Sơ lược về “Hoàng triều Cương thổ” với thủ phủ Đà Lạt cách đây 70 năm

Đà Lạt và vùng đất cao nguyên Lâm Viên dù chỉ mới được khai phá từ cuối thế kỷ 19, xây dựng từ đầu thế kỷ 20, muộn hơn nhiều so với các thành phố lớn khác của Việt Nam, nhưng đã nắm giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia, nhiều lần được quy hoạch để dự định trở thành thủ đô hành chính của miền Nam, hoặc là thủ phủ của cả Đông Dương. Đặc biệt, Đà Lạt từng có thời gian ngắn là thủ phủ “Hoàng triều Cương thổ” của cựu hoàng Bảo Đại.

Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt năm 1950, thời gian thuộc Hoàng triều Cương thổ

“Hoàng triều” là triều đại đang trị vì, “cương thổ” là vùng đất đai ở biên giới. “Hoàng triều Cương thổ” (tên tiếng Pháp là Domaine de la Couronne) là vùng đất đai ở biên giới, thuộc sự quản lý của triều đại đương thời.

Ngày 30 tháng 5 năm 1949, người Pháp trao quyền quản lý vùng Cao nguyên Trung phần với Xứ Thượng Nam Đông Dương cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Quốc trưởng Bảo Đại đã tách riêng phần Cao nguyên Trung bộ ra và lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ qua Dụ số 6 ngày 15 tháng 4 năm 1950.

Tại vùng này thì Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc trưởng ra vẫn giữ vai trò Hoàng đế.

Dụ số 6 năm 1950 cũng xác định Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều cương thổ và cao nguyên miền Nam. Mấy tháng sau, Bảo Đại bổ nhiệm đại tá Didelot làm đại diện cho quốc trưởng tại các tỉnh sơn cước Tây Nguyên, lúc đó có tên gọi là:

  1. Đồng Nai Thượng (nay là 1 phần của tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai)
  2. Lâm Viên (nay là 1 phần của tỉnh Lâm Đồng)
  3. Pleiku
  4. Darlac (nay là tỉnh Đắk Lắk)
  5. Kontum

Ngoài ra Dụ số 6 còn ấn định một khu vực khác ở Bắc phần gồm các tỉnh sau đây cũng thuộc Hoàng triều cương thổ.

  • Hòa Bình (Khu Tự trị Mường)
  • Phong Thổ (Khu tự trị Thái)
  • Lai Châu (Khu tự trị Thái)
  • Sơn La (Khu tự trị Thái)
  • Lào Kay (Khu Tự trị Mèo)
  • Hà Giang (Khu Tự trị Mèo)
  • Bắc Kạn (Khu Tự trị Thổ)
  • Cao Bằng (Khu Tự trị Thổ)
  • Lạng Sơn (Khu Tự trị Thổ)
  • Hải Ninh (Khu tự trị Nùng)
  • Móng Cái (Khu tự trị Nùng)

Tuy nhiên, khu vực phía bắc này không được thực hiện vì nằm ngoài tầm kiểm soát của Quốc gia Việt Nam, vì vậy lãnh thổ Hoàng triều Cương thổ thực chất chỉ là các tỉnh Tây Nguyên, ngày nay là các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, và 1 phần tỉnh Đồng Nai.

Sau khi Đà Lạt và các tỉnh nêu trên trở thành một phần của Hoàng Triều Cương Thổ, ai muốn đặt chân đến lãnh thổ này phải xin phép Nha công an Hoàng triều cương thổ thuộc Văn phòng Quốc trưởng ở Hà Nội và Sài Gòn.

Trước đó, vào thời Pháp thuộc thì ai muốn lên Đà Lạt phải có giấy khám sức khỏe, phải có bảo lãnh. Đến thời Hoàng triều cương thổ thì không cần giấy khám sức khỏe, nhưng bắt buộc phải có người ở Đà Lạt bảo lãnh và phải có công ăn việc làm mới cho nhập cư. Nếu người được bảo lãnh mà phạm pháp thì chính quyền bắt ngay người bảo lãnh.

Theo lời ông Nguyễn Hữu Tranh, nguyên cán bộ Sở Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng – người đã sống qua thời “Hoàng triều cương thổ” và có hơn 30 năm tổng hợp tư liệu và nghiên cứu về Đà Lạt, thì luật lệ ở Đà Lạt lúc đó có nhiều điểm riêng biệt và nghiêm khắc nên tệ nạn trộm cắp, cướp giật rất khó xảy ra. Ngoài đường cũng không thấy có người ăn xin, giang hồ đầu trộm đuôi cướp.

“Cờ bạc, rượu chè say xỉn công khai không xảy ra. Đường sá thì sạch sẽ. Chẳng hạn như chợ Đà Lạt (nay là khu Hòa Bình) thì khoảng 4 giờ chiều mọi người buôn bán đã xịt nước xung quanh rửa chợ sạch bong” – ông Tranh kể trên báo Tuổi Trẻ.

Ngoài ra, cư dân Đà Lạt lúc đó muốn xây nhà cũng phải tuân theo luật lệ nghiêm ngặt, không tự tiện chặt phá rừng, như lời kể của ông Tranh như sau:

“Nhà cửa phải lề lối nghiêm túc, mà muốn xây nhà khó lắm. Thông thường những năm đó chỉ có thầu khoán đứng ra xin phép, xây dựng nhà cửa rồi bán lại. Thời thuộc Pháp, nhà cửa phải theo mẫu kiến trúc.

Thời Hoàng triều cương thổ của quốc trưởng Bảo Đại, các thầu khoán xây nhà theo mẫu quy định, giống nhau trên từng con đường đã được xem xét.

Chẳng hạn đường Duy Tân (nay là 3-2) chỉ có nhà 3 tầng liền nhau, đường Phan Đình Phùng chỉ có 2 tầng, đường Võ Tánh (nay là Bùi Thị Xuân) hai bên là nhà gỗ.

Quốc Trưởng Bảo Đại trao gươm cho sinh viên Thủ khoa Dương Hiếu Nghĩa ở trường Võ bị Đà Lạt

Dọc theo đường Hai Bà Trưng là khu cư xá của các công sở ở Đà Lạt. Tất cả nhà dân thường làm một kiểu giống nhau, chỉ có một số con đường như Trần Hưng Đạo, Yersin, Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong bấy giờ… là mỗi nhà mỗi kiểu.

Nhà dân cũng phải làm theo mẫu của ban kiến thiết lập ra. Ngay cả làm hàng rào, màu sơn hàng rào cũng phải được chính quyền cho phép”.

Cụ ông Nguyễn Văn Kỳ từng là công chức làm việc cho quốc trưởng Bảo Đại trong việc đánh morse (truyền điện tín) kể lại rằng thời kỳ này, người Việt từ miền xuôi lên đây lập nghiệp rất khó khăn vì Hoàng triều cương thổ chú trọng đến việc phát triển đồng bào dân tộc và cư dân người Kinh hiện hữu.

Cũng như thời kỳ Pháp thuộc, ở Đà Lạt và các vùng trong Hoàng triều cương thổ khi đốn cây, xây dựng nhà đều phải được chính quyền cấp phép, không ai được tự tiện chặt phá rừng, kể cả cây hoa trồng ven đường.

Trung tâm Đà Lạt năm 1952, thời gian thuộc Hoàng triều Cương thổ

Ngày 21 tháng năm 1951, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành “Quy chế 16” với chín điều khoản đặt nền móng cho việc cai trị Xứ Thượng. Nội dung các điều khoản đó có thể tóm tắt như sau:

  • Quyền lợi tối cao của Quốc gia Việt Nam được bảo đảm cùng với quyền lợi của các sắc tộc thiểu số
  • Cao nguyên trực thuộc Quốc trưởng
  • Người Thượng cần tham gia vào việc phát triển Cao nguyên
  • Tôn trọng hệ thống bộ lạc và chức sắc kế truyền của người Thượng
  • Thành lập Hội đồng Kinh tế
  • Thành lập Tòa án Phong tục Thượng
  • Bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng
  • Phát triển cơ cấu dịch vụ xã hội ở Cao nguyên như y tế, giáo dục
  • Thành lập đơn vị riêng quân sự riêng biệt cho người Thượng với ưu tiên phục vụ ở Cao nguyên

Như vậy, giai đoạn 1949-1955, ngoài vai trò là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại còn giữ vai trò là Hoàng đế của Hoàng Triều Cương Thổ. Tại Đà Lạt, ông làm việc tại Dinh Quốc Trưởng, có tên là Palais Impérial (dịch là Hoàng Cung), nằm trên đường Darles (nay là đường Triệu Việt Vương), nay chính là Dinh III. Những hình ảnh Hoàng Cung của Quốc trưởng – Hoàng đế Hoàng Triều Cương Thổ thời kỳ này:

Đây là Dinh quan trọng nhất của Quốc trưởng Bảo Đại, vì chính là nơi ở, làm việc, và cũng vốn là tài sản của Triều đình Huế từ trước năm 1945.

