Những bài báo Xuân gần 100 năm trước của Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) đăng trên Đông Pháp thời báo

Trong sự nghiệp báo chí của Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu thời điểm 100 năm trước, ông từng cộng tác với nhiều báo quốc ngữ, như Đông Dương tạp chí (từ 1913), Nam Phong tạp chí (từ 1917), và đáng kể nhất là thời gian phụ trách chuyên mục phụ trương văn chương (số ra thứ 7 hàng tuần) trên Đông Pháp Thời báo vào năm 1927.

Đông Pháp thời báo là tờ nhựt trình của Nguyễn Kim Đính làm Tổng lý, từ tháng 10 năm 1927, Nguyễn Kim Đính đã mời nhà báo Diệp Văn Kỳ về làm chủ bút, thay thế cho Nam Kiều. Một điều đặc biệt là nhà sử học nổi tiếng Trần Huy Liệu (sau này là bộ trưởng bộ tuyên truyền của VNDCCH) từng làm chủ bút của Đông Pháp thời báo, trước khi bị Pháp bắt vì tham gia Việt Nam Quốc dân đảng chống chính quyền, sau đó tham gia đảng cộng sản.

Khi Diệp Văn Kỳ thay thế Nam Kiều và Trần Huy Liệu làm chủ bút Đông Pháp thời báo, ngay lập tức đã mới người bạn thân thiết là Tản Đà về phụ trách một chuyên mục quan trọng trên tờ báo này, và sau đây là những bài báo chủ đề ngày xuân của Tản Đà trên Đông Pháp thời báo vào năm 1928.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu được xem là sĩ phu tiêu biểu của của nền cựu học thế hệ cuối cùng, trước khi làn sóng tân học ập tới với nền văn thơ mới củaTự Lực văn đoàn, phong trào Thơ Mới…

Là người thuộc phe cựu học (Hán học), nên nét văn của Tản Đà mang đậm nét cổ phong, sử dụng nhiều từ Hán Việt, dù viết về sự kiện tân thời ở xứ Đông Pháp nhưng nhắc nhiều tới điển cố bên Tàu… Hầu hết các bài ông viết trong phụ trương văn chương của Đông Pháp thời báo đều ít nhiều có nhắc tới chuyện bên Tàu xưa, và kết bài thường là những câu ngắn có vần với nhau giống như là câu thơ.

Trong trang báo xuất bản ngày 14/1/1928, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có bài báo tựa đề: Tàn Năm.

“Năm hết tết đến” là cái cảm tưởng chung của các gia đình trong xã hội mà thứ nhất là cảm tưởng của những nhà nghèo. Những nhà nghèo đến lúc tàn năm, muốn đi vay đã khó hơn lúc khác, mà bao nhiêu nợ cũ lại như thể voi gầm ngựa hét, kéo tới chung quanh; công nợ đã chưa đành, mà “dưa hành, thịt mỡ, bánh chưng xanh”, cái quang cảnh bi quan lại như đã phô bày ra trước mắt. Vậy thời buồn nhường sao!

Tuy vậy, cũng buồn; cũng chưa buồn. Buồn thời đến như câu “giục người phong cảnh, năm tàn lại năm”, là cái cảm tưởng riêng của mấy cô con gái đến thì mà nhân duyên chưa thấy. Sinh ra đời làm con gái thật có một cái mối rất lo. Tự mình không tiện đi kiếm chồng, mà lấy chồng cho đáng tấm chồng, lại ở sở nguyện. Phòng không triển chuyển, năm tàn lại năm. Vậy thời buồn nhường sao!

Tuy vậy, cũng buồn, cũng chưa buồn. Buông đến thời như ai tha hương lữ khách, trên cao đường, dưới lại thê nhi, công danh nào đã chi chi, năm cùng tháng tận ai thì nơi nao. Vậy thời buồn nhường sao!

Thôi nhưng mà nhất thiết bao nhiêu những cái buồn riêng của những ai đương lúc tàn năm nầy, hết năm nay, sang năm sau, đều có cái hy vọng đổi buồn ra vui, lấy tiếng cười, thay giọt lệ. Như ai nhà nghèo kia, sang đầu xuân năm sau, lại sẽ dễ đi vay đi mượn, cũng có cơ sạch nợ làm giàu. Như ai