Những đoạn video hiếm quay cảnh đường phố Sài Gòn sầm uất 60 năm trước

Từ một vùng đất nhỏ bé nằm bên sông Bến Nghé, Sài Gòn trở thành một thành phố lớn nhất và quan trọng nhất ở phía Nam. Thời điểm ban đầu khi mới thành lập, thành phố Sài Gòn chỉ rộng có 3km2, nhưng sau đó trải qua thời gian dài sáp nhập, Sài Gòn dần được định hình, phát triển, và được mở rộng như ngày nay. Mời các bạn xem lại một số đoạn video hiếm quay cảnh Sài Gòn năm xưa:


Xem video Sài Gòn thập niên 1950


Xem video Sài Gòn thập niên 1960


Xem video Sài Gòn thập niên 1960-1970


Xem video Sài Gòn xưa trích từ các đoạn phim điện ảnh trước 1975

Đôi nét về quá trình mở rộng và phát triển của Sài Gòn 150 năm qua:

Từ thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên bang Đông Dương, được thực dân Pháp mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông (“la perle de l’Extrême-Orient”) hoặc một Paris nhỏ ở Viễn Đông (“le petit Paris de l’Extrême-Orient”) trong số các thuộc địa của Pháp.

Từ sau khi Pháp chính thức chiếm được Sài Gòn – Gia Định từ năm 1861, Sài Gòn đã được mang danh là “thành phố”, nhưng tới ngày 15/6/1865 thì mới có nghị định lập quy chế thành phố Sài Gòn. Khi đó, Sài Gon chỉ rộng có 3km2, bằng 1 nửa Quận 1 hiện nay, nằm trong phạm vi “giữa rạch Thị Nghè, đường mới cầu Ông Lãnh (nay là đường Yersin), một đoạn của đường Saigon-Cholon (nay là đường Lý Tự Trọng), đường Thuận Kiều (nay là đường CMT8), quẹo vô đường Chasseloup Laubat (nay là đường NTMK) tới thẳng rạch Thị Nghè. Như vậy thời buổi sơ khai, thành phố Sài Gòn chỉ nằm gọn trong 2 phường Bến Thành và Bến Nghé của Quận 1 hiện nay.

Năm 1871, Sài Gòn được mở rộng ra một chút khi sáp nhập xóm Cầu Ông Lãnh là An Hòa và làng Phú Hòa.

Năm 1894, khu vực Tân Định và Dakao và 1 phần thôn Xuân Hòa (nay là Quận 3) của tỉnh Gia Định được nhập vô Sài Gòn.

Năm 1895, các thôn Khánh Hội, Vĩnh Hội (nay thuộc Quận 4) của tỉnh Chợ Lớn được nhập vô Sài Gòn.

Năm 1904, hai thôn Tân Hòa, Phú Thạnh nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn trở thành đất Sài Gòn. Sau đó năm 1907, tới lượt làng Chánh Hưng cũng nhập vô Sài Gòn.

Năm 1916, đại lộ Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo) được xây dựng để nối liền chợ Bến Thành (vừa được khánh thành năm 1914) với Chợ Lớn, trở thành tiền đề cho việc sáp nhập vùng đất Chợ Lớn vô Sài Gòn.

Năm 1930, một số làng của tình Gia Định là Hòa Hưng, Chí Hòa, Phú Thọ, Phú Định… nhập vô Sài Gòn.

Đến ngày 27/4/1931, hai thành phố lớn nhất Nam kỳ là Sài Gòn – Chợ Lớn nhập lại thành một với tên gọi Sài Gòn – CHợ Lớn, chia thành 5 quận (Sài Gòn 3, Chợ Lớn 2). Từ đó đô thành Sài Gòn dần định hình cho tới năm 1975 thì nhập vô thêm tỉnh Gia Định.

Như vậy, từ một thị tứ Bến Nghé nho nhỏ nằm bên sông, thành phố Sài Gòn dần được hình thành sau khi trải qua thời gian dài sáp nhập mở rộng, trở thành thành phố lớn nhất của Nam kỳ suốt 150 năm qua.

chuyenxua.net

Viết một bình luận