“Tương lại nước Việt Nam sau này hay hay dở đều do sự giáo dục hiện tại của lứa tuổi thiếu nhu, mầm non của đất nước” – Đó là câu nói của ông Nguyễn Hùng Trương, còn gọi là ông Khai Trí – Chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi, và cũng là ông chủ của nhà sách Khai Trí – vẫn thường nhắc đi nhắc lại mỗi khi có dịp, đặc biệt ông đã dùng làm câu mở đầu cho loại sách Tuổi Thơ do chính ông chủ trương, trong đó nổi bật là Tuần Báo Thiếu Nhi. Số đầu tiên của tuần báo này đã ra mắt vào ngày 15-08-1971.
Cho đến nay, chắc hẳn nhiều “nhi đồng” miền Nam hồi trước năm 1975 vẫn nhớ lại 1 trời tuổi thơ gắn bó với tuần báo này của ông Khai Trí, đặc biệt là sẽ nhớ mỗi đầu tờ báo đều có “Thư chủ nhiệm” do chính ông viết. Trong những lá thư này, ông chủ nhiệm tờ báo Thiếu Nhi thường đưa ra những câu khuyên nhủ và bài học làm người để gửi đến các bạn đọc lứa tuổi măng non. Ngoài ra, ông luôn đưa vào những câu chuyện của người xưa ở cả Đông lẫn Tây để dẫn chứng cho những lời hay ý đẹp mà ông muốn gửi gắm cùng.
Xin giới thiệu lại 1 số thư chủ nhiệm này, như là lời nhắc nhớ lại kỷ niệm xưa:
Các em,
Tập báo THIẾU NHI hôm nay đã đến tay các em.
Chúng tôi, toàn thể bộ biên tập hết sức sung sướng đã đem lại cho các em một tờ báo bổ ích.
Mục đích của chúng tôi là vừa giải trí, vừa giáo dục, chúng tôi cố gắng để bài vở đều lành mạnh, viết đúng chính tả, chữ to dễ đọc, đầy hình ảnh vui tươi, ấn loát rõ ràng.
Trong mỗi số báo THIẾU NHI, hàng tuần các em sẽ tìm thấy
– Một GƯƠNG DANH NHÂN, như trong kỳ này, truyện một nhà thông thái không bằng cấp, nhà nghèo, con một người thợ hồ, 17 tuổi còn đi lau nhà cho một y viện, tự học để trở thành nhà Bác học dạy ở các Đại học đường và có chân trong Viện Hàn Lâm.
– Một bài học KHÉO TAY LÀM LẤY, như làm một cái lồng chim bằng giấy treo ở trong nhà cho vui.
– Một chuyện KHOA HỌC THƯỜNG THỨC, như nói về máy chiếu phim và kỹ thuật ngành điện ảnh.
– Một trang TÒ MÒ để các em hiểu tại sao có mống trời (cầu vồng), tại sao chó thè lưỡi ra, tại sao cá không bị lạnh dưới nước, cá ngủ như thế nào, tại sao chim cú kêu về ban đêm.
– Hai trang GIẢI TRÍ trong đó các em sẽ làm quen với những câu hỏi NÁT ÓC, chuyện ĐỐ VUI, màn ẢO THUẬT, nhiều TRÒ CHƠI.
– Một trang KỸ THUẬT để hướng dẫn các em hiểu các thắc mắc về các loại máy thu thanh, truyền hình, thâu băng v.v… như cách chế tạo một máy thu thanh chỉ làm bàng một củ khoai tây mà thôi.
– Một trang EM HỌC VẼ rất giản dị, cam đoan bất cứ em nào bắt chước cũng có thể vẽ được.
– Những câu TRUYỆN CỔ chọn lọc
– Một TRUYỆN BẰNG TRANH phiêu lưu đầy hứng thú.
– Một TRUYỆN PHIÊU LƯU MẠO HIỂM, ĐƯỜNG RỪNG xây dựng trên một tinh thần khoa học.
– Một TRUYỆN NGẮN hay TRUYỆN DÀI sáng tác của một nhà văn danh tiếng.
– Một DANH VĂN NGOẠI QUỐC như truyện Bác sĩ Kim, thiên thần hay ác quỉ.
– Các em xem chiếu bóng hay truyền hình có khi nhìn thấy những bộ mặt dễ sợ, nhưng các em có biết đâu các chuyên viên hóa trang đã biến các tài tử đẹp trai thành nhân vật quái đản khủng khiếp, việc này cũng có trình bày rõ trong tập báo THIẾU NHI của các em.
Các em gái THIẾU NHI cũng không bị bỏ quên. Hàng tuần, chị Đỗ Phương Khanh sẽ gặp các em trong hai trang VƯỜN HỒNG. Mặc sức, các em tâm sự với chị. Các em xem chị Đỗ Phương Khanh như một người chị, hay hơn nữa là một người bạn lớn tuổi hơn mình. Chị Đỗ Phương Khanh sẽ tìm mọi cách giúp các em đời sống được vui tươi, hạnh phúc hơn. Chắc các em cũng biết Yaourt rất bổ dưỡng, chị Đỗ Phương Khanh chỉ cách các em làm xong trong 10 phút.
Sau cùng, một cuộc thi SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG THIẾU NHI tổ chức 6 tháng một lần sẽ đem lại cho các em cơ hội tập luyện ngòi bút để có thể dễ dàng diễn tả những tình cảm và ý nghĩ của mình.
Tất cả tâm trí của tôi cũng như bạn NHẬT TIẾN cùng các cộng sự viên khác là làm sao cho tờ báo THIẾU NHI xứng đáng là món ăn tinh thần cần thiết cho các em, giúp ích cho các em, mầm non của đất nước, để các em trở thành người hữu dụng cần thiết cho quê hương xứ sở.
CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hùng Trương
Bên trên là lá thư trong số báo đầu tiên phát hành tháng 8 năm 1971. Còn dưới đây là số báo thứ 2:
Các em thân mến,
25.000 số 1 báo Thiếu Nhi vừa phát hành đã được tiếp đón nồng nhiệt. Nhiều sạp báo, nhiều nhà sách đã bán hết báo trong vài ngày đầu. Điều đó chứng tỏ báo Thiếu Nhi đáp ứng đúng nhu cầu tinh thần của trẻ em Việt Nam.
Các phụ huynh học sinh cũng như những nhà giáo dục từ nay lại có thêm một tờ báo lành mạnh dành riêng cho con em của mình.
Các em chắc đã đọc xong tập THIẾU NHI số 1. Các em thấy thế nào? Tờ báo có làm các em vừa lòng chăng? Bài vở, các tiết mục trong tờ báo có làm cho các em thích thú không? Có thể có vài đề tài hơi khô khan, ít thích hợp với tính hồn nhiên của các em, nhưng chắc chắn không có bài vở nào làm hại các em. Chúng tôi đã chọn lọc cẩn thận các bài vở vừa có tính cách giải-trí, vừa giáo dục.
Các em có thể ví các kiến thức thâu thập trong tờ báo Thiếu Nhi cũng như các kiến thức mà các em đang thâu thập nơi nhà trường hôm nay như những hạt sỏi. Những hạt sỏi có trong mười lăm năm, hai mươi năm sau sẽ trở thành những hạt kim cương quí giá như trong chuyện ngụ ngôn dưới đây, kể trong quyền “TÔI CÓ THỂ NÓI THẲNG VỚI ANH” của Phạm Cao Tùng.
“Ngày xưa có ba chàng kỵ mã vượt qua bãi sa mạc.
Một hôm, trời vừa sập tối, ba chàng cũng vừa đến mọt bờ sông khô cạn. Bỗng chốc, trong đêm tối có một tiếng bí mật vang lên: Hãy dừng bước lại.
Cả ba đều tuân lệnh. Tiếng nói bí mật ấy tiếp: Các người hãy xuống ngựa, bước xuống lòng sông, nhặt lấy mỗi người một nắm sỏi bỏ vào túi rồi hãy đi.
Cả ba cùng làm y theo lời dạy. Tiếng nói lại tiếp: Hay lắm, các người đã làm theo lệnh của ta. Mai đây các người vừa vui sướng mà cũng sẽ vừa buồn bã.
Ba chàng kỵ mã ngơ ngác nhìn nhau và lên ngựa dong ruổi.
Khi mặt trởi vừa ló dạng, ba chàng móc túi ra thì những hòn sỏi đã biến thành những Kim-cương, những trân châu chiếu ngời. Và đúng như tiếng nói bí mật đã mách trước, cả ba đều vừa sung sướng vừa buồn rầu. Họ sung sướng vì đã nhặt đặng của báu, họ buồn vì đã trót dại không nhặt nhiều hơn…”
Một ngày nào kia, trong hai mươi năm tới đây, các em có thể gặp cảnh éo le của ba chàng kỵ mã.
Các hòn sỏi mà các em đang nhặt là những kiến thức thâu thập nơi nhà trường. Các hòn sỏi, hay nói đúng các kiến thức đó, hôm nay các em muốn thu lấy bao nhiêu cũng được, khi các em còn trẻ.
Nhưng trong hai mươi năm, các kiến thức ấy sẽ có giá trị vô song đối với các em, đúng là những hạt kim cương, những châu báu của đời sống các em.
Các em đã chịu khó dùng thì giờ quí báu của tuổi trẻ để học hỏi, sau này các em khỏi phải hối tiếc như ba chàng kỵ mã nói trên.
Các em cũng có thể tự hào là độc giả của báo THIẾU NHI vì trong số mấy triệu Thiếu Nhi Việt Nam, các em là thiểu số có diễm phúc cầm được tờ báo lành mạnh này dành riêng cho các em.
Chúc các em tiến mạnh trên đường học vấn.
Nguyễn Hùng Trương
Dưới đây là lá thư mang đậm tính thời cuộc mà ông Khai Trí gửi đến các em thiếu nhi:
Các em thân mến,
Mấy ngày đầu năm qua rất mau. Thấm thoát, nay đã hai mươi ta (20 ÂL) rồi.
Cách đây ba bốn mưới năm, đời sống dễ dàng, người ta có nhiều thì giờ đề nghỉ ngơi, tiêu khiển: Tháng giêng là tháng ăn chơi.
Nhưng nay, mỗi ngày chúng ta cần phải làm việc gay go mới mong đủ sống.
Có lẽ một tương lại gần đây, ᴄhiến tɾanh sẽ chấm dứt trên đất nước này. Lúc đó, chúng ta không còn phải lo âu, sợ sệt tai vạ do bᴏm đɑn gây ra. Nhưng đến khi đó, chúng ta phải đương đầu với một tai họa mới là nạn thất nghiệp. Quân đội được giải ngũ, nhân viên các cơ sơ ngoại quốc liên quan đến ᴄhiến tɾanh bị sa thải, sẽ đổ xô tranh nhau tìm việc làm.
Bây giờ, những người không chuyên nghiệp còn sống dễ dàng, vì hầu hết các trai tráng đang trong quân ngũ.
Sau này, muốn xin làm thư ký, phải là người thư ký giỏi, biết rõ ngoại ngữ, kế toán, đánh máy thạo mới mong được thâu nhận. Làm bác sĩ có thân chủ phải là bác sĩ tài ba. Làm luật sư phải cần mẫn, thông suốt luật lệ, cãi cho thật giỏi. Làm thợ phải là tay thợ rành nghề, siêng năng.
Sau này, không còn chỗ đứng cho những người thiếu khả năng.
Vậy các em hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Các em hãy cố gắng học hành và nên chọn một ngành học thiết thực, hoặc một nghề chuyên môn. Hiện giờ, ở các nước tân tiến, các kỹ sư được đắc dụng hơn những bác sĩ, luật sư, cũng như ở xứ ta đỗ bằng dược sĩ không chắc gì sống dễ dàng.
Các em hãy trau giồi thêm kiến thức bằng cách đọc thật nhiều sách báo chọn lọc, hữu ích.
Và cần nhất, các em nên tránh ba cái ngu dốt mà triết gia La Rochefoucauld đã nói: Không hiểu biết những gì mình đáng biết, hiểu biết không rành những gì mình biết, và hiểu biết những gì mình không cần biết.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
Dưới đây là 1 vài lá thư khác:
Các em mến,
Vừa đây, có vài em viết thư cho chúng tôi ước ao làm người lớn. Làm người lớn sướng lắm chứ, nào được mọi thứ tự do như tự do muốn làm gì thì làm khỏi phải cha mẹ la rầy, ngăn cấm, nhất là tự do tiêu tiền. Làm chủ nhiệm, chủ bút sướng ghê!
Không đâu các em. Tuổi thơ mơ mộng của các em là thời đẹp nhất trong đời người. Các em được tự do nô đùa, không phải nghĩ đến cuộc sinh sống, các em được sống trong tình thương, trong sự trìu mến của mọi người, nhất là của gia đình. Người lớn không có mọi thứ tự do như các em tưởng đâu và trước khi được tự do tiêu tiền, người lớn cần phải làm việc nhiều, vất vả nhiều.
Tuổi thơ là tuổi đáng mến. Tương lai đầy huy hoàng đang chờ đợi các em. Khoa học mỗi ngày mỗi tiến bộ sẽ giúp ích cho các em nhiều hơn. Các em sẽ được hưởng các tiện nghi mà người lớn chúng tôi không còn thì giờ để nhìn thấy. Những ngày sắp tới, biết bao sự phát minh, tìm tòi sẽ làm cho đời sống các em được sung sướng hơn, chẳng hạn các em sẽ được du lịch khắp các nước dễ dàng như các em hiện giờ đi chợ hay đi học vậy. Các em sẽ ít bịnh tật hơn, sống lâu hơn, nếu có bịnh các em chỉ cần ngậm một viên thuốc ngọt như cục kẹo là khỏi ngay.
Vả lại, các em ngày nay thông minh hơn và lanh lợi hơn các trẻ đồng tuổi cách đây hai ba mươi năm.
Khổng Tử khi xưa cũng công nhận kẻ sinh sau thật đáng sợ…
Một hôm ngài đi dạo cùng học trò, gặp đứa bé lấy gạch vụn xây thành cản lối đi. Ngài bảo:
– Cháu tránh chỗ cho xe ta qua.
Đứa bé đáp:
– Từ xưa đến nay, xe phải tránh thành, chớ thành nào lại tránh xe.
– Cháu còn trẻ, sao ăn nói quỷ quyệt thế?
– Con thỏ sinh ra ba ngày biết chạy, con cá ba ngày biết lội, con người ba tuổi thì có trí khôn, sao ngài lại cho cháu là xảo trá?
– Hiện giờ cháu ở đâu, cháu tên gì?
– Cháu ở nơi quê mùa, cháu tên Thác, họ Hạng.
– Vậy ta muốn cùng cháu đi dạo chơi quanh đây, cháu bằng lòng không?
– Nhà cháu còn cha nghiêm cần phải thờ, có mẹ hiền cần phải nuôi, có anh lành cần phải theo, các em nhỏ cần phải dạy, có thầy sáng cần phải học, có rảnh đâu mà đi chơi rong với ngài.
– Vậy trên xe ta có sẵn bàn cờ, ta cùng cháu chơi vài bàn cho vui.
– Thưa ngài, vua ham cờ bạc thì nước loạn, chư hầu ham cờ bạc thì việc chính bế tắc, sĩ nho ham cờ bạc thì bỏ luống việc học, kẻ làm ruộng ham cờ bạc thì bỏ buổi cày… Thác này thiệt chẳng dám vâng lời ngài.
– Ta muốn cùng cháu bàn việc bình thiên hạ, cháu vui lòng chăng?
– Thiên hạ làm sao bình được mà ngài khéo hỏi. Hoặc vì có núi cao, hoặc vì có biển rộng, hoặc vì có giai cấp, bình núi cao thì chim chóc còn chỗ đâu mà ở, bình sông biển thì tôm cá chết hết còn gì, dứt hết giai cấp thì lấy ai chỉ huy, lấy ai sai khiến?
Khổng Tử thấy cậu bé giỏi quá, bèn hỏi thêm nhiều câu khó khắn gấp mấy mươi lần, cậu bé đều trả lời trôi chảy cả. Ông định lên xe đi, cậu bé nói:
– Nãy giờ, ngài hỏi cháu bất cứ câu nào, cháu cũng trả lời đầy đủ. Giờ đây, xin ngài cho cháu hỏi lại ngài vài điều cho rộng điều hiểu biết. Cháu nhờ ngài giải thích giùm cháu con ngỗng, con vịt nhờ đâu mà nổi được, chim hồng chim nhạn nhờ đâu mà kêu được, cây tùng cây bá nhờ đâu mà xanh tươi suốt bốn mùa?
– Ngỗng vịt nổi được là nhờ chân vuông, hồng nhạn kêu được là nhờ cổ dài, tùng bá xanh tươi luôn là nhờ ruột chắc.
– Cháu sợ không phải vậy đâu. Cá tôm đâu có chân vuông, sao cũng nổi, con muỗi nào có cổ dài, sao vẫn kêu, giống tre và trúc rỗng ruột sao vẫn xanh tươi luôn? Thôi, xin ngài cho biết trên trời có mấy ngôi sao?
– Chúng ta hãy bàn việc dưới đất cho dễ cháu à
– Được! Cháu xin hỏi ngài dưới đất có bao nhiêu nhà?
– Đấy là chuyện xa với, cháu hỏi việc trước mắt đây thôi.
– Vâng, vậy lông mày có mấy sợi?
Khổng Tử ngán quá, lật đật bước lên xe, nói với học trò: Hậu sinh khả úy.
Các em thân mến,
Các em nên tự hào đã sanh sau đẻ muộn. Bao nhiêu người, từ thượng cổ đến ngày nay, đều làm việc cho các cháu được sung sướng.
Vậy các cháu hãy cố gắng học hành, vâng lời cha mẹ cùng thầy dạy, ráng trở nên người hữu dụng, tương lai tốt đẹp đang chờ đón các em.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
Các em thân mến,
Trong một bức thư gửi mua báo Thiếu Nhi cũ của một em ở Hậu Giang có đoạn như sau: Sở dĩ cháu phải làm phiền đến bác để nhờ gởi giúp cháu những số báo Thiếu Nhi đã qua là vì cháu đã trót cho một thằng bạn mượn báo và đến khi đòi, nó xin luôn. Cháu phải cho nó vậy. Bác nghĩ cháu có tức lên không?
Chúng tôi rất cảm động được biết nhiều em đã ưa thích tờ Thiếu Nhi, đã quí trọng và để dành trong tủ sách gia đình.
Em độc giả nhỏ của tôi ơi, ngày xưa Mạnh Thường Quân còn ức hơn em nhiều, nhưng người có tức giận đâu.
Chắc em cũng nghe nói Mạnh Thường Quân là một nhà nghĩa hiệp nước Tề, làm tướng thời chiến quốc bên Trung Hoa. Tính ông rất rộng rãi, trong nhà lúc nào cũng nuôi trên ba ngàn người khách. Ông thường hay giúp người và cho những người túng thiếu vay mượn. Một bữa nọ, ông sau Phùng Hoan sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi Mạnh Thường Quân dặn rằng: Khi đòi được nợ, coi trong nhà cần hoặc thiếu chi thì mua về dùng. Khi đến đất Tiết, Phùng Hoan cho hợp những người thiếu nợ lại, trong số đó có nhiều người đem tiền đến trả, rồi nói cho mọi người biết:
– Bà con không cần trả nợ, Mạnh Thường Quân sai tôi qua đây cho bà con số nợ đó.
Nói xong, Phùng Hoan liền lấy giấy nợ ra, xé và đốt hết trước mặt những người thiếu tiền. Anh ta vui vẻ từ giã mọi người, rồi vội vàng ra về. Về đến nhà, Phùng Hoan liền vào thưa với Mạnh Thường Quân:
– Trước khi đi, tôi đã xem xét kỹ lưỡng trong nhà. Tôi thấy mình chẳng có thiếu một món chi phải mua để dùng, duy chỉ có món “nghĩa” là thiếu nên khi đòi được bao nhiêu tiền, tôi đã dùng nó mà mua nghĩa hết. Tôi xin cho tướng công hay.
Mạnh Thường Quân không nói gì.
Một thời gian sau, Mạnh Thường Quân bị mất chức, phải về đất Tiết trú ngụ. Khi hay tin này, dân chúng nơi đây nhớ ơn xưa, đều mang tiền của và những vật dụng cần thiết đến cho Mạnh Thường Quân dùng. Ai nấy đều lo lắng, săn sóc, hết lòng trọng đãi Mạnh Thường Quân. Các em thấy “mua nghĩa” hay “mua đức” là điều cần thiết hơn cả mọi thứ trên đời.
Các em thân mến,
Nơi trường học, các em đã được khuyên dạy về lòng tương trợ, lòng nhân từ và bác ái tức là lòng biết yêu người, thương người. Chắc các em cũng đã được thầy nhắc đi nhắc lại việc các em nên thương yêu và giúp đỡ mọi người gặp cảnh thiếu thốn hoạn nạn. Chúng tôi xin miền bàn thêm, chúng tôi chỉ xin nhắc lại một câu của ông Pyron Frederick: Thế giới chỉ có hai hạng người: Người nhận và người cho. Người nhận có thể ăn nhiều hơn, nhưng người cho ngủ say hơn. Người bạn tôi cũng thường hay nói: Người cho là người được may mắn hơn người nhận.
Vậy em là người may mắn, em đã được giúp một người bạn, như thế có phải em là người sung sướng không em?
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
Các em thân mến
Hôm nay, chúng tôi xin nói chuyện với các em về cách ăn mặc, hay nói đúng hơi là cách phục sức của người lịch sự.
Người ta thường nói: Áo mặc không làm được thầy tu… nhưng nó làm thành người lịch sự.
Cũng như ăn, mặc là một nghệ thuật. Các em càng ăn mặc đứng đắn, trang nhã bao nhiêu, phẩm giá con người các em càng tăng lên bấy nhiêu.
Các em không nên lẫn lộn sự phong nhã đáng quí và sự lòe loẹt và thích khoe khoang.
Các em nên ăn mặc thích hợp với hoàn cảnh của các em. Đang tuổi đi học, các em trai nên mặc áo sơ mi trắng, quần sậm, các em gái mặc áo dài trắng là thanh lịch hơn cả.
Các em không nên bắt chước một cách mù quáng cách ăn mặc của những người xung quanh, nhất là cách ăn mặc theo đúng mốt hay thời trang của các nghệ sĩ, những danh ca, đào kép, hoặc cách ăn mặc lôi thôi của những triết gia.
Người ta kể chuyện khi xưa, nàng Tây Thi có tiếng rất đẹp, nhưng lại có chứng thường hay đau bụng. Mỗi lần nàng đau, nàng ôm bụng và nhăn mặt. Càng nhăn mặt, trông nàng càng đẹp hơn lên. Có người đàn bà ở gần đấy trông thấy tưởng ôm bụng nhăn mặt thì trở nên đẹp, bắt chước về nhà ôm bụng và nhăn măt làm mọi người xung quanh phải bỏ chạy khi trông thấy bộ mặt nhăn nhó của chị ta, vì tưởng ma quỉ hiện hình.
Chúng tôi xin nhắc lại các em nên ăn mặc thích ứng với hoàn cảnh.
Đi thăm đồng bào tị nạn, nếu các em ăn mặc sang trọng, các em sẽ làm cho họ thêm tủi thân và đau khổ hơn.
Đi đến chia buồn trong dịp tang ma, các em lại ăn mặc lòe loẹt thì thật các em không tế nhị chút nào. Tang gia có cảm tưởng như các em đang vui mừng trước cái khổ của họ.
Đi dự lễ, các em không nên ăn mặc như khi các em ra chơi ngoài bãi bể, về đồng quê, hoặc đi dạo phố.
Các em cũng nên mặc phù hợp với cá tính, địa vị và thể chất gầy, béo, cao, thấp của các em.
Người lịch sự không ăn mặc khác người: không quá sang hay quá lôi thôi. Họ không theo đuổi theo thời trang. Họ ăn mặc giản dị, kín đáo và sạch sẽ.
Các em đừng lầm tưởng hễ ăn mặc sang trọng là các em được kính nể. Các em được kính nể không do quần áo đắt tiền của các em, nhưng nhờ cách ăn mặc đứng đắn, gọn gàng của các em, cách đi đứng thanh lịch, đàng hoàng, tự nhiên của các em, thái độ đẹp đẽ của các em.
Các em thân mến!
Ăn mặc là một nghệ thuật. Người ta thường hay đánh giá các em qua cách các em ăn mặc.
Các em hãy ăn mặc giản dị, trang nhã, sạch sẽ, đứng đắn, phù hợp với cá tính, thể chất, địa vị của các em, thích ứng với hoàn cảnh. Các em sẽ được mọi người quí mến.
Các em nên nhớ câu nói bất hủ của nhà văn hào Pháp, Honoré Balzac: Người khờ che thân, nhà giàu hay người ngốc khoe của, người phong nhã biết ăn mặc.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
Các em thân mến,
Trong những ngày làm việc tại tòa soạn báo Thiếu Nhi, chúng tôi thường xuyên có dịp tiếp xúc với các em bằng điện thoại vì những vấn đề liên quan đến tờ báo.
Nhiều em đã nói chuyện bằng dây nói hết sức nhã nhạn và lễ phép, nhưng có một ít các em đã dùng những lời nói cộc lốc, y như người ben kia đầu dây nhỏ hơn mình hoặc là thuộc hạ của mình, lại cũng có em hỏi những chuyện vẩn vơ, viển vông, không liên hệ đến tờ báo làm mất rất nhiều thì giờ cho tòa soạn đang cặm cụi làm việc để báo ra đúng kỳ hạn.
Điện thoại hiện nay càng ngày càng được thông dụng ở nước ta nhất là ở đô thành Saigon, và vùng lân cận.
Còn gì thú vị bằng, ngồi tại nhà lại có thể nghe tiếng nói êm dịu của người bạn nơi xa xôi.
Còn gì tiện lợi bằng chỉ cần nhấc ống điện thoại lên là mình có thể biết được giá cả món hàng mình cần thiết ở bất cứ một hiệu buôn nào có điện thoại, trong tỉnh, hỏi xem chú hay bác mình có ở nhà không để mình đến thăm, bác sĩ giờ nào có ở phòng mạch để mình đến chữa bịnh…
Nhưng cũng không có gì bực bội hơn ban đêm đang lúc chúng ta vừa thiu thiu ngủ lại có tiếng điện thoại gọi lầm số hoặc hỏi những chuyện đâu đâu.
Nhiều khi chúng ta mân mê chiếc điện thoại và cám ơn người phát minh ra nó, nhưng cũng có lúc chúng ta muốn vứt bỏ nó cho rồi vì nó làm phiền cho chúng ta không ít.
Chúng ta không nên gọi điện thoại trong những giờ nghỉ ngơi hoặc đi ngủ. Thường thường, nếu không có việc gì quá cấp bách, đừng gọi bất cứ người nào sau 9 giờ 30 tối và trước 8 giờ 30 sáng. Riêng đối với những người quá quen thuộc hay thân mật, mà chúng ta biết rõ giờ giấc của họ chúng ta có thể gọi điện thoại buổi tối, nhưng phải tránh đừng làm phiền họ.
Chúng ta cũng tránh gọi điện thoại cho ai trong giờ ăn, làm họ ăn mất ngon, lại có khi họ nuốt phải xương.
Ngoài trường hợp nói chuyện lâu dài với người bạn thân ở xa, chúng ta nên vắn tắt và chỉ nên nói những điều cần thiết mỗi khi dùng điện thoại.
Các em nên nhớ mỗi lần các em dùng điện thoại là các em vào nhà người ta một cách thình lình và các em làm rộn người ở bên kia đầu dây. Biết đâu người ta đang say mê đọc một đoạn văn hay, đang thưởng thức một bản nhạc du dương, đang lắng nghe vài người bạn thân kể chuyện… nghe tiếng điện thoại của em, phải bỏ dở… để nghe em nói những chuyện không đâu.
Khi dùng điện thoại, các em nên nói lễ phép như người đối thoại đang đứng trước mặt mình. Khi các em đã quay xong số, nghe tiếng chuông reo, có người nhấc ống nói, các em lúc nào cũng bắt đầu tự xưng danh tánh và xin nói chuyện với ai: “A lô, cháu là X, con ông Y cháu xin được nói chuyện với ông S…”.
Đừng bao giờ hỏi: “Ai ở đầu dây đó? Ở đó là ở đâu vậy?”, nhưng khi các em nghi ngờ các em gọi sai số, các em nên hỏi lễ phép: “Dạ xin lỗi, không biết ở đây có phải nhà ông A không ạ?”.
Người lịch sự lúc nào cũng nên nghĩ rằng người nghe điện thoại không phải tay sai của mình mà mình lại kéo họ dậy khi họ đang ngủ, bắt họ rời buồng tắm khi họ đang chà xà bông, bắt họ ngưng mọi công việc đang làm.
Nói điện thoại, các em đừng ra cử chỉ vô ích, đồng ý hay không phải nói rõ ràng, chứ lắc đầu hay gật đầu người nghe làm sao thấy hiểu được.
Các em thân mến,
Trên đây là những điều căn bản mà các em cần biết mỗi khi các em dùng điện thoại để các em có thể tự hào các en là con nhà có giáo dục, các em tự hào các em thuộc gia đình Thiếu Nhi.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
chuyenxua.net biên soạn
Quá hay.Một tư liệu qiys có gia trị giáo dục