Khu biệt điện được khởi công xây dựng vào năm 1939 và hoàn tất vào năm 1943, theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một kiến trúc sư cung đình làm việc ở bộ Công của triều đình Huế. (Có tài liệu ghi là KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế).

Khu dinh thự được xây dựng có vị trí đặc biệt, vừa có ưu thế về chính trị, lại dễ dàng về mặt hành chính và an ninh quốc phòng. Theo ý tưởng của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh lúc bây giờ thì đây phải là “một công trình kiến trúc bề thế, hiện đại, độc đáo (không giống với bất kỳ biệt thự nào trước đó), hài hòa với không gian kiến trúc, tương xứng với vị thế của chủ nhân, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa kiến trúc Á – Âu, Việt – Pháp, phù hợp với khí hậu nơi đây, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hòa đồng với cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, chim muông và không khí ngát hương của mùa xuân và mùa thu; nội thất tiện nghi, lộng lẫy, sang trọng mà không cầu kỳ, nghiêm cẩn mà ấm cúng.

Tòa nhà gồm có hai tầng mang dáng dấp kiến trúc dinh thự kiểu châu Âu được bố trí trong một khuôn viên thoáng đẹp với sự sắp đặt hài hòa, khéo léo cũng như tạo dáng cho các bồn hoa trong không gian phía trước tiền sảnh và sân dạo phía sau đã làm toát lên vẻ sang trọng uy nghi của một biệt điện – nơi ở của bậc vương giả. Toàn bộ tòa nhà từ ngoài vào trong đều được quét ve màu vàng trang nhã tượng trưng cho quyền lực hoàng gia. Khi bước vào bên trong thì người ta thật sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự sắp xếp bài trí hài hòa của các phòng ốc, tuy có sự hiện đại, thông thoáng của phương Tây nhưng vẫn giữ được nét không gian thuần Việt. Trang trí trong các phòng cũng khá đơn giản và thoáng đạt nhưng vẫn toát lên sự thanh lịch quyền quý.

Ngoài các phòng của chủ nhân còn có phòng của bảo mẫu và cận vệ của vua, phòng đọc sách, giải trí, nguyệt vọng lầu.

Sau 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm lấy nơi này làm nơi nghỉ mát, đặt tên là “Nghinh Phong lâu”, sau đó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp quản và đặt tên là “Thanh Sơn”. Sau năm 1975, dinh thuộc sự quản lý của Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng; sau đó được giao cho Công ty Du lịch dịch vụ Xuân Hương quản lý từ giữa năm 2000, tên chính thức là Dinh III. Hiện nay, dinh thuộc cơ quan Nhà khách Tỉnh ủy Lâm Đồng, đồng thời có mở cửa cho du khách tham quan.

Dinh III hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tài liệu quý giá về Vua Bảo Đại và gia đình. Đặc biệt đây cũng là một dinh thự con giữ được không gian bài trí nội thất bên trong của một biệt thụ cô ở Đà Lạt. Đồng thời cũng là nơi ở cuối cùng của Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trước khi rời khỏi Việt Nam ra sống lưu vong ở nước ngoài.

Ngoài Dinh Quốc Trưởng, là nơi làm việc của Quốc Trưởng, thì còn có Biệt điện Quốc Trưởng, là nơi và làm việc của các cơ quan văn phòng phụ tá cho Phủ Quốc Trưởng.

Đây từng là một dinh thự tư nhân mang tên Domain Bourgerie, do triệu phú người Pháp là Robert Clément Bourgery xây dựng, sau 1975 được gọi là Dinh I.

Khoảng cuối năm 1951, Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại đã mua lại dinh thự Domain Bourgerie này để làm nơi làm việc của các cơ quan phục vụ Quốc trưởng, mà trước đây phải đặt rải rác ở nhiều nơi trên đại lộ Yersin (nay là đường Trần Phú). Từ đó Domain Bourgerie đổi tên thành Văn Võ phòng Quốc trưởng. Lúc đó, ông Nguyễn Đệ là Đổng lý Văn phòng, thiếu tá Nguyễn Tuyên làm Chánh Vô phòng. Ở gần Văn Võ phòng có biệt thự dành cho cận vệ, cho nhân viên Văn Võ phòng túc trực làm nhiệm vụ…

Dinh được thiết kế theo lối kiến trúc vùng Savoie của nước Pháp, mang dáng dấp sang trọng như một lâu đài. Toàn bộ tòa nhà được xây dựng trên một đỉnh đồi khá bằng phẳng trong một khuôn viên cây xanh đẹp hài hòa với các công trình phụ khác như: nhà bồi, hầm rượu và hồ nước,… để tổ chức tiệc tùng, vui chơi.

Dưới đây là hình ảnh những biệt thự khác trực thuộc Biệt điện Quốc trưởng (Văn võ phòng Quốc trưởng), bao gồm Võ phòng và nơi ở của cận vệ Quốc trưởng.

Dưới đây là villa Võ phòng, có kiến trúc tương đồng với Biệt điện Quốc trưởng (Dinh I):

Bên dưới là villa dành cho Cận vệ Quốc trưởng:

Cũng xin nói thêm, sau khi những dinh thự, biệt thự này thuộc về Phủ tổng thống Ngô Đình Diệm, thì villa này là nơi ở của Lữ đoàn phòng vệ Tổng thống, có nhiệm vụ bảo vệ Dinh I – nơi tổng thống ở mỗi khi lên Đà Lạt.

Ngoài 2 Dinh thự này, còn có một dinh thự khác, ngày nay gọi là Dinh II Bảo Đại. Tuy dinh thự này hầu như không được Bảo Đại sử dụng, nhưng nó vẫn thuộc tài sản của Quốc trưởng. Đây vốn là Dinh Toàn Quyền, là Dinh thự nghỉ mát của Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux vào mùa hè hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10, nên cũng được gọi là Dinh thự mùa hè. Toàn quyền Jean Decoux nhiệm kỳ 1940-1945, thời gian Pháp đã suy yếu và bị mất quyền cai trị Đông Dương vào tay Nhật, nên Jean Decoux cũng là ông Toàn quyền cuối cùng của Đông Dương. Sau năm 1946, khi Pháp quay lại Đông Dương thì không còn chức vụ quan Toàn quyền, mà thay vào đó là Cao ủy Pháp – chức vụ có quyền lực tương đương với Toàn quyền Đông Dương trước 1945.

Dinh Toàn quyền Decoux được các kiến trúc sư người Pháp là A.Léonard, P.Veyssere và A.T.Kruze thiết kế, do nhà thầu Sa Đéc xây dựng và hoàn tất năm 1937. Dinh có dáng dấp của một kiến trúc được kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cổ điển và hiện đại. Với mục đích vừa là nơi ở, làm việc vừa là nơi tiếp khách, do đó các phòng lớn ở tầng trệt được bố trí quanh một đại sảnh và tạo thành tổng thể rộng với không gian thoáng đãng sang trọng nhưng không phá đi bầu không khí ấm cúng bên trong của tòa nhà. Dinh vừa có cửa ra vào ở tầng dưới lại có cửa thoát ra ngoài riêng biệt ở tầng trên.

Thời gian 1949-1954, Dinh thự này bỏ trống, tới năm 1955 đã trở thành nơi nghỉ mát của gia đình ông Ngô Đình Nhu. Sau đảo chánh, tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền và dùng Dinh này àm tổng hành dinh.

Mặt sau của Dinh II

Quy chế Hoàng triều Cương thổ sau khi ban hành bị chỉ trích vì đã nhượng bộ quyền lợi cho Pháp quá lớn nhất là việc thành lập Hội đồng Kinh tế phần lớn do các chủ đồn điền người Pháp thao túng. Chính sách hạn chế di dân người Kinh lên Cao nguyên vẫn duy trì và người Pháp còn nắm quyền hành chánh như trong thỏa thuận với Tổng thống Pháp Vincent Auriol. Trong số năm tỉnh thì ba tỉnh Kontum, Pleiku và Darlac vẫn do tỉnh trưởng người Pháp cai quản. Hơn nữa đại diện Quốc trưởng Bảo Đại ở Cao nguyên, tức vị Khâm mạng cũng lại là người Pháp, đại tá Pierre Didelot, chồng của Agnès Nguyễn Hữu Hào.

Ngày 10 tháng 8 năm 1954, quy chế Hoàng triều Cương thổ bị xóa bỏ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông qua Dụ số 21 ngày 11 tháng 3 năm 1955 và Quốc trưởng Bảo Đại chấp thuận, chính thức sáp nhập Hoàng triều Cương thổ lại vào Trung phần chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Quốc trưởng trên vùng Thượng và danh xưng Cao nguyên Trung phần được dùng lại.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận