Những dòng tưởng nhớ nhạc sĩ Quốc Dũng của bạn bè và đồng nghiệp

Nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời sáng ngày 24/9/2023, hưởng thọ 72 tuổi, sau khoảng 10 năm sức khỏe yếu và bị nhiều bệnh. Theo vợ của nhạc sĩ là nữ ca sĩ Bảo Yến, ông bị đột quỵ và mất tại nhà.

Nổi tiếng từ trước năm 1975 với vai trò là ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, từ sau năm 1975, nhạc sĩ Quốc Dũng (cùng nhạc sĩ Bảo Chấn) là người tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực hòa âm, cũng là người đầu tiên mở phòng thu âm và hòa âm phối khí tại nhà. Từ nhạc sĩ Quốc Dũng, sau đó các nhạc sĩ trẻ hơn như Tùng Châu, Sỹ Đan, Đức Trí… mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực hòa âm, là những người làm nên một thị trường băng đĩa nhộn nhịp ở trong nước vào thời kỳ “tan băng” những năm cuối thập niên 80 và thập niên 90 của thế kỷ 20. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Quốc Dũng vẫn duy trì sức sáng tác rất mạnh mẽ và có nhiều ca khúc nổi tiếng được ra đời trong thời kỳ này.

Sau đây là những bài viết tưởng niệm nhạc sĩ Quốc Dũng của bạn bè và đồng nghiệp.

Nhạc sĩ Đức Trí – Sẽ không có tôi của ngày hôm nay…

Nếu ngày đó không có các anh Bảo Chấn, Quốc Dũng, anh Tùng Châu, anh Trần Thanh Tùng… những người đàn anh mà tôi học theo, noi theo con đường họ đi, cách họ làm thì, sẽ chẳng có tôi của hôm nay.

Anh Quốc Dũng có thể nói là người đã làm hồi sinh lại việc thu âm để chúng ta có một thị trường âm nhạc của ngày hôm nay.

Từ sau cuốn băng Gò Công anh chơi trên những cây đàn tự động đến sau đó, anh làm studio ở nhà sớm nhất, thu trên băng 4 tracks, rồi anh cũng là người chuyển qua reel to reel đầu tiên, cái máy fostex 8 track 1/4” thời anh còn ở Hồ Xuân Hương dọn qua Lý Chính Thắng, tôi may mắn được anh mời chơi chung band, thu khá nhiều chương trình.

Kể ra, cùng với anh Dũng, chắc chỉ sau anh không lâu, các anh như anh Sỹ Đan, anh Hữu Thạnh, anh Tùng Châu cũng là những người tiên phong trong việc biên tập tổ chức thu album, nhưng theo hướng nhạc trẻ chứ không nhiều nhạc Việt hoặc nhạc trữ tình như anh Dũng. Mấy cuốn băng cassette anh Hữu Thạnh và anh Đan làm thời đó bán đắt như tôm tươi (vì nhà tôi có một kiosque bán băng ở Nguyễn Huệ, kiosque số 28).

Rồi đến anh Tùng Châu, anh Trần Thanh Tùng cũng dần dần làm studio riêng. Anh Châu (mọi người vẫn xem là đệ tử anh Dũng) cũng có vài lần rủ tôi thu chung cho vài album Xuân hay gì đó, nhưng anh xuất cảnh sớm. Anh Tùng là người tôi gắn bó lâu hơn cả. Dù thỉnh thoảng vẫn đi thu với anh Mạnh Trinh và anh Dũng, đa số đều ở nhà anh.

Anh Quốc Dũng nổi tiếng với lối chơi tranh sáo bầu trên keyboard. Nhất là thời anh có cây Roland D20, tụi nhỏ như tôi thèm thuồng, chỉ mua nổi cây D5, D10 không có Sequencing.

Anh gọi tôi thu cùng vì anh cũng thích cách tôi chơi tranh sáo bầu trên keyboard, tôi học âm nhạc cổ từ nhỏ nên việc đó không khó lắm. Khi có tôi, thì anh Dũng chuyển sang chơi trống điện chứ không đánh keyboard nữa. Mọi người xài Roland R8, riêng anh thì chỉ dùng R70, vì anh thích reverb của nó và sound mềm mại hơn.

Anh Dũng rất thích punch-in khi thu (nối), không phải anh lười làm lại mà có vẻ anh thích tận dụng công nghệ, thích sự tiện lợi của cắt ghép. Hơn nữa, cũng là người sáng tác, tôi hiểu anh không thích chơi đi chơi lại nhiều lần, mất cảm xúc, đoàn nào được rồi thì giữ, không làm lại. Dù giờ nghe lại những chỗ nối có thể nghe thấy rất rõ.

Anh Dũng thích tune giọng chị Yến lên cao hơn một chút, không hiểu vì đâu. Anh thích thu chậm lại rồi trả về zero để giọng chị Yến bị tune lên cao (formant), hình như anh thích giọng nữ cao hơn giọng nữ trầm. Điều này tôi chưa bao giờ hỏi anh. Kỹ thuật này hình như chưa có ai áp dụng ngoài anh.

Năm 1998 (nếu tôi nhớ không lầm), tôi và anh Dũng có một chuyến lưu diễn Châu Âu dài ngày, có cả chị Yến… tôi nhớ mãi, anh Dũng lúc nào cũng chỉ cười, một nụ cười rất đặc biệt, kiểu như cảm thông cho tất cả mọi sự trên đời.

Còn nhớ hồi năm 97, Panasonic mới ra cái camcorder có 3CCD cảm biến ánh sáng, anh Dũng nói: “rồi người ta sẽ chế được camera thông minh biết lấy nét, focus như mắt người ta… vậy mới ghê”.

Anh Chấn và anh Dũng thương nhau lắm. Nghe cách họ kể về nhau là biết. Tôi viết những dòng này để tiễn biệt anh, chia buồn với chị Yến và Cà Phê Cà Pháo xa người đàn ông đáng mến của gia đình, anh Chấn mất một người bạn thâm giao. Tôi mất một người anh, mà tôi xem như sư phụ, dạy tôi rất nhiều trong nghề phối, nghề thu, người mà tôi thần tượng nhất. Tôi thần tượng anh chẳng thua gì anh thần tượng Paul Mauriat.

Sẽ chẳng có tôi ngày hôm nay, làm việc âm nhạc toàn thời gian… nếu không có các anh làm người dẫn đường đi trước.

Những ngày này, HN mưa buồn, tôi chưa đến để thắp hương cho anh được, nhưng tự đáy lòng, luôn nghĩ về anh. Thần tượng âm nhạc của tôi. Đối với tôi, anh Dũng là số một, phối nhạc Việt hay nhất, viết ca khúc giai điệu đẹp nhất. Tôi có viết giai điệu đẹp chắc cũng do ảnh hưởng từ anh…

Sẽ mãi mãi nhớ đến anh, nhạc sĩ Quốc Dũng.

26.09.2023

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nhạc sĩ Quốc Dũng (1951-2023): “Danh tiếng chỉ là số mệnh”

Buổi chiều 24 Tháng Chín, gia đình của ca sĩ nhạc sĩ Quốc Dũng cho hay, ông đã lặng lẽ ra đi vào buổi trưa, sau những ngày tháng bệnh tật.

Nhạc sĩ Quốc Dũng là một trong những nhân tài đặc biệt của thế hệ vàng nhạc trẻ miền Nam Việt Nam. Cùng lứa với ông là Bảo Chấn, Đức Huy, Nam Lộc… cũng sắp bước qua thập niên 70 của đời người. Nếu còn sống, thì Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang cũng đã 77, 76 tuổi. Nhiều năm nay, những người yêu mến di sản văn hoá miền Nam đã đón nhận quá nhiều tin buồn, nên tin về sự ra đi của nhạc sĩ Quốc Dũng như thêm một tiếng chuông điểm lặng lẽ vào khoảng không gian phải đến, trong sự nuối tiếc khó tả.

Tiểu sử của ông có ghi tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi Quốc Dũng ba tuổi, gia đình ông về nước. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn; năm 16 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Tuy nhiên, những cột mốc đó không tả hết được những dữ kiện sôi động và khuynh hướng phá cách trong đời của ông.

Năm 1975, nhạc sĩ Quốc Dũng chọn ở lại quê nhà, vì theo tinh thần Phật giáo, ông chọn sống theo số mệnh. Sự có mặt của ông sau đó, đã góp sức vực dậy tinh thần của các anh em Lê Hựu Hà, Bảo Chấn… khi cùng tham gia các đoàn biểu diễn đi về thôn quê, tìm vui trong âm nhạc. Cũng từ các chuyến biểu diễn đó, ở Cần Thơ, Lê Hựu Hà và Quốc Dũng lần đầu phát hiện hai tiếng hát định mệnh của đời mình là ca sĩ Nhã Phương và Bảo Yến.

Lê Hựu Hà từng tìm lại được nguồn cảm hứng với tiếng hát Nhã Phương, làm dậy sóng đời sống âm nhạc Việt Nam qua các ca khúc như Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Trả Hết Cho Người… còn với Quốc Dũng khi kết hợp với Bảo Yến đã tạo nên những cơn sốt với thị trường âm nhạc, vốn đang đầy những định kiến và kiểm duyệt khe khắt.

Năm 1986, phối hợp với nhạc sĩ Hoàng Phương, Quốc Dũng cho ra mắt một album bị coi là “lậu”, vì không qua kiểm duyệt, với tiêu đề Chiều Hạ Vàng, toàn bộ với tiếng hát Bảo Yến. Thời đó, mọi công cụ ghi âm và phòng thu của Sài Gòn cũ đều bị quản lý chặt. Nhạc sĩ Hoàng Phương kể rằng ông đã cho thử đi duyệt nhưng bị nhiều cơ quan văn hoá chối, coi là lời lẽ và loại âm nhạc này mang hơi hướng “văn hoá đồi trụỵ”.

Nên sau khi bàn bạc với nhạc sĩ Quốc Dũng, hai người quyết định thực hiện nhạc nền và cho thu tại nhà với những dụng cụ mà nhạc sĩ Quốc Dũng tìm được. Rất nhiều người ngạc nhiên vì âm thanh trống đàn của băng nhạc này rất hiện đại (lúc đó, trống điện tử còn rất hiếm ở Việt Nam), nhạc sĩ Quốc Dũng cười bí hiểm và tiết lộ sau đó nhiều năm: Ông vô tình phát hiện cây đàn cho trẻ con Yamaha PSR-480, lúc đó lại tích hợp những âm thanh cần thiết, nên đã dùng vào ghi âm cho album này. Mọi thứ lúc đó chỉ thu vào băng cassette gốc rồi giao cho nhạc sĩ Hoàng Phương đi sang “lậu” bên ngoài.

Thời đó, chưa có hệ thống phát hành, cũng không biết làm sao để thể nghiệm với người nghe. Nhạc sĩ Hoàng Phương nhờ vào sự quen biết của mình, xin rạp hát Chiến Thắng ở Gò Công phát trước và sau giờ chiếu phim để thử phản ứng khán giả. Chuyện thú vị xảy ra, dân chúng không nhớ phim chiếu, mà nhớ các bản nhạc được phát, thậm chí có người còn đến trước rạp đứng nghe nhạc phát qua loa phóng thanh và hỏi nhạc gì, của ai.

Đó là giai đoạn mà âm nhạc trong nước chỉ chủ trương ca hát về “lao động sản xuất, ca ngợi lãnh tụ và đất nước đổi mới”… Giai điệu và lời hát ngọt ngào của ca sĩ Bảo Yến, cùng cách tổ chức của nhạc sĩ Quốc Dũng đã khiến loạt bài hát Gò Công như Chiều Hạ Vàng, Mẹ Gò Công, Thương Một Người Ở Xa, Chuyện Tình Hoa Muống Biển… như dòng nước mát rót vào đời sống đang tha thiết mong được thưởng thức thật sự.

Ca sĩ Bảo Yến từng tâm sự rằng “Băng nhạc Gò Công đó đã biến tôi từ một ca sĩ vô danh tiểu tốt thành ngôi sao nổi tiếng. Khán giả bất ngờ khi lâu lắm mới được nghe băng nhạc Bolero trữ tình hay đến thế nên thích, tên tuổi tôi nổi như cồn. Từ đó, tôi đi show tỉnh nhiều quá trời. Trước đó, tôi chỉ hát ở thành phố, thu nhập cũng có nhưng không nhiều như đi tỉnh. Nếu không có anh Quốc Dũng, tôi chỉ nổi tiếng được phần nào thôi, nhờ anh ấy mà tôi được chắp cánh nổi đình đám”.

Sự kiện băng nhạc Gò Công lan ra mọi miền, đi theo trên những chuyến xe đò tỉnh xa, đến những vùng quê nghèo miền Trung, rồi miền Bắc. Dần dà, vì thấy album này nổi tiếng quá, mà “không có gì vi phạm” nên các đài phát thanh, đài truyền hình cũng bắt đầu sử dụng theo.

Có lần tán gẫu với nhạc sĩ Quốc Dũng, hỏi về album này, ông cười và nói rằng không thể có lần thứ hai. Quả là trong dòng lịch sử không được ghi chép của âm nhạc những ngày tháng đó, chuyện đam mê, cộng với tuổi trẻ bất cần, thích “vượt rào” để làm chuyện mình thích chỉ có thể đến một lần.

Cuối thập niên 1990, nhạc sĩ Quốc Dũng từ chối mọi công việc, và chọn lui về cuộc sống sáng tác riêng bỏ ngăn kéo, để con mình và vợ hát chơi. Những bài hát của ông trầm lắng hơn, thế sự hơn và đầy những điều bất cập lẽ đời.

Chẳng hạn, trong bài Ông Lão Và Con Chó Ngoan, ông viết về một người già mù và con chó sống nơi hè phố, cái nhìn chia sẻ và đau xót cho những tháng ngày họ sống nương tựa vào nhau.

“Ông gác tay gối đầu
Trên tấm chăn cũ nhàu
Con chó như biết sầu
Lặng nằm bên ông ngước trông trời cao”

Hoặc quay về với những âm hưởng của Phượng Hoàng, sự yên lặng của căn cội Phật giáo trong ông, như bài Giấc Mơ Việt Nam.

“Rồi tôi lạc bước đến nơi xa vời.
Bầy thú dữ đi bên bầy nai,
Cạnh con suối lung linh màu xanh núi đồi.
Và tôi đã đến khắp năm châu.
Và đã sống giữa bao thương yêu,
Mọi người biết sớt chia niềm vui nỗi sầu”

Nhiều tờ báo trong nước khi đến phỏng vấn nhạc sĩ Quốc Dũng – khi ông trả lời hoặc từ chối – thì thấy ông cười hiền, nên mô tả ông là người “hiền lành, nhỏ nhẹ, dễ gần, hoà đồng…” nhưng thật ra, Quốc Dũng “thật” là một tính cách sắc sảo, hài hước và chọn lọc mối quan hệ. Ông không dễ kết bạn, cũng không dễ nói suy nghĩ của mình cho người ngoài biết.

Quốc Dũng không nhận mình là một người nổi tiếng. Ông nói, danh vọng đến với ông là số mệnh, vì có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa hơn ông, nhưng họ không nổi tiếng. “Không phải được danh tiếng là có tất cả”, ông nói, khi điểm lại sự nghiệp của mình từ năm 17 tuổi, lúc làm giới văn nghệ Sài Gòn ngỡ ngàng với ca khúc Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa.

Trong một lần đến nhà nhạc sĩ Quốc Dũng, thấy ông đang ngồi xem chương trình ca nhạc một mình trước tivi. Đó là loại chương trình ca nhạc thời thượng quen thuộc. Tôi ngạc nhiên hỏi sự kiên nhẫn của ông, “Anh coi những chương trình này sao, toàn lặp đi lặp lại”. Nhạc sĩ Quốc Dũng quay sang nhìn tôi, ánh mắt thú vị “Hay chứ, coi đi em, chương trình hay mà”. Nể lời ông, tôi ghé vào ngồi coi, được dăm ba bài thì mất kiên nhẫn đứng dậy. “Hôm nào anh có thời gian, phân tích cho em biết coi cái hay của loại chương trình này nha”.

Nhạc sĩ Quốc Dũng lúc đó bật cười sảng khoái “Hay chứ, làm kỳ cục như vậy mà họ vẫn làm được, là họ hay hơn mình rồi”. Có những lúc như vậy, mới biết Quốc Dũng thú vị đến chừng nào.

Tạm biệt nhạc sĩ Quốc Dũng, người nhạc sĩ tài hoa, người suốt cuộc đời sống với đam mê, và ra đi yên lặng, như bóng cổ thụ trải bóng mát sâu rộng, nhưng ít khi chịu kể chuyện đời mình.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh – Ở một nơi nào đó, anh Quốc Dũng đang gặp Paul Mauricat…

Tôi vẫn nhớ là anh Quốc Dũng có kể câu chuyện thật xúc động của đời anh, rằng anh rất mê Paul Mauriat, đến nỗi đã viết một lá thư cho ông ấy. Anh viết là viết vậy thôi, chứ không hy vọng gì sẽ được hồi âm. Vậy mà bỗng một ngày, anh đã được hồi âm. Chính ông Paul Mauriat đã viết thư tay từng nét chữ cho anh Dũng. Anh thật bất ngờ và hạnh phúc. Thì ra những bậc thầy thường cho ta thấy một nhân cách lớn, thông qua những việc tưởng chừng rất vụn vặt.

Với âm nhạc, Paul Mauriat như một ngôn sứ, một chiếc cầu để dẫn dắt, để báo tin mừng rằng, âm nhạc đích thực mà nhân loại cần phải xem là bầu sữa cho tâm hồn mình, chính là âm nhạc cổ điển. Paul Mauriat, với qui mô dàn nhạc không thua gì một dàn giao hưởng, nhưng lại chơi với một phong cách chuẩn mực của nhạc nhẹ, cùng với lối hoà âm phối khí “đắt giá” đến từng nốt nhạc.

Câu chuyện thật của nhạc sĩ Quốc Dũng đã cho tôi thấy sự mãnh liệt trong niềm đam mê học hỏi của anh, và lý giải tại sao những bản phối của anh luôn đắt giá đến từng câu intro, từng đoạn giang tấu, từng hợp âm anh đặt xuống, từng âm sắc anh lựa chọn, luôn luôn đúng nơi đúng chỗ. Cứ như một bài toán có nhiều cách giải, mà “cách giải” của anh lúc nào cũng hay nhất.

Hồi tôi còn là một cậu học sinh trung học miền duyên hải, tôi thường hay ra “cốt” ở một quán cà phê, chỉ để được nghe băng cassette nhạc Gò Công mà anh Dũng hoà âm các ca khúc của các nhạc sĩ Hoàng Phương và Tô Thanh Tùng, qua tiếng hát của Bảo Yến & Nhã Phương. Tôi cứ trầm trồ là tại sao câu intro của nhiều bài lại hay đến như vậy. Cứ như người phối đóng dấu câu intro ấy cho bài hát, mà không thể thay thế được bằng một câu nhạc nào khác. Chẳng có ai dại dột làm cái điều này, khi đối diện với các bản phối của anh Dũng cả! Anh Dũng nổi tiếng trong giới hoà âm là ở chỗ này. Các bài phối của anh luôn là những câu intro không thể thay thế hay tách rời, những tuyến nhạc cụ cùng các chỗ tutti duyên dáng và không thể hợp lý hơn. Bạn hãy thử nghe lại Một Chiều Hè Trên Biển mà xem, sẽ thấy câu nhạc dạo đầu nó hay không thể tả!
Một điều kinh ngạc nữa là anh Quốc Dũng học âm nhạc phương Tây, nhưng khi hoà âm những làn điệu dân ca Việt Nam, đúng là một bậc thầy. Cái “bậc thầy” đó không có nghĩa là phải mang tất cả các chất liệu âm nhạc dân gian vào cho thật đậm đặc, để chứng tỏ rằng đấy là dân ca, là chất Việt. Mà bậc thầy ở chỗ, hoà tan thành một thứ mật ngọt vừa đủ dịu dàng để có thể làm tê liệt những ai yêu mến dòng nhạc quê hương trữ tình của Bảo Yến, bất kể họ từ vùng miền nào. Điều này làm cho tôi liên tưởng tới cái “chất Việt” trong nhạc Phạm Duy : một sự hoà quyện và thấm đẫm thật tài tình, tự nhiên như hơi thở.

Tôi nhớ có một album nhạc xuân của Phương Nam Phim, tôi mời anh phối cho chị Bảo Yến hai bài, trong đó có bài Câu Chuyện Đầu Năm. Trong tôi lúc đó thầm nghĩ: “Không biết anh Dũng làm cách nào để hoà hợp với cái lối phối hừng hực của tôi cùng các nhạc sĩ trẻ khác đây…”. Và khi album phát hành, tôi sửng sốt khi lắng nghe Câu Chuyện Đầu Năm với một phong cách Reggae thật mới mẻ và hấp dẫn, cùng câu intro, những câu dẫn và tutti vô cùng hợp lý để không làm mất đi cái hồn của bài hát.

Với tôi, nếu anh Quốc Dũng là một bậc thầy trong làng hoà âm phối khí, thì trong sáng tác, nếu không kể đến những bài tình ca để đời trước 1975 của anh, anh cũng chính là một người tiên phong với những bài hát mang phong cách hiện đại và tươi trẻ giai đoạn sau giải phóng. Còn nhớ những năm từ 1978 cho tới 1998, người nghe thường có ba phân khúc để lựa chọn : nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng và nhạc ngoại, thì Quê Hương, Tình Yêu & Tuổi Trẻ & Điệp Khúc Mùa Xuân của anh Dũng vang lên khắp các tụ điểm ca nhạc cùng quán cà phê, như đại diện cho sự trẻ trung. khát khao của nhạc trẻ miền Nam. Khi tôi chơi nhạc trong đội văn nghệ xung kích thời trung học, thì Quê Hương Tình Yêu Và Tuổi Trẻ là bài hát nằm lòng.

Nhớ lại một thời tôi cứ hay lui tới căn nhà nhỏ xinh, nằm dưới những tán cây mát mẻ ở Ngô Thời Nhiệm của anh để cà phê và trò chuyện. Có bản phối nào mới là tôi khoe với anh để nhận lấy lời góp ý thật quí báu và chân thành. Đôi lúc tôi quan sát anh mà cứ nghĩ như đang có ông Paul Mauriat trước mặt mình. Anh cũng khá giống ông ấy : Điềm tĩnh, hiền lành và uyên bác.

Ở một nơi nào đó, có lẽ anh Quốc Dũng đang gặp Paul Mauriat, nơi hội tụ của những bậc thầy với một phong thái luôn điềm tĩnh, nhân hậu và khiêm nhường. Có thể với anh Dũng, Paul Mauriat là bậc thầy. Nhưng với tôi, chính anh là một bậc thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ, quí trọng và xem anh như một tấm gương để tôi noi theo trên con đường âm nhạc của mình. Có thể nói rằng, không ít những người đang làm nghề trong chúng tôi, không ai mà không chịu sự ảnh hưởng từ anh, một bậc thầy đáng kính vừa nằm xuống.

Cảm ơn anh!
SG, 25/9/2023
Võ Thiện Thanh

Nhạc sĩ Trúc Hồ:

Vừa đáp xuống phi trường LAX nhận được tin anh ra đi… Em thật bàng hoàng, nỗi buồn chợt đến, không cầm được nước mắt. Năm rồi anh có nói với em, thầy Bảo Chấn may mắn có học trò thành công là nhạc sĩ hoà âm.

Anh Dũng kính mến, anh là người thầy của em mà anh không biết thôi. Từ nhỏ em đã mê anh hoà âm bài Điệp Khúc Mùa Xuân, em đã học lén anh cách chơi đàn guitar như chơi đàn bầu, em nghiên cứu rất nhiều sáng tác của anh. Em đã chịu nhiều ảnh hưởng từ anh rất nhiều, một nhạc sĩ có quá nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam qua nhiều thể loại từ nhạc trẻ, nhạc tình, cho đến nhạc đậm màu quê hương.

Em không bao giờ quên được những kỷ niệm thời em còn nhỏ, anh và thầy Bảo Chấn, anh Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Mạnh Tuấn hay đến nhà em tập nhạc.

Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau
Chẳng còn thấy đâu mắt em hoen sầu
Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…

Đây là một trong những giai diệu mà em thật là mê, và anh đã sáng tác khi anh mới 12 tuổi…

Anh Dũng, anh đi bình an nhé. Em biết rằng mỗi khi xuân về nhà nhà khắp nơi đều nghe nhạc của anh…

Thằng học trò, đệ tử của anh.

Cali – 24/9/2023

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường – Đôi dòng tâm tư về nhạc sĩ Quốc Dũng

Vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Hai, 25 tháng 9 năm 2023 tại Sài Gòn, tang lễ Nhạc sĩ Quốc Dũng đã bước đến những phút thật sự cuối cùng: Hỏa táng!

Từ Cali, nhìn về bên kia bờ đại dương, tôi tự hình dung mình đang đứng đâu đó thật gần, lặng lẽ nhìn những đợt khói dâng lên mỗi lúc một cao, rồi lan tỏa bốn phương trời. Những đợt khói mang theo cát bụi từ hình hài người bạn thân yêu. Tôi chợt cảm nhận, những hạt bụi ấy không hề vô tri vô giác, mà đang mang theo từng khoảnh khắc đời người. Trong từng khoảnh khắc sống động ấy, không chỉ là tình yêu Quốc Dũng dành cho âm nhạc, mà còn là tình yêu hướng đến gia đình, những người hâm mộ, những đồng nghiệp, những thế hệ đàn em, và rộng hơn nữa, con người!

Một duyên lành đã đẩy đưa chúng tôi trở thành bạn hữu, khiến tôi có nhiều cơ hội là chứng nhân về một cuộc đời có quá nhiều thành tựu. Các bạn hẳn đã biết nhiều về Quốc Dũng trong âm nhạc, qua các hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí, các trung tâm ca nhạc và cả những lần công diễn ngoài trời hoặc những thính phòng ấm áp… Nhưng với riêng tôi, những ấn tượng sâu đậm nhất về anh, lại từ cuộc sống đời thường!

Một buổi chiều mùa Thu năm 1995, Quốc Dũng chợt đến nhà tôi mà không hẹn trước. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất, là khi anh nói với một nụ cười rất tươi: “Hôm nay tôi hạnh phúc lắm!”. Pha xong hai ly café, sau khi nếm vài ngụm, tôi mở lời: “Kể tôi nghe, Dũng hạnh phúc điều gì?”.

“Lúc nãy tôi đến nhà Quyến trống để dặn vài việc cho show buổi tối tại Hòa Bình. Khi đang ngồi trong quán nước cạnh nhà Quyến, tôi chợt thấy một phụ nữ từ đầu hẻm, vừa đi vào vừa khóc lóc. Quyến gặng hỏi thì chị cho biết: “Tôi mới gom được 100 ngàn, đón xe lam vào Chợ Rẫy để mua máu truyền cho chồng tôi vừa bị thương nặng do tai nạn xe cộ, nhưng chưa đến nơi thì bị móc túi mất hết rồi!”. Dũng kể tiếp: “Tôi lục túi còn được 150.000, bèn đưa ngay cho chị ấy 100.000 đồng (lúc đó bằng khoảng 100USD). Và hối thúc: “Chị trở vào bệnh viện ngay đi!”. Nhìn thấy chị rối rít cảm ơn rồi xoay mình bước nhanh về phía đầu ngõ, lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả!”.

Từ lúc thân nhau cho đến chiều hôm ấy, chưa bao giờ, tôi thấy gương mặt Quốc Dũng tươi tắn hồn nhiên và trẻ thơ đến thế!

Một lần cũng vào năm đó, ngay sau khi nhận được tiền tác quyền từ Trung tâm Thúy Nga, Dũng đi mua gần 100 thùng mì, rồi đích thân chở từng đợt đi khắp thành phố Sài Gòn, đến từng chiếc lều của những người vô gia cư trao tặng. Bên cạnh đó, tôi nhớ mãi rất nhiều lần Dũng gom góp tiền để dành và thời gian đi mua nhiều túi ngủ (sleeping bag) trao tặng cho những gia đình đang lây lất sống trên các vỉa hè thành phố. Tôi lại càng không thể quên, đã nhiều lần Dũng thổ lộ một ước mơ: “Tôi mong mình có thật nhiều tiền để xây một bệnh viện miễn phí thật lớn dành riêng cho những người nghèo!”. Giấc mơ ấy có quá “lãng mạn” hay không, tôi không hiểu, chỉ biết rằng Dũng đã nói tự đáy lòng!

Và còn rất nhiều câu chuyện để tôi nói về Quốc Dũng, một bậc tài hoa trong âm nhạc, một cuộc đời đẹp đẽ trong cõi nhân sinh…

Ai cũng có cho riêng mình nhiều mơ ước, Quốc Dũng chỉ có hai thôi. Một dành riêng cho những người yêu nhạc, và hai, dành riêng cho những kẻ khốn cùng! Suốt đời Dũng chỉ mong sao, mọi người quanh anh hạnh phúc!

Tôi chợt thầm nghĩ, như mọi người thường nghĩ, chúng ta đến với cuộc đời để sống, để thương yêu và… trả nợ. Quốc Dũng đã đến và đã lặng lẽ đi, đã sòng phẳng trả nợ cho đời.

Và ngược lại, tôi không biết có ai nợ anh điều gì, nhưng tôi biết rõ một điều: Tôi là người nợ Quốc Dũng, vì anh đã cho tôi hiểu, thế nào là Tình Bạn Tâm Giao!

Nguyễn Đức Cường
Ngày 26 tháng 9, năm 2023

Viết một bình luận