Những hình ảnh của Henry Kissinger tại Sài Gòn

Năm 1972, ông Henry Kissinger, với vai trò là Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ là Nixon, đã dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong thời gian đàm phán hiệp định hòa bình ở Paris. Ông Kissinger cùng với Lê Đức Thọ (cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH tại Paris) cùng được trao giải Nobel hòa bình năm 1973. Tuy nhiên ông Lê Đức Thọ từ chối giải thưởng, còn Kissinger thì chấp nhận giải thưởng và “quyên tặng toàn bộ số tiền thu được cho con của những người Mỹ bị qua đời hoặc mất tích trong cuộc chiến Việt Nam”. Tuy nhiên sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, Kissinger trả lại giải thưởng.

Trong quá trình diễn ra đàm phán hiệp định Paris, Kissinger đã có 2 lần tới Sài Gòn để hội kiến với tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Những cuộc gặp này diễn trong thời điểm ông Kissinger có nhiều cuộc đàm phán bí mật với ông Lê Đức Thọ ở Paris, bên cạnh những hoạt động đàm phán công khai chính thức.

Kissinger và ông Lê Đức Thọ tại Paris trước ngày ký hiệp định Paris 1973

Chuyến thăm đầu tiên của Kissinger tới Sài Gòn trong vai trò là cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ là ngày 17/8/1972. Thời điểm đó, trở ngại lớn nhất của tiến trình đàm phán hiệp định hòa bình Paris chính là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – người kiên quyết phản đối hiệp định vì cho rằng đa số điều khoản trong đó đều bất lợi cho VNCH. Vì vậy Kissinger có mặt ở Sài Gòn để thuyết phục ông Thiệu mềm mỏng hơn và đồng ý tham gia vào quá trình đám phán hiệp định. Thời báo New York Times lúc đó thì nhận định rằng có thể Kissinger đang muốn dùng sức ép chính trị buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức để không cản trở tiến trình đàm phán hòa bình, ký hiệp định đình chiến để rút quân Mỹ về nước.

Ông Kissinger hạ cánh xuống khu quân sự của phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 8 giờ tối ngày 17/8/1972, trên một trong những chiếc phi cơ phản lực cỡ lớn Boeing 707, thuộc Air Force II của Tổng thống Nixon.

Ông Kissinger tại phi trường Tân Sơn Nhứt

Tất cả các phóng viên đều đứng cách xa 50m, ông Kissinger xuất hiện trong bộ vest màu xám và cà vạt màu hồng, bắt tay những quan chức Đại sứ quán đang đứng đón chào, mỉm cười trò chuyện với Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn lúc đó là Ells Worth Bunker. Chỉ có một quan chức Việt Nam có mặt tại phi trường để chào đón ông Kissinger, đó là người đồng cấp của ông thuộc Chính phủ VNCH: Nguyễn Phú Đức – Cố vấn đặc biệt về ngoại giao của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ông Nguyễn Phú Đức gặp tổng thống Nixon và cố vấn an ninh Kissinger tại Nhà Trắng

Qua ngày hôm sau, ông Kissinger hội đàm hơn 2 tiếng với Đại sứ Bunker và Tướng Fred C. Weyand – chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, trước khi gặp tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào buổi chiều. Ông rời Sài Gòn vào sáng ngày hôm sau nữa để tới Tokyo hội đàm với Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka.

Kissinger và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hội đàm ngày 18/8/1972

Ngày 18 tháng 10 năm 1972, ông Kissinger tới Sài Gòn lần thứ 2 chỉ sau 2 tháng. Có mặt để đón tiếp Kissinger tại phi trường Tân Sơn Nhứt có Đại sứ Bunker cùng hầu hết các quan chức cấp cao của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có Tướng Creighton W. Abrams – Tư lệnh các lực lượng viễn chinh Hoa Kỳ ở Miền Nam, và Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ là Trần Kim Phượng cũng có mặt để đón tiếp.

Đoàn xe hộ tống ông Kissinger trên đường đến Đại sứ quán Mỹ, nơi ông gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ trong lần tới Sài Gòn tháng 10 năm 1972
Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đón tiếp ông Kissinger tháng 10 năm 1972. Bên phải là Đại sứ Bunker

Ngày hôm sau, phái đoàn của ông Kinsinger đã có cuộc hội đàm đặc biệt với tổng thống VNCH trong hơn 3 tiếng đồng hồ, bàn các vấn đề xung quanh những diễn tiến trong cuộc đàm phán hòa bình mà Kissinger đang thực hiện bí mật với ông Lê Đức Thọ tại Paris.

Chiếc limousine thuộc phái đoàn Kissinger tại Sài Gòn

Phái đoàn của Kissinger có mặt trong buổi hội đàm tại tại dinh Độc Lập còn có Đại sứ Ellsworth Bunker, tướng Abrams, và Walter H. Sullivan – Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cùng hai trợ lý của ông Kissinger là Winston Lord và James Engle. Hai trợ lý khác của Kissinger cũng đến Sài Gòn cùng ông là John Negroponte và Peter Rodman.

Thời điểm đó, báo New York Times cũng nhận định rằng hầu hết người Việt đều tin chắc ông Kissinger đã đồng ý với Hà Nội về việc ép ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức và thay thế bằng một chính phủ liên minh. Phái đoàn của ông Kissinger ở Sài Gòn trong hơn 5 ngày trước khi về lại Hoa Kỳ.


Video ngày 23/10/1972 tại Tân Sơn Nhứt, tiễn ông Kissinger lên phi cơ trở về nước

Trước khi tới Sài Gòn năm 1972 trong vai trò Cố vấn an ninh quốc gia, ông Kissinger đã nhiều lần tới Sài Gòn, nhưng với vai trò khác. Đó là năm 1965, thời gian vẫn còn giảng dạy ở trường đại học Harvard, Kissinger nhận lời làm cố vấn cho người bạn là Henry Cabot Lodge – Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Ông cũng tới Sài Gòn 2 lần nữa trong năm 1966 và tuyên bố rằng Hoa Kỳ không biết cách giành được chiến thắng ở miền Nam.

Ông Kissinger gặp thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ năm 1966

Khi nhậm chức Cố vấn an ninh quốc gia vào năm 1969, Kissinger ủng hộ chiến lược đàm phán để ký hiệp định đình chiến giữa Hoa Kỳ và VNDCCH, sau đó dự định sẽ rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên các cuộc đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc vì sự phản đối rất cương quyết của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – người cho rằng có tới hàng trăm điều khoản trong dự thảo mang tới sự bất lợi cho chính quyền miền Nam. Đó là lý do Kissinger thất vọng với chính quyền VNCH và quyết định bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với ông Lê Đức Thọ của VNDCCH tại Paris, song song với các cuộc đàm phán chính thức.

Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris

Ngày 21/10/1972, tức là chỉ vài ngày sau cuộc gặp giữa Kissinger và Nguyễn Văn Thiệu, đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker mang tới cho tổng thống Thiệu xem dự thảo của hiệp định hòa bình. Ông Thiệu từ chối ký và yêu cầu sửa đổi 69 điều mà ông cho là bất lợi. Khi nhận được tin này, ngay lập tức Kissinger đã báo cáo với tổng thống Nixon và nói việc sửa chữa dự thảo hiệp định là một “điều điên rồ”.

Từ trái quá: Alexander Haig (Phó cố vấn an ninh quốc gia) – Tổng thống Nixon, và Kissinger (Cố vấn an ninh quốc gia)

Mặc dù ban đầu Nixon ủng hộ Kissinger chống lại ý kiến của ông Thiệu, tuy nhiên sau đó Chánh văn phòng Nhà Trắng là Haldeman đã cho rằng sự phản đối của ông Thiệu là có cơ sở. Nixon ra lệnh cho Kissinger quay lại Paris gặp ông Lê Đức Thọ để đàm phán sửa lại 69 điều theo đề xuất của ông Thiệu, nhưng Kissinger coi đó là điều phi lý vì ông biết ông Thọ sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Đúng như dự đoán, ông Lê Đức Thọ từ chối xem xét bất kỳ sửa đổi nào trong bản dự thảo, rồi rời Paris trở về Hà Nội ngày 13/12/1972.

Vào ngày 8/1/1973, Kissinger và Lê Đức Thọ gặp lại nhau ở Paris để cùng đạt được một thỏa thuận, với những điểm chính về cơ bản là giống với thỏa thuận mà Nixon đã từ chối vào tháng 10, chỉ thêm vào một vài nhượng bộ mang tính hình thức đối với người Mỹ để tránh cho Hoa Kỳ không bị bẽ mặt khi rút quân khỏi Việt Nam.

Tổng thống Thiệu một lần nữa từ chối hiệp định, nhưng sau đó nhận được tối hậu thư từ Nixon nên miễn cưỡng đồng ý. Hiệp định Paris chính thức được ký ngày 27/1/1973.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận