Nữ danh ca Bích Chiêu – Người chị cả trong gia đình văn nghệ lừng lẫy

Ca sĩ Bích Chiêu – trưởng nữ của nghệ sĩ Lữ Liên (ban AVT), là chị cả của một gia đình văn nghệ, với những tên tuổi lừng lẫy của âm nhạc Việt Nam là Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Lưu Bích… qua đời vào ngày 27/1/2022 tại tỉnh Orléans – Pháp, hưởng thọ 80 tuổi.

Bích Chiêu là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn từ cuối thập niên 1950. Tuy nhiên vì bà đã rời Việt Nam để định cư ở Pháp từ năm 1962 nên không còn lưu lại bản thu âm nào của Bích Chiêu vào thời xưa, mà giọng hát đặc biệt của bà chỉ được lưu lại qua ký ức của những người từng sống ở Sài Gòn trên 60 năm trước.

3 chị em Bích Chiêu (9 tuổi), Tuấn Ngọc (5 tuổi) và Anh Tú (1 tuổi) tại Đà Lạt năm 1951

Được biết nữ danh ca qua đời cùng ngày với người chồng của mình, sau khi cả 2 cùng nhập viện 1 tuần trước vì đột quỵ và tuổi cao sức yếu.

Báo VnExpress đưa tin, ca sĩ Lưu Bích (em gái út của Bích Chiêu), một tuần trước khi qua đời, người thân của cố danh ca không liên lạc được bèn nhờ cảnh sát địa phương đến nhà. Khi phá cửa, họ tìm thấy vợ chồng ca sĩ Bích Chiêu đang nằm trên sàn, bất tỉnh.

“Sau khi được đưa đi cấp cứu, vợ chồng chị tôi hôn mê suốt một tuần. Vài ngày trước, chị có tỉnh táo đôi chút song lại tiếp tục hôn mê. Hôm qua, chồng chị qua đời, vài tiếng sau chị cũng mất lúc 8h sáng” (Lưu Bích)

Ca sĩ Bích Chiêu tên thật Lã Thị Bích Chiêu, Sinh 1942 ở Hải Phòng, đến năm 4-5 tuổi theo cha mẹ vào Nam và sinh sống ở Đà Lạt.

Chị em Bích Chiêu thời nhỏ. Số 1 là Bích Chiêu, số 2 là Tuấn Ngọc, số 3 là Anh Tú

Tại xứ lạnh, từ khi mới 4,5 tuổi bà đã đi hát cho Trường Thánh Mẫu và hát cho đài phát thanh. Vài năm sau đó gia đình nghệ sĩ Lữ Liên chuyển về sinh sống ở Sài Gòn, 2 chị em Bích Chiêu – Tuấn Ngọc vào hát ở ban Tuổi Xanh của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, sau đó là ban Hoa Xuân cùng với Mai Hương, Mai Hân, Kim Chi.

Bích Chiêu trong ban Tuổi Xanh của vợ chồng Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ. Trong hình này còn có các ca sĩ nhí sau này trở thành danh ca nổi tiếng là Tuấn Ngọc, Mai Hương, Mai Hân, Quỳnh Dao và đôi “thần đồng” Kim Chi – Quốc Thắng

Khi đến tuổi trường thành, Bích Chiêu bắt đầu đi hát, đâu tiên ở phòng trà Bồng Lai, sau đó được hầu hết các phòng trà ở Sài Gòn mời hát với cát xê rất cao. Thời cuối thập niên 1950, hai nữ ca sĩ phòng trà được mời hát với thù lao cao nhất là Bích Chiêu và Bạch Yến. Hai nữ danh ca này có những điểm chung, đó là đều sinh năm 1942, đi hát từ khi còn rất trẻ, hát nhạc ngoại nhiều hơn nhạc Việt. Họ đều sang Pháp du học về thanh nhạc từ đầu thập niên 1960, sau này đều gắn bó với nước Pháp và thật trùng hợp là cùng lấy chồng tên Hải. Có lời đồn rằng vì đều nổi tiếng nên 2 ca sĩ này không ưa nhau, không bao giờ chịu đứng chung một sân khấu. Tuy nhiên sau này danh ca Bạch Yến nói rằng sở dĩ như vậy là vì tiền cát xê của cả 2 đều rất cao nên chủ phòng trà chỉ có thể mời 1 trong 2 người trong một đêm nhạc. Khi cùng sống ở Pháp, họ khá thân thiết với nhau, và chính Bạch Yến là người đón Bích Chiêu tại Pháp khi nghe tin bạn mình cũng sang Pháp vào năm 1962.

Dù là người chuyên hát nhạc ngoại quốc, từng thu âm hàng ngàn bài hát, nhưng bài nổi tiếng đầu tiên, và nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp của Bích Chiêu lại là một ca khúc nhạc Việt thời đầu thập niên 1950, đó là Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh. Bích Chiêu hát ca khúc này với một phong cách không giống với bất kỳ ca sĩ nào khác, cũng như không ai có thể sao chép, đó là hát jazz ngẫu hứng, với kỹ thuật thượng thừa và cảm xúc dạt dào cùng điệu bộ nũng nịu một cách cuốn hút, hát như thể là trút hết tất cả tâm tư, nỗi lòng vủa mình vào bài hát.

Lúc sinh thời, Bích Chiêu nói rằng thuở nhỏ bà thường nghe cha mình là Lữ Liên hát, thấy thích nên tập hát theo. Tuy nhiên bà bị cha mình chê là hát như vẹt, hát mà không hiểu ý nghĩa bài hát, đồng thời ông có lời khuyên rằng hát cũng như ăn, như nói, hát phải biết mình hát gì, nội dung bài hát nói về cái gì, cũng giống như là phải biết mình ăn cái gì, nói cái gì. Lời khuyên đó đã ăn sâu vào tâm trí của nữ ca sĩ suốt cả sự nghiệp ca hát.

Vì nổi tiếng với nhạc ngoại quốc, được biết đến với dòng nhạc này, nên khi Bích Chiêu có ý muốn tạo dấu ấn với khán giả Việt Nam bằng 1 ca khúc nhạc Việt, bà đã chọn bài hát Nỗi Lòng đã quen thuộc với mình qua giọng hát của cha, nhưng biến tấu nó thành theo phong cách nhạc ngoại quốc, đó là lý do Nỗi Lòng với phong cách jazz của Bích Chiêu có thể xem là độc nhất vô nhị.


Click để xem Bích Chiêu trình diễn Nỗi Lòng trên Paris By Night năm 1997

Năm 1962 sang Pháp du học về âm nhạc cổ điển và thương mại. Theo lời bà nói lại thì thời đó không nhiều người Việt được đi du học, nên khi có cơ hội thì bà đi ngay, với mong muốn tìm hiểu thêm và âm nhạc thế giới, có cơ hội được gặp gỡ nhiều ca sĩ ngoại quốc, dù lúc đó bà đã đạt được nhiều vinh quang trong sự nghiệp. Năm 1964, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng Pháp là Jack Diéval thực hiện cho bà 1 dĩa nhựa, khi đó bà được giới thiệu với cái tên Bee Tchou, phát âm gần giống với nghệ danh chính thức Bích Chiêu. Lý do là người Pháp không thể phát âm đúng cái tên Bích Chiêu, mà gọi thành Bee Tchou.

Thời gian sau đó bà sang Ý, lấy chồng là một người gốc Việt sống tại đây, cũng là mối tình đầu của bà khi còn ở Việt Nam khi bà mới 17 tuổi. Trước đã bà đã từng đổ vỡ hôn nhân với người chồng đầu tiên. Năm 1997, Bích Chiêu có lần duy nhất xuất hiện trên sân khấu Paris By Night, thể hiện ca khúc Nỗi Lòng với phong cách jazz sở trường của mình. Những năm cuối đời, và sống ở cả 2 nơi Pháp và Ý.

Một số hình ảnh của Bích Chiêu lấy từ Jimmy’s show:

Bích Chiêu được sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng của miền Nam. Cha của bà là nghệ sĩ Lữ Liên, mẹ là nữ kịch sĩ Thúy Liễu.

Nghệ sĩ Lữ Liên thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc và có nhiều đóng góp cho làng nhạc Sài Gòn, đặc biệt là ở thể loại nhạc hài hước. Lữ Liên tên thật là Lã Văn Liên, sinh năm 1917 ở Hải Phòng. Sau khi sinh con gái đầu lòng Bích Chiêu, gia đình Lữ Liên “Nam tiến” vào năm 1942 và chọn định cư ở xứ Đà Lạt. Tại đây những người con nổi tiếng trong làng văn nghệ Việt Nam được ra đời, sau Bích Chiêu là Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích.

Từ trái qua: Hoàng Thi Thao, Thúy Anh, Anh Tú, Lữ Liên, Lan Anh, Tuấn Ngọc, Lưu Bích, Khánh Hà

Sau hơn 10 năm ở xứ sở sương mù, gia đình nghệ sĩ Lữ Liên về Sài Gòn định cư, ông gia nhập quân ngũ năm 1957 và làm việc trong đài phát thanh quân đội. Lữ Liên bắt đầu sự nghiệp sáng tác bằng các ca khúc châm biếm cho ban nhạc hài hước AVT. Sang năm 1966, ông chính thức gia nhập ban AVT, sáng tác và đồng thời biểu diễn những ca khúc dí dỏm, vui nhộn là: Chúc xuân, Du xuân, Tiên Sài Gòn, Gái trai thời đại, Lịch sử mái tóc huyền, Mảnh bằng, Ba ông bố vợ…

Tên tuổi nghệ sĩ Lữ Liên gắn liền với ban AVT, nhưng ít người biết rằng trước khi gia nhập ban nhạc hài hước nổi tiếng này, có một thời gian ngắn ông tham gia ban hợp ca Thăng Long cùng với gia đình nhà họ Phạm là Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc để trình diễn những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Lữ Liên là một nhạc sĩ chuyên về cổ nhạc, thuần thục các nhạc cụ dân tộc và nổi tiếng với màn vừa song tấu vừa đối đáp với nghệ sĩ violin Hoàng Thi Thao trong tiết mục Cò Tây Cò Ta.


Click để nghe tiết mục Cò Tây Cò Ta

Sau này ở hải ngoại, nhạc sĩ Lữ Liên còn viết lời Việt cho nhiều ca khúc nhạc nước ngoài nổi tiếng, tiêu biểu là Lạc Mất Mùa Xuân, Dĩ Vãng Nhạt Nhoà…

Những người con nổi tiếng của Lữ Liên, sau Bích Chiêu là người em trai Tuấn Ngọc, rất được khán giả yêu thích với thể loại nhạc tình ca, nhưng cũng là người có được vinh quang muộn nhất. Ca sĩ Tuấn Ngọc tên thật là Lã Anh Tuấn, ông đã giải thích lý do lấy nghệ danh như sau:

“Hồi còn nhỏ, lúc 7 tuổi, tôi đi hát lấy tên thật là Anh Tuấn, nhưng trong đài phát thanh đã có một kịch sĩ lâu năm cũng tên Anh Tuấn nên mọi người không cho tôi lấy tên đó, sợ bị trùng, sợ tôi lĩnh lương của ổng. Bố tôi đổi tên cho tôi mà không hỏi ý kiến nên bây giờ tôi có tên là Ngọc nữa”.

Giọng ca Tuấn Ngọc có phong cách diễn tả đặc biệt, nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Những nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn cũng xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát những nhạc phẩm của họ thành công nhất. Ông cũng được nhiều người xem như một giọng ca nam “tượng đài” của dòng nhạc tình ca Việt Nam ở hải ngoại. “Trường phái Tuấn Ngọc” đã ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ thế hệ sau như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú,…

Nổi tiếng với dòng nhạc tình ca, trữ tình và tiền chiến đến như vậy, nhưng trong suốt gần 40 năm đầu của sự nghiệp, Tuấn Ngọc chủ yếu hát nhạc nước ngoài, không mấy khi hát nhạc Việt. Trước năm 1975, tên tuổi của ông vẫn rất mờ nhạt trong số hàng trăm ca sĩ danh tiếng của miền Nam. Tuấn Ngọc chỉ thực sự tạo dựng tên tuổi với nhạc Việt Nam vào năm 1989, khi đã 42 tuổi, trong CD Lời Gọi Chân Mây hát chung với ca sĩ Thái Hiền.

Cho đến nay, Tuấn Ngọc luôn được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình với những bài tình ca bất tử.

Người em kế trong gia đình nghệ sĩ họ Lã là ca sĩ Anh Tú, tên thật là Lã Anh Tú, là người ca sĩ bạc mệnh nhất trong số các anh chị em vì đã qua đời khi còn khá trẻ.

Anh Tú được biết đến ở Sài Gòn từ trước năm 1975 khi hát trong ban nhạc gồm các anh em trong nhà, là ban The Uptight, sau đó là Thuý Hà Tú. Tên tuổi Anh Tú chỉ thực sự được biết đến nhiều với tư cách là ca sĩ độc lập là ở hải ngoại với những bài nhạc ngoại lời Việt êm dịu như Lạc Mất Mùa Xuân, Dĩ Vãng Nhạt Nhoà, Một Thuở Yêu Người… Bên cạnh đó ông cũng trình bày rất truyền cảm những nhạc phẩm tình cảm nhẹ nhàng của Việt Nam như Tuổi Xa Người, Linh Hồn Tượng Đá, Bài Không Tên Số 6, Tưởng Rằng Đã Quên…

Anh Tú cùng 3 em gái Khánh Hà, Thuý Anh và Lan Anh

Năm 2003, Anh Tú đột ngột qua đời ở tuổi 53, để lại nhiều tiếc nhớ đối với khán giả và đồng nghiệp. Nói về giọng ca đặc biệt này, ca sĩ Cẩm Vân đã nhận xét:

Giọng hát của Anh Tú mỏng manh, trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị nhưng quý phái đến độ chúng tôi đã ví giọng hát anh là Thủy Tinh dễ vỡ. Tôi lúc nào cũng chọn và để sẵn trên kệ CD của mình – nơi mà dễ lấy nhất, để khi cần, mình không phải vất vả tìm kiếm. Mỗi khi bị stress và mệt mỏi, thì giọng hát của anh đã giúp cho chúng tôi tìm được cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Giọng hát đó của anh như cơn gió mát mùa Hè. Và con người của anh, như những mùa Xuân nắng ấm luôn đem cho người khác những niềm vui và hy vọng vô bờ.

Nhạc sĩ Quốc Bảo cũng viết trong một bài báo:

Anh Tú có một cách phát âm tiếng Việt khá đặc biệt, hờ hững, run rẩy, và đẩy hơi từ răng để chữ trượt theo, nghe nhẹ nhõm, phóng túng, không gắng sức dụng công. Mà quả thật, anh hát như thể đang trò chuyện thân tình, như lời tâm sự bằng hữu, để những đoạn nghẹn ngào cũng chỉ vừa đủ như một nỗi đau đã lành được kể lại. Anh Tú hát tiếng Pháp chuẩn xác, điều chỉ có được với những người thực sự sử dụng được ngoại ngữ này. Cách phát âm tiếng Pháp với nhiều âm mũi cũng ảnh hưởng đến cách hát của anh trong nhạc Việt. Những âm khép được đẩy hết lên mũi, nghe chơi vơi, tuyệt vọng một cách đặc biệt. Đấy là cách hát tạo thành phong cách cho anh, không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai…”

Người ca sĩ thứ 4 trong gia đình nghệ sĩ họ là là Khánh Hà, tên thật là Lã Khánh Hà, một ca sĩ có giọng ca rất điêu luyện nhưng cũng rất truyền cảm trong các bài tình ca Việt Nam. Thời trung học, Khánh Hà là một nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng, cùng lúc đó cô theo học ở Trung tâm văn hóa Pháp (Centre culturel français) và Hội Việt Mỹ (Vietnam-USA Society). Vì lý do này mà cũng giống như 2 ông anh nổi tiếng Tuấn Ngọc, Anh Tú, thời trẻ của Khánh hà chủ yếu là gắn bó với những ca khúc nhạc ngoại. Cô chỉ hát nhạc trữ tình Việt Nam khi đã sang hải ngoại.

Từ giữa thập niên 1980, Khánh Hà lập ra một trung tâm băng nhạc riêng mang tên mình để sản xuất nhiều chương trình âm nhạc có tính nghệ thuật cao, với thành phần ca sĩ tham gia chủ yếu là người trong nhà, đó là Tuấn Ngọc, Anh Tú, Lưu Bích, nhóm Thuý Hà Tú – Ban nhạc The Uptight, và sau này là giọng hát của chồng là ca sĩ Tô Chấn Phong.

Ban The Uptight với Anh Tú và Thuý Anh, Lan Anh, Lưu Bích

Trong những người em của Bích Chiêu, Tuấn Ngọc… còn có 3 nữ ca sĩ Thuý Anh, Lan Anh và Lưu Bích. Thuý Anh là ca sĩ trong ban Thuý-Hà-Tú (Thuý Anh – Khánh Hà – Anh Tú) từ trước năm 1975, Lan Anh thì còn được biết đến với vai trò là một tay trống điêu luyện, và nổi tiếng nhất trong số 3 cô em gái này là ca sĩ Lưu Bích.

Đại gia đình nhà họ Lã, chỉ thiếu người chị cả là Bích Chiêu

Thực ra có một điều không nhiều người biết, Lưu Bích không phải là con ruột của nghệ sĩ Lữ Liên, cô là em cùng mẹ khác cha với những anh chị nhà họ Lã. Tuy nhiên được biết rằng Lưu Bích được ông Lữ Liên yêu thương như con ruột, và được các anh chị xem như là một cô em út bé bỏng, giữa họ có sự gắn kết đặc biệt với nhau.

Lưu Bích không hát cùng dòng nhạc với các anh chị mà gắn bó sự nghiệp với dòng nhạc trẻ, đặc biệt được yêu thích khi song ca cùng anh rễ là ca sĩ Tô Chấn Phong.

Bài: Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận