Những công trình và di tích quen thuộc của Hà Nội qua loạt ảnh màu năm 1915

Từ năm 1914 đến 1930, một ông chủ nhà băng người Pháp là Albert Kahn thực dự án tạo ra bộ sưu tập hình màu quan trọng nhất thế giới thời điểm đó, với “kho lưu trữ hành tinh” (tiếng Pháp là Les Archives de la Planète), là bộ sưu tập hơn 72.000 hình chụp tại hơn 50 nước, trong đó có những ảnh màu về đường phố và cuộc sống người Việt đầu thế kỷ 20, chủ yếu là ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Những tấm ảnh này được đăng tải lên website chính thức của Viện Bảo Tàng Albert Kahn tại link collections.albert-kahn.hauts-de-seine.fr

Trong quá trình tìm hiểu hàng ngàn tấm ảnh chụp ở Đông Dương, chuyenxua.net xin chọn ra những tấm ảnh chụp những địa điểm nổi tiếng và đã trở nên quen thuộc trong tâm thức người Hà Nội. Đó có thể là những di tích lịch sử lâu đời như Văn Miếu, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Cột Cờ, hay những công trình “mới” được Pháp xây như cầu Doumer (nay là cầu Long Biên), Nhà Hát Lớn, hay là phố Tây Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền)…

Hình bên trên là Nhà Hát Lớn Hà Nội, công trình quan trọng nhất của phố Tây Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng có quy mô nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Khi hình này được chụp thì Nhà Hát Lớn chỉ mới khánh thành được 4 năm, một công trình kiến trúc tân cổ điển mang tính chiết trung, hơn 100 năm qua được xem là 1 “thánh đường” của nghệ thuật ở Việt Nam.

Bên trên là hình ảnh phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) nhìn từ Nhà Hát Lớn. Bên trái của hình là cơ sở chuyên bán xe hơi và xe đạp hiệu PEUGEOT. Ngày nay tòa nhà này đã không còn, một tòa nhà mới được xây dựng trên vị trí cũ và có kiến trúc hơi giống với tòa nhà xưa, là trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Năm 1887, Liên bang Đông Dương được thực dân Pháp thành lập ở vùng Viễn Đông, bao gồm 6 lãnh thổ Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Cao Miên, Ai Lao, Quảng Châu Loan, thủ đô đặt ở Sài Gòn, người lãnh đạo cao nhất của Liên bang Đông Dương là Toàn Quyền Đông Dương, Dinh Norodom – vốn là dinh của Thống đốc Nam kỳ trước đó, trở thành nơi làm việc của Toàn quyền. Hơn 10 năm sau, khi đã xây dựng được nhiều cơ sở hạ tầng ở thành phố Hà Nội, Pháp chủ trương dời thủ đô ra Bắc, khu đất rất rộng và nhiều cây xanh vốn thuộc vườn Bách Thảo được chọn để xây phủ Toàn quyền, nằm trên đại lộ Cộng Hòa (La République – nay là phố Hoàng Văn Thụ) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình).

Công trình này ngày nay vẫn còn gần như nguyên vẹn, là phủ chủ tịch nước từ năm 1954 tới nay.

Một số hình ảnh cầu Doumer (nay là cầu Long Biên):

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng được Toàn quyền Đông Dương Doumer cho xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 và khánh thành năm 1902. Thời điểm đó, đối với người An Nam, việc xây dựng một cây cầu kỳ vĩ như vậy bắc qua một con sông rộng và sâu như sông Hồng là việc làm không tưởng.

Công trình đồ sộ này có chiều dài 1.680 mét tính từ hai mố biên bằng đá, gồm 19 nhịp chắc chắn (tổng cộng có 20 trụ cầu và mố biên) được dựng trên các dầm thép. Trụ cầu cao 43,5 mét: 30-32 mét trong lòng đất (dưới mực nước thấp nhất của sông Hồng vào mùa cạn) và 13,5 mét từ mặt nước. Vì lòng sông rộng nên móng được làm trong môi trường khí nén.


Dưới đây là hình ảnh 1 trong những biểu tượng của Hà Nội: Cột cờ, hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội, được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội thời vua Gia Long mới lên ngôi (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.

Bên trên là hình ảnh tượng đài Paul Bert trong vườn hoa Paul Bert, ngày nay nơi này đặt tượng đài vua Lý Thải Tổ trong vườn hoa mang tên Lý Thái Tổ.

Sau đây là những hình ảnh mang tính biểu tượng của Hà Nội:

Cột cờ Hà Nội hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội, là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới thời vua Gia Long (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột

Hiện Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Loạt ảnh bên dưới là quần thể di tích Văn Miếu nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, được xây dựng từ năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì ban đầu Văn Miếu được xây dựng để thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, ngoài ra còn có chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi.

Hình ảnh quen thuộc bên dưới là Khuê Văn Các thuộc Văn Miếu, một biểu tượng lâu đời của Thăng Long – Hà Nội.

Khuê Văn các (nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê”) là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước, do Tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều Nguyễn đương thời cho xây dựng vào năm 1805. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Để bước lên được nền vuông này phài đi qua ba bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao.

Giếng Thiên Quang và Khuê Văn Các.

Sau khi Thái tử Lý Càn Đức lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông, đã cho lập trường Quốc Tử giám ở bên cạnh Văn miếu, được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Đại Thành Môn và giếng Thiên Quang
Trong sân của khu Đại Thành của Văn Miếu
Từ Khuê Văn Các nhìn về Đại Thành Môn và khu Đại Thành
Khu vực vườn bia Tiến sĩ bên giếng Thiên Quang
Bia tiến sĩ Văn Miếu

Sau đây là một số hình ảnh của Hồ Gươm, nơi có cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn và tháp Bút:

Đền Ngọc Sơn

Vị trí đền Ngọc Sơn ngày nay đã từng có nhiều công trình được xây dựng. Khởi nguyên, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên ngôi đền đã có tại đây là Ngọc Tượng, đến đời nhà Trần đổi tên là Ngọc Sơn. Thời Trần, ngôi đền để thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Nguyên-Mông. Về sau lâu ngày đền ấy sụp đổ.

Công trình đền Ngọc Sơn ngày nay được xây dựng thời vua Tự Đức, khi nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc.

Trên núi Ngọc Bội (núi Độc Tôn cũ), Nguyễn Văn Siêu cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông dựng ngược, thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút.

Một số hình ảnh khác của khu đền Ngọc Sơn:

Toàn cảnh đền Ngọc Sơn nhìn từ bờ hồ Hoàn Kiếm
Toàn cảnh khu vực đình Trấn Ba, công trình nằm phía trước chính điện đền Ngọc Sơn

Tên gọi của đình Trấn Ba nghĩa là ngôi đình chắn sóng – ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng không lành mạnh trong nền văn hóa đương thời
Tránh nắng trong đình Trấn Ba
cầu Thê Húc

Hình ảnh tháp Rùa giữa Hồ Gươm:

Tháp Rùa nhìn từ bờ hồ

Tháp Rùa được xây trên gò Rùa, là nơi xưa kiatừ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua câu cá, nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích trêm gò Rùa. Năm 1886, một người Việt làm việc cho Pháp là Bá hộ Kim (Nguyễn Ngọc Kim) cho xây dựng trên gò Rùa một ngọn tháp 3 tầng, ban đầu được người dân gọi là Tháp Bá hộ Kim, sau đó có tên chính thức là tháp Rùa.

Hình ảnh chùa Một Cột năm 1915:

Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài, là công trình nổi tiếng nhất nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hựu, được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột gỗ Lim như trong chiêm bao, làm tòa sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.

Chùa này đã bị phá hủy gần như hoàn toàn vào năm 1954, ngôi chùa Một Cột hiện nay là đã được phục dựng lại.

Một số hình ảnh ấp Thái Hà:

Đây là thái ấp của Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải tại Hà Nội dưới thời Pháp thuộc. Khu vực này hiện thuộc địa bàn phường Trung Liệt, quận Đống Đa, có các công trình kiến trúc lăng tẩm vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Theo các sử liệu, Hoàng Cao Khải bấy giờ đã có dinh cơ ở phố Tràng Thi, tuy nhiên ông vẫn muốn lập thêm dinh cơ để ở khi về già. Ông quyết định chọn khu vực ruộng trũng, ao hồ của bốn làng: Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (Láng) để xây dựng khu thái ấp, đặt tên là Thái Hà Ấp. Tên gọi Thái Hà được cho là ghép từ hai địa danh Đông Thái (tức làng Đông Thái tại Hà Tĩnh, quê hương của Hoàng Cao Khải) và Hà Nội.

Đến năm 1899, chính quyền thực dân Pháp quyết định thành lập huyện Hoàn Long với vai trò là khu ngoại thành của Hà Nội, Thái Hà Ấp trở thành lỵ sở của huyện này.

Một số hình ảnh của Thủy đình nằm ở ao Long Chiểu – Chùa Thầy, quần thể di tích ở Sơn Tây, ngày nay thuộc Hà Nội:

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận