Những hình ảnh đẹp về “Đoàn tàu Thống Nhất” sau năm 1975

Chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet đánh giá tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) là 1 trong 9 hành trình du lịch đường sắt ngoạn mục nhất thế giới. Khởi hành từ Hà Nội và kết thúc tại Sài Gòn với quãng đường khoảng 1.730km, đoàn tàu lửa mang tên Thống Nhất đi xuyên qua các thành phố lẫn vùng nông thôn yên bình, hành khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc lịch sử – văn hóa lâu đời, hay chỉ đơn giản là cảm nhận từng chuyển động của tàu và đắm chìm trong những khoảnh khắc thư thái…

Tuyến đường sắt Bắc – Nam, thời xưa gọi là đường sắt xuyên Đông Dương (Trans-Indochinois), được đề xuất bởi Toàn quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de Lanessan (nhiệm kỳ tháng 06/1891 đến tháng 12/1894), và được người kế nhiệm là Paul Doumer (nhiệm kỳ tháng 02/1897 đến tháng 10/1902) hiện thực hóa nó bằng một dự án đầy tham vọng và mất nhiều thời gian, tiền của.

Để làm đường sắt ở Đông Dương, chính quyền Liên bang Đông Dương đã phải vay của chính quốc Pháp tổng cộng khoảng 1 tỷ francs (chia theo nhiều thời kỳ) để làm đường sắt xuyên Việt.

Tàu lửa ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội)

Những đoạn đường sắt đầu tiên của tuyến đường này được khởi công năm 1898 ở Hà Nội, và hoàn thành chiều dài 1730km vào năm 1936, với đoạn cuối cùng của đường sắt Bắc – Nam được kết nối là tại làng Hảo Sơn, hiện nay thuộc tỉnh Phú Yên. Lễ khánh thành có sự hiện diện của Toàn quyền Đông Dương René Robin và vua Bảo Đại.

Cuối tháng 9, khi tổng đốc Robin hết nhiệm kỳ Thống đốc, ông và gia đình đã trở thành những hành khách đầu tiên thực hiện toàn bộ hành trình dài 1.730km từ Hà Nội đến Sài Gòn trên chuyến tàu đặc biệt kéo dài 42 giờ.

Như vậy tổng cộng mất tới 38 năm để hoàn thành tuyến đường sắt dài nhất Đông Dương này, nhưng nó chỉ hoạt động ổn định trong vỏn vẹn 4 năm.

Thế chiến 2 cùng với sự có mặt của quân Nhật ở Đông Dương năm 1940 đã làm cho tuyến đường sắt này hư hại nghiêm trọng. Những vụ đánh bom của quân đồng minh vào năm 1944 và sự tàn phá của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã làm cho tuyến đường sắt Bắc – Nam đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Để hình dung lại “thời kỳ hoàng kim” của tuyến đường sắt này trước thế chiến 2, một quan chức cấp cao của đường sắt Pháp ngậm ngùi kể:

“Du khách năm 1939, đi chuyến từ Hà Nội đến Sài Gòn bằng các toa xe sang trọng, tương tự như các toa xe wagons-lits (có giường nằm) của châu Âu. Vì thế, có thể so sánh đường sắt của chúng tôi gần như ngang bằng với các đường sắt ở châu Âu hoặc châu Mỹ.”

Một số hình ảnh toa tàu hạng sang của tàu lửa Bắc – Nam thời kỳ cuối thập niên 1930:


Thời gian 1945-1954, tình hình chính trị ở đây càng có thêm nhiều vấn đề phức tạp với sự có mặt của nhiều chính thể và đảng phái trên đất Việt làm cho tuyến đường này liên tục bị ngắt quãng vì những sự phá hoại, cho tới năm 1954 thì đất nước chia đôi, tuyến đường sắt lại thường xuyên bị phá hoại ở phía Nam vĩ tuyến kéo dài tới tận sau năm 1975 thì nó mới được nối lại và đặt tên là Đoàn tàu Thống Nhất, đánh dấu thời kỳ Việt Nam thống nhất lãnh thổ từ đó cho tới nay.

Vời nhiều người, đoàn tàu Thống Nhất trở thành một ký ức khó quên vào những năm thập niên 1980, 1990, khi mà phương tiện giao thông đường dài còn nhiều khó khăn. Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của đoàn tàu Bắc – Nam này:

Khoang giường nằm của một toa tàu đường sắt Bắc Nam.
Người lái tảu của tuyến đường sắt Bắc Nam












chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận