Những lần được diện kiến Vua Gia Long và Hoàng hậu của cậu bé 8 tuổi người Pháp được ghi lại trong hồi ký

Hầu hết câu chuyện chính sử kể về các đời vua trong triều đình Huế đều được soạn bởi Quốc Sử Quán, là cơ quan biên soạn lịch sử chính thức duy nhất tại Việt Nam từ năm 1821 tới năm 1945. Tất cả những người làm việc cho Quốc Sử Quán này đều là văn quan triều đình, các công trình do tổ chức này biên soạn là tư liệu vô giá để đời sau tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, Quốc Sử Quán chỉ biên soạn những thông tin lịch sử theo cái nhìn của triều đình, của người trong cuộc, nên thiếu các câu chuyện ngoài lề phản ánh cái nhìn của người ngoài đối với triều đình. Nếu có bộ sử nào của triều đình mô tả về vua, thì hầu hết là ca tụng công đức của vua, và có lẽ không một người Việt nào lúc đó dám viết chân thật và khách quan về tính cách của vua, cuộc sống sinh hoạt của vua, là những điều thú vị mà hầu như ai cũng muốn tìm hiểu.

Bài viết sau đây là của một người Pháp tên là Michel Đức Chaigneau, từng nhiều lần được tiếp kiến vua Gia Long, Minh Mạng, và cả Hoàng hậu từ khi còn nhỏ, trong các lần theo cha vào cung cấm. Cha của Michel Đức là một viên quan người Pháp tên là J.B. Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, một trong số những người Pháp đã phục vụ cho vua Gia Long), lấy vợ là một phụ nữ Huế tên Hồ Thị Huề.

Những năm cuối đời, ông Michel Đức Chaigneau về sống tại Pháp và viết hồi ký về những câu chuyện mà ông đã được tận mắt thấy tai nghe khi còn ở kinh thành Huế thuở nhỏ. Lúc đó ông không còn ràng buộc gì với triều đình Huế, không sợ tội khi quân phạm thượng, nên có thể viết ra những câu chuyện chân thật nhất về các vị vua triều đình Huế. Ông mô tả đầy đủ những tính cách cả tốt lẫn xấu của vua Gia Long và Minh Mạng mà không một người Việt nào thời đó dám viết.

BÁI KIẾN ĐỨC VUA GIA LONG

Vua Gia Long thường hay đặc biệt tiếp riêng cha tôi sau giờ nghỉ trưa.

Trong một lần gặp, Đức vua nói với cha tôi là Hoàng hậu muốn gặp tôi, ngài nói thêm sở dĩ như vậy là vì Hoàng hậu muốn gặp người con của một quan Tây đến từ nước Pháp xa xôi và đã tận tụy với triều đình Huế.

Tôi biết rằng nhà vua nói khách sáo như vậy là vì không muốn nói thẳng ra cái lý do thực sự, chẳng qua đó là sự hiếu kỳ của Hoàng hậu. Dù thế nào đi nữa, cha tôi về đến nhà cũng nói với tôi ngay là ngày hôm sau tôi sẽ tới cung cấm để tiếp kiến Hoàng hậu. Lúc đó tôi chỉ mới được tám tuổi và chẳng biết gì về nghi lễ của triều đình. Người ta phải dạy cho tôi nào là phải làm thế nào để tự giới thiệu, ăn nói như thế nào cho đúng phép tắc trước Hoàng hậu và với các bà phi.

Dù lúc đó còn nhỏ tuổi và dù bao năm tháng đã trôi qua rồi, tôi vẫn nhớ như in lần bái kiến đó, cũng là do ấn tượng của Hoàng hậu để lại trong tâm trí tôi quá sâu đậm. Lúc đó chung quanh tôi toàn là những phụ nữ quyền quý nhất trên toàn đất nước. Họ thật lộng lẫy cả về nhan sắc (sắc đẹp theo nghĩa tương đối) cũng như về cung cách y phục và trang sức.

Nhà vua dặn trước với cha tôi cụ thể về ngày giờ và nơi bái kiến, tôi phải theo cha đến cung vua. Tới hôm đó, vào khoảng 6-7 giờ tối tôi đi cùng cha tôi đến cung cấm. Khi đến phòng chờ, người hầu cận nói với chúng tôi là họ đã chờ được một lúc rồi. Cha nắm tay dắt tôi qua một gian phòng lớn, chính là nơi vua đang ngự trên một sập gụ thếp vàng, có trải chiếc chiếu tuyệt đẹp có đường viền bằng lụa vàng, xung quanh có rất nhiều người đứng hầu và giữ một khoảng cách nhất định với Đức vua. Ngài Ngự có vóc dáng cao hơn người bình thường, nhìn bề ngoài có vẻ ngài có thể lực cường tráng. Ngài có mái đầu bạc càng làm tăng thêm vẻ tôn quý và làm cân đối với thân hình. Khuôn mặt Đức vua trang nhã, thể hiện được vẻ uy quyền của một đấng quân vương, còn thần thái và cách nói chuyện thì lại gần gũi và bao dung trong cái nhìn của một đứa trẻ mới tám tuổi.

Tuy nhiên sau đó tôi cũng biết rằng thái độ của Đức vua có thể nhanh chóng chuyển từ trạng thái nhân từ sang tức giận tột cùng mỗi khi mệnh lệnh của ngài được thi hành chậm trễ.

Vua có sắc da sáng, mắt tinh anh, râu hoàn toàn bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành 2 lúm râu hai bên, điểm thêm cho chòm râu lớn nhưng tách biệt ở dưới cằm. Vua Gia Long là một người thông tuệ và có đầy chí khí từ khi còn trẻ, được tôi luyện qua nhiều khổ nạn, vì vậy có thể nói rằng ngài thường thể hiện được sự đúng đắn, chín chắn trong đánh giá người và việc khi trị quốc. Ngài nắm rõ mọi ngóc ngách của hệ thống hành chính vương triều, rõ còn hơn cả những vị thượng thư mà ngài nhiều lần đã bắt lỗi. Nhưng ngoài công việc phải trao đổi nghiêm túc ra, ngài là người vui tính nhất, dễ mến nhất của đất nước này: nhiều lúc nói chuyện với người tâm phúc theo kiểu thân tình, ngài có lối nói chuyện bông đùa dân dã đến mức làm người nghe đỏ cả mặt.

Đức vua đang nằm nghiêng mình trên sập gụ, tay cầm sách, vội bật dậy khi thấy chúng tôi đến. Ngài cười lớn và nói to: “Hà ha! Nào những người bạn của trẫm đây rồi! Hãy đến đây, đến gần hơn nữa để trẫm xem thử con có giống người cha cao quý của con hay không!”. Ngài đặt hai tay lên vai tôi, mân mê cằm của tôi, nhìn tôi chăm chú rồi pha trò với cha tôi: “Khanh đã hì hục đổ bao công sức để nắn ra thằng bé này, vậy mà cuối cùng nó có cái mũi tẹt y người Việt…”

Thú thực là tôi đã chuẩn bị sẵn sàng không biết bao nhiêu là lời hay ý đẹp để tâu với Đức vua theo đúng nghi lễ thông thường, nhưng ngài nói liên tục không ngừng, chẳng cho tôi chút thời gian nào để tâu bẩm gì cả. Cuối cùng, tôi lui lại vài bước rồi nói thật to và rành mạch: “Xin bái kiến hoàng thượng thiên tử, con xin khấu đầu kính chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!”

Tôi chưa kịp dứt lời thì Đức vua đã cười vang: “Ê cái thằng nhỏ này, nhà ngươi vừa nói ta là thiên tử đó hả, haha. Ai bày vậy, chắc không phải là cha ngươi rồi, ông ấy có bao giờ nói mấy điều xằng bậy đó đâu. Ta mà là con trời ấy à, haha”.

Vua nhìn qua cha tôi rồi cả hai cùng cười ha hả ra vẻ rất sảng khoải, làm tôi chỉ biết gượng cười theo mà không hiểu tại sao. Thấy tôi ngỡ người ra, đức vua giải thích: “Ta đã nói với tất cả những ai gọi ta là con trời rằng ta cũng có một người cha và một người mẹ. Và cũng giống như tất cả mọi người, ta được sinh ra khi cha ta làm thế này và mẹ ta đã làm thế kia…” Tôi xin phép dừng lại ở đoạn này, vì sau đó nhà vua nói rất dông dài về cách con người duy trì nòi giống. Rồi để minh họa cho lời nói, ngài còn làm những cử chỉ mô tả thực tế theo kiểu trần tục, đến mức nếu tôi mà kể hết ra đây thì sẽ làm cho những ai có tâm hồn thánh thiện sẽ cảm thấy xấu hổ đến chết.

Sau khi đã cười và nói dông dài về chủ đề bông đùa mà hiếm khi được nói một cách thoải mái như vậy, Đức vua quay lại về phía tôi và nói rằng tôi đã quên một nghi lễ thiết yếu khi bái kiến Hoàng thượng: “Ngươi gọi ta là thiên tử nhưng ngươi chưa bái lạy thiên tử”.

Người xứ An Nam rất xem trọng tập quán vái chào, nên tôi bắt buộc phải tuân theo (dù là miễn cưỡng), nói thêm vài lời chúc tụng khi thực hiện động tác vái lạy theo kiểu người An Nam, kiểu chào phức tạp mà vài năm về sau tôi sẽ chẳng bao giờ chịu tự ý làm, trừ phi là bị bắt buộc. Nghi lễ chào đó bắt đầu bằng kiểu vái lạy phủ phục: đầu tiên là quỳ một đầu gối, rồi đầu gối tiếp theo, rồi chắp tay lại, cúi rạp người xuống, theo như tư thế rạp cong người của trẻ con làm con ngựa để bè bạn nhảy qua. Tôi đã sắp thực hiện cái vái lạy thứ năm thì nhà vua, rất tinh mắt, thấy cảnh tượng này có vẻ nửa nghiêm trang nửa khôi hài, trông có vẻ khó coi, nên khoác tay bảo tôi: “Thôi đủ rồi con, chỉ cần vái lạy ta bằng một nửa cái cách người xứ ta phải làm là cũng được rồi. À mà con mấy tuổi rồi?”.
– Muôn tâu hoàng thượng, con được tám tuổi.
– Con học gì?
– Muôn tâu hoàng thượng, con học tiếng Pháp và chữ Hán.
– Rất giỏi, gắng học rồi ta sẽ cho con làm quan. Con có muốn làm quan không?
– Muôn tâu hoàng thượng, con rất muốn.
– Bây giờ con đi chào Hoàng hậu đi, xong rồi đi xem hát với ta. Chả mấy khi con được vô tới đây nên ta đãi một bữa xem hát cho vui. À mà qua đó đừng có sợ gì nhé, các quý phi của ta không hung dữ lắm đâu, họ không ăn thịt con đâu.

Rồi ngài quay về phía cha tôi nói tiếp: “Rất nhiều kẻ muốn được như thằng con ông lắm đó, không dễ gì để mà được đứng giữa toàn là giai nhân xinh đẹp lộng lẫy! Này Ông Long (vua Gia Long gọi cha tôi như thế), thật là khổ khi có quá nhiều người đẹp bên cạnh mà không thể tận hưởng tùy thích. Ông Trời thật thích trêu ngươi với những ông lão như chúng ta, cho phép ta ngắm cây tươi trái đẹp, nhưng chỉ cho ta sức lực vừa phải để với hái”.

BÁI KIẾN HOÀNG HẬU

Ngay lúc đó, có một người với thân hình trông như là một bộ xương được bọc lụa, đầu cúi thấp, đi vào thật nhẹ bước. Người này trông giống như phụ nữ nhưng bận đồ nam, nhưng trông chẳng ra nam cũng chẳng ra nữ: đó là vị đứng đầu các thái giám mà nhà vua lệnh đưa tôi đến bái kiến Hoàng hậu.

Con người tội nghiệp này có hình dáng bề ngoài xấu đau đớn, xấu chưa từng thấy: da bọc xương, khuôn mặt nhỏ nhiều nếp nhăn nhúm làm tôi liên tưởng tới một trái táo xanh đã bị khô héo vì để lạc mất đâu đó cả mấy tháng ở trong một nhà kho. Đôi mắt ông trống rỗng và nhìn vô cảm, mũi dẹt, cằm nhọn có điểm một nốt ruồi với vài sợi lông, cũng là cọng râu duy nhất ông ta có, môi miệng móm mém chứng tỏ con người khốn khổ này chẳng còn mấy cái răng để nhai. Giọng nói thì như giọng nữ the thé. Ông mặc áo dài xanh dương ngắn tà và một quần lụa trắng, mang một vành khăn rộng làm cho khuôn mặt như teo nhỏ lại. Lúc vừa ra khỏi gian phòng, tôi tự hỏi con người này có ý thức gì về thân phận khốn khổ của mình hay không, khi nhìn thấy hình ảnh ông vừa đi vừa đong đưa thân hình tong teo, dáng đi đó dường như cố ra vẻ ông là một người rất quan trọng.

Người dẫn đường này rất lễ phép với tôi, nếu không muốn nói đó là thái độ một mực cung kính: ông luôn sắp xếp để tôi đi trước ông khoảng một bước chân và mỗi khi tôi hỏi gì thì ông luôn đáp lời với một cung cách uyển chuyển, với những lời lẽ chuẩn mực, hoàn toàn đúng theo nghi thức.

Chúng tôi cùng rảo bước và sau khi đi qua một hành lang dài không một bóng người, chúng tôi đến một gian phòng rộng mênh mông, được tạo thành như là một hành lang cắt góc với hành lang chúng tôi vừa đi qua. Có một vài hoạn quan ngồi xổm trên sập ván, vội bật người đứng lên khi thấy chúng tôi đến, một người đứng ra mở một cánh cửa và người dẫn đường nhìn tôi như ra dấu mời vào. Tôi bước vào và cánh cửa đóng sầm lại ngay lập tức phía sau lưng.

Vua Gia Long đã ban cho tôi một tâm trạng thoải mái sau khi được bái kiến ngài, được ngài đón tiếp niềm nở bằng lối nói chuyện gần gũi vui vẻ. Do đó, khi tôi rời ngài, tôi không còn mang tâm thái hoang mang như trước đó, cảm thấy tự tin hơn và cho rằng chẳng có gì làm cho mình lo âu nếu đi gặp những người khác trong cung cấm này. Sự tự tin dâng trào đó cũng có thể là xuất phát từ tính tự phụ trẻ con của tôi nữa.

Nhưng rồi sau khi bước vào gian phòng này, tôi đã không còn làm chủ được cảm xúc, chẳng còn cảm thấy chút tự tin nào và hơi bối rối. Nơi này khá rộng, có các bức mành được hạ xuống kín kẽ, làm cho gian phòng có vẻ tối lại và huyền bí. Có đến hàng trăm suy nghĩ tràn qua đầu óc non nớt làm cho tôi lo lắng. Tôi nghĩ là rồi có thể tôi sẽ mắc một vài sơ suất nào đó vì không nắm rõ nghi thức hoàng cung, và rồi quý bà kia sẽ chế nhạo tôi; có thể người ta lại bắt tôi phải quỳ lạy vài bức tượng thờ nào đó, điều mà dứt khoát tôi sẽ không nghe theo; và rồi Hoàng hậu sẽ tiếp kiến tôi như thế nào đây.

Tôi đang trăn trở với những suy nghĩ đó thì một nhóm chừng mười, mười hai quý bà đẹp lộng lẫy với những trang phục nhung lụa gấm vóc, bước thẳng về phía tôi. Tôi nghe họ nói nhỏ: “Đó, đó, là con của vị quan Phú – lang – sa [người Pháp]”.

Tôi nhìn thoáng qua có một quý bà lớn tuổi – là người ít đẹp nhất trong số họ – trông cao lớn và có vẻ nghiêm nghị, trong khi những quý bà khác thì trẻ hơn, khuôn mặt tươi vui, phong cách nhanh nhẹn thoải mái. Tôi tự nhủ, không nghi ngờ gì nữa, quý bà lớn tuổi kia chắc chắn phải là Hoàng hậu rồi. Tôi bèn ngượng ngập tiến đến trước bà lớn tuổi và không chờ bà lên tiếng, tôi nghiêng người và nói:

“Con xin bái kiến Hoàng hậu”

Tôi còn chưa kịp nói hết câu thì đâu đó như có tiếng phì cười từ phía quý bà, lúc này lại có thêm hai hay ba chục phụ nữ khác kéo đến từ khắp lối. Người phụ nữ tôi bái xưng là Hoàng hậu kia cắt lời tôi ngay lập tức: “Suỵt! Suỵt! Ta không phải là Hoàng hậu! Nếu ngài mà nghe thấy thì…”.

Tôi sững người vì sự nhầm lẫn tai hại này, lại càng bối rối với tiếng cười có vẻ chế nhạo của mấy quý bà, tôi đâm ra ngượng nghịu không tìm ra được lối nói nào khác để sửa chữa sai lầm vừa rồi. May thay, một cánh cửa mở ra, trong khi quý bà còn mãi trêu cười thì người phụ nữ cao lớn kia chỉ cho tôi người quyền thế nhất của khu cung cấm này: “Này cậu nhỏ, đây mới là Hoàng hậu, cậu bước vào đi”.

Gian phòng của Hoàng hậu cũng lớn tương tự như gian phòng trước đó, khá đẹp mắt về cả trang trí và đồ nội thất: khắp nơi đều rực sáng lên sự giàu sang và ngăn nắp sạch sẽ; hít thở không khí có vẻ như là có hương thơm ngọt pha trộn mùi đàn hương, hoa trái và khói thuốc hút loại được tẩm hương của một loài hoa gọi là hoa ngâu.

Bên ngoài trời đã chập tối, một số bức mành đã được kéo lên, vẫn có thể nhận ra tất cả mọi đồ vật trong gian phòng dịu ngọt thơm nức này. Có một cái sập gỗ cao vừa phải với đường diềm chạm trổ trên nền sơn son, được đặt trước một khung cửa rộng lớn nhìn ra sân. Đây có lẽ là nơi ngồi chơi hay nằm nghỉ ngơi của chủ nhân cung này. Những quý bà được cho phép diện kiến phải ngồi trước mặt Hoàng hậu ở tầm thấp hơn trên những chiếc chiếu. Hoàng hậu mặc đồ thêu lụa vàng, tựa nhẹ người vào một chiếc gối vuông bọc lụa tơ màu vàng có thêu chỉ vàng, chung quanh có rất nhiều quý bà có hàm răng đen, mặc áo dài lụa đủ màu sắc, người thì khăn đóng, người thì đầu trần. Những phụ nữ này đứng đó, chân trần, tư thế cung kính như là sẵn sàng chờ mệnh lệnh. Toàn bộ cảnh tượng làm cho tôi thấy choáng ngợp bởi một cảm giác thần tiên.

Hoàng hậu không còn trẻ nhưng duyên dáng, vẻ rất uy nghiêm. Khi trông thấy tôi bước vào, Hoàng hậu nở một nụ cười thân thiện: “Đến đây, con trai ông Long, ta rất hài lòng được gặp công tử. Vì công tử là con trai của người đã có nhiều công trạng lớn với Đức vua. Đức vua với ta rất sủng ái quý trọng ông”.

Tôi thưa:

“Tâu Hoàng hậu, con rất sung sướng và tự hào khi được nghe những lời vàng ngọc của Hoàng hậu. Cha của con chắc hẳn cũng sẽ rất vui mừng khi được nghe kể lại về những lời này của Hoàng hậu”.

Tôi bèn tranh thủ lúc vẫn còn được nói để tuôn ra một tràn các lời chúc tụng theo đúng nghi lễ, trong lúc cúi người bái lạy:

“Con xin bái lạy Hoàng hậu! Con xin kính chúc Hoàng hậu vạn tuế, vạn vạn tuế!”.

Bái lạy lần thứ nhất xong, tôi sắp sửa bái lạy tiếp lần nữa và định làm cho đủ bộ 5 lần bái, nhưng ngay lúc đó sau lưng tôi có một giọng nói không mấy thân thiện mà tôi nhận ra là giọng của người phụ nữ to cao với khuôn mặt nghiêm nghị lúc nãy, bà nói nhỏ với tôi: “Cậu (cách gọi người ta thường dùng dành cho con các quan) bái lạy Hoàng hậu không đúng cách rồi, phải quỳ rạp xuống kìa”.

Trời đất, thật là tai họa – Tôi tự nhủ – người phụ nữ này có mặt ở đây là tai họa cho thằng tôi! Phải làm gì bây giờ? Tôi đâu thể tùy tiện làm theo ý mình, và dĩ nhiên là cũng hoàn toàn không muốn làm Hoàng hậu tức giận. Trông lệnh bà quá đỗi duyên dáng và tốt bụng thế kia mà. Thế thì phải can đảm lên! Cha tôi mà biết chuyện thì ông sẽ hơi phiền lòng, vì mọi sự việc này rồi sẽ cũng tới tai ông. Ở đây tôi phải thú nhận một việc, thay vì phải phủ phục trước Hoàng hậu, tôi sẵn sàng phủ phục người xuống (mà không cần ai phải thúc ép) trước một số thiếu nữ hay phụ nữ trẻ đẹp mà tôi trông thấy khi bước vào đây. Tôi đã tò mò chú ý những khuôn mặt dễ thương với dáng vẻ trẻ con của vài người họ hồi lúc nãy. Nhưng tôi phải quay về lại với thực tại thôi. Thực tại lúc này là người phụ nữ cao lớn với gương mặt nghiêm nghị đang nhìn chằm chằm vào tôi. Biết là chẳng thể trốn tránh được cách bái lạy theo kiểu người An Nam, tôi quỳ gối xuống sàn, rạp người bái lạy, rồi đứng lên và làm lại động tác. Rủi thay lần này, đầu gối phải của tôi gặp một vật nhọn gì đó trồi ra từ chiếc chiếu đâm rất đau, tôi cố tránh, mất thăng bằng, loạng choạng rồi ngã sang một bên.

Thấy thế, Hoàng hậu khẽ la lên rồi nở một nụ cười trong khi các quý bà khác thì cố nhịn cười. Lần bái lạy thứ hai này không thành, trong khi lần thứ nhất đã không mấy hoàn hảo, tôi xin Hoàng hậu thứ lỗi: “Con xin Hoàng hậu thứ lỗi về sự vụng về, vì con chưa quen với cách bái lạy này”.

Hoàng hậu nói: “Thế thì công tử hãy thử chào ta như thể chào Hoàng hậu nước Pháp vậy”. Đang tư thế đứng, tôi nghiêng mình chào năm lần, như cha tôi thường làm vậy trước vua Gia Long.

– Sao, chỉ có thế thôi à?
– Vâng, tâu Hoàng hậu. Ở nước Pháp, thì cũng chỉ chào một lần mà thôi.
– Ta thích lối chào ở An Nam, duyên dáng và tôn kính hơn. Nhưng thôi, nào, hãy nói ta nghe gì đó trong tiếng Pháp để chào một Hoàng hậu.
– Jai l’honneur de saluer la reine.

Tôi vừa nói vừa nghiêng mình. Câu này có nghĩa là Vinh dự bái kiến hoàng hậu.

– Thế có nghĩa là thế nào?

Nghe tôi giải thích câu chữ xong, Hoàng hậu nói tiếp:

– Phụ nữ Pháp có đẹp không?
– Tâu Hoàng hậu, con chưa về Pháp lần nào nên không biết, nhưng cha con nói là rất đẹp.
– Công tử có thấy phụ nữ xứ này là đẹp không? Hoàng hậu đảo mắt nhìn những người phụ nữ đứng chung quanh.
– Tâu Hoàng hậu, con nghĩ là khó mà tìm thấy người đẹp hơn, duyên dáng hơn những quý bà ở đây.

Trong thâm tâm nhỏ nhen của một đứa trẻ con, khi tâng bốc mấy “quý bà” trước mặt Hoàng hậu thì tôi đã rất muốn loại trừ ra cái bà lớn tuổi có gương mặt nghiêm khắc kia.

Nghe tôi nói vậy, tất cả quý bà có mặt nhìn nhau cười mãn nguyện, ngay cả người phụ nữ với gương mặt nghiêm khắc cũng phản ứng như vậy, có lẽ nghĩ rằng mình cũng nằm trong nhận xét của cậu bé con. Hoàng hậu có vẻ rất hài lòng với điều tôi vừa nói.

Hoàng hậu còn hỏi tôi cả trăm chuyện về nước Pháp, tôi không thể nào đáp ứng được hết một cách trọn vẹn vì tôi chưa từng rời khỏi xứ An Nam này từ ngày lọt lòng. Trong khi Hoàng hậu tiếp tục hỏi, nhiều nữ tỳ đến đặt trên một chiếc bàn hai cái giỏ: một đựng những trái cây tươi đang giữa mùa, một đựng mứt, bánh ngọt và trái cây khô. Nhiều người khác thì sắp xếp ngay trên cùng chiếc bàn những xấp vải lụa, từng đôi một và thành chồng hình vuông. Một người hầu nữ khác thì đặt bên các chồng vải một hộp vuông bằng gỗ nhẹ sơn vàng, với một hình vẽ rồng năm móng vàng rực trên nắp hộp. Hộp này đựng một bộ áo lễ cho nam, quần, đai nịt, áo khoác và khăn đóng.

Khi tất cả đã được đặt lên bàn, cái bà có gương mặt nghiêm nghị tranh thủ một lúc ngừng trao đổi để đến bên tôi, vừa chỉ tôi chiếc bàn vừa nói to: “Nhìn đó, Cậu – Đức, đó là từ tấm lòng đại lượng của Hoàng hậu dành cho cậu!”. Rồi bà lại nói thật nhỏ: “Cậu phải quỳ lạy trước Hoàng hậu để bày tỏ lòng biết ơn đối với Hoàng hậu”.

Tôi nhủ thầm – lại cái bà này nữa, làm như là bả chỉ có mỗi nhiệm vụ là khiến tôi phải liên tục khốn đốn vụ bái với chả lạy. Thôi đủ lắm rồi, với lại Hoàng hậu có vẻ như chẳng mấy để tâm đến chuyện đó. Vậy nên cố tình để ngoài tai mấy lời mụ già kia vừa nói, tôi quyết định vừa cúi mình thật thấp để bái lạy Hoàng hậu vừa nói: “Con vinh dự được bày tỏ lòng biết ơn với Hoàng hậu vì đã dành ban cho con tất cả những món quà tuyệt vời này”.

Hoàng hậu tiếp lời: “Công tử sẽ nhớ đến ta mỗi dịp công tử bận những áo quần được xếp trong chiếc hộp này”.

– Tâu Hoàng hậu, con sẽ nhớ đến Hoàng hậu không chỉ vì những món quà này, mà là vì Hoàng hậu đã ưu ái cho phép con bái kiến.

– Lát nữa ta còn gặp công tử ở Duyệt Thị Đường, công tử cũng tới đó xem hát mà phải không?

Rồi Hoàng hậu mỉm cười, khẽ gật đầu nhiều lần ra dấu cho tôi lui ra. Tôi cúi mình chào lần nữa rồi lui bước ra khỏi nơi mà tôi đã có đầy đủ những cung bậc cảm xúc, một nơi mà từ đó về sau sẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được.

Khi trở ra gian phòng trước đó lúc mới đến, tôi lại phải gặp cái bà có gương mặt khó ưa đã làm cho tôi cảm thấy khó chịu vì nhầm lẫn. Rồi trong một thoáng, tôi lại còn bị một đám đông phụ nữ vây quanh: người thì bước ra từ nơi Hoàng hậu tiếp kiến vừa rồi, người thì ở trong số những người đầu tiên tôi gặp khi mới đến, có lẽ từ lúc đó đã đứng yên ở đây để chờ tôi trở ra. Tất cả những phụ nữ này đều tỏ ra đầy sức sống, nhanh nhẹn, vui tươi, và có vẻ cũng rất hiếu kỳ. Họ thay phiên nhau (đúng ra là một cùng lúc) hỏi han tôi đủ chuyện. Người thì hỏi phụ nữ nước Pháp như thế nào, người thì hỏi họ ăn mặc ra sao; người này thì hỏi phụ nữ Pháp làm gì khi rảnh rỗi, kẻ kia thì hỏi phụ nữ Pháp có vui chơi nhiều không và có những loại giải trí gì. Những câu hỏi rồi sẽ chẳng đi về đâu vì tôi chỉ có thể kể lại cho họ nghe những gì tôi đã nghe từ cha tôi, vì tôi đã về Pháp lần nào đâu mà biết.

Tuy mệt mỏi với việc liên tục phải trả lời những câu hỏi, nhưng điều này cũng làm tôi vui vui vì đó là khởi đầu cho một chút thân mật giữa tôi với những phụ nữ đẹp đẽ quý phái này. Họ đến gần tôi hơn, có vài bàn tay tò mò nắm lấy vai tôi… Nhưng rồi đột ngột có một giọng nói khô khan thốt lên: “Này các cô, sang chỗ Hoàng hậu”.

Bạn đoán đúng rồi đấy, đó chính là giọng nói của mụ già nghiêm khắc kia. Trong nháy mắt, tất cả đều biến ra khỏi phòng, trừ bà ta cùng vài người hầu nữ mang trên tay tất cả các món quà mà Hoàng hậu đã ban cho tôi. Bà đưa tôi ra tận cửa, lệnh trao các món quà cho các thái giám, nghiêng đầu chào rồi quay lui.

Chỉ còn lại mỗi cha tôi ở một mình trong gian phòng, Đức vua vừa rời khỏi đây. Cha tôi hỏi tôi vài câu về những gì tôi vừa được chứng kiến và có hỏi là có hài lòng hay không về buổi gặp Hoàng hậu.

Tôi trả lời là có và cả hai chúng tôi rời khỏi nơi đây để đến Duyệt Thị Đường (nhà hát của cung đình).

Ngoài những câu chuyện được bái kiến Vua và Hoàng hậu được kể bên trên, cũng theo lời kể của Michel Đức, có một câu chuyện thú vị về cách mà vua Gia Long đối mặt với chốn tam cung lục viện, giải quyết những cuộc cãi vã và ganh ghét giữa vô số các cung tần của mình. Trong những lần trao đổi thân tình với vị quan người Pháp, vua Gia Long thường nói việc trị quốc đối với ông dễ hơn và ít tốn công hơn là việc cai quản chốn cung cấm. Có một hôm trong một lần tiếp kiến riêng sau buổi ngự triều, vua nói: “Khanh nghĩ là ta đã hết việc khi giải quyết xong những gì đang đợi ta đàng kia (ngài chỉ tay về phía cung cấm), trong cung cấm khi ta rời khỏi đây. Ở đây bây giờ, ta cảm thấy thích thú khi trao đổi với những người hiểu biết, họ lắng nghe ta, hiểu ta, và nếu cần, thì nghe lời ta. Đàng kia (trong cung cấm), ta phải đối mặt với lũ đàn bà yêu quái, cãi cọ với nhau, đối xử tệ bạc, xâu xé nhau, rồi tất cả tới đòi ta phân xử công minh. Nếu ta mà xử đúng người đúng tội thì bọn họ không ai thoát tội hết, trong khi ta không biết chắc được ai trong bọn họ thua kém người kia về sự tàn độc”.

Sau một hồi im lặng, vua Gia Long nói tiếp: “Này, lát nữa đây, ta sẽ bị vây quanh bởi một đám yêu nữ sẽ hét vào tai ta đến điếc cả tai (nói đến đây, vua giả giọng và cử chỉ của người phụ nữ đang điên tiết lên): “Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ xét xử công minh cho, con mụ kia đã chửi thần thiếp…” hoặc là: “người ta đã đối xử tệ với hạ thần, muôn tâu bệ hạ, xin phân minh cho hạ thần”, rồi một tá yêu nữ khác lại đến kêu than: “Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ không còn sủng ái thần thiếp, bệ hạ đã chiếu cố kẻ khác, muôn tâu bệ hạ… xin đến lượt thần thiếp”.

Vị quan Pháp nghe vua kể đã không nhịn được cười, và gợi ý: “Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ có thể giảm lo âu phiền muộn bằng cách giảm đi số cung tần mỹ nữ…”

Nhà vua liền nói: “Suỵt, nói khẽ thôi, nói khẽ thôi”. Vua cho đám hầu cận lui ra rồi nỏi nhỏ: “Này ông, nếu như các quan lại đồng nghiệp của ông mà nghe được những lời ông vừa thốt ra thì ông sẽ là kẻ thù không đội trời chung với bọn họ. Nói nghe nè, gần như tất cả cung phi cung tần đều là con gái của các quan. Chẳng hạn mới đây có một vị đã đề nghị đưa con gái vào cung, ta đã lớn tuổi nhưng không thể từ chối được. Nếu từ chối thì ta sẽ làm ông ta không vui, vì ở xứ này đưa được con gái vào cung là một vinh dự, vừa tăng vị thế cho quan, còn ta thì đảm bảo được về sự trung thành của vị quan đó. Ta phải xử sự sao cho vừa lòng tất cả mọi người, nhất là các bà, vì các bà còn đáng sợ hơn cả phía các ông. Nếu như ta bỏ bê một trong các quý phi, thì ngay lập tức cô ấy sẽ than thở với cha của mình, rồi lão ta sẽ khéo léo đồn thổi cái gì đó để làm ta xấu mặt trước muôn dân”.

Bên trên là những dòng hồi ức của Michel Đức về buổi tiếp kiến vua Gia Long và Hoàng hậu, tức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu vào năm 1811 (Michel Đức sinh năm 1803). Chỉ 3 năm sau đó, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu qua đời vì bạo bệnh (1814) ở tuổi 52. Như vậy khi Michel Đức được tiếp kiến Hoàng hậu thì lệnh bà ở tuổi gần 50, và theo như nhận xét của ông Đức thì đây là một người phụ nữ không còn trẻ nhưng duyên dáng.

Ngay khi Hoàng hậu vừa qua đời, trong năm 1814, vua Gia Long cho tiến hành xây lăng mộ chung cho chính mình và Hoàng hậu. Sau khi vua mất vào năm 1820, bên trong lăng Gia Long có một ngôi song mộ nằm cạnh nhau thiên thu vĩnh cửu cho tới ngày nay. Michel Đức đã ở kinh thành Huế trong thời gian này nên ông đã kể lại một biến cố nghiêm trọng khi xây lăng, tuy nhiên, ông Đức nhầm lẫn đây là lăng Hoàng thái hậu.

Trở lại với gia đình Chaigneau, ông J.B.Chaigneau vốn xuất thân từ một gia đình danh giá vùng Bretagne. Cha của ông J.B.Chaigneau đã nhận huân chương hiệp sĩ Saint – Louis, là đại úy phụ trách hỏa thuyền và chỉ huy một con tàu của tập đoàn thương mại với xứ Ấn (Compagnie des Indes).

Ông Chaigneau lấy vợ, sống và làm việc ở xứ An Nam vùng viễn đông xa xôi nhưng vẫn còn gia đình anh em ở Pháp, và họ luôn gửi cho ông những lá thư trìu mến tỏ nỗi nhớ thương và tha thiết mong được gặp lại ở quê nhà sau nhiều năm xa cách.

Không lâu sau buổi gặp mặt kể trên, gia đình Chaigneau có cơ hội về thăm nước Pháp. Thời điểm đó, thuyền viễn dương đi lại giữa An Nam và Âu Châu rất hiếm, nên khi nghe tin có hai thương thuyền neo đậu tại Tourane (Đà Nẵng) đang chuẩn bị về Pháp, ông Chaigneau không thể chần chừ và quyết định ngay việc đưa gia đình trở về thăm cố quốc. Mọi việc được gấp rút chuẩn bị, điều khó nhất là xin phép vua Gia Long chẩn y, bởi ai cũng biết Đức vua rất yêu mến cận thần Chaigneau và muốn giữ ông lại bên ngài.

Theo Michel Đức kể lại, cha của ông đã quyết định tâu bẩm việc này trong một lần được tiếp kiến riêng. Michel Đức nói:

Sau một hồi trao đổi các vấn đề khác nhau như thường lệ, cha tôi trình bày ý định của mình, không quên bày tỏ sự tiếc nuối vô cùng khi phải rời xa Đức vua, và khẩn cầu Đức vua ban cho một thời gian vắng mặt để ông đưa gia đình về Pháp. Vua Gia Long, lúc đó đang chống tay trên gối, liền bật dậy ngạc nhiên khi vừa nghe nói tới việc động trời đó:

– Sao, khanh muốn ra đi à? Nhưng sao lại bỏ xứ này mà đi? Có ai ở đây làm cho khanh phiền lòng không? Hay ai đó trong triều làm khanh bực mình, có ai xúc phạm đến khanh? Hãy thẳng thắn nói ra đi, trẫm sẽ phân xử liền cho.

Cha tôi đáp lời:

– Kính tâu bệ hạ, không có chuyện gì như thế cả, cho đến nay, thần chỉ có thể một lòng tán tụng công đức và lòng tốt của bệ hạ. Thâm tình và sự rộng lượng của bệ hạ đối với thần mỗi ngày đã đủ che chở cho thần tránh khỏi những mưu toan xấu từ những người đối xử với thần không giống như những tình cảm mà bệ hạ dành cho thần. Nhưng, nay xa quê hương đã hơn ba mươi năm, với hai mươi lăm năm theo bệ hạ tận tâm phục vụ, thần nay cảm thấy ước muốn trở về nơi sinh thành để thăm gia đình người thân. Bệ hạ hoàn toàn có lý khi chưa chia sẻ được hết ước muốn của thần, đó là ước muốn nắm bắt ngay lấy cơ hội hiếm hoi này để trở về.

Đức vua tiếp lời: “Ước muốn của khanh là vô cùng chính đáng và ta không thể lấy đó mà giận khanh được. Nào, người bạn cao quý, bề tôi trung thành của trẩm, mong trời đất phù hộ khanh ở mọi nơi, chuyến hành trình trở về được mỹ mãn và khanh mau chóng quay trở lại đây với ta!”.

Vua Gia Long tỏ vẻ rất xúc động khi nói những lời cuối, ngài nắm chặt lấy tay cha tôi, nói thêm vài lời khen ngợi và rồi hai người chia tay.

Sau lần tiếp kiến đó, cha tôi tiếp tục dự thiết triều cho đến tận ngày lên đường trở về, cũng là ngày chào tạm biệt vua Gia Long. Nhà vua trao cho cha tôi một sắc chỉ, như là một lời chia tay, trong đó có nhiều câu chữ để ca ngợi cũng như vinh danh công trạng và phẩm cách.

Đức vua nắm chặt tay cha tôi một lần cuối, nhắn cha tôi mau quay trở lại, rồi ngài nói: “Tạm biệt!”.

Than ôi! Đức vua không thể ngờ rằng đó là lần cuối họ gặp mặt nhau, bởi vì đến ngày gia đình tôi quay trở lại An Nam, Đức vua đã băng hà.

Buổi chia tay hôm đó đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu đậm đối với cha tôi, vì ông nhận ra được những tình cảm trân trọng thực sự của Đức vua dành cho ông, cũng như sự tiếc nuối chân thành của Đức vua khi thấy ông lên đường. Cha tôi đã nhiều lần kể lại cho tôi nghe, tường tận từng chi tiết, những lần trò chuyện cuối cùng với vua Gia Long, tôi chỉ có thể thuật lại ý chính của những buổi tiếp kiến, nhưng vài dòng lướt qua như vừa trình bày cũng đủ để cho thấy được tầm vóc mối quan hệ giữa cha tôi với vị quân vương.

Ông J.B.Chaigneau hoàn thành được ước nguyện là trở về quê quán thăm gia đình, lúc đó ông cũng đã luống tuổi và dự định ở lại nghỉ hưu. Tuy nhiên trong các lần yết kiến vua Louis của Pháp và các vị bộ trưởng, nhà vua đã giao cho ông trọng trách mà ông không thể chối từ và phải trở lại An Nam, đóng vai trò như là một cầu nối hữu hảo giữa hai quốc gia. Ông là người duy nhất lúc đó có thể gánh vác được vai trò này. Có thể nói rằng nếu vua Gia Long không qua đời đột ngột, nếu ngài có thể sống thọ thêm vài năm để kịp ký hiệp ước giao thương với Pháp, hoặc người nối ngôi là vua Minh Mạng không thờ ơ với cái bắt tay của Pháp thời điểm 200 năm trước, thì lịch sử Việt Nam đã rất khác. Sau đây là lời kể của Michel Đức về vấn đề này:

Về đến thủ đô, các bộ trưởng của vua Louis XVIII cho cha tôi biết là Đức vua muốn giao phó cho cha tôi một trọng trách bên cạnh Đức vua xứ An Nam. Thêm vào đó, theo sự khẩn cầu của giới thương gia thành phố Bordeaux, các bộ trưởng cũng đề nghị cha tôi chấp nhận làm đại diện tại triều đình Huế với tư cách là lãnh sự. Họ giải thích cho cha tôi về những thuận lợi mà nước Pháp có thể đạt được ở một xứ sở mới mẻ đầy hứa hẹn vùng viễn đông, khi có mặt tại đây một người đại diện là cha tôi – một người hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết nhất, đó là biết ngôn ngữ bản địa, có được uy tín nói chung và sự tin cậy của Đức vua trị vì nhờ những công trạng to lớn đã đóng góp cho vương triều này. Mặc dù tuổi đã cao và mong muốn được nghỉ ngơi để chăm lo gia đình, cha tôi vẫn còn ước muốn chứng tỏ lòng tận tụy với nước Pháp, nên buộc phải cống hiến thêm ít năm nữa của đời mình cho quê hương. Bởi vì, xét theo bối cảnh tình hình lúc đó, những nhiệm vụ cha tôi đảm trách đúng là rất cần thiết.

Cha tôi được vua Louis XVIII tiếp kiến với tất cả thiện ý, ngài đề nghị cha tôi quay trở lại Kinh thành Huế với hai tư cách: lãnh sự và công cán ủy viên của Đức vua nước Pháp, có toàn quyền để ký kết một hiệp ước giao thương giữa hai đất nước. Đó là mệnh lệnh từ nhà vua: “Khanh là người Pháp, và mỗi người dân Pháp đều có nghĩa vụ với đất nước mình. Chính phủ Pháp tin cậy ở lòng yêu nước của khanh trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó”.

Cha tôi đã được trao Bắc Đẩu bội tinh vào năm 1819, sau khi tiếp kiến Đức vua, ông lại được trao huân chương Hiệp sĩ Saint – Louis.

Sau đó, cả gia đình Chaigneau lại đi thương thuyền viễn dương về lại kinh thành Huế vào đầu năm 1821. Khi tới nơi, họ mới nhận được tin rằng vua Gia Long đã băng hà vào đầu năm 1820, và ông Chaigneau – đại diện vua Louis của Pháp chỉ có thể làm việc với người kế vị là vua Minh Mạng – một người có quan điểm trái ngược với vua cha về vấn đề ngoại giao với phương Tây. Khi nhận được quốc thư của vua Louis nước Pháp đề nghị ký hiệp ước tự do giao thương giữa 2 nước, vua Minh Mạng đã nói với ông Chaigneau rằng nước Pháp quá xa xôi, làm gì có buôn bán với nhau để mà ký hiệp định giao thương, và theo nhà vua thì An Nam cũng chẳng có chiếc thương thuyền nào vượt đại dương qua được tận nước Pháp, nên theo ông vua mới, việc ký hiệp ước như vậy chỉ có lợi cho nước Pháp mà thôi.

Những quyết định ngoại giao như vậy của vua Minh Mạng được đánh giá là nguyên nhân chính đẩy nước An Nam vào tình trạng bế quan tỏa cảng trong một thời gian dài.

Vấn đề này sẽ được nói cụ thể trong buổi tiếp kiến của ông J.B.Chaigneau với vua Minh Mạng ở bài viết khác. Còn sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu sứ mệnh của ông J.B.Chaigneau trong chuyến trở lại An Nam do đích thân vua Louis giao phó, thông qua 2 bức chiếu chỉ của nhà vua, được dịch như sau:

“Ta – Louis, với ân sủng của Thượng đế, vua của nước Pháp và xứ Navarre, xin gửi lời chào đến tất cả những người sẽ đọc những thư này.

Xét thấy phù hợp việc mở ra công việc lãnh sự ở các vùng của xứ An Nam, để đảm bảo an toàn cho con người và tài sản của những thần dân [nước Pháp] đến giao thương ở xứ đó, được nắm hiểu về sự hiểu biết, tính ngay thẳng, thái độ năng nổ và lòng trung tín phục vụ nước Pháp của ông J.B. Chaigneau, sĩ quan hải quân và là quan viên xứ An Nam; thêm vào đó, ông còn là người rất am tường phong tục tập quán của những xứ này do thời gian lưu lại ở đó rất lâu, nay chúng ta đã quyết định chọn ông, và qua các bức thư này mà đích thân chúng ta ký, chỉ định ông làm lãnh sự ở tất cả các vùng của xứ Cochinchine; mục đích là, với tư cách lãnh sự, ông Chaigneau có thể thực thi những quyền hạn gắn liền với chức danh, theo đúng những luật lệ, chiếu chỉ và sắc lệnh của vương triều [Pháp].

Chúng ta cũng lệnh cho tất cả những nhà hàng hải, thương gia và những người khác là thần dân của chúng ta, phải thừa nhận và tuân lời ông Chaigneau theo tất cả những gì ông ra lệnh với tư cách là lãnh sự, trọng trách mà chúng tôi rất hài lòng khi giao phó cho ông.

Để xác tín điều đó, chúng tôi đã đóng ấn son vào những thư này.

Paris, ngày thứ mười hai, tháng mười, năm tạ ơn 1820, và là năm thứ 26 trị vì”. “[vua] Louis”

“Louis, với ân sủng của Thượng đế, vua nước Pháp và xứ Navarre, gửi cho ông J.B.Chaigneau thân mến, sĩ quan hải quân… và.., lời chào. Vì mong muốn thấy mở rộng và củng cố giao thương của người Pháp ở xứ An Nam, và được thông tin là Đức vua xứ này cũng mong muốn như vậy, chúng ta không hoài nghi về khả năng Đức vua ở đó sẽ đón nhận thuận lợi lời đề nghị của chúng ta; mong muốn thực hiện một cách thân hữu nhất các quan hệ giao thương giữa hai đất nước. Vì tất cả những lý do đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào kinh nghiệm của ông, sự năng nổ và lòng trung thành phục vụ đất nước, chúng ta đã chỉ định, ủy nhiệm và giao phó ông, qua các thư này mà đích thân chúng đã ký, nhiệm vụ là ủy viên công cán của chúng ta để ông có thể, với tư cách như thế từ phía nước Pháp, phối hợp với những ủy viên hay quan viên khác đã được Đức vua xứ An Nam kính mến thân tình của chúng ta chuẩn y. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta đã trao và nay trao cho ông quyền hạn, ủy quyền và quyền chỉ đạo đặc biệt để đàm phán, quyết định và ký kết những thỏa ước, điều khoản, công ước, thỏa thuận và mọi văn kiện nào khác mà ông thấy cần thiết để thiết lập một cách phù hợp công việc giao thương của thần dân nước Pháp chúng ta, cũng như để đảm bảo con người cùng tài sản của họ.

Paris, ngày 12/10/1820. Vua Louis”.

Đông Kha, dịch lại từ cuốn Hồi ức cề Kinh thành Huế đấu thế kỷ 19 của Michel Đức Chaigneau
chuyenxua.net

Đọc tiếp kỳ 2:

https://chuyenxua.net/dien-kien-vua-minh-mang-hoi-ky-michel-duc-ve-nhung-lan-duoc-bai-kien-duc-vua-trieu-dinh-hue-ky-2/

Viết một bình luận