Sơn Nam – Tản mạn về tín ngưỡng thờ thần của người Sài Gòn xưa

Người ở Sài Gòn mới đến hay đến từ đôi ba thế hệ vẫn là người Việt Nam, với phong tục, tập quán và niềm tự hào. Vẫn dùng ngày Âm lịch, lịch phải có ngày âm, để làm chuẩn về ngày giỗ, ngày Tết, Phật đản, Rằm tháng 7, Trung thu; chưa nói đến lệ chơi hụi, ngày hành hương cũng theo Âm lịch. Những người mới đến vẫn theo lệ của người đến từ xưa. Nơi định cư xưa đã có miếu thờ Thổ Địa, thờ Bà Chúa xứ, có chùa Phật.

Để được yên tâm nơi xứ lạ, trước lạ sau quen, phải tạo một cơ sở để thờ, như thờ bà Ngũ Hành, thờ ông Hổ ở gốc cây, mé nước nào đó. Ngôi mả xưa vô danh được xem là linh thiêng, lắm khi gặp được cây súng đại bác đâu hồi thời Gia Long, thời Tự Đức cũng có thể lập miếu thờ. Người Việt đa thần, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là thờ tổ tiên.

Khi ổn định về nhà cửa thì lập tức mua sắm bàn thờ, lư, chân đèn. Hồi xưa, những món thờ phượng bằng đồng hoặc tiện bằng cây đều do ghe bầu nan từ Bình Định, Quảng Ngãi đưa vào.

Ngôi đình xưa của Gò Vấp, ở xã Hanh Thông Tây có sắc thần khá độc đáo. Vua không phong chức Thành Hoàng Bổn Cảnh nhưng là “Đương cảnh địa thần”, tức là Thần Đất. Vì quá xưa nên phong Thần Đất để giữ dấu ấn của miễu ông Địa.

Gia đình, dòng họ đến lập nghiệp thời xưa, phía Gò Vấp mà còn di tích khoảng 200 năm thì đa số khá giả, từng làm công, tư chức hoặc tiểu điền chủ. Nếu đông đúc, con cháu đời sau không lưu tán thì lập bàn thờ Họ, mỗi năm cúng một lần như ở miền Trung. Nhưng nói chung đại đa số người ở Sài Gòn là dân lưu tán, lắm khi thay tên đổi họ, tránh nạn tập nã hoặc tru di tam tộc lúc Tây Sơn – Nguyễn Ánh tranh chấp, lúc Lê Văn Khôi dấy loạn chống Minh Mạng, gần nhất là khi Trần Bá Lộc đàn áp Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực.

Nhiều người gốc miền Trung, cụ thể là vùng Quảng Nam vào Nam khoảng cất nhà thờ Họ, vì nghèo, trốn lánh, đã theo kiểu cúng Việc Lề. Nhớ ngoài quê xứ đã cúng vong linh người Chăm, đồng thời cúng luôn người trong dòng họ, mồ mả xiêu lạc; hai ba nội dung nhập chung lại. “Việc” tức là sự việc, việc làm; thời xưa, khi có chết trôi, vớt lên thì mời pháp sư đến làm lễ gọi hồn kẻ bất hạnh, gọi “làm việc vớt”. Cúng con cá lóc để nguyên vảy nấu cháo, hoặc nướng trui, chén mắm nêm, đọt rau lang, vào ngày do gia đình dòng họ qui định, để nhận nguồn gốc. Nhưng dân lưu tán chỉ cúng ông bà ở nhà, trên bàn thờ. Theo lệ, chỉ cúng đến đời ông cố là dứt, những người xa xưa hơn thì xem như đã chan hòa vào kiếp người vô tận rồi.

Ở Bắc, ở Trung, đình là quan trọng nhưng mức quan trọng không đậm đà, cấp thiết như ở Sài Gòn và phía Nam, nơi ít có nhà thờ Họ, vì tổ tiên quá mơ hồ, không gia phả xưa, người vùng đất mới phải bám vào đình làng như là biểu tượng của cộng đồng người Việt. Người Hoa ở Chợ Lớn và các tỉnh không có đình, họa chăng đình Minh Hương Gia Thạnh, được tôn tạo khá đẹp dành cho người Minh Hương, tức là người Việt gốc Hoa thời xa xưa, đã trở thành Việt Nam.

Ở đồng bằng sông Hồng, tuy Pháp cai trị nhưng còn đó núi Tản, Ba Vì, đền Hùng, sông Hát, hồ Hoàn Kiếm, sông Bạch Đằng… Miền Trung có sông Hương, lăng tẩm, cửa Ngọ Môn, Phú Văn Lâu. Ở Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng, Pháp cai trị trực tiếp, xem như một tỉnh của Pháp với một dân biểu Pháp vào Quốc hội.

Người Pháp xem nhà thờ đạo Thiên Chúa là biểu tượng của văn hóa Pháp. Sài Gòn là vùng đất cắt cho Pháp với viên xã trưởng người Pháp. Người Việt đi xa xứ, thậm chí người Việt được Pháp ưu đãi, theo Tây học khi lớn tuổi vẫn thấy bức xúc. Pháp vẫn phải công nhận người ở Bắc, Trung, Nam đều là dân An Nam. Chương trình giáo khoa ở Nam kỳ vẫn theo chương trình của cả Đông-Pháp (mà Việt Nam là nước quan trọng nhất) với lịch sử từ đời Hùng Vương, ông Phù Đổng, Hai Bà Trưng, hồ Hoàn Kiếm, trận Bạch Đằng, cùng một tiếng nói, với ca dao, ngạn ngữ. Người Sài Gòn tuy sống sát sườn với Pháp vẫn đòi hỏi một nước Việt Nam với cội nguồn chung. Cội nguồn của người xứ Nam kỳ thuộc địa làm sao giống hoặc có liên quan xa gần với thực dân? Pháp đành dung túng việc lập đình Thành Hoàng, nhưng bắt buộc phải phân biệt Đạo và Đời.

Sống nhờ chế độ thực dân, nhưng trong thâm tâm không bỏ được văn hóa Việt. Về già, các vị công chức hưu trí, lắm khi là thông phán, đốc phủ sứ muốn sống với chút lương tri. Lương tri dân tộc còn nhen nhúm, vì tự bản thân vẫn thấy mình theo đạo thờ cúng ông bà, hài cốt không thể nào gỏi chôn bên mẫu quốc! Dân ở xứ thuộc địa phần ứng nhanh chóng và có hiệu quả lớn: Lấy đình làng làm gốc! Pháp muốn kiểm soát vì sợ lập Hội kín chống đối, nhưng chẳng phải là Hội kín.

Vì nghi thức lễ Kỳ yên có sẵn trước khi Pháp đến, những nguyên tắc lớn được áp dụng thống nhất từ Bắc chí Nam, từ trước đời Minh Mạng, với 3 tuần rượu dâng cho Trời, Đất và Người, một kiểu Tế Nam Giao ở Huế do nhà vua cử hành.

Trước kia, cơ ngơi khiêm tốn, vật tư khó kiếm với ván, với lá. Pháp đến, người phía nam xây đình làng hiện đại, nền đúc cao ráo, vách tường, trổ cửa sổ cho thoáng mát kiểu Tây phương, có đèn điện, sau này có quạt máy, bao lam (cửa võng) chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng, liễn đối rực rỡ, phô trương sự giàu sang. Lắm nơi bày ra cột chạm rồng như để thờ nhà vua. Đình lót gạch bông, vòng rào song sắt kiểu Tây phương, tất cả đều do bá tánh lạc quyên, chủ lực vẫn là thương gia, điền chủ, thêm sự ủng hộ tự nguyện của từng cá nhân, của các đình miếu lân cận.

Một trường hợp khó xử cho thực dân: Trương Định, anh hùng kháng Pháp mà Pháp đem xác bày ra giữa chợ Gò Công cho ai nấy thấy: Trương tướng quân chết thật, đừng hòng gây rối như trước! Nhưng đã phô bày thì phải chôn, trước áp lực của dư luận, của đạo lý thời buổi văn minh. Miếu thờ Trương Định mãi nghi ngút nhang khói nơi công cộng. Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa, bị xử tử công khai nhằm răn đe dân chúng, xác chôn kín đáo, gần khu quân sự của tỉnh lúc bấy giờ. Đình làng sở tại ở chợ Rạch Giá đã có sắc thờ vị thần chung chung là Thành hoàng Bổn Cảnh. Nhưng đồng bào địa phương và phía Hậu Giang khẳng định rằng đó là đình thờ anh hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực.

