Những công trình kiến trúc nổi tiếng được KTS Ngô Viết Thụ thiết kế và vẫn còn cho đến nay

Ngô Viết Thụ được xem là kiến trúc sư tài ba và nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông là tác giả nhiều công trình kiến trúc vẫn còn cho đến ngày nay như Nhà thờ Phủ Cam, Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Trung tâm nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt… Những công trình của ông thiết kế thường là sự kết hợp giữa triết lý Á Đông và phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu.

Cho đến nay, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người Á Châu duy nhất được trao Giải thưởng Lớn Roma về kiến trúc (Premier Grand Prix de Roma).

Sau đây là một số hình ảnh những công trình kiến trúc của ông còn hiện diện:

Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt

Năm 1958, chính quyền VNCH đã thành lập Nguyên tử lực cuộc và đến năm 1961 một cơ sở nghiên cứu được thành lập mang tên Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Trung tâm được xây dựng tại một khu vực có diện tích 21 ha ở số 4 đường Nguyên Tử Lực, khởi công xây dựng từ tháng 4-1961 và được hoàn thành vào tháng 12-1962.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình này.

Với tuổi đời tròn 60 năm, hiện nay đây là lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ phóng xạ.

Nhà thờ Phủ Cam

Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam ở Huế là nhà thờ nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế. Nhà thờ có lịch sử từ năm 1682, khi đó được dựng bằng tranh tre. Đến đầu thế kỷ 20, nhà thờ đã trở thành một công trình bằng đá chắc chắn và khá đồ sộ theo kiến trúc Gothic.

Năm 1960, sau khi Giáo phận Huế được nâng lên hàng Tổng giáo phận và Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long về nhận chức Tổng Giám mục Huế, ông đã cho phá hủy toàn bộ nhà thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây cất Nhà thờ chính tòa mới với đồ án do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thực hiện.

Hình ảnh: VnExpress

Ðầu năm 1963, nhà thờ bắt đầu được khởi công xây dựng. Trong khi việc xây dựng đang tiến hành thì xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục lúc đó đang đi công tác ở Roma, vì hoàn cảnh chính trị không trở về Việt Nam, việc xây dựng cũng bị chững lại.

Tuy việc xây dựng vẫn được tiến hành song tiến độ rất chậm chạp, tới năm 1967 nhà thờ mới lên được phần cung thánh.

Sự kiện Tết Mậu Thân (1968) đã làm hư hại phần lớn công trình kiến thiết nhà thờ, việc xây dựng đã gặp nhiều trở ngại cho đến tận năm 1975.

Sau 1975, do hoàn cảnh, mọi công tác xây dựng vẫn tiếp tục tiến hành rất chậm chạp. Đến tận năm 1995, phần thân nhà thờ về mới cơ bản được hoàn thành.

Năm 1999, để chuẩn bị cho hai ngày 28 và 29 tháng 6 năm 2000, là ngày Tổng Giáo phận Huế cung hiến nhà thờ chính tòa Phủ Cam nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Giáo phận Huế (kể từ khi tách rời khỏi Giáo phận Đàng Trong), Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Văn Thể hạ quyết tâm bằng đủ mọi cách phải hoàn thành các trang trí bên trong nhà thờ và hai tháp chuông trước tiền đường. Công trình xây cất đã hoàn tất vào tháng 5 năm 2000.

Như vậy, trải qua 3 đời Giám mục – từ Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đến Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền và Tổng Giám mục Nguyễn Như Thể – sau gần 40 năm xây dựng, nhà thờ chính tòa Phủ Cam mới hoàn thành với diện mạo như hiện nay.

Trường Trung học Kiểu mẫu Huế

Trường Trung học Kiểu mẫu Huế là một trong những ngôi trường trung học nổi tiếng nhất ở Huế.

Trường được thành lập năm 1964, thuộc ĐH Sư phạm Huế. Khóa học đầu tiên của trường khai giảng vào ngày 20/9/1964 với 8 lớp học, 320 học sinh và 24 giáo sư. Ngay sau sự ra đời của trường Trung học Kiểu mẫu Huế, năm 1965, trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức cũng khai giảng khóa đầu. Năm sau nữa, 1966, trường Trung học Kiểu mẫu Cần Thơ được thành lập. Sự ra đời của 3 ngôi trường tạo ra mô hình trường học kiểu mẫu thời bấy giờ.

Trường lúc đang xây dựng

Trước 1975, hầu hết học sinh các trường phổ thông này phải tuân theo qui định về đồng phục: nam mặc áo trắng, quần xanh sẫm nữ mặc áo dài trắng. Riêng học sinh trường Kiểu mẫu hơi đặc biệt: nam mặc áo xanh da trời, quần xanh sẫm, nữ mặc áo dài hoặc váy xanh da trời. Trong ảnh là nữ sinh trường Trung học Kiểu mẫu Huế trong tà áo dài, nón lá.

Tồn tại cho đến năm học 1975-1976, Trung học Kiểu mẫu Huế chuyển tên thành Trung học Lê Lợi. Đến mùa hè 1977, trường giải thể sau khi đào tạo 13 khóa học sinh. Cơ sở của trường thuộc về ĐH Sư phạm Huế ngày nay.

Một số hình ảnh hiện nay của trường:

Năm 2019, phim Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ (kịch bản Nguyễn Nhật Ánh) đã lấy bối cảnh là trường Trung học kiểu mẫu Huế, quay tại trường ĐH Sư Phạm Huế:

Phim Mắt Biếc phục dựng lại bối cảnh cổng trường Trung học kiểu mẫu Huế ngày xưa

Giảng đường Phượng Vỹ – Đại học Nông Nghiệp

Đại học Nông Lâm ở Sài Gòn ngày nay tiền thân là Đại học Nông Nghiệp Sài Gòn, cơ sở ở Thủ Đức được Ngô Viết Thụ thiết kế vào đầu thập niên 1970.

Khu chính của trường được gọi là Giảng đường Phượng Vỹ, hình chữ U, theo những đường nét của chữ Nông theo Hán tự – 農 – với mỹ ý luôn nhắc nhỡ chúng ta “Vụ Nông Vi Bản”, nghĩa là lấy nông nghiệp làm gốc.

Kiến trúc mặt ngoài dùng đường nét thẳng, mạnh mẽ, vật liệu bằng đá rửa, bên trong sàn dùng đá mài trắng, tường cách âm và ốp chân lambri gỗ.

Ngoài ra, cũng ở Thủ Đức, Hội trường B của Đại học Đại Cương (nay thuộc ĐH KHTN) cũng do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế:

Trung tâm Giáo dục Y Khoa – Đại học Y Khoa Sài Gòn

Trung tâm Giáo dục Y khoa được khởi công năm 1962 trên Đại lộ Hồng Bàng, hoàn tất năm 1966 với kinh phí xây dựng là 4.5 triệu USD.

Công trình này được một nhóm kiến trúc sư Mỹ Việt thiết kế, trong đó Công ty CRS (Houston) là trưởng nhóm Hoa Kỳ, và Văn phòng tư vấn kiến trúc của KTS Ngô Viết Thụ là trưởng nhóm Việt Nam.

KTS Ngô Viết Thụ (bên phải) đang trình bày với tổng thống Ngô Đình Diệm về đồ án xây dựng trung tâm giáo dục y khoa, năm 1962

Đây là cơ sở của Trường đại học Y khoa Sài Gòn thời gian 1966 đến 1975. Sau năm 1975, trường ĐH Y khoa Sài Gòn đổi tên thành Đại Học Y Dược.

Một số hình ảnh hiện nay của Trường ĐH Y Dược (cơ sở cũ):

Chợ Đà Lạt

Chợ Đà Lạt (chợ mới) được khởi công từ năm 1958 theo đồ án thiết kế ban đầu của KTS Nguyễn Duy Đức, khi đó KTS Ngô Viết Thụ vẫn chưa về nước.

Trᴏnɡ khi ᴄhợ νẫn đanɡ đượᴄ xây thеᴏ tiến độ thì νàᴏ ɡiữa năm 1959, trᴏnɡ một lần đi kinh lý tại Đà Lạt, Tổnɡ thốnɡ Nɡô Đình Diệm đã đề nɡhị ᴄần ᴄó sự ɡắn kết trựᴄ tiếp khu Chợ Mới νới khu Chợ Cũ (tứᴄ Khu Hòa Bình), đảm bảᴏ tính tiện íᴄh νà an tᴏàn. Việᴄ này đượᴄ ɡiaᴏ ᴄhᴏ kiến trúᴄ sư Nɡô Viết Thụ mới νừa từ Pháp trở νề, tính tᴏán một họa đồ thiết kế đườnɡ dẫn νà phân lô ᴄhunɡ quanh.

Bản vẽ sửa đổi dự án xây Chợ Đà Lạt của KTS Ngô Viết Thụ. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Thiết kế cũ của chợ vẫn được hoàn tất, sau đó KTS sửa đổi, thêm khu nhà phía sau, thêm cây cầu đi bộ nổi tiếng bắc từ khu Hòa Bình qua tầng lầu của chợ mới:

Cây cầu nổi được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thêm vào trong đồ án sửa chữa, nối liền Chợ Cũ với Chợ Mới

Dinh Độc Lập

Nhắc đến kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, không thể nào không nhắc đến công trình lớn nhất trong sự nghiệp của ông, đó là Dinh Độc Lập.

Năm 1962, tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định phá bỏ hoàn toàn dinh Độc Lập (dinh Norodom cũ) có kiến trúc đồ sộ đã tồn tại từ 1 thế kỷ trước đó, để chọn thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ, là kiến trúc được đánh giá vừa hiện đại, vừa có nét dân tộc.

Trang trí mặt tiền được lấy từ hình ảnh đốt tre, có bố cục lấy cảm hứng từ một số chữ Nho. Ngoài ra, các công nghệ và vật liệu đương đại tiên tiến nhất thời bấy giờ đều được sử dụng vào công trình này như bê tông cốt thép… Về cơ bản, công trình này đã loại bỏ hoàn toàn hình bóng của kiến trúc thuộc địa cũ kiểu Pháp.

Tổng thống Ngô Đình Diệm có tinh thần dân tộc rất cao, có lẽ vì vậy mà Dinh Độc Lập cũ (vốn rất tráng lệ và đồ sộ nhưng là công trình của người Pháp), khi chỉ mới bị sập 1 góc là ông liền cho phá hết để xây lại hoàn toàn với thiết kế hiện đại của một kiến trúc sư người Việt, đội ngũ thi công xây dựng cũng hoàn toàn là người Việt. Có thể nói Dinh Độc Lập mới hoàn toàn được xây dựng nên bởi bàn tay và khối óc của người Việt.

Dinh Độc Lập mới rộng 4.500 m2, diện tích sử dụng 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng. Hơn 100 căn phòng của dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến…

Dinh cao 26m, tọa lạc trong khuôn viên rợp bóng cây. Từ giữa những năm 1960, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng). Mặt tiền dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc phỏng theo phong cách các bức mành của các ngôi nhà Việt và họa tiết các ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Các phòng được trang trí nhiều tác phẩm non sông cẩm tú, tranh sơn mài, tranh sơn dầu.

Khi thiết kế, KTS Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc, kết hợp hài hoà với nghệ thuật kiến trúc hiện đại.

Toàn thể bình diện của dinh làm thành hình chữ “Cát”, có nghĩa là tốt lành, may mắn. Vẻ đẹp kiến trúc của dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh tầng 2.

Trong dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng.

 

Con trai của KTS Ngô Viết Thụ – KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng là một người nổi tiếng trong giới kiến trúc Việt Nam và thế giới, đã tự hào chia sẻ về người cha đáng kính của mình như sau:

“Thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ thể hiện quan niệm kiến trúc Việt Nam hiện đại, không sao chép các chi tiết của kiến trúc cổ điển, nhưng vẫn hài hòa và mang bản sắc văn hóa dân tộc, hoàn toàn đi theo hướng khác với các đóng góp thiết kế dinh của các KTS danh tiếng cùng thời, trong đó đa số hoặc theo xu hướng kiến trúc cổ điển Pháp hoặc mang nặng ảnh hưởng kiến trúc tôn giáo và cung đình. Ngoài ra, Dinh Thống Nhất đánh dấu sự khởi đầu cho phong cách kiến trúc mang dấu ấn riêng của KTS Ngô Viết Thụ sau này trong các công trình Đại học Nông nghiệp Thủ Đức, Trụ sở Hàng không Việt Nam, Tổ hợp Khách sạn Hương Giang I và II… Trong các tác phẩm của ông, các yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật luôn mang tính đổi mới và sáng tạo, nhưng điều quan trọng hơn, mỗi tác phẩm đều ẩn tàng một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc.

Khi thiết kế dinh Độc Lập, nhiều người hiểu sai, cho rằng cha tôi thiết kế riêng cho ông Ngô Đình Diệm. Thực ra không phải vậy, ông xây dựng chung cho những vị nguyên thủ quốc gia, chính vì vậy mà khu ở của thủ tướng không làm gì hết. Ông quan niệm vị trí thủ tướng chỉ là tạm thời. Về mặt phong thuỷ, đa số công trình của các vị vua ngày xưa đều xây dựng theo triết lý bá đạo, tức là làm sao có lợi nhất cho chủ nhân, mà không tính đến chuyện gây hại cho người khác.

Ông áp dụng khoa chiết tự vào thiết kế mặt đứng để nhắc nhở những ai chủ trì tại đó phải có tài đức của một nhà lãnh đạo (chữ Vương, và chữ Tam – tượng trưng cho Nhân, Minh, và Võ đức), giữ vững chủ quyền đất nước (chữ Chủ), đảm bảo tự do ngôn luận của người dân (chữ Khẩu), trung với quốc dân (chữ Trung), và làm sao cho đất nước ngày càng hưng thịnh (chữ Hưng)…

Cha tôi theo quan điểm vương đạo, tức là làm sao cho cộng đồng phát triển tốt, khi cộng đồng phát triển tốt, trong đó sẽ có mình. Nhiều người cho rằng trục chính đi thẳng vào dinh là xấu, nhưng cha tôi vẫn làm, và dùng hồ nước để hoá giải. Ông cho rằng làm vua thì phải làm gương, phải đứng ra gánh vác, chiếu không ngay, không ngồi. Tôi tự hào về cha, và ảnh hưởng nhiều về phong cách Á Đông kết hợp với kiến trúc cổ điển Pháp trong các công trình kiến trúc của ông”.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận