Những bài nhạc vàng nổi tiếng bị nhầm lẫn về tên nhạc sĩ sáng tác

Trong số hàng ngàn bài hát nổi tiếng của nhạc trữ tình miền Nam trước 1975 và hải ngoại sau 1975, có không ít bài hát bị ghi nhầm tên nhạc sĩ trên bìa băng đĩa nhạc, dẫn tới sự nhầm lẫn của công chúng nghe nhạc.

Sự nhầm lẫn này thường do vấn đề in ấn sau năm 1975 tại hải ngoại, với lý do là tam sao thất bản, hoặc do vấn đề phát hành nhạc trên xứ người nên không còn văn bản để đối chiếu, chỉ dựa theo thông tin truyền miệng nên không thể tránh khỏi sai sót. Một số trường hợp khác đến từ sự cố tình ghi sai tên nhạc sĩ, cụ thể hơn sẽ được nhắc đến trong bài viết.

Mục đích của bài viết này là để đính chính lại những nhầm lẫn lâu nay của công chúng nghe nhạc, cũng như của giới ca sĩ hoặc nhà sản xuất chương trình, vì sơ xuất đã vô tình phủ nhận công sức của những nhạc sĩ sáng tác ra các bài nhạc vàng bất hủ.

Tàu Về Quê Hương (nhạc sĩ Hồng Vân)

Bài hát này một thời gian dài bị nhầm lẫn là của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thậm chí là gần đây, trong chương trình Âm Nhạc Việt Nam Những Chặng Đường được phát trên VTV, người dẫn chương trình còn khẳng định Hồng Vân là một bút hiệu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây là một nhầm lẫn rất tai hại của những người biên tập chương trình này, vì Hồng Vân là một nhạc sĩ có tiếng và hoàn toàn không liên quan gì tới nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Nhạc sĩ Hồng Vân tên thật là Trần Công Quý, ông cũng có sáng tác 1 số ca khúc với bút hiệu là Trần Quý là Chuyện Lính, Giận Nhau Một Tuần…

Những bài hát nổi tiếng nhất của ông ký bút hiệu Hồng Vân là Tàu Về Quê Hương, Chuyện Phim Buồn, Tôi Mất Người Yêu… đặc biệt là ông có thời gian dài sống ở Đà Lạt trước khi chuyển vào Sài Gòn nên đã sáng tác một số bài hát về xứ Đà Lạt nổi tiếng: Đồi Thông Hai Mộ, Chuyện Hồ Than Thở, Trăng Sáng Đồi Thông… 

Ít người biết rằng bút hiệu Hồng Vân là tên của vợ của ông, và người vợ này cũng chính là một nhạc sĩ sáng tác, lấy bút hiệu là Như Phy với những bài nhạc vàng quen thuộc là Người Mang Tâm Sự, Hai Đứa Nghèo…

Sau 1975, nhạc sĩ Hồng Vân và sợ sống âm thầm ở Sài Gòn, đến nay không còn rõ tung tích.

Sau đây mời các bạn nghe lại bài Tàu Về Quê Hương:


Click để nghe Thái Châu và Thanh Tuyền song ca Tàu Về Quê Hương trước 1975

Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen
Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn
Về đây mình cưới nhau luôn
Về đây mình sống vui hơn
Về đây mình có nhau luôn chẳng bao giờ buồn.

Giã Biệt Sài Gòn (nhạc sĩ Hoài Nam)

Đây là một bài nhạc lính nổi tiếng được nhiều người yêu thích:

Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương độc hành
Vui chung cuộc hành trình phong sương chưa lần bước ba tháng dài được là bao
Hỏi em em lại khóc bàn tay xin níu lại xin thời gian chưa qua mau.

Hiện nay trên internet ghi tên người sáng tác bài này là Tú Nhi (tức ca sĩ Chế Linh). Trong một lần trình diễn bài này, ca sĩ Phương Dung cũng từng giới thiệu là của Tú Nhi. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ trực tiếp với danh ca Chế Linh, ông nói rằng đây là không phải là bài của ông sáng tác, và chính ông cũng không rõ tác giả bài này là ai.

Cũng có một vài người khẳng định đây là một bài hát của nhạc sĩ Nam Lộc, tuy nhiên thông tin này hoàn toàn không đúng. Thứ nhất, đây không phải là bài hát thuộc dòng nhạc mà nhạc sĩ Nam Lộc sở trường, vì ông vốn chỉ nổi tiếng với dòng nhạc trẻ. Ngoài ra, chính nhạc sĩ Nam Lộc từng khằng định rằng trước năm 1975, ông chưa từng tự sáng tác nhạc, mà chỉ viết lời cho nhạc nước ngoài. Ca khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Nam Lộc tự sáng tác cả nhạc lẫn lời là Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt (còn có tên khác là Vĩnh Biệt Sài Gòn) với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Huỳnh Anh.

Có lẽ vì nhiều người nhầm 2 cái tên Giã Biệt Sài GònVĩnh Biệt Sài Gòn nên cho rằng Giã Biệt Sài Gòn là một sáng tác của Nam Lộc.

Mời các bạn nghe lại ca khúc này được thu âm trước 1975:


Click để nghe Thái Châu hát Giã Biệt Sài Gòn trước 1975

Một thời gian dài bài hát này xem như là “khuyết danh”, không rõ tên nhạc sĩ. Tuy nhiên sau khi bài viết này được đăng tải, nhạc sĩ Hà Phương (tác giả Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ) cho biết tác giả sáng tác Giã Biệt Sài Gòn là cố nhạc sĩ Hoài Nam (cũng là tác giả của Ba Tháng Quân Trường, Chín Tháng Quân Trường). Trước năm 1975, 2 nhạc sĩ Hà Phương và Hoài Nam có sinh hoạt văn nghệ chung, nên thông tin mà nhạc sĩ Hà Phương cung cấp rất đáng tin cậy.

Thương Về Miền Trung (nhạc sĩ Duy Khánh)

Bài hát Thương Về Miền Trung được biết đến là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Duy Khánh, được sáng tác và phát hành nhạc tờ lần đầu tiên vào năm 1962. Tuy nhiên nhiều nơi khác lại ghi bài hát này là của Châu Kỳ, hoặc Minh Kỳ.

Nếu dựa theo văn bản cụ thể của ngày xưa còn lưu lại, thì các tờ nhạc phát hành trước năm 1975, ở mặt sau đều ghi rõ Thương Về Miền Trung là một sáng tác của Duy Khánh được viết vào năm 1962 (xem hình bên dưới).

Tờ nhạc ghi rõ các tác phẩm do nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác theo các năm

Vì sự thành công ngoài mong đợi của bài hát Thương Về Miền Trung, nhạc sĩ Duy Khánh đã viết tiếp bài Thương Về Miền Trung 2 với tên khác là Sao Không Thấy Anh Về, cũng rất được yêu thích.

Thương Về Miền Trung 2 do nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác

Theo một bài viết của cố nhạc sĩ Phượng Vũ lúc sinh thời, Phượng Vũ có mối quan hệ thân tình với Duy Khánh từ hồi còn đi học, Phượng Vũ cho biết ông biết rõ văn phong, ý tình và nét lãng tử phong lưu của Duy Khánh, nên Phượng Vũ đã quả quyết rằng nét nhạc của bài Thương Về Miền Trung chắc chắn của Duy Khánh sáng tác.

Nhạc sĩ Phượng Vũ (giữa) và nhạc sĩ Duy Khánh

Ngoài ra, trong một clip phỏng vấn Duy Khánh ở ở ngoại năm 1988 (ngay sau khi ông qua Mỹ), ông đã xác nhận tình cảm sâu đậm của ông dành cho xứ Huế nên ông đã sáng tác nhiều bài nhạc về Huế như Thương Về Miền Trung, Sao Không Thấy Anh Về, Bao Giờ Em Quên, Sầu Cố Đô… (xem ở giây thứ 20, video bên dưới).


Đoạn phỏng vấn Duy Khánh năm 1988 (xem ở giây 20)

Lúc còn sinh tiền, nhạc sĩ Châu Kỳ chưa bao giờ nói rằng bài hát Thương Về Miền Trung là của ông. Tuy nhiên thời gian gần đây, gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ lên tiếng trên báo chí là bài hát này của Châu Kỳ sáng tác. Dĩ nhiên là mỗi người đều có lý do riêng để khẳng định, tuy nhiên cả 2 nhạc sĩ Duy Khánh và Châu Kỳ từ lâu đã trở thành người thiên cổ, nên khó có thể khẳng định chắc chắn ai là tác giả thật sự.

Có một thời gian mà hầu như tất cả băng đĩa nhạc trong nươc thập niên 1990 đều ghi Thương Về Miền Trung là của nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác, dù ông không liên quan gì đến bài hát này. Lý do của việc này, đó là vì nhạc sĩ Duy Khánh lúc đó vẫn còn bị cấm về nhân thân, nên những tác phẩm bất hủ của ông không được lưu hành ở trong nước. Để lách luật, các nhà sản xuất băng đĩa của Việt Nam thời đó đã đổi tên người sáng tác từ Duy Khánh thành Minh Kỳ (một người đã qua đời từ năm 1975) để băng đĩa nhạc được cấp phép phát hành. Việc này đã dẫn đến sự hiểm lầm trong công chúng về tác giả thật sự của Thương Về Miền Trung suốt một thời gian dài.

Thư Về Em Gái Thành Đô (nhạc sĩ Duy Khánh)

Bài hát Thư Về Em Gái Thành Đô của nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác, và ông cũng là người hát bài này thành công nhất. Tuy nhiên đã có sự nhầm lẫn của nhiều người khi nói rằng bài hát này của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Nhiều khi tôi muốn viết thư thăm em
Về kể chuyện rừng xanh
Chuyện vui buồn quân ngũ, chuyện quân hành đất đỏ
Nhiều đêm dài mưa đổ
Nhưng ngại em nhớ tôi chăng?


Click để nghe Thư Về Em Gái Thành Đô qua tiếng hát của chính tác giả

Xuân Này Con Không Về (nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân)

Ngược lại với bài Thương Về Miền TrungThư Về Em Gái Thành Đô, dù của nhạc sĩ Duy Khánh nhưng lại ghi tên của nhạc sĩ khác, thì bài Xuân Này Con Không Về của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh – Nhật Ngân), nhưng nhiều người tưởng rằng bài hát này của Duy Khánh sáng tác. Có người còn lầm tưởng rằng bút hiệu Trịnh Lâm Ngân là của Duy Khánh, có lẽ là vì ca nhạc sĩ Duy Khánh đã quá thành công với ca khúc này. Có nhiều người kể lại rằng vào thập niên 1960, mỗi dịp đầu năm ở nơi tiền đồn, anh lính nào mà nghe Duy Khánh hát bài này là chỉ muốn buông súng để về ngay dưới mái tranh nghèo:

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…


Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975

Huế Xưa (nhạc sĩ Anh Bằng)

“Huế Xưa” là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về xứ Huế, được sáng tác sau năm 1975. Tác giả thật sự của bài hát này là Anh Bằng, nhưng thường bị nhầm lẫn là của nhạc sĩ Châu Kỳ:

Tôi có người em sông Hương núi Ngự,
của lũy tre Thôn Vỹ hiền từ, của kinh thành cổ xưa thật xưa.
Buổi trưa em che nón lá, cá Sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ,
lũ chim quyên ngất ngây từ xa…


Click để nghe Huế Xưa – Thiên Trang hát

Nguyên do của việc này cũng gần tương tự bài hát Thương Về Miền Trung. Thời điểm thập niên 1990-2000, nhiều ca sĩ trong nước hát bài Huế Xưa, nhưng lúc đó tác giả là Anh Bằng vẫn bị cấm về nhân thân tại Việt Nam, nếu ghi tên nhạc sĩ Anh Bằng thì sẽ không được phát hành. Vì vậy tên nhạc sĩ đã bị đổi, từ Anh Bằng thành Châu Kỳ, là nhạc sĩ ở lại trong nước sau năm 1975.

Cẩm Ly hát Huế Xưa, ghi tên nhạc sĩ là Châu Kỳ

Từ thập niên 1980, nhạc sĩ Anh Bằng là người sáng lập ra trung tâm băng nhạc Dạ Lan (sau này là trung tâm Asia). Những năm đó, khi ca sĩ Thiên Trang vừa sang đến hải ngoại, đích thân nhạc sĩ Anh Bằng mời Thiên Trang về Asia cộng tác và chỉ dẫn thêm cho cô về nhạc lý, đồng thời đưa cho Thiên Trang hát ca khúc mà ông vừa sáng tác, chưa có ai hát trước đó, chính là bài Huế Xưa, trong một băng nhạc toàn những bài do ông sáng tác: băng Asia 31 chủ đề Tình Khúc Anh Bằng:

Phượng Buồn (nhạc sĩ Tuấn Hải)

Một thời gian rất dài khoảng hơn 20 năm, trong tất cả các băng nhạc và đĩa nhạc trong nước vào thập niên 1990-2000, nếu có bài hát Phượng Buồn, thì hình bìa sau đều ghi tác giả của bài này là nhạc sĩ Thanh Sơn – Phương Vũ (hoặc Nguyên Vũ).

CD nhạc Bảo Yến của Hãng Phim Trẻ phát hành ghi Phượng Buồn của Nguyên Vũ

Tệ hơn nữa, khi Đàm Vĩnh Hưng hát bài này trong Album CD vol.6 của Cẩm Ly, tên nhạc sĩ được sáng tạo thành Phương Sơn (ghép từ 2 cái tên Phương Vũ – Thanh Sơn).

CD Cẩm Ly cũng của Hãng Phim Trẻ lại ghi Phượng Buồn của Phương Sơn

Thực tế, không có tên nhạc sĩ nào là Phương Vũ, chỉ có nhạc sĩ Phượng Vũ (tác giả bài Cánh Thư Mùa Hạ), cũng như không có tên nhạc sĩ nào là Nguyên Vũ, chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Vũ (tác giả Bài Thánh Ca Buồn).

Còn nhạc sĩ Thanh Sơn là tác giả của rất nhiều bài hát về mùa hạ, hoa phượng như là Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hạ Buồn, Ba Tháng Tạ Từ… nhưng ông không phải là tác giả của Phượng Buồn nổi tiếng với lời hát: “Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng…”


Click để nghe Hoàng Oanh hát Phượng Buồn trước 1975

Lúc nhạc sĩ Thanh Sơn còn sinh tiền, có 1 người bạn “xúi” ông nhận đại là tác giả của ca khúc này để nhận tiền bản quyền, tuy nhiên với bản tính tự trọng của một nhạc sĩ lớn, Thanh Sơn kiên quyết từ chối và nhiều lần khẳng định ông không phải là tác giả của Phượng Buồn.

Thời gian sau này, nhờ có internet, nhiều khán giả yêu nhạc vàng đã biết rằng tác giả chính xác của Phượng Buồn là nhạc sĩ Tuấn Hải hiện vẫn đang định cư ở Úc.

Nguyên do của việc này, theo chính nhạc sĩ Tuấn Hải kể lại, là vì hồi thập niên 1990, khi một số bài nhạc vàng và trữ tình bắt đầu được cho phép thu âm trở lại ở trong nước, các hãng băng nhạc trong nước đã mời nhạc sĩ Vinh Sử làm biên tập để thực hiện một số băng nhạc, trong đó có sử dụng bài hát Phượng Buồn, nhưng tên tác giả là Thanh Sơn để tiện cho việc kiểm duyệt và phát hành. Bởi vì lúc đó nhạc sĩ Tuấn Hải đã ra hải ngoại, nếu ghi tên ông trong bìa băng nhạc thì sẽ không được phát hành.

CD nhạc Ngọc Sơn của Hãng Phim Trẻ ghi Phượng Buồn của Nguyễn Vũ

Kể từ đó, trong gần 30 năm, công chúng vẫn tưởng là bài hát Phượng Buồn của nhạc sĩ Thanh Sơn, Nguyên Vũ, Nguyễn Vũ hay là Phương Vũ.

Chia Ly (Chuyện Buồn Tình Yêu) – nhạc sĩ Đỗ Lễ

Nhắc đến nhạc sĩ Đỗ Lễ, nhiều người yêu nhạc nhớ đến ca khúc thất tình nổi tiếng Sang Ngang, viết cho mối tình đơn phương đẫm nước mắt của ông với nữ ca sĩ nổi tiếng Lệ Thanh:

Thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi!
Em hỡi đôi mình, mộng nay đã tan, tình đã dở dang…

Nội dung bài hát là đêm cuối gặp nhau của đôi tình nhân, là lần gặp nhau cuối cùng để hôm sau người con gái lên xe hoa về nhà người. Ít người biết rằng nhạc sĩ Đỗ Lễ còn có 1 ca khúc khá nổi tiếng khác có nội dung tương tự như Sang Ngang, đó là bài hát mang tên là Chia Ly, có lời nhạc như sau:

Nói đi em câu chuyện buồn tình yêu
Nói đi em vì mình thương quá nhiều
Khóc làm chi cho hoen úa rèm mi
Cho héo úa xuân thì
Nhớ thương nhau rồi đi…

Nhiều người biết đến ca khúc này với cái tên Chuyện Buồn Tình Yêu của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân. Đây có lẽ là một sự nhầm lẫn rất của những người làm công việc sản xuất băng đĩa, dẫn đến hầu hết các băng nhạc, CD nhạc ở hải ngoại đều ghi tên ca khúc này là Chuyện Buồn Tình Yêu của Mặc Thế Nhân.

Thái Châu hát bài này tại trung tâm Asia, trên bìa ghi tên Chuyện Buồn Tình Yêu của Mặc Thế Nhân

Tên đúng của ca khúc này là Chia Ly, mời các bạn nghe lại qua giọng ca của Mỹ Thể thu live trong băng nhạc Jo Marcel trước 1975:


Click để nghe Mỹ Thể hát trước 1975

Sau đây là nhạc tờ bản gốc ca khúc này:

Ly Ca – nhạc sĩ Phương Trà

Tương tự như bài Ly Ca (Chuyện Buồn Tình Yêu), có một ca khúc sáng tác trước năm 1975 khác đã bị đổi tên bài hát, đổi tên nhạc sĩ. Đó là bài hát mang tên Ly Ca của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng (lấy bút danh Phương Trà). Tuy nhiên nếu như Chia Ly có thể là bị nhầm lẫn do lý do khách quan, thì Ly Ca cố tình bị đổi tên.

Biết rằng mai này xa bạn xa thầy
Cúi mặt tim buồn ngấn lệ ngắn dài
Thương cổng trường từ đây khép kín
Thương dãy bàn nằm im câm nín
Thương những bông hoa rụng bên sân.

Đó là những lời hát của ca khúc đã nổi tiếng với giọng hát Phượng Mai khoảng thập niên 1990 với tên bài hát là Giã Biệt Trường Xưa. Bài hát này được nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng) sáng tác vào đầu thập niên 1970 với tên gốc là Ly Ca, đã được ca sĩ Thanh Tuyền hát lần đầu trong băng nhạc Premier 6 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.


Click để nghe ca sĩ Thanh Tuyền hát trước 1975

Sau năm 1975, nhóm 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng mỗi người một nơi: Nhạc sĩ Anh Bằng sang Mỹ, nhạc sĩ Lê Dinh sang Canada, còn nhạc sĩ Minh Kỳ kẹt lại trong nước và qua đời trong trại tập trung vào tháng 8 năm 1975. Từ đó cho đến tận những năm 2010, hầu hết nhạc của nhóm Lê Minh Bằng, hoặc của 2 nhạc sĩ Lê Dinh, Anh Bằng đều bị cấm phát hành ở trong nước.

Khoảng thập niên 1980, bài hát Ly Ca được được sử dụng trong các băng nhạc trong nước, nhưng đổi tên bài hát thành Giã Biệt Trường Xưa, đổi cả tên người sáng tác thành Vinh Sử để cho ca sĩ trong nước hát.

Ca khúc này sau đó nổi tiếng sang đến hải ngoại và được nhiều ca sĩ hải ngoại hát lại, nhưng một điều đáng buồn là ngay tại hải ngoại, cái tên gốc Ly Ca bị lãng quên, thay vào đó là cái tên sai là Giã Biệt Trường Xưa được sử dụng một thời gian dài gây ra sự nhầm lẫn với nhiều người. Không còn ai nhớ đến Ly Ca của Phương Trà nữa, mà chỉ còn Giã Biệt Trường Xưa của Vinh Sử.

CD nhạc Giao Linh của trung tâm Làng Văn, ghi tên bài hát Giã Biệt Trường Xưa của Vinh Sử

Dưới đây là tờ nhạc bài Ly Ca phát hành trước 1975:

Đêm Không Ngủ – nhạc sĩ Anh Bằng

Đây là trường hợp giống hệt như bài hát Ly Ca (Giã Biệt Trường Xưa). Bài hát gốc mang tên là Đêm Không Ngủ của nhạc sĩ Anh Bằng được ca sĩ Nhật Thiên Lan trước 1975, nhưng từ thập niên 1990, các ca sĩ trong nước lại hát bài này với tên Bao Đêm Không Ngủ, tên nhạc sĩ cũng bị đổi lại thành Vinh Sử.

Thời gian sau đó, bài hát được các ca sĩ hải ngoại hát lại, nhưng không dùng tên gốc và tên nhạc sĩ chính xác, mà dùng lại thông tin sai là Bao Đêm Không Ngủ của Vinh Sử, như trường hợp ca sĩ Hoàng Lan, Lam Anh hát bài này ở trung tâm Thúy Nga.

CD nhạc Lam Anh – Quang Lê ghi tên tác giả Bao Đêm Không Ngủ là Vinh Sử

Một điều trớ trêu hơn nữa là sự sai lầm đó lại diễn ra ngay tại trung tâm Asia (trung tâm do chính nhạc sĩ Anh Bằng sáng lập). Vào năm 2015, khi nhạc sĩ Anh Bằng vẫn còn tại thế, ca sĩ Trúc Mi hát bài Đêm Không Ngủ và lại ghi tên tác giả là Vinh Sử.

Chính trung tâm Asia cũng ghi sai tên bài hát của “người sáng lập” Anh Bằng thành của Vinh Sử

Sau đây là tờ nhạc gốc bài Đêm Không Ngủ của nhạc sĩ Anh Bằng:

Rong Rêu – nhạc sĩ Nguyễn Tâm

Ca khúc Rong Rêu được yêu thích qua giọng hát của Tuấn Ngọc có thể xem là bài nổi tiếng duy nhất của nhạc sĩ Nguyễn Tâm. Vì tên tuổi Nguyễn Tâm tương đối lạ, nên đã có sự nhầm lẫn rằng Rong Rêu là một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm (tác giả của bài hát “Tháng Sáu Trời Mưa”).

CD tiếng hát Lệ Hằng của trung tâm Hải Âu ghi tác giả bài Rong Rêu là Hoàng Thanh Tâm

Rong Rêu được nhạc sĩ Nguyễn Tâm sáng tác khoảng thập niên 1980, và nhanh chóng được công chúng đón nhận, yêu mến. Trong 2 thập niên 1980, 1990, rất nhiều nam ca sĩ nổi tiếng hải ngoại đã hát Rong Rêu, như cố ca nhạc sĩ Duy Khánh, Vũ Khanh, Duy Quang, Elvis Phương, Thái Châu, Anh Khoa, Tuấn Anh, Nguyễn Hưng, Kenny Thái, Đức Huy… và nổi tiếng nhất là Tuấn Ngọc:

Thà là rong rêu, lênh đênh trên biển.
Thà là chim bay vui theo tháng ngày.
Thà là mây trôi mênh mang giữa bầu trời.
Lang thang giữa cuộc đời mà vui.

Hầu hết băng đĩa ở hải ngoại vào thập niên 1990 đều ghi người sáng tác là Hoàng Thanh Tâm. Cho đến năm 2006, khi Nguyên Khang hát Rong Rêu tại chương trình Asia 51, nhạc sĩ Nguyễn Tâm đã xuất hiện trong một đoạn ghi hình để kể về cảm hứng sáng tác bài Rong Rêu, từ đó nhiều người mới biết đến sự hiện diện của người nhạc sĩ mang tên là Nguyễn Tâm.

Nhạc sĩ Nguyễn Tâm xuất hiện trên Asia 51

Kinh Khổ – nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Bài hát nổi tiếng này của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Khánh Ly cả trước và sau năm 1975. Khánh Ly hát Kinh Khổ thành công đến nỗi rất hiếm ca sĩ nào khác hát lại bài này. Có lẽ cũng vì vậy mà có một thời gian nhiều người nhầm lẫn bài hát này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bài hát này được sáng tác chủ yếu chỉ bằng 4 nốt nhạc là Re, Fa, Sol, La (nếu không kể nốt Do xuất hiện 1 lần ở cuối bài hát). Có thể nói trong lịch sử tân nhạc, đó là lần duy nhất có một ca khúc nổi tiếng chỉ được xây dựng cơ bản ở trên 4 nốt nhạc. Cũng vì vậy mà nhịp bài hát đều đều giống như một lời kinh cầu, lời cầu nguyện cho quê hương bị tan hoang vì lửa khói:

Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm
Lời kinh vọng xa thật êm đềm
Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn
Mẹ cầu cho em tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất.


Click để nghe Khánh Ly hát Kinh Khổ trước 1975

Hành Trang Giã Từ – Chuyện Người Đan Áo (nhạc sĩ Trường Sa)

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh có lẽ là ca sĩ kiêm nhạc sĩ thành công nhất của dòng nhạc vàng.

Nhật Trường thường hát nhạc của chính ông sáng tác với bút danh (cùng là tên thật) Trần Thiện Thanh, vì vậy nên có một số bài hát Nhật Trường đã thu âm, dù của nhạc sĩ khác sáng tác nhưng khán giả lại lầm tưởng là của Trần Thiện Thanh sáng tác, đó là những ca khúc đó là Chuyện Người Đan ÁoHành Trang Giã Từ, cùng của nhạc sĩ Trường Sa, và Lời Tình Viết Vội của nhạc sĩ Giao Tiên.


Click để nghe Nhật Trường hát Chuyện Người Đan Áo trước 1975

Nhạc sĩ Trường Sa thường được biết đến với những bài tình ca buồn gắn liền với tên tuổi danh ca Lệ Thu là Mùa Thu Trong Mưa, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi. Tuy nhiên, trước khi cho ra đời những tuyệt phẩm này, nhạc sĩ Trường Sa đã sáng tác những bài nhạc phổ thông đại chúng gắn liền với tên tuổi Nhật Trường: Một Lần Xa Bến, Chuyện Người Đan Áo và Hành Trang Giã Từ. Cũng vì Nhật Trường quá thành công với những ca khúc này nên người ta tưởng rằng Chuyện Người Đan Áo Hành Trang Giã Từ là của Trần Thiện Thanh sáng tác.


Click để nghe Nhật Trường hát Hành Trang Giã Từ trước 1975

Lời Tình Viết Vội (nhạc sĩ Giao Tiên)

Trường hợp bài hát Lời Tình Viết Vội, cũng giống như 2 bài của nhạc sĩ Trường Sa, đã gắn liền với tên tuổi Nhật Trường từ trước năm 1975, nên nhiều người tưởng là của Trần Thiện Thanh sáng tác. Tuy nhiên câu chuyện có phần phức tạp hơn.

Thực ra, ban đầu bài hát Lời Tình Viết Vội mang tên là Thư Ngoài Biên Trấn, được nhạc sĩ Giao Tiên bán bản quyền cho hãng Asia Sóng Nhạc và ca sĩ Trang Mỹ Dung thu âm lần đầu khoảng năm 1970.


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Thư Ngoài Biên Trấn

Sau đó một thời gian, khoảng năm 1973, nhạc sĩ Giao Tiên phụ trách làm biên tập cho băng nhạc Kim Đằng, chính ông đã đổi tên bài hát Thư Ngoài Biên Trấn thành Lời Tình Viết Vội, đồng thời sửa lại một ít phần ca từ để ưng ý hơn, rồis đưa cho Nhật Trường mời thu âm, và từ đó Lời Tình Viết Vội đã gắn liền với tên tuổi Nhật Trường.


Click để nghe Nhật Trường hát Lời Tình Viết Vội

Như vậy Thư Ngoài Biên Trấn (Trang Mỹ Dung thu âm) và Lời Tình Viết Vội (Nhật Trường thu âm) thực ra chỉ là một, được chính nhạc sĩ Giao Tiên sửa tựa đề, đổi chút lời nhạc. Tuy nhiên vì Nhật Trường quá thành công với Lời Tình Viết Vội nên nhiều người nhầm tưởng rằng ông sáng tác ca khúc này. Thậm chí sau khi Nhật Trường Trần Thiện Thanh qua đời, những người con của ông cũng đã tưởng như vậy, dẫn đến tranh chấp về tác quyền với tác giả thực sự của bài hát là nhạc sĩ Giao Tiên.

Bài Tango Cho Riêng Em (nhạc sĩ Lê Dinh)

Sau 1975, nhạc sĩ Lam Phương có ca khúc điệu tango rất nổi tiếng mang tên Bài Tango Cho Em. Ngoài ra, còn có một bài tango khác có tên gần giống như vậy, đó là Bài Tango Cho Riêng Em. Tuy nhiên không hiểu vì sao hầu hết các băng đĩa nhạc ở hải ngoại đều ghi tác giả bài hát này là Hoàng Nguyên. Lúc sinh thời, khi trả lời phỏng vấn trong Jimmy’s Show, nhạc sĩ Lê Dinh xác nhận đây là tác phẩm của ông sáng tác, đồng thời khẳng định rằng trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Hoàng Nguyên không sáng tác bài hát nào mang giai điệu tango.

Lời bài hát này như sau:

Một bài tango anh viết cho riêng em
Để hồn lâng lâng theo tiếng nhạc êm
Cho nhớ thương sao dài thêm
Cho bướm bên hoa đẹp thêm
Thức giấc anh gọi tên em…

Ngay cả trung tâm Asia, vốn gắn bó mật thiết với nhạc sĩ Lê Dinh, cũng ghi tên người sáng tác bài hát này là Hoàng Nguyên trong Asia số 63 năm 2009 (Hồ Hoàng Yến hát).


Click để nghe Hồ Hoàng Yến hát Bài Tango Cho Riêng Em

Tám Nẻo Đường Thành (nhạc sĩ Hoài Linh)

Sự kiện Mậu Thân năm 1968 đã mang lại nhiều cảm xúc để các nhạc sĩ sáng tác ra nhiều bài hát buồn, trong đó tiêu biểu nhất là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với Chuyện Một Chiếc Cầu Đã GãyNhững Con Đường Trắng, 2 ca khúc viết về Huế. Viết về Tết Mậu Thân ở Sài Gòn thì có ca khúc Tám Nẻo Đường Thành của nhạc sĩ Hoài Linh, nhưng không hiểu vì sao sau này nhiều nơi lại ghi nhầm thành Trầm Tử Thiêng.

Ðốt đêm đen, trái châu treo thay đèn lấp lánh
Cầu chữ Y, Lộ Hàng Xanh
Lửa bạo thiêu tám nẻo đường thành…

Kim (nhạc sĩ Y Vũ)

Kim là tên của một ca khúc nổi tiếng thuộc thể loại kích động nhạc của nhạc sĩ Y Vũ, tuy nhiên một thời gian dài nhiều người nhầm tưởng là của nhạc sĩ Y Vân, là anh ruột của nhạc sĩ Y Vũ. Có lẽ lý do là vì thập niên 1960-1970, nhạc sĩ Y Vân có nhiều ca khúc mang giai điệu nhanh và sôi động tương tự, như là 60 Năm, Không, Sài Gòn…, nên nhiều người tương rằng Kim cũng là của Y Vân sáng tác.

Hoàn cảnh sáng tác bài Kim được chính nhạc sĩ Y Vũ kể lại với người viết, đó là vào năm 1963, nhạc sĩ có thời gian làm việc ở Bà Rịa, đến tối thường sang các vũ trường ở Vũng Tàu để nhảy đầm và quen với một vũ nữ tên Kim ở vũ trường Blue Star, sau đó họ trở thành tình nhân. Mặc dù trước đó, Y Vũ đã từng trải qua rất nhiều mối tình thoáng qua với nhiều vũ nữ, nhưng với cô gái tên Kim, ông thật sự nghiêm túc khi đã dẫn cô Kim về giới thiệu cùng gia đình, và cả nhà đều mến thương cô. Một ngày kia ông đang ở Saigon thì nhận được tin Kim qua đời vì bệnh tim. Trong niềm thương tiếc, ông hồi tưởng lại những ký ức tươi đẹp rồi viết thành bài hát Kim để tưởng nhớ người yêu:

Cớ sao buồn này KIM
Cớ sao sầu này KIM
Ai thương em hơn anh mà tìm

Cớ sao hoài này KIM
Có biết cho lòng anh
đã mơ từng phút vui buồn cùng em…


Click để nghe Hùng Cường hát Kim trước 1975

Vùng Lá Me Bay (nhạc sĩ Anh Việt Thanh)

Nhìn lá me bay nhớ kỷ niệm hai chúng mình
Ngày đó quen nhau vương chút tình trên tóc mây
Đôi mắt thơ ngây, hoa nắng ươm đầy
Đẹp tựa như lá me bay, men tình anh trót vay.

Đây là ca khúc nổi tiếng được nhạc sĩ Anh Việt Thanh sáng tác vào mùa hè năm 1972, được ca sĩ Giao Linh hát lần đầu trong băng Kim Đằng số 5.


Click để nghe Giao Linh hát Vùng Lá Me Bay trước 1975

Sau này tại hải ngoại, từ cuối thập niên 1980 đến thập niên 1990, dù được những ca sĩ hải ngoại nổi tiếng thu âm lại, như Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Phương Dung… nhưng bài hát chưa bao giờ được xếp vào danh sách top những ca khúc nhạc vàng được yêu thích nhất. Đến năm 2011, ca sĩ Như Quỳnh phát hành solo album mang tên Lạ Giường, và bài hát được yêu thích nhất trong CD này chính là bài Vùng Lá Me Bay. Có thể nói Như Quỳnh đã mang một Vùng Lá Me Bay tươi mát trở lại trong làng nhạc vàng, từ đó tạo thành một hiện tượng chưa từng có ở trong nước lẫn hải ngoại, khi có đến vài chục phiên bản khác nhau được các ca sĩ cùng nhau cover lại.


Click để nghe Như Quỳnh hát Vùng Lá Me Bay trên Paris By Night năm 2011

Tuy nhiên có một sự nhầm lẫn đáng tiếc, đó là Thúy Nga lại ghi tên nhạc sĩ sáng tác Vùng Lá Me Bay là nhạc sĩ Trần Quang Lộc, làm cho nhiều khán giả nhầm lẫn về nhạc sĩ sáng tác ca khúc này suốt trong nhiều năm. Đến vài năm gần đây thì mới có sự đính chính tác giả thực sự là nhạc sĩ Anh Việt Thanh.

Tình Nào Trong Mắt Em (nhạc sĩ Ngân Giang)

Chuyện tình của tôi,
tan vỡ từ lâu rồi
tưởng không bao giờ còn nhớ
Nhưng bỗng một hôm trên đường ra phố thị,
tôi gặp người yêu ngày nào.

Đó là lời của một ca khúc rất quen thuộc đối với những người yêu nhạc vàng có tựa đề là Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, nhưng sau này thường bị ghi sai tên thành Đôi Mắt Người Xưa, và tên nhạc sĩ cũng đổi thành Trúc Phương.

Sự nhầm lẫn nghiêm trọng này có lẽ xuất phát từ lời của bài hát, có nhắc nhiều lần câu: “đôi mắt người xưa”, nói về đôi mắt của một người con gái đã làm cho người tình cũ bị ám ảnh không nguôi khi vô tình gặp lại trên phố sau một thời gian dài xa cách. Vì vậy sau 1975, khi các ca sĩ hát lại ca khúc này tại hải ngoại thì tưởng rằng bài hát này tên là Đôi Mắt Người Xưa, trùng tên với một bài hát do nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác (ít người biết đến và không nổi tiếng bằng bài Tình Nào Trong Mắt Em). Từ đó xảy ra tình trạng có thể gọi là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ca sĩ hát bài Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang nhưng lại để tên bài hát là Đôi Mắt Người Xưa, ghi tên sáng tác là Trúc Phương.

Trong cuốn băng Premier 3 phát hành trước 1975, Chế Linh hát ca khúc này và ghi rõ là Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Chế Linh hát Tình Nào Trong Mắt Em trước 1975

Đường Tình Đôi Ngả (nhạc sĩ Ngân Giang)

Đường Tình Đôi Ngả là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Ngân Giang được ký với bút danh Nguyễn Vỹ. Tuy nhiên thời gian sau này, nhiều nơi ghi tác giả bài hát này là Lê Văn Thiện, dẫn đến sự nhầm lẫn trong cả công chúng nghe nhạc lẫn giới cả sĩ.

Cho đến nay, khi nhắc đến Đường Tình Đôi Ngả, không thể không nhắc đến đôi song ca được xem là thành công nhất tại hải ngoại từ cuối thập niên 1980, đó là Giao Linh – Tuấn Vũ.

Thôi em hãy đi về vĩnh biệt kể từ đây
Còn luyến lưu làm chi, còn vấn vương làm gì
Ai thật lòng yêu ai đến bây giờ mình đã biết
Chuyện tình đôi ta em hãy xem là huyền thoại


Click để nghe Giao Linh – Tuấn Vũ song ca bài Đường Tình Đôi Ngả

Bài hát này đã được Giao Linh và Tuấn Vũ song ca trong CD Đôi Mắt Người Xưa vào khoảng cuối thập niên 1980 với phần hòa âm của nhạc sư Lê Văn Thiện. Bằng một cách nào đó, người ta lại liên kết bài Đường Tình Đôi Ngả với cái tên Lê Văn Thiện, từ đó về sau nhiều nơi ghi tác giả ca khúc này là Lê Văn Thiện, và sự nhầm lẫn này kéo dài từ đó cho đến tận ngày nay.

Nếu xem lại hình bìa băng nhạc Premier số 3, có thể thấy tác giả bài hát Đường Tình Đôi Ngả được ghi là Nguyễn Vỹ. Sau này đã có nhiều thông tin xác nhận đó là bút danh của nhạc sĩ Ngân Giang (tên thật là Nguyễn Văn Vỹ).

Băng nhạc Premier số 3 phát hành trước 1975 ghi tên tác giả bài Đường Tình Đôi Ngả là Nguyễn Vỹ

Phiên Khúc Mùa Đông (nhạc sĩ Lê Hựu Hà)

Trong quan tài buồn hồn nghe thêm trống vắng
Tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân…

Đó là lời ca thật ám ảnh của nhạc sĩ Lê Hựu Hà trong ca khúc nổi tiếng Phiên Khúc Mùa Đông. Tuy nhiên một thời gian thật dài, vì thiếu thông tin tư liệu nên nhiều người nhầm tưởng bài hát này là của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang.

Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là 2 cái tên chủ chốt của ban nhạc Phượng Hoàng danh tiếng, và những ca khúc của họ sáng tác cũng khá tương đồng, thoạt đầu nghe thì có thể khó phân biệt. Tuy nhiên nếu để ý kỹ, nhạc của Nguyễn Trung Cang thì u uẩn, nhạc của Lê Hựu Hà thì thường là tươi mới và lạc quan. Vì vậy, khi nghe lời ca thật buồn và ám ảnh trong bài hát Phiên Khúc Mùa Đông, nhiều người đã nhầm đó là sáng tác của Nguyễn Trung Cang.

Nếu xem lại bìa tờ nhạc phát hành trước 1975 sau đây, dễ dàng nhận thấy tác giả thực sự phải là Lê Hựu Hà.

Hẹn Một Mùa Xuân (nhạc sĩ Đinh Việt Lang)

Nhắc đến nhạc sĩ Đinh Việt Lang, nhiều người nhớ đến ca khúc Lạnh Lùng (thơ của Vạn Thuyết Linh). Ngoài ra ông cũng là tác giả của bài nhạc xuân rất nổi tiếng là Hẹn Một Mùa Xuân, nổi tiếng với giọng ca Duy Khánh trước 1975. Tuy nhiên thời gian sau này, nhiều nơi ghi nhầm tên bài hát thành Tôi Sẽ Về, và tên tác giả cũng ghi sai thành Lam Phương.

Tôi sẽ về khi mùa Xuân đơm hoa trước ngõ
Để em gái nhỏ mắt thơ ngây
Tóc thôi biếng chải vì đợi chờ
Đêm yên giấc ngủ cơn mơ dỗ ngọt
Cho môi em mềm mùa Xuân.


Click để nghe Duy Khánh hát Hẹn Một Mùa Xuân trước 1975

Tình Yêu Và Huyền Thoại (nhạc sĩ Văn Trí)

Trong dòng nhạc trữ tình Việt Nam, ca khúc Tình Yêu Và Huyền Thoại là một nhạc phẩm khá đặc biệt, không chỉ gây mê đắm bởi giai điệu và ca từ đẹp đến ngỡ ngàng, mà còn để lại cho công chúng một dấu hỏi lớn về tác giả thật sự của nó.

Nàng mọc cánh bay đến nơi chân trời
Chàng đuổi theo trên chuyến xe cuộc đời
Nàng vươn tay hái sao trời đỉnh núi
Kết lên tóc mây như đôi mắt tình yêu….

Lần theo những bản thu thanh, có thể thấy Tình Yêu Và Huyền Thoại đã ra mắt công chúng từ trước năm 1975 với tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan.


Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975

Giai đoạn sau này, bài hát cũng đã được nhiều giọng ca nữ thể hiện, như Thái Hiền, Phi Khanh, Như Mai, Trịnh Vĩnh Trinh,… Tuy nhiên trong tất cả các lần thu thanh đó, tên tác giả bài hát đều để trống, hoặc ghi là “Khuyết danh”.

Có nhiều nơi ghi tên nhạc sĩ sáng tác Tình Yêu Và Huyền Thoại là Minh Kỳ, tuy nhiên điều này không đúng, và nét nhạc bài này cũng không giống với những ca khúc thông thường của nhạc sĩ Minh Kỳ.

Cách đây vài năm, thật may mắn là có một độc giả tên là Mỹ Dung sinh sống ở New Zealand gửi đến cho chúng tôi thông tin về một nhạc sĩ tên thật là Văn Minh Trí, sinh năm 1940, ông học sư phạm ở Sài Gòn khoá 1963-1967 và làm sau đó về dạy môn Việt Văn ở trường Trung Học An Xuyên tỉnh Cà Mau.

Có một độc giả khác là Việt Hùng Trịnh gửi đến hình ảnh tờ học bạ có ghi dòng nhận xét của giáo sư Văn Minh Trí đến học trò như sau:

Giáo sư Văn Minh Trí đó chính là nhạc sĩ Văn Trí rất nổi tiếng với ca khúc Hoài Thu đã gắn liền với giọng hát Thanh Thuý, đồng thời ông cũng chính là tác giả của ca khúc “khuyết danh” Tình Yêu Và Huyền Thoại, sáng tác năm 1968. Sau đây là bản nhạc được nhạc sĩ ký tên đề tặng:

Sau 1975, nhạc sĩ Văn Trí sống lặng lẽ ở vùng New Zealand xa xôi, vắng bóng cộng đồng người Việt, không tham gia gì đến văn nghệ hải ngoại nên rất người biết đến ông. Vì vậy cuộc sống của nhạc sĩ Văn Trí kín tiếng và âm thầm, cũng giống như chính ca khúc Tình Yêu Và Huyền Thoại của ông vậy.

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận