Những trường hợp lời bài hát trong ca khúc nổi tiếng bị ca sĩ “hát sai” hoặc khán giả “nghe nhầm”

Sau trường hợp “nhỡ mai” hay “nhớ mãi” trong trường hợp ca khúc Diễm Xưa mà nhiều người nhầm lẫn, xin góp thêm nhiều trường hợp lời bài hát bị “hát sai” (từ phía ca sĩ) hoặc “nghe nhầm” (từ phía khán giả). Có rất nhiều trường hợp người nghe bài hát hàng chục năm, nhưng vẫn nghe nhầm, hiểu nhầm về lời bài hát, tương tự trường hợp “nhỡ mai” trong Diễm Xưa.

Những bài nhạc xưa đã ra đời cách đây trên dưới nửa thế kỷ, trong quá trình hát và truyền miệng đã bị tam sao thất bản, biến đổi lời. Bản gốc không được lưu giữ dẫn đến mỗi ca sĩ hát một lời mà không có cơ sở để đối chứng, chỉnh sửa. Thông thường, những trường hợp này, lời ca khúc được truyền nhau hát từ thế hệ này sang thế hệ khác, một người hát sai thì dẫn đến nhiều người sau đó cũng hát sai theo.

Những ai yêu mến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đều biết đến ca khúc mang tên là Tưởng Niệm, với hai câu đầu tiên là:

Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời,
thì hãi hùng hoàng hôn TRỜ tới…

Rất nhiều người nghe nhầm chữ TRỜ rất đắt giá trong câu hát này thành chữ “chợt tới” nghe rất tầm thường. Cuộc hành trình của mỗi con người trong đời sống, dù ngắn dù dài luôn sẽ có một điểm dừng. Khi điểm dừng đó xuất hiện, có người nhận ra sớm, có người nhận ra muộn, có người bất thình lình chạm mốc, không trăn trối, không chuẩn bị. Nhân vật tự sự trong hai câu hát này rõ ràng đã đi qua gần hết một đời người, đã nhìn thấy điểm dừng của mình từ sớm, đã “nghiêng tai nghe lại cuộc đời”, và “nghiêng vai soi lại tình người”. Nhưng dù có chuẩn bị kỹ càng đến mấy, thì khi giây phút cuối cùng đó gõ cửa, khi “hoàng hôn trờ tới” một cách bất thình lình, đột ngột và hãi hùngĐó là ý nghĩa đắt giá của chữ TRỜ. Nếu là chợt tới thì chỉ là sự tới một cách nhẹ nhàng của tuổi hoàng hôn xế bóng, không có gì là bất ngờ lắm như điều mà nhạc sĩ muốn nói tới trong toàn bài hát.

Trong thủ bút của chính nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng dưới đây, có thể thấy rõ ràng chữ mà nhạc sĩ đã sử dụng:


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tưởng Niệm

Một bài hát nổi tiếng khác cũng bị sai lời, nhưng hầu hết ca sĩ hoặc người nghe bị nhầm lẫn, thậm chí chính ca sĩ nổi tiếng cũng bị nhầm, đó là Nước Mắt Mùa Thu. Trong một số lần, chính cố danh ca Lệ Thu nói rằng nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bài hát này dành cho cô, và trong tất cả các bản thu âm trước năm 1975, Lê Thu đều hát lời nhạc là:

Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
BẰNG cây trút lá nghĩa trang đìu hiu…

“Bằng cây”, chứ không phải là “hàng cây” như đã số người nghe tưởng nhầm. Chữ này cũng được khẳng định qua tờ nhạc xuất bản trước 1975 sau đây:

Vậy BẰNG cây trút lá nghĩa trang đìu hiu… nghĩa là gì?

Với cái nhìn của nhạc sĩ Phạm Duy, bằng hình tượng so sánh độc đáo, những chiếc lá cuốn theo chiều gió trong nghĩa trang kia chính là nước mắt của Mùa Thu đang nhỏ lệ. Mùa Thu khóc thương triền miên bằng nước mắt tạo thành từ những chiếc lá, từng chiếc lá rơi trong sắc khô vàng héo chính là những giọt lệ khóc thương cho những số kiếp đã bị lãng quên dưới mộ phần năm tháng. Mùa thu khóc BẰNG những chiếc lá trút giữa nghĩa trang đìu hiu, hai câu hát đó thực ra chỉ là 1 câu.

Một điều trớ trêu là chính danh ca Lệ Thu cũng nhầm lẫn trong 2 lần hát lại ca khúc này sau 1975.

Bài hát này không chỉ gắn liền với tên tuổi danh ca Lệ Thu, mà còn được cô thể hiện rất nhiều lần trên sân khấu ca nhạc cả trước và sau năm 1975. Riêng về thu thanh, Lệ Thu có ít nhất 7 bản thu cho ca khúc này (không tính bản live). Riêng trước năm 1975, Nước Mắt Mùa Thu với tiếng hát Lệ Thu đã hiện diện 3 lần trong băng nhạc Trường Hải 4, băng nhạc Jo Marcel được thu âm trực tiếp tại phòng trà, và trong băng nhạc Tiếng Hát Lệ Thu do chính cô thực hiện. Mời bạn nghe lại sau đây:


Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trong băng Tiếng Hát Lệ Thu


Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trong băng Trường Hải 4


Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trong băng Jo Marcel

Phiên bản hay nhất của Nước Mắt Mùa Thu với tiếng hát Lệ Thu có lẽ là bản thu âm sau đây, với phần hòa âm của Trúc Hồ khi còn rất trẻ, trong CD Phương Nga.


Click để nghe

Ngoài ra cô cũng hát bài này trong băng nhạc Shotguns hải ngoại do nhạc sĩ Ngọc Chánh thực hiện năm 1983. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe

Trong tất cả các phiên bản bên trên, Lệ Thu đều hát đúng lời: BẰNG CÂY trút lá.

Tuy nhiên trong 2 lần xuất hiện trên đại nhạc hội thu hình, đó là Paris By Night 72 năm 2004 và Asia 69 năm 2012, cô đều hát sai thành “hàng cây trút lá”.


Click để nghe


Click để nghe

Có thể thấy, ngay cả danh ca Lệ Thu, người nhiều lần hát bài này nhất, và bài hát này, theo Lệ Thu, cũng được sáng tác riêng cho cô, vậy mà cũng có lần cô hát sai lời, thì cũng không trách khán giả nghe nhầm, tưởng nhầm giữa “Bằng cây” và “Hàng cây”.

Xưa nay, để tra cứu lời bài hát, người ta xem những tờ nhạc xuất bản lần đầu (trước 1975) là lời gốc mà tác giả đã viết ra. Tuy nhiên điều đó cũng không hoàn toàn đúng, vì có trường hợp nhạc sĩ sáng tác ra bài hát, bán đứt tác quyền cho nhà xuất bản. Trước 1975, rất ít trường hợp nhạc sĩ tự bỏ tiền in xuất bản nhạc, vì có thể bị lỗ sạt nghiệp, họ thường bán lại tác quyền cho khúc cho nhà xuất bản chuyên nghiệp, thời hạn bán tác quyền thường là 1-2 năm. Khi nhà xuất bản đem đi in, có trường hợp người “thợ sắp chữ” vô tình ghi sai 1 vài chữ (ngày nay gọi là lỗi đánh máy), làm cho tờ nhạc cũng bị in sai lời so với lời gốc mà nhạc sĩ viết ra. Trường hợp điển hình nhất là ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng, mà người viết bài này được trực tiếp nghe nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại. Ông nói rằng câu đầu tiên của bài hát này, ông viết là: Đêm qua chưa? mà trời sao vội sáng... Anh “thợ đánh máy” ghi nhầm từ câu hỏi thành câu khẳng định: Đêm chưa qua mà trời sao vội sáng. Chỉ đảo thứ tự có 2 chữ mà làm cho câu hát khác đi ý nghĩa, và hậu quả là sau này đa số ca sĩ hát sai, chỉ có các ca sĩ hát trước 1975 hát đúng là “đêm qua chưa”.

Vậy “đêm qua chưa” ở đây có ý nghĩa như thế nào?

Cũng chính nhạc sĩ Tuấn Khanh giải nghĩa rằng bài hát này nói lên tâm trạng hoang mang bồi hồi của đôi người yêu nhau, trong một lần tiễn đưa nhau giữa đêm muộn, gần sáng. Muốn cho thời gian trôi qua thật chậm, để trì hoãn giờ phút tạm biệt, nhưng rồi họ đã phải thảng thốt tự hỏi rằng “đêm qua chưa” mà sao trời đã vội sáng…


Click để nghe Lệ Thu hát Chiếc Lá Cuối Cùng trước năm 75

Nếu nghe lại Lệ Thu trong bản thu âm trước 1975 bên trên, có thể thấy rằng cô đã hát đúng với lời gốc: Đêm qua chưa…

Một trường hợp khác là bài Thành Phố Buồn, tác giả Lam Phương ghi lời là: “Rồi từ đó, TRỐN phong ba, em làm dâu nhà người”. Tuy nhiên vì âm TR và CH gần giống nhau, đặc biệt với cách hát của người miền Nam, nên rất nhiều khán giả tưởng câu đó là “chốn phong ba”.

Khi xem lại tờ nhạc phát hành trong thập niên 1960, lời chính xác được in ấn là “trốn phong ba…”, có nghĩa là nhân vật “em” đã trốn cuộc tình phong ba để về làm dâu nhà người. Trong khi đó, nếu hát “chốn phong ba”, nghĩa là “ở nơi chốn phong ba, em làm dâu nhà người…”, làm cho ý nghĩa câu hát bị khác hoàn toàn với ý của tác giả Lam Phương.

Bên dưới đây là tờ nhạc phát hành trước 1975, câu đó được in rõ là “trốn phong ba em làm dâu nhà người”.

Tờ nhạc ghi rõ là TRỐN PHONG BA

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa tin, cho rằng tờ nhạc cũng có thể sai chính tả. Để chắc chắn nhất là hỏi lại chính tác giả bài hát là nhạc sĩ Lam Phương. Vào năm 2017, nam ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn đã phỏng vấn nhạc sĩ Lam Phương và đưa ra câu hỏi về vấn đề này, ông đã trực tiếp nói như sau, xin trích nguyên văn:

“Bởi vì TR và CH gần giống nhau nên nhiều ca sĩ họ nghe không rành, vì không có bản gốc để đối chiếu nên họ tưởng tôi viết là “chốn phong ba”, nhưng thật ra là TRỐN, “trốn tránh phong ba” để đi làm dâu người ta”. (Lam Phương)

Mời các bạn xem buổi phỏng vấn này ở bên dưới (xem từ phút 3:30)


Click để xem

Nếu như chính tác giả đã xác nhận từng câu chữ thì không còn lý do nào để tranh cãi nữa.

Ngoài ra, bài hát nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn là Diễm Xưa cũng bị ca sĩ hát sai lời rất nhiều ở câu hát:

Nhỡ mai trong cơn đau vùi…

Thông thường, từ thường dùng là “lỡ mai…”, nhưng cũng có người dùng từ “nhỡ” thay cho từ “lỡ”. Trong câu hát này, nhiều ca sĩ lại hát là: NHỚ MÃI trong cơn đau vùi… làm cho câu hát bị sai ý nghĩa và “tầm thường hóa” một câu hát trách móc rất hay và nhẹ nhàng của tác giả: Chiều này còn mưa sao em không lại? Nhỡ mai trong cơn đau vùi…

Xem lại thủ bút của Trịnh Công Sơn dưới đây để biết chắc chắn tác giả sử dụng chữ nào:

Đầu năm 2024, ca sĩ Mỹ Linh đã phải lên báo xin lỗi khán giả và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì hát sai từ Nhỡ Mai thành Nhớ Mãi trong show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”. Ngay sau đó, bà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái cố nhạc sĩ xác nhận ca sĩ Mỹ Linh đã liên lạc với bà để gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình.

Ngoài ra, đơn vị sản xuất chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng cũng đã liên hệ và gửi email với nội dung “Lời xin lỗi sâu sắc tới cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và gia đình”.

Nguyên văn lời Trịnh Vĩnh Trinh: “…ca sĩ Mỹ Linh đã gọi điện đến tôi để gửi lời xin lỗi đến gia đình và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi và gia đình ghi nhận sự cầu thị của ca sĩ Mỹ Linh cũng như nhà sản xuất chương trình. Đây cũng không phải lần đầu các ca sĩ hay nhạc sĩ hát sai ca từ nhạc Trịnh. Và gia đình cố nhạc sĩ luôn ghi nhận và trân trọng tình cảm khán giả dành cho nhạc Trịnh, chắt chiu từng ca từ một và nhạy bén khi nhận ra việc ca sĩ, nhạc sĩ hát sai lời dù chỉ là một hay hai chữ”.

Bên cạnh đó, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn gửi gắm đến các ca sĩ, đơn vị sử dụng tác quyền rằng người yêu nhạc Trịnh luôn có cảm nhận sâu sắc, nhạy cảm về ca từ trong từng câu của bài hát, chỉ một dấu câu đặt sai chỗ cũng vô tình làm thay đổi ý nghĩa của ca từ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn truyền đạt. Và đây cũng là thử thách cho ca sĩ và nhà sản xuất mỗi khi sử dụng nhạc Trịnh.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh xác nhận lời trong bản gốc của bài Diễm xưa là: “Chiều nay còn mưa sao em không lại? / Nhỡ mai trong cơn đau vùi / Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau / Bước chân em xin về mau”. Nhưng trong đêm diễn công 5 của chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, ca sĩ Mỹ Linh, Thu Phương, Uyên Linh hát thành “Nhớ mãi trong cơn đau vùi”.

Để đối chiếu, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã gửi bản gốc các ca khúc Diễm Xưa và khẳng định ‘Nhỡ mai’ mới đúng với tinh thần, ý nghĩa của ca khúc nhưng gia đình sẽ chấp nhận và bỏ qua sai sót lần này vì đây là sơ suất nhỏ.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài Một Cõi Đi Về (con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…) Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một cõi đi về mà ông yêu thích nhất nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.

Bài hát Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trong thập niên 1950 có câu: “qua phên vênh có hai mái đầu…” Nếu là ca sĩ trẻ thì ít người biết “phên” là gì nên tự ý đổi chữ trong câu hát này thành “chênh vênh”.

“Phên” là tấm che được đan bằng tre của những nhà nghèo thời những năm 1950 ở Sài Gòn. Trong con ngõ nhỏ, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên, lâu ngày mưa nắng nó bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe phên vênh ấy, thấy có hai mái đầu chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”.

tấm “phên”

 

Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận