Phóng sự Tết ở Sài Gòn năm 1939

Bài phóng sự mô tả chân thực cảnh đón Tết của người Sài Gòn ngày xưa của một ký giả người Hà Nội có mặt ở Sài Gòn đầu năm 1939.

Ba mươi tháng chạp, Ánh nắng đã tắt rồi mà trời vẫn còn oi ả. Cho đến sáu bảy giờ tối mới có một làn gió nhẹ reo trong những tàn cây dâu rườm rà màu xanh bẫm, già cỗi, trồng trên các vệ đường. Trong thành phố, bây giờ, đã vắng tanh. Người Tây, nhân được nghỉ tết năm ngày, đều đánh ô tô đi nghỉ mát ở Vũng Tầu hay Dalat. Còn người Nam thì bận nấu nướng, quét đọn cửa nhà vì ba ngày đầu năm, công việc ấy phải kiêng.

Tiếng pháo rước ông bà đã dứt ban chiều. Bây giờ thỉnh thoảng mới nghe tiếng nồ đẹt, xì hay tiếng nổ “bụp” ngạt hơi của mấy thằng bé ma cà bông rách rưới nghịch châm ngòi rồi đậy hộp sắt tây lên.

Mười giờ đêm, Saigon đã ngủ say trong bóng tối nặng nề và oi bức. Chỉ trừ những xóm lao động ở các vùng ngoại ô như Khánh Hội, Xóm Chiếu, Bàn Cờ là dân cầm búa và cầm càng xe còn thức kêu lô-lô, hát bài chòi, đánh tứ sắc, cắt-tê, xí ngàu. Trong các ngõ hẻm thối tanh, bọn ba que, trong bộ quần áo xả xẫu hay phá lấu bày hàng bông vụ, lút lắt, bàu cua, hoặc tráo bài để làm tiền mấy con bạc tý hon.

Vùng ngoại ô Khánh Hội xưa

Nửa đêm. Tiếng pháo giao thừa bắt đầu đi từ nhà này sang nhà nọ, khắp thành phố và ngoại ô. Cứ mỗi lần tiếng pháo dứt là người ta nghe tiếng reo mừng, cãi cọ của đội binh vô thừa nhận Sài thành. đến khi cặp nến trên bàn cúng giao thừa tắt hẳn, tiếng pháo mới bớt dần.

Khi đó, trên các nẻo đường dẫn đến chùa Bà Đen, chợ Bến Thành, chùa Bà, cầu ông Lãnh và lăng tả quân Lê Văn Duyệt trong Bà Chiểu, rải rác từng tốp hai, ba người khăn áo chỉnh tề, đến lay thần cầu phúc và nhân thể xuất hành theo lịch đã dạy mà cầu lộc.

Gặp nhau, người ta luôn mồm cầu chúc phát tài. Nhưng phát tài đâu chẳng thấy, chỉ thấy chính họ đã khai ví bạc thưởng công bọn thầy bói chuyên môn tán dóc họp thành chợ với ăn mày trước cửa các chùa, tuy rằng người ta rất kiêng tiêu tiền sớm ngày đầu năm.

Mới có năm giờ sáng mồng một, thấy tiếng pháo đã bắt đầu nổ vang như súng thần công, xé tan bầu không khí lặng lẽ hơi lành lạnh của đêm cuối năm đã tàn. Như cho ba tiếng nổ long trời đó chưa đủ đánh thức những ai còn miễn cưỡng ngủ ráng, một tràng pháo gây nổ tiếp liền.

Trên vệ đường các phố Mac Mahon [đường Công Lý, nay là NKKN), La Grandière [đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng], Sabourain [đường Tạ Thu Thâu, nay là Lưu Văn Lang], Vienot [nay là đường Phan Bội Châu], xung quanh chợ và phố Jean Eudel [đường Trình Minh Thế, nay là Nguyễn Tất Thành], xác pháo lợp đất mùi đỏ thẫm như tấm nhung phủ bàn đựng trầu rượu trong nhà tín đồ họ Khổng.

Khái quát về những con đường đầu tiên của Sài Gòn

Mọi năm, hễ sáng mộng một thì các tay anh chị ở Khánh Hội và Xóm Chiếu có tổ chức đám múa sư tử đi khắp thành phố làm tiền. Nhưng vì năm vừa qua, sư tử Khánh-Hội râu đen cho sư tử Xóm Chiếu râu bạc là xấc láo nên đã ra tay trị tội. Cuộc lưu huyết đó đã đem lại cái kết quả rất xui xẻo là chết hai mạng người và sáu đứa bị thương. Bởi thế nên từ năm nay, trò chơi ấy bị cấm ngặt.

Tuy nhiên, sự mất hẳn cái trò chơi ồn ào và du côn ấy chỉ làm cho thành phố kém vẻ hoạt động thôi, chứ ở ngoại ô, người ta vẫn đánh bạc, vẫn kêu 1ô-tô, vẫn ăn kẹo, uống nước trà, hay rượu thịt no say rồi người ta lại đánh nhau cho sướng tay và chửi nhau cho sướng miệng. Sau cùng, người ta lại dắt nhau đến nhà thương băng bỏ đề về nhà lại đánh bạc, lại chén chú chén anh…

Trẻ con thì không lôi thôi như thế. Chúng rủ nhau đến trước phòng thương mại dưới cầu Mống hay ra trước chợ Khánh-Hội xem hoặc dự vào các cuộc chơi của thành phố tổ chức dành riêng cho đám thần dân tý hon: nhảy bao, leo cây, cạp chảo…

Một thằng bé áo lụa rách hầu khắp, khăn tay bịt mắt, cầm cây tre dài quờ quạng đập cho vỡ cái lọ sành to treo trên cây. Ba, bốn thằng khác cố leo lên cái cột gỗ thoa mỡ trơn láng để giựt giầy, ô, nón, kẹo treo trên đỉnh. Những thằng khác cố cặp đít chảo đầy nhọ để lấy tiền.

Thiếu nữ Sài thành năm nay đẹp quá! Càng đẹp thêm nữa, trong bộ áo tân thời, với những đường cong êm dịu, nhịp nhàng. Năm nay các cô tân thời lắm nên không nịt vú nữa. Bởi vậy tết nay thanh niên Saigon sẽ tha hồ mà… chết đứng trước cặp tuyết lê tròn tròn nổi lên mình áo lụa mùi hồng, hay mùi lá xanh non.

Dẫu rằng đã biết dùng áo tân thời, thả vú, cưỡi xe đạp, chứ thiếu nữ Sài thành cũng chưa liến thoắng như phái đẹp Hà-nội hay quá thùy mị như các tiểu thư của đế đô.

Sớm mai mồng một, người la kiêng tiêu tiền. Nhưng người ta được tự do đi xông nhà chị em bạn rồi cùng rủ nhau đi chơi.

– Đi sở thú nha, mấy chị.
– Không. Đầu năm gặp cọp, xúi quẩy chết!
– Thôi, xuống chợ Mới chơi vậy.
– Chợ Bến Thành ngày tết vắng như bãi sa mạc!
– Vậy chớ đi đâu bây giờ?
– Thì lại nhà chị Hồng ăn chả là, uống nước. Xong lại kéo vào nhà chị Lan ăn dưa hấu với đường. Rồi đến chị Yến, chị Hương, chị Nguyệt ăn bánh tét với dưa cải mặn, hay lê táo, uống nước cam, nước chanh.
– Nhưng chị đã định thết chúng em gì chưa?
– Đã. Em xin thết các chị rau tầu ồ và bánh tráng với thịt kho hầm! Phải biết! Món đó là thực phẩm đặc biệt của Nam kỳ!
– Quốc gia hảo vị đó chớ!

Thế là những cô thiếu nữ diễm lệ của Sài thành ấy thực hành ngay lời hứa. Bởi vậy tôi mới có dịp ngắm say mê những bộ mặt đẹp như tiên với những lời nói, cử chỉ ngây thơ rất đáng yêu, những tà áo mùi dịu dàng rất tiếp với da mặt hồng hào nhẹ bay phấp phới lúc các cô đến chơi với em tôi.

Phụ nữ Sài Gòn xưa và phong cách thời trang hiện đại từ 60 năm trước

Những tia sáng thử nhất của mặt trời bình minh ngày mồng hai đến với những tiếng pháo nổ liên tiếp của các hiệu khách mở cửa ngày đầu năm.

Sự hoạt động ồn ào lại trở về với chợ Bến Thành sau một ngày vắng tẻ. Vì còn là ngày tết nên các cô hàng đi bán với chiếc quần lĩnh đen và cái áo bà ba mùi dịu dàng. Sự điểm trang vẫn còn lưu luyến trên mặt trẻ trung và tươi đẹp, các cô thỉnh thoảng điểm một nụ cười trên đôi môi thắm. Bởi vậy chợ mồng hai là chỗ trưng bày các sắc đẹp: cô hàng và khách hàng.

Hôm ấy, người ta không hề cau có, gắt gỏng. Mà trái lại, người ta rất dễ tha thứ nhau. Và lúc nào nụ cười cũng có sẵn trên cặp môi thắm điểm lên bộ mặt trẻ đẹp thêm vẻ kiều diễm rất đáng yêu.

TRÀN – VĂN – LAI
Báo Ngày Nay xuân 1939

2 bình luận về “Phóng sự Tết ở Sài Gòn năm 1939”

    • Bài này của 1 phóng viên/ ký giả viết năm 1939. Vậy người viết bài lúc đó không nhỏ hơn 20 tuổi. Ưosc chừng sinh 1919, nếu tính đến năm nay, trẻ nhất cũng chừng 105 tuổi 😆

      Trả lời

Viết một bình luận