ly. Trước đó, vùng này cũng chỉ là một đầm lầy, tới năm 1937 người Pháp đắp đập ngăn sông Cam Ly để xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5ha cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.

Nhận thấy vùng này rất hoang vu, chỉ nghe tiếng gió vi vu xuyên qua kẽ lá tạo thành một khúc nhạc buồn, người Pháp mới đặt tên là Lac des Soupirs. Soupir có nghĩa là tiếng gió thổi trong rừng (les soupirs du vent dans les bois) nhưng cũng có nghĩa là sự than thở. Dựa theo đó, năm 1953, nhà văn Nguyễn Vỹ đặt tên tiếng Việt cho hồ là hồ Than Thở.

Một số hình ảnh hồ Than Thở xưa:

Cũng tương tự hồ Than Thở, ở khu vực cách xa trung tâm Đà Lạt còn có 2 hồ khác cũng được đào với mục đích thủy lợi, đó là hồ Mê Linh nằm phía Đông Bắc, và hồ Vạn Kiếp ở phía Bắc. Tuy nhiên sau này 2 hồ này gần như đã biến mất hoàn toàn do bị bồi lắng, bị người dân chiếm dụng lập vườn trồng rau, hoa và xây nhà…

Ở khu vực Đồi Cù còn có một hồ nước rất đẹp là hồ Cẩm Lệ. Tuy nhiên sau khi Đồi Cù bị rào chắn năm 1992 để làm sân chơi cho nhà giàu, người dân không còn được tự do vào bên trong nữa nên không được tận mắt nhìn thấy hồ nước này:

Đồi Cù gồm 3 ngọn đồi nằm ở trung tâm thành phố Ðà Lạt, sát cạnh hồ Xuân Hương. Những quả đồi tròn trịa, mấp mô, tiếp nối nhau, lác đác những cụm thông. Theo đồ án xây dựng thành phố của kiến trúc sư người Pháp Lagisquet thì Ðồi Cù là khu vực bất khả xâm phạm nhằm tạo ra một tầm nhìn thoáng đãng cho Ðà Lạt. Hồ Cẩm Lệ nằm chính giữa 3 ngọn đồi thơ mộng trong Đồi Cù. Ngày xưa những đôi tình nhân Đà Lạt thường đi bộ lên sườn đồi, ngồi tựa lưng vào những gốc thông và ngắm ánh nắng chiều trải dài trên hồ Cẩm Lệ. Hồ này ngày mọc đầy cỏ dại, lau sậy, nằm giữa 3 ngọn đồi nhỏ thoai thoải của Đồi Cù được đặt tên hết sức lãng mạn là Gặp Gỡ, Hò Hẹn, và Ái Ân.

Hồ Tổng Lệ (bên trong Đồi Cù) và Hồ Xuân Hương năm 1968. Ngày nay Hồ Tổng Lệ đã không còn

Bên cạnh Đồi Cù còn có 2 hồ nhỏ hơn nằm ngay sát Hồ Xuân Hương, chỉ cách một mặt đường, đó là hồ Đội Có và hồ Tổng Lệ, được người Pháp đào với mục đích để hứng nước mưa từ trên Đồi Cù và các nơi vùng cao hơn xuống đây, tránh không cho nước mưa kéo theo chất thải từ thành phố xuống hồ Xuân Hương. Hai hồ này được lọc nước để tưới trở lại cây cỏ, gọi là nước tái sinh. Hai hồ Đội Có và Tổng Lệ thông nước với hồ Xuân Hương qua ống nước ngầm có màn lọc.

Vị trí Hồ Đội Có và Hồ Tổng Lệ ở sát bên Hồ Xuân Hương. Chính giữa hình là nhà Thủy Tạ
Góc trên bên trái là Đồi Cù, Hồ Tổng Lệ nằm dưới Đồi Cù, cách Hồ Xuân Hương chỉ một lòng đường

Ngày nay hồ Tổng Lệ đã bị lấp, còn hồ Đội Có vẫn còn nhưng thường xuyên bị ô nhiễm vì nằm ngay khu dân cư đông đúc.

Một hồ nổi tiếng khác ở Đà Lạt nhưng được “sinh sau đẻ luộn” nhất là hồ Tuyền Lâm. Vào năm 1982, Ty thủy lợi Lâm Đồng đã cho đào một hồ nước chắn ngang suối Tía (Da Trea), ban đầu dự định đặt tên là hồ Quang Trung. Đó vốn là tên căn cứ địa cũ đặt tại khu này hồi trước 1975.

Tuy nhiên khi đào xong và khánh thành hồ vào năm 1987 thì cái tên được chọn là hồ Tuyền Lâm. Việc đào hồ Tuyền Lâm mất tới 5 năm, nhiệm vụ chính là cấp nước tưới cho 2.800 ha đất canh tác, kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Một câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là có khi nào các hồ ở Đà Lạt được hình thành từ việc mở rộng các miệng núi lửa cũ? Trong tất cả các văn bản mà người Pháp ghi lại tỏng quá trình lịch sử thành lập Đà Lạt, chưa từng có một dòng nào ghi chép liên quan tới miệng núi lửa ở Đà Lạt. Còn về mặt địa chất, nhiều nghiên cứu đã thực hiện ở cao nguyên Lang Biang cũng không có thấy điều đó.

Nếu phân tích rõ hơn về mặt địa hình, các hồ được hình thành từ miệng núi lửa cũ thương có hình dạng tròn, bầu dục, hoặc có hình móng ngựa, đặc biệt chung quanh miệng hồ khá đều đặn. Bờ hồ được hình thành từ núi lửa cũng mang một đặc điểm riêng biệt: rất dốc ở phía trong của hồ và phía ngoài thì hơi lài lài. Cũng vì lẽ đó mà trên bản đồ địa hình, các đường cao độ chung quanh bờ hồ rất nhặt. Các hồ do miệng núi lửa cũ tạo thành thường lồi lõm ở giữa, vả lại độ sâu cũng rất lớn đối với đường kính của mặt hồ. Đáy hồ có thể phẳng hay nhọn. Miệng hỏa sơn Laziale (Ý) sâu từ 400 – 600m so với đường kính vào khoảng 10km; hoặc miệng Lago di Nemi (Ý) sâu đến 170m so với đường kính của nó là 2,5km – 4km. Ngoài ra, chung quanh các hồ do miệng hỏa sơn thường lưu lại các lớp dung nham hoặc các vật liệu hỏa sơn. Ở Việt Nam, chỉ có duy nhất một hồ nước ngọt được hình thành từ miệng núi lửa được các nhà khoa học ghi nhận là ở đảo Lý Sơn.

Bên trên là một vài nét chính tìm thấy nơi các hồ có nguồn gốc địa hình do các miệng hỏa sơn tạo thành. Trong khi đó các hồ ở chung quanh Đà Lạt có hình dạng xuôi theo các thung lũng và không có một đặc điểm nào. Bờ hồ rất lài theo dốc của các sườn núi và đường cao độ rất thưa. Tất cả những tính chất trên đây không gợi một hình ảnh nào về sự hoạt động của hỏa sơn. Đó là chưa xét đến một nền đá cứng như hoa cương ở vùng cao nguyên Lang Biang, sự hoạt động của hỏa sơn lại càng khó khăn hơn.

Tóm lại, các hồ ở Đà Lạt không có một nguồn gốc địa hình của các miệng hỏa sơn để lại, mà tất cả đều là hồ nhân tạo dựa theo các tài liệu cũ đã nhắc tới bên trên. Đáy của các hồ ở Đà Lạt là một loại nham biến tính (mica diệp thạch) và bên dưới lớp mica diệp thạch này là nền đá bằng hoa cương. Hồ trực tiếp nhận nước mưa từ các sông suối thuộc miền lân cận và đặc biệt một vài hồ như hồ Xuân Hương, Dankia và Than Thở là những bồn cung cấp nước cho dân địa phương.

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Sự hình thành của các hồ ở Đà Lạt và sự nhầm lẫn về việc hồ Xuân Hương được tạo thành từ miệng núi lửa”

Viết một bình luận