Đồng bào ta, thời Pháp cai trị xem là ông Thần do dân phong, tức là suy tôn do lòng dân. Trường hợp lăng Lê Văn Duyệt (đồng bào ky húy, gọi là lăng của Ông ở chợ Bà Chiểu) đáng chú ý hơn. May mắn cho đồng bào Gia Định xưa là lăng của họ Lê được chôn cất ở sát nội thành, bấy giờ còn hoang vắng. Lê Văn Duyệt chống đối vua Minh Mạng, bị trù dập, đưa vào Nam cho xa kinh đô, đề phòng đảo chính. Khi vào Sài Gòn, Tả quân biết phát huy thế lực, chỉnh đốn nội tình, lập được kỷ cương ở vùng đất mới gồm lưu dân phức tạp, lại mạnh dạn cho mua bán dễ dàng, giao thương với nước ngoài, dựa vào vị trí thuận lợi của cảng Sài Gòn. Giới Hoa kiều Chợ Lớn làm giàu nhanh, nhớ ơn, khi ông mất thì xem như vị Thần Tài của Sài Gòn.

Từ một miếu nhỏ hồi cuối thế kỷ XIX, Pháp đến, tiền bạc dâng cúng ngày càng tăng! Miếu thành hình, với cơ ngơi khang trang, mặt bằng rộng, sát bên chợ Bà Chiểu mà thực dân Pháp xây dựng làm tỉnh lỵ của Gia Định. Nhờ một số nhân sĩ, trí thức có uy tín đứng ra quản lý, với bản điều lệ bằng chữ Pháp được công nhận, mặc nhiên Lê Văn Duyệt trở thành vị thần mà không có sắc phong, hai bên thờ chung với Phan Thanh Giản và Lê Chất (Phan Thanh Giản từng bị triều đình lên án, Lê Chất bị can tội đời Minh Mạng như Lê Văn Duyệt).

Trước khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, các quan và vua Tự Đức đã đoán được tình huống bi quan nên từ năm 1852 đã ban hàng loạt sắc thần, phong cho những làng chưa có sắc hoặc có sắc mà thất lạc, nhằm giữ mãi sự gắn bó đối với triều đình trong lòng người Nam bộ, khi Pháp xâm chiếm. Những đình làng không kịp xin sắc thần, cũng như những làng thành lập sau khi Pháp chiếm đã tự động xây dựng đình làng cho có thể diện, rằng dân làng mình cũng “đầu đội trời, chân đạp đất như ai”. Cứ cúng tế linh đình, trong lúc chờ đợi nhà vua phong sắc thì thờ ông “thần vọng”, theo nghĩa là trông ngóng, chờ vị thần mà vua sẽ phong và gởi tờ sắc vào. Nhưng việc trông ngóng lại khó khăn vì phải gởi đơn ra xin vua Khải Định hoặc Bảo Đại ở ngoài Huế, qua sự chuyển đạt của Thống đốc Nam kỳ. Pháp tìm cách hạn chế những thủ tục này, và vua bù nhìn thời Bảo hộ ở Trung kỳ cũng tự thấy mình không được quyền xen vào chuyện nội bộ của “thuộc địa Nam kỳ”, như là một nước láng giềng.

Trừ đôi ba trường hợp: Phan Thanh Giản được sắc phong, Thoại Ngọc Hầu cũng vậy vào thời Pháp thuộc do vua ở Huế. Có còn hơn không, quan trọng hơn hết là tấm lòng của người dân hướng về Tổ quốc mà vị thần là đại diện.

Kinh tế thị trường lại đòi hỏi sự phóng khoáng để cầu mua may bán đất ở chùa và đình, ngay ở quận 1, quận 2, ngày nay, thời Pháp thời Mỹ cũng có nhiều đình, nhưng thể diện lớn vẫn là lăng Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu với mặt bằng to rộng, cổng tam quan vừa dân tộc, vừa hiện đại, cây to bóng mát. Sài Gòn có nhà thờ Đức Bà đạo Thiên Chúa, Chợ Lớn nổi danh với nhiều chùa, đúng ra là Miễu thờ Quan Công, Mã Hậu.

Lăng Lê Văn Duyệt rõ nét đặc thủ về kiến trúc, bối cảnh, màu sắc Việt Nam, so sánh với trung tâm Sài Gòn của Pháp, với chùa miễu Chợ Lớn của người Hoa vẫn không “lép vế”, mặc đầu Pháp thắng về chính trị, quân sự, người Hoa Chợ Lớn thắng về kinh tế. Đình miếu của đất Gia Định xưa vẫn thể hiện sức nặng văn hóa. Đặc biệt dịp giao thừa, thỉnh lộc ở Lăng Ông là tục lệ độc đáo, người Hoa ở Chợ Lớn kéo đến lăng để xin điều may mắn. Lăng Ông được cúng tế chu đáo, sau tế lễ, có bày ra Xây chầu và Đại Bội, hai nghi thức mà ở Bắc và Trung không có. Đó là nghi thức ở triều đình Huế dành riêng để giải trí cho ông hoàng bà chúa. Lê Văn Duyệt đã “lộng quyền”, phổ biến cho dân gian thưởng thức.

Sau đó là hát bội trước linh thần, minh họa những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nợ nước trước tình nhà. Hát bội sống được ở Sài Gòn, nhờ dựa vào lễ hội. Lễ hội ở đình miễu phục hồi, gây phấn khởi cho mọi tầng lớp vì mang nội dung cụ thể của thế tục. Người tham dự tha hồ mặc đẹp, với trang sức, cúng rượu, thịt, cầu nguyện cho “dân khang vật phụ” (của cải vật chất dồi dào, người dân mạnh khỏe), sĩ nông công thương phát đạt, mua may bán đắt, gió thuận mưa hòa, mùa màng thịnh vượng. Nghĩa là phát tài! Với kinh tế thị trường, lễ hội đem cho mọi giới niềm phấn khởi, đình miếu còn là nơi mà các cụ già được kính trọng.

Người bình thường ở Sài Gòn xem như chuộng những gì ngoại lai, nhưng bản chất của người ở lâu đời thì gần như bảo thủ, đôi khi nhẹ dạ, ta nên tìm hiểu. Đường Trương Định (quận 1), từ năm 1885, hơn trăm năm qua đã xây dựng chùa thờ nữ thần Ân Độ Maryamanne, gọi nôm na là chùa Bà Đen, do người Ấn quản lý, cúng với trái cây như dừa, chuối do tu sĩ Ấn Độ đích thân chăm sóc, các pho tượng trông huyền bí.

Đồng bào ở chợ Bến Thành từ nhiều đời thích đi hành hương núi Điện Bà (còn gọi là núi Bà Đen) ở Tây Ninh, nơi từ xưa có ngôi chùa của Phù Nam, Chân Lạp, chẳng ai rõ, lệ hành hương vào Rằm tháng Giêng (bấy giờ chưa nổi lên miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc). Vì trùng tên gọi, lại thấy chùa đường Trương Định nhuốm màu sắc Ấn Độ nên đồng bào xem chùa Bà Đen ở Sài Gòn là kiểu “hộp thư” để đạt nguyện vọng đến Bà ở Tây Ninh, vì đi Tây Ninh thì xa xôi, tốn kém. Chùa Bà Đen Ấn Độ đường Trương Định tấp nập lạ thường vì lý do ấy. Trước 1950, bày ra xin xăm (thẻ), xăm chữ Hán nhưng do người Việt lý giải. Bà trở thành Thần Tài của chợ; nếu bà nội hồi xưa đã đi thì sau này con cháu tiếp tục đi khấn vái, như là báo hiếu. Nên kể thêm Thánh đường Hồi giáo của người Mã Lai và Indonesia ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lập từ năm 1885, nay hãy còn, gọi là chùa Bà Lai.

Sài Gòn đón nhận nhanh cái mới từ các nước. Món ăn, áo quần, tiếng lóng, kiểu khôi hài dễ thay đổi cũng như thời trang quần áo, chải tóc, nón, túi xách. Nói chung, những mặt tích cực này được các tỉnh bắt chước theo, nhanh chóng, cũng như phong cách phục vụ ở quán đặc sản của tỉnh lẻ vẫn bắt chước Sài Gòn.

 

Viết một bình luận