Sơ lược lịch sử xây dựng Đà Lạt qua bài báo năm 1941

Ngày nay, Đà Lạt là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người yêu mến cảnh sắc, không khí của Đà Lạt.

Lịch sử hình thành của Đà Lạt có nhiều điều thú vị, điều gì đã hình thành nên một thành phố du lịch Đà Lạt nổi tiếng từ gần 100 năm trước? Bài báo được viết hơn 80 năm trước sau đây sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi đó.

Ngay từ năm 1941, tác giả bài viết này đã viết như sau:

Liệu Đà Lạt có thể trở thành một trung tâm hành chính hay không? Điều này chỉ có Chúa mới biết! Nhưng nếu điều đó trở thành sự thật thì quả là tai hại. Tương tự như câu chuyện đã xảy ra với Hà Nội. Hà Nội đã mất rất nhiều và Đà Lạt cũng không ngoại lệ, sẽ chật ních người, sẽ ngổn ngang công trường xây dựng và tấp nập xe hơi. Đà Lạt sẽ mang dáng dấp của những thành phố khác, sẽ mất đi thế mạnh độc đáo, mất đi chức năng ban đầu của mình là một thành phố nghỉ dưỡng

Bên phải tôi là bình lay-ơn lộng lẫy, bên trái là những bông cẩm chướng tuyệt đẹp và ngát hương hệt như loài cẩm chướng ở Pháp. Bên trong chiếc bình cổ là nhánh lan đất màu vàng mà tôi kiếm được từ trong rừng. Trước mặt tôi, sáu nhánh hoa mimosa nhỏ tỏa hương thơm ngát theo làn gió len vào qua khung cửa. Ba bông hồng lớn màu xanh dịu đặt trước lò sưởi chờ được cắm vào bình pha lê.

Đó là Đà Lạt!

Đà Lạt trước hết là xứ sở các loài hoa. Ở xứ này, ngay cả những loài hoa bình dị, thường gặp nhất cũng trở nên sặc sỡ lạ kỳ. Hoa Xôn (Salvia farinacea) ở đây đậm sắc hơn hoa Xôn Hà Nội, ngay cả với giống tía tô, ở Đà Lạt cũng xanh tốt hơn nơi khác. Không có ngôi nhà nào là không trồng đầy hoa xung quanh. Người ta làm hàng rào bằng hoa hồng, trong sân thì đầy hoa chân bê và hoa huệ. Còn hoa giấy và các loài dây leo màu cá vàng thì leo lên tận ban công. Ngay cả những túp lều của người dân tộc thiểu số cũng vui mắt với những bụi hoa chuối và hoa dong riềng. Trong các vườn rau, những bông hoa trắng của cây cơm cháy nhẹ nhàng đung đưa trong gió. Đà Lạt dường như không thiếu loại hoa nào, hằng năm có tới 90 tấn hoa được chuyển về Sài Gòn.

Đà Lạt cũng được mệnh danh là xứ sở của ngàn thông. Đi dạo dưới những cánh rừng thông là một trải nghiệm khoan khoái tuyệt vời, không khí trong lành thoảng mùi nhựa thông căng tràn trong lồng ngực. Không một bụi rậm, không dây leo rối rắm, cũng chẳng có những túp lều lụp xụp. Cỏ cao lấp xấp vừa tầm, xen lẫn những đóa hoa nhỏ đủ màu sắc vàng, xanh, tím hoa cà,… vươn lên khoe dáng, chẳng bận làm vướng chân người thưởng ngoạn hay che khuất tầm nhìn của ai.

Những thân cây cao vút cũng khiến ta hứng thú. Phóng tầm mắt xuyên qua những hàng cây là những cánh rừng thông bạt ngàn, xa tít tắp, chỉ còn thấy những mảng màu xanh dương và xanh lục trải rộng tới tận chân trời. Nhìn từ trên cao, Đà Lạt hoàn toàn không phải là một thành phố mà là một thảo nguyên nhỏ uốn lượn trùng điệp, với thứ cỏ khổng lồ mang tên thông trải rộng khắp chốn, và còn có một thứ hoa đỏ như son điểm xuyết cho thảo nguyên là những mái nhà ngói đỏ mới xây.

Các nhà khoa học, những người không biết mình đã nực cười như thế nào khi nói rằng giống thông Langbian đẹp đẽ và phong phú chính là cô gái đẹp mang đến thảm họa và nghèo đói. Nói một cách chính xác, cao nguyên đã bị đốt cháy đến độ đất đai trở nên khô cằn, chỉ những giống cây như thông mới thích nghi và phát triển được. Trong khi nhiều loài cây khác phải chờ đến khi đất đai tốt hơn mới mọc lên được thì thông lại chính là loài cây giúp hồi sinh đất. Cho đến khi đất đai màu mỡ trở lại, những giống cây vốn háu ăn, mau lớn, thường lấn át loài thông vốn phát triển chậm chạp, thì lúc đó thông đã đủ vững chãi để tự bảo vệ mình.

Một câu chuyện thú vị khác về một nhà bác học nổi tiếng và khá uy tín hiện nay là bác sĩ Yersin, người đã phát hiện ra Đà Lạt và giới thiệu nó với mọi người. Khoảng năm 1890, Yersin trong vai trò một nhà thám hiểm khám phá cao nguyên và là một “nhân viên trắc địa… bất đắc dĩ” đã bị người bản xứ đuổi bắn. Năm 1893, Yersin tiếp tục đội mưa xuyên rừng nhằm chinh phục đỉnh Lang Bian, khi trở về, ông bị một tên cướp theo dõi và bị bắn trọng thương ở chân. Chuyến thám hiểm này đã được chính Yersin kể lại, cả việc ông đã chăm sóc một con voi hoang dã.

Câu chuyện về chuyến thám hiểm Đà Lạt của bác sĩ Yersin được chú ý đến ngay lập tức. Ý tưởng về việc thiết lập một khu điều dưỡng trên cao nguyên LangBian đã được vạch ra và tiến hành một cách chậm chạp nhưng kiên trì.

Năm 1897, chính quyền phái hai đoàn khảo sát nhằm mở đường lên LangBian, xuất phát từ Phan Rang, một đoàn có nhiệm vụ nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt (đoàn Thouard), đoàn còn lại nghiên cứu phương án mở tuyến đường bộ (đoàn Garnier). Năm 1899, đích thân toàn quyền Paul Doumer cưỡi ngựa lên Lang Bian để khảo sát.

Hai năm sau đó, đoàn quân của chỉ huy Guynet đã bắt tay vào xây dựng những ngôi nhà gỗ đầu tiên ở Đà Lạt. Tiếc rằng, việc toàn quyền Doumer hết nhiệm kỳ và trở về Pháp vào năm 1902 đã làm trì hoãn mọi kế hoạch trước đó. LangBian tiếp tục rơi vào quên lãng trong suốt 10 năm tiếp theo. Mãi đến tận năm 1912, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut mới phê duyệt ngân sách để làm đường và xây một vài ngôi nhà cho Đà Lạt. Con đường xe ô tô chạy được từ Sông Pha [Krongpha] tới Đà Lạt qua Đèo Ngoạn Mục [Bellevue], thung lũng Đa Nhim [Danhim] và thung lũng Phi Nôn [Fimnon] đã thành hình. Đoạn cuối của con đường này (phía Đà Lạt) ngày nay (1941) đã không còn được dùng nữa vì nó đã nối vào đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt.

Năm 1915, dòng người Châu Âu đầu tiên tới Đà Lạt. Năm 1917, toàn quyền Roume khánh thành Langbian Palace [nay là Đà Lạt Palace], sự kiện này được coi như dấu mốc khánh thành khu nghỉ mát Đà Lạt.

Trước đó, từ năm 1897 – 1898, người ta đã xây dựng trạm thử nghiệm nông nghiệp Dangkia (Suối Vàng), nhưng dự án này thất bại và trạm bị bán rẻ lại sau 10 năm vào năm 1907. Giai đoạn từ năm 1898 – 1900, các đoàn khảo sát Odhéra, Garnier, Bernard đã lên Đà Lạt để nghiên cứu làm đường bộ Sài Gòn – Đà Lạt.

Từ 1903-1909, đường sắt Phan Rang – Xomgon (Xóm Gòn) được xây dựng hoàn thành, đoạn này dài 38km nằm hoàn toàn trên vùng đồng bằng. Ngoài ra, còn một số đoàn khảo sát khác có thể kể đến như đoàn quân sự của de Beylié, Pennequin, Bizar; các đoàn dân sự của Ducla (bên công chánh) và đoàn của bác sĩ Vassal (viện Pasteur).

Tuy nhiên, Đà Lạt chỉ thực sự trở thành một đô thị từ năm 1922, khi người ta bắt đầu thực hiện đồ án quy hoạch của kiến trúc sư Ernest Hébrard. Đây là một nhà quy hoạch đô thị có tầm nhìn phóng khoáng và đã thiết kế cho Đà Lạt một thành phố 300 ngàn dân (có thể mở rộng thêm). Nhờ quy hoạch từ đầu khi dân cư vẫn còn thưa thớt nên việc xây dựng Đà Lạt được làm bài bản, không có các khu nhà chen chúc.

Những căn biệt thự rộng rãi nằm giữa các khuôn viên đầy hoa cảnh, cây trái rải rác khắp nơi. Dẫu vậy, vẫn có một sự bất tiện với cư dân Đà lạt, đó là khoảng cách giữa các địa điểm trong thị tứ này. Nếu không có xe hơi thì nhất định phải có đôi chân thật khỏe mạnh. Những ngôi nhà nằm cách xa nhà ga hay trường Grand Lycée từ 3km đến 4km là chuyện phổ biến. Đi chợ hay đi xem phim đích thực là một chuyến đi dạo rất tốt cho sức khỏe. Và ý tưởng tuyệt vời nhất cho nơi này chính là tạo ra một cái hồ nhân tạo tuyệt đẹp ở khu vực trung tâm bằng cách xây đập trên suối Cam Ly. [Hồ Lớn, sau đổi tên thành Hồ Xuân Hương].

Nếu hỏi rằng quy hoạch của Hébrard có phải là phương án quy hoạch tối ưu nhất, thì câu trả lời chắc chắn là tối ưu nhất trên mọi phương diện. Nhưng tại sao lại làm những con đường dốc thẳng tắp lên xuống ở một nơi có nhiều sườn đồi như Đà Lạt? Khi làm những con đường như vậy, người ta cũng đã lường trước những bất tiện và nguy hiểm, cách làm này cũng đã bị bãi bỏ hoàn toàn ở Châu Âu từ mười lăm năm nay.

Về phần những ngôi nhà, đúng hơn là những ngôi biệt thự, có thể nói rằng dù được tự do hoàn toàn, các kiến trúc sư đã không gây ra tình trạng lộn xộn, tai hại. Chắc chắn vẫn sẽ có những ngôi nhà không đẹp nhưng nhìn chung về tổng thể chúng ta vẫn thấy sự độc đáo, duyên dáng và hài hòa, tuân theo những quy tắc thẩm mỹ bắt buộc, những quy tắc đáng lẽ đã không ra đời nếu không có những nghệ sĩ tồi, tác giả của một số ngôi nhà. Dù dễ dãi đến mấy cũng không thể cho phép những thứ quá tệ, chẳng hạn như những mái nhà tôn lượn sóng, lại còn hoen gỉ, dù có phủ quanh đầy những cây hoa trông vẫn rất bôi bác không gian. Quả là một sự cưỡng bức đáng giá!

Dọc theo các con phố, người ta cho trồng những hàng cây anh đào dại. Thực tình, chúng trông không được đẹp nhưng tới mùa ra hoa thì trông cũng vui mắt.

Như tôi đã nói, Đà Lạt được mệnh danh là xứ sở của hoa và thông. Dân dã hơn, Đà Lạt còn là xứ sở của rau. Ta có thể ăn rau thỏa thích bằng nhiều cách như bằng mắt, bằng tai, bằng mũi và những giác quan này kích thích người ta ăn rau thỏa thích bằng miệng. Đà Lạt cũng có nhiều loài cây trái thơm ngon khác. Đà Lạt sản xuất ra bao nhiêu rau thì xuất đi bấy nhiêu, con số đáng nhớ là 1.200 tấn rau mỗi năm.

Tiện đang nói về nông nghiệp, xin phép được kể thêm về những đồn điền chè tuyệt đẹp ở Entre Rays [Cầu Đất] với sản lượng 160 tấn/năm và những đồn điền cà phê ở Phimnon cho thu hoạch 50 tấn/năm.

Lân cận quanh Đà Lạt còn có hai nông trại lâu đời và phát đạt. Cái đầu tiên là ở Dangkia, gần các thác nước ở Ankroet. Nông trại này hiện được quản lý và điều hành bởi một người nhập cư, cung cấp sữa, bơ và phô mát trắng theo yêu cầu của khách hàng. Ban đầu nơi đây là một trại thử nghiệm nông nghiệp của chính quyền, nhưng đã bị dẹp bỏ và bán rẻ lại cho tư nhân từ năm 1907. Nông trại có đàn gia súc khỏe mạnh, nhưng khả năng chăn nuôi của họ còn khá hạn chế.

Cái còn lại gần trung tâm Đà Lạt hơn, trong khu vực Cam Ly. Trại này cũng sản xuất và cung cấp sữa, bơ, phô mai. Bà O’Neil là người đứng tên chủ sở hữu, Cha của bà – ông Ancel là người quản lý chính ở đây. Người đàn ông này đã gầy dựng lên ở đây một đồn điền cà phê nhỏ với vỏn vẹn chỉ khoảng 20.000 gốc cà phê Arabicas, nhưng chất lượng cà phê ở đây lại hơn hẳn những nơi khác, loại hạt cà phê thu hoạch được là loại nhất và không bị sâu bệnh. Khu vực trồng rau, chanh thơm, bạch đàn và những cây Nhai Bách [tuyas] xinh đẹp lộng lẫy được dành riêng cho khách tham quan. Bò Ayrshire thuần chủng của Úc là giống gia súc duy nhất được nuôi ở đây.

Với sự đầu tư của bà O’Neil, trại Cam Ly trở thành một trang trại hình mẫu về cơ khí hóa trong tất cả các khâu từ xử lý, khử trùng, làm lạnh, đóng chai, cọ rửa,… Tất cả điện sản xuất được lấy từ một trạm thủy điện với hai tua bin, công suất 155 mã lực và công suất 260 mã lực. Các tuabin điện cung cấp điện chiếu sáng, điện động lực và bơm nước lên cao. Mỗi bơm nước có thể đưa nước lên độ cao 77m với lưu lượng 200lít/giây. Dù được bảo trì rất tốt, các thiết bị trên hiện đều không dùng được nữa. Nguyên nhân là do trước đó, bà O’Neil cho người xây dựng ở Cam Ly một chiếc đập nước cao 14m, đáy dài 54,65m.

Năm 1932, hồ Lớn [Hồ Xuân Hương] không thể chịu nổi lưu lượng nước quá lớn đổ xuống trong một cơn bão khiến cho đập chắn hồ bị vỡ. Chỉ trong tích tắc, lượng nước khổng lồ từ hồ đổ ập vào thung lũng Cam Ly nhỏ bé, cuốn phăng nhà cửa và cây cối. Nước lũ cuồn cuộn kéo theo những cái cây lớn liên tục xô vào chiếc đập của trang trại Cam Ly, nuốt sạch cả bờ đập cao to. Toàn bộ trang trại chìm trong con nước dữ. Sau khi nước rút, nhà xưởng sản xuất bị phủ một lớp bùn dày đến hơn 2m, những cây gỗ lớn còn nguyên vẹn nằm ngổn ngang trên bùn đất nhưng những bức tường thì chẳng còn gì đáng kể. Chiếc đập, công trình quan trọng không thể thiếu cho công việc sản xuất của nông trại bị phá hủy hoàn toàn, không còn được xây dựng lại nữa.

Về thể thao, người ta đã từng tính tới những môn thể thao mùa đông như đua thuyền, quần vợt, gôn chín lỗ,… Nhưng thực tình, tôi không thấy nhà thể thao nào ngoài các tay quần vợt. Mùa thể thao, nói một cách chính xác là thời gian thuận tiện cho các hoạt động thể thao bắt đầu từ tháng giêng.

Hoạt động vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khỏe ở đây khá đầy đủ. Một bệnh viện nằm ở vị trí đắc địa, thuận tiện cho việc khám chữa bệnh. Viện Pasteur với trang thiết bị khá tốt có thể sản xuất ra nhiều loại vắc xin trong điều kiện nhiệt độ thuận lợi. Nguồn nước của thành phố được khử trùng cẩn thận, còn đèn điện thì thắp sáng khắp cả. Thành phố có một chiếc còi hụ báo giờ vào mười một giờ trưa mỗi ngày. Có thể nói, tiện nghi ở đây không thiếu thứ gì, thậm chí còn có cả đèn trang trí.

Trẻ em nơi đây cũng được quan tâm sâu sắc. Thời tiết vô cùng mát mẻ thuận tiện cho các hoạt động trí óc, trẻ em cả trai lẫn gái đều có thể theo học tới bậc tú tài. Đà Lạt có hai trường trung học cùng tên Lycée Yersin là trường Petit Lycée và Grand Lycée. Trường Petit Lycée được xây dựng vào năm 1927, trong khi trường Grand Lycée được xây dựng sau đó vào năm 1932.

Trường Petit lyceé, sau này là trường tiểu học Yersin

Hai trường được đặt ở hai đầu thành phố. Việc tách ra thành 2 trường riêng biệt như vậy nhằm tránh các em học sinh lớn (trường Grand Lycée) đánh các em nhỏ hơn (Petit Lycée), tuy nhiên có một điều khá lạ là hai cơ sở giáo dục chính thức của thành phố lại được đặt ở cách nhau rất xa.

Trường Grand Lycée

Trường Grand Lycée có tầm nhìn rất đẹp do được xây dựng trên một ngọn đồi cao và có thể được nhìn thấy từ xa. Trường hiện đang được mở rộng vì học sinh tăng lên đều đặn mỗi năm. Thật không may, việc mở rộng trường đang bị trì hoãn vì lý do chiến tranh, dù đây là nhu cầu vô cùng cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Các em học sinh thì không biết bao giờ mới có thể đến Pháp học và các bậc phụ huynh thì muốn con em mình được học hành ở nơi có điều kiện thời tiết tốt hơn Sài Gòn và Hà Nội.

Khoảng cách xa giữa trường Petit Lycée và Grand Lycée không phải là sự bất tiện chỉ duy nhất có ở đây. Trường học ở các thành phố của Pháp và Bắc Phi cũng được bố trí tương tự như vậy. Các chuyến xe buýt đảm nhiệm việc đưa rước học sinh nội trú hàng ngày ở trường Petit Lycée luôn phải theo lịch của các lớp cao hơn ở trường Grand Lycée. Có lúc, người ta đã nghĩ tới việc xây thêm các tòa nhà ở Grand Lycée để làm chỗ ở nội trú cho các em học sinh, cả trai lẫn gái. Tuy nhiên, giải pháp này chắc chắn không thể thực hiện vì nhiều lý do và trong tương lai, hẳn sẽ có đầy đủ cả hai trường trung học riêng cho nam và nữ.

Xin nói thêm về hoạt động giảng dạy ở Lycée Yersin, công việc này được trao cho các giáo viên uy tín và nhờ khí hậu tốt, việc đào tạo giáo dục thế hệ trẻ hoàn toàn thuận lợi.

Ở nơi có khí hậu ôn hòa như Đà Lạt, các cơ sở giáo dục tự do ngoài công lập cũng khá thu hút. Trường Nazareth do các sơ của tu viện Saint Paul thành lập, nhận các em bé nhỏ tuổi và giảng dạy từ rất nhiều năm nay.

Trường trung học Couvent des Oiseaux

Tiếp đến là trường trung học Couvent des Oiseaux (cấp II) thành lập năm 1935, xây ở vị trí thuận tiện, cơ sở vật chất hiện đại và cảnh quan tuyệt vời. Trường hiện đang giảng dạy cho hơn 200 học sinh, trong đó 160 em ở nội trú. Không khí trong lành, phòng học rộng rãi sáng sủa, chương trình học tuyệt vời do chính các sơ của Tu viện Saint – Augustin thuộc Dòng Đức Bà (Congrégation de Notre Dame) biên soạn tới tận ban tú tài.

Chúng tôi biết rằng, các quý bà sẽ cảm thấy không thể sống ở Đà Lạt được nếu thiếu thốn các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Thấu hiểu điều này, bà Ancel ở khu vực Cam Ly đã chế tạo ra son phấn và kem dưỡng da để trang điểm và làm trẻ hóa da mặt. Phải tận tai nghe bà nói về kỹ thuật chế biến, tận mắt thấy bà lắc và giới thiệu những chai, lọ trong phòng thí nghiệm của bà mới hiểu bà đã bị cuốn hút vào công việc này nhưng đã gặt hái được những thành quả nhất định. Thừa nhận một số loại mỹ phẩm của Pháp không thể chế tạo được ở đây, bà Ancel tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế biến. Không thể chưng cất (làm sao có lợi nhuận khi chưng cất, bởi giá một lít tinh dầu hoa Cam neroli tự nhiên có giá 25.000 francs, trong khi một lít tinh dầu neroli tổng hợp chỉ có 50 francs), bà bèn sử dụng cách thức ngâm tẩm hoa truyền thống từ thời Grasse. Bằng cách ngâm các loại hoa, quả, cây lá với nhau (như dưa gang tây, chuối, dâu tây, lê, lá hương bài, hoa kim hoa, huệ tây củ,…) và xử lý vài gợn váng trong, bà thu được nhiều loại cồn thơm khác nhau.

Và các quý bà xin hãy lưu ý rằng, bột phấn trang điểm của bà Ancel được chế tạo từ bột gạo, bột hạnh nhân mịn và hàn the, hoàn toàn không có cacbonat canxi với những tinh thể vô cùng nhỏ nhưng rắn chắc có thể làm xước da. Và son của bà Ancel thì hoàn toàn không có chứa Eosin độc hại.

Chúng tôi có lẽ cũng cần lưu ý thêm rằng có rất nhiều sách ở Hiệp Hội Sáng Kiến, có thể thuê những con ngựa chỉ to bằng con dê nhưng lành tính với giá một xu để đi dạo, một vài đoạn suối Cam Ly với kha khá những loài cá nhỏ có thể là địa điểm yêu thích của những người câu cá nghiệp dư. Ngoài ra, còn có nhiều trò giải trí khác cho thị dân như xem chiếu bóng, chơi bài, tán gẫu,.. Tất cả những điều trên đây được cho phép ở Đà Lạt.

Trên tất cả, Đà Lạt là một trung tâm dã ngoại lý tưởng. Cảnh quan khắp cao nguyên đều tuyệt đẹp với những con đường xe hơi và đường mòn trải rộng khắp nơi. Quanh Đà Lạt có thể tìm thấy nhiều điểm cao để ngắm cảnh như đỉnh Robinson, đỉnh Ba Cây Thông (les trois pins) và nhiều điểm du ngoạn đẹp như lac des soupirs [sau có tên tiếng Việt là Hồ Than Thở], la bois d’amour [rừng Ái Ân],…

Hồ Than Thờ
Rừng Ái Ân năm 1953. Đây là một rừng thông nằm gần Dinh III (Dinh Bảo Đại), phía đường Triệu Việt Vương, một khu rừng thơ mộng nhất của Đà Lạt khi xưa với cái tên mang đậm tính chất trữ tình: Rừng Ái Ân (Bois d’Amour). Bây giờ khu rừng này đã không còn nữa

Các con thác ở Cam Ly nằm gần Đà Lạt, xa hơn là các thác ở Ankroet nhưng cũng chỉ cách vài kilomet. Tuy nhiên, đó chỉ là những con thác nhỏ, thực chất là những ghềnh nước. Nếu đi xe hơi riêng, trên đường về Sài Gòn, có thể ghé thăm các con thác lớn ở Liên – Khang [Liên Khương], dừng chân ở thác Gougah xinh đẹp hoặc tham quan hệ thống các thác nước hùng vĩ ở Pongour giữa khung cảnh núi rừng nguyên sơ và thơ mộng.

Hẳn sẽ có người hỏi vặn tôi: Vậy những trận mưa tệ hại thì sao?

Đúng vậy, ở Đà Lạt thường có mưa nhiều, trừ khoảng thời gian từ tháng một tới tháng ba, nhưng nhìn chung không quá nhiều như lời đồn thổi. Ở đây, mỗi năm chỉ có 150 ngày mưa, tương tự như tần suất mưa ở Paris, chắc chắn là ít hơn ở Brest hay Bordeaux. Lượng mưa trung bình hàng năm của Đà Lạt là 1.692mm là một điều hết sức bình thường ở xứ nhiệt đới, vẫn còn ít hơn lượng mưa của khu nghỉ mát trên cao nổi tiếng Simla (1.780mm) ở Ấn Độ.

Đà Lạt chiếm giữ một vị trí địa lý tuyệt đẹp, khí hậu trong lành và ôn hòa, lưu thông thuận tiện với hệ thống đường sắt và đường bộ. Liệu Đà Lạt có thể trở thành một trung tâm hành chính hay không? Điều này chỉ có Chúa mới biết! Nhưng nếu điều đó trở thành sự thật thì quả là tai hại. Tương tự như câu chuyện đã xảy ra với Hà Nội. Hà Nội đã mất rất nhiều và Đà Lạt cũng không ngoại lệ, sẽ chật ních người, sẽ ngổn ngang công trường xây dựng và tấp nập xe hơi. Đà Lạt sẽ mang dáng dấp của những thành phố khác, sẽ mất đi thế mạnh độc đáo, mất đi chức năng ban đầu của mình là một thành phố nghỉ dưỡng.

Khi bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt vào cuối thế kỷ XIX, khi những đoàn khảo sát tiên phong đến Đà Lạt xây dựng những ngôi nhà gỗ đầu tiên, tất cả đều cùng chung một ý tưởng chính xác và hợp lý là chọn một nơi tốt nhất để xây dựng khu điều dưỡng. Nhưng ngày nay khi mọi thứ đang diễn tiến xa dần với mục tiêu ban đầu, tôi chợt nghĩ, hẳn là người ta đã bị lạc đường.

Tác giả: P. Munier, tuần san Indochine số 28 ra ngày 13/3/1941
Dịch: Đông Kha (chuyenxua.net)

2 bình luận về “Sơ lược lịch sử xây dựng Đà Lạt qua bài báo năm 1941”

  1. Đà Lạt thật tuyệt vời và nên thơ. Lịch sử hình thành Đà Lạt khá toàn diện về: sự khám phá- nghiên cứu- và làm cho Đà Lạt phát triển: kiến trúc- hoa cảnh- cuộc sống con người…

    Làm sao để giữ được vẻ đẹp và mãi nên thơ của Đà Lạt là câu hỏi dành cho các cấp Quản lý cũng như nhận thức của mỗi người dân chọn đất Đà Lạt để an cư!

    Ht.

    Trả lời

Viết một bình luận