Sài Gòn tuyệt đẹp năm 1966 qua 70 tấm bưu ảnh của một sĩ quan Mỹ gửi về cho gia đình

Năm 2015, một tài khoản flickr tên là Mikey Walters đã đăng tải những hình ảnh tuyệt đẹp về Sài Gòn, với lời chú thích rằng đây là những hình ảnh do cha của ông (là 1 quân nhân thuộc không lực Mỹ) chụp và gửi về Mỹ cho vợ, thời điểm hình chụp là đầu năm 1966. Đây có thể xem là những tấm bưu ảnh với mặt sau ghi lời chú thích, ghi lại hành trình vòng quanh Sài Gòn của tác giả để những người thân ở cách xa nửa vòng trái đất cũng có thể cùng tham quan thành phố, đi qua những công trình lớn của Sài Gòn như khách sạn REX, Nhà hát Lớn, Nhà thờ, khách sạn Continental, và những trục đường lớn là Lê Lợi, Nguyễn Huệ, những con đường Tự Do, Pasteur, Công Lý…

Tác giả của bộ ảnh này, ông Walkers (cha của Mikey Walters)

Những chú thích của ông Walters trong các bưu ảnh gửi về cho gia đình vẫn đúng cho tới ngày nay, đó là nhận xét về đường phố tấp nập, trong cái nóng oi bức miền nhiệt đới Sài Gòn vẫn tỏa sáng với những tà áo dài thời thượng thấp thoáng trên phố, kiểu tóc thời thượng và hiện đại của phụ nữ Sài Gòn thời thập niên 1960…

Hình ảnh trên đại lộ Lê Lợi, ngay góc đường Pasteur. Căn nhà ngay góc đường là Bưu điện Quận Nhứt, nay là vị trí tòa cao ốc Saigon Centre (Takashimaya).
Rạp cine REX nằm trong REX Hotel. Nơi này cũng là REX BOQ, bộ quốc phòng Mỹ thuê 1 số phòng làm nơi ở cho sĩ quan không lực Mỹ ở Sài Gòn

Rất nhiều hình ảnh trong bộ ảnh này được Walkers chụp từ trên khách sạn REX, nhìn xuống công trường Lam Sơn, bùng binh Bồn Kèn, đại lộ Lê Lợi và Nguyễn Huệ:

Đại lộ Lê Lợi từ trên REX Hotel nhìn về phía chợ Bến Thành. Góc trái hình là tòa nhà Viễn Đông nằm ở góc Lê Lợi – Pasteur, bên cạnh đó là Bưu điện Quận Nhứt
Trung tâm của Sài Gòn, ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi, góc trái là Bùng binh Bồn Kèn, bên phải là thương xá TAX. Góc trên bên phải có thể thấy khách sạn Palace đang xây dựng ở góc Nguyễn Huệ – Nguyễn Văn Thinh
Góc nhìn gần hơn so với hình bên trên. Ảnh chụp đại lộ Nguyễn Huệ từ trên khách sạn REX
Đại lộ Nguyễn Huệ với dãy kioque bán hàng vốn rất quen thuộc với người Sài Gòn xưa. Bên phải là 1 phần của Thương xá TAX

Từ trên REX nhìn xuống đại lộ Lê Lợi với Thương xá TAX
Từ trên REX nhìn xuống dưới đường
Cận cảnh bùng binh Bồn Kèn, được xem là bùng binh đầu tiên của Việt Nam
Từ trên REX nhìn qua Tòa Đô Chánh. Cây ở trong hình mọc thành 2 hàng dọc theo công viên Đống Đa trước Tòa Đô Chánh (nay là trụ sở UBND)
Từ REX nhìn qua bên kia đường, bên phải hình là 1 góc của thương xá EDEN. Trong hình này nếu nhìn kỹ sẽ thấy tấm bảng ghi chữ Queen Bee, là phòng trà ca nhạc bên trong Eden, ban đầu do Jo Marcel lập ra, tới năm 1970 thì sang lại cho Khánh Ly quản lý

Từ trên REX nhìn xuống công trường Lam Sơn và Nhà hát Lớn. Đây là góc ảnh ưa thích của các nhiếp ảnh gia phương Tây khi ở trong khách sạn REX. Bên phải hình có thể thấy 1 góc của Caravelle Hotel
Từ trên REX nhìn qua Caravelle Hotel
Từ REX nhìn qua phía đường Pasteur

Quang cảnh nhà hàng trên tầng thương REX Hotel

 

Từ công trường Lam Sơn nhìn về phía REX Hotel
Từ bùng binh Bồn Kèn nhìn về phía đại lộ Nguyễn Huệ, bên phải là Thương xá TAX
Từ bùng binh Bồn Kèn nhìn về phía Công trường Lam Sơn, Nhà hát Lớn (lúc này mang tên là Nhà Văn Hóa). Lúc này (1966) nhà hát không còn là trụ sở Quốc Hội, do nền Đệ nhất Cộng Hòa đã sụp đổ năm 1963. Qua năm 1967, tòa nhà trở thành trụ sở Hạ Nghị Viện của nền Đệ nhị Cộng Hòa
Xe cộ đông đức trên đại lộ Lê Lợi đoạn trước Công ty Xe hơi Kim Long (nơi phân phối xe Ford). Công ty Kim Long nằm sát với thương xá TAX
Rạp xi nê Casino Sài Gòn nằm trên đường Pasteur sát góc với đại lộ Lê Lợi (sau 75 đổi tên thành rạp Vinh Quang)
Từ đầu đại lộ Lê Lợi nhìn qua rạp Casino
Góc đường đại lộ Lê Lợi – Pasteur. Bên trái là Nhà sách Sài Gòn và nhà hàng Kim Hoa. Căn nhà này chính alf rạp cine Casino Sài Gòn cũ được mở từ thập niên 1920, sau đó mới được dời qua đường Pasteur
Tòa Đô Chánh và công viên Đống Đa
Nhà thờ Đức Bà
Tượng Đức Mẹ Hòa Bình đặt trước Nhà thờ. Tượng được làm bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara tại nước Ý, sau khi được tạc xong đã được đưa xuống tàu Oyanox vào ngày 8 tháng 1 năm 1959 từ hải cảng Gênes chở qua Việt Nam và tới cảng Sài Gòn ngày 15 tháng 2 năm 1959. Sau đó, công ty Société d’Entreprises đã dựng tượng Đức Mẹ lên bệ đá vốn còn để trống kể từ năm 1945 trước nhà thờ. Từ sự kiện này mà từ đó nhà thờ này có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà
Đường Duy Tân, nay là đường Phạm Ngọc Thạch, nhìn về phía Nhà thờ. Bên trái là tòa nhà Sài Gòn Xe Hơi Công ty, nay la vị trí Diamond Plaza
Cảnh sát công lộ đang làm nhiệm vụ ở góc đường Hồng Thập Tự – Duy Tân (nay là NTMK – Phạm Ngọc Thạch)
Hàng rong bên hông Nhà thờ, trước Bưu Điện Sài Gòn
Trên đường Tôn Thất Thiệp
Đường Tự Do và Conbtinental Palace
Đường Công Lý (nay là NKKN), bên trái là Tòa pháp đình. Xe đang lưu thông 1 chiều về phía đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng)
Đường Nguyễn Trung Trực, khối nhà phía sau của Tòa pháp đình (nay là Tòa Án), đối diện bên kia đường là Embassy Hotel (nay nằm ở số 35 Nguyễn Trung Trực)
Khách sạn Embassy số 35 Nguyễn Trung Trực, là 1 trong 2 khách sạn mà Walkers ở Sài Gòn tháng 1 năm 1966
Căn nhà nằm ở góc đường Pasteur – Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), ngày nay nhà này vẫn còn
Cư xá sĩ quan Mỹ (còn được gọi là khách sạn Brinks), nơi ở của những sĩ quan cao cấp Mỹ nằm trên đường Hai Bà Trưng. Vị trí hách sạn Brinks ngày nay là khách sạn 5 sao Park Hyatt. Nơi này từng bị biệt động SG tấn công
Đại lộ Thống Nhứt, nhìn về Dinh Độc Lập được xây dựng từ năm 1962, lúc này vẫn chưa chính thức hoàn thành. Phải sang tới năm 1967 thì Dinh này mới đón chủ nhân mới là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Tượng Petrus Ký nằm trong công viên Thống Nhứt, sau lưng Nhà thờ. Tòa nhà màu trắng sau lưng là căn hộ của chính phủ VNCH cho nhân viên Tòa đại sứ quán Mỹ thuê, nằm tại số 1 đường Duy Tân (góc Alexandre de Rhodes – Duy Tân). Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở thành đoàn

Một chiếc xe bus, phía trước có bản ghi Playmate Of The Year (một danh hiệu của tạp chí Playboy)

Đền thờ vua Hùng bên trong Thảo Cầm Viên

 Walters công tác ở không lực Hoa Kỳ, nên có khá nhiều hình ảnh chụp từ phi cơ, và chụp phi trường Tân Sơn Nhứt.

    

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận