Sài Gòn hỗn loạn năm 1945 qua loạt ảnh hiếm

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. Hơn 1 tháng sau đó, quân đội Đồng Minh (Anh, Pháp) tiến vào Sài Gòn để giải giáp quân Nhật. Tình hình chính trị ở Nam kỳ lúc đó rất phức tạp vì sự có mặt cùng lúc của nhiều lực lượng, bè phái khác nhau. Ngoài ra Sài Gòn lúc đó còn có sự hiện diện của quân đội các nước Anh, Mỹ, Pháp, Nhật.

Những ngày cuối tháng 9 năm 1945, tình hình an ninh ở Sài Gòn vô cùng hỗn loạn do hàng loạt các cuộc đụng độ giữa Việt – Pháp xảy ra, ngay giữa những người dân thường với nhau, khởi đầu bằng cuộc tổng bãi công ngày 17/9, sau đó là các vụ bắt bớ lẫn nhau giữa Pháp và Việt. Các nỗ lực thiết lập trật tự của các lực lượng an ninh Anh, Pháp và cả Nhật đều thất bại.

Xe chở người Việt bị quân Pháp bắt giam, trong những ngày hỗn loạn ở Sài Gòn tháng 10 năm 1945

Cuộc đình công nhanh chóng dẫn đến những bạo động vô cùng khốc liệt ở khắp Sài Gòn, nhiều công trình, tòa nhà bị phá hủy, thành phố trở thành chiến trường.

Ngày 26/9/1945, chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu ra lệnh tổng bãi công; sơ tán người Việt khỏi Sài Gòn; cấm bán lương thực, thực phẩm cho Pháp; đặt Sài Gòn trong tình trạng cô lập. Ông Giàu đe dọa sẽ tổng tấn công Sài Gòn nếu Pháp không bỏ vũ khí, rút lui và công nhận độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các đơn vị Việt Nam dựng các chướng ngại trên đường vào Sài Gòn, ngăn chặn mọi người ra vào trừ người Anh và Mỹ. Họ bắn bất cứ quân nhân Pháp nào xuất hiện. Những rối loạn tại Sài Gòn lan rộng ra toàn miền Nam.

Ngày 3/10/1945, 10.000 quân Pháp (1 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn cơ giới, 1 đội thủy quân) do tướng Leclerc chỉ huy đã đổ bộ xuống Sài Gòn. Ngày 9/10/1945, Pháp và Anh ký thỏa hiệp tại London xác định Anh hoàn toàn ủng hộ Pháp trong việc cai trị toàn Đông Dương dưới vĩ tuyến 16.

Đêm ngày 10/10/1945, bộ đội Việt Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhứt. Lực lượng Việt Nam giao chiến với quân Anh, Pháp tại tất cả các cửa ngõ vào Sài Gòn.

Một lính gác người Nhật trước công sở ở Sài Gòn

Người Anh yêu cầu Nhật hỗ trợ, lúc đó Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh nhưng lực lượng Nhật vẫn còn lại ở Sài Gòn rất đông đảo để làm nhiệm vụ giữ gìn trị an trong thời gian chuyển giao. Nhật đồng ý tham chiến.


Lực lượng Anh, Pháp, Nhật đã phá vỡ cuộc phong tỏa Sài Gòn của Việt Nam sau hai tuần chiến đấu liên tục. Ngày 16/10/1945, do liên minh Anh – Pháp – Nhật quá mạnh, phía Việt Nam ngừng bao vây Sài Gòn và rút quân về vùng nông thôn để chuẩn bị “trường kỳ kháng chiến”.

Người lính Gurkhas lđến từ Nepal thuộc biên chế Quân đội Anh bên lá cờ của Việt Minh

Những hình ảnh sau đây chụp lại Sài Gòn chụp vào tháng 10 năm 1945, trong và sau những ngày khốc liệt, rối ren đó:

Tác giả bộ ảnh này là nhiếp ảnh gia người Mỹ John Florea lúc đó đang làm việc cho tạp chí LIFE. Ông có mặt ở Thái Bình Dương trong cuộc chiến của Mỹ chống quân Nhật trong thế chiến 2.

Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, ông có mặt ở Sài Gòn, rồi sau đó về lại Hollywood để chụp ảnh những người nổi tiếng, trước khi rời LIFE năm 1949.

 

 

chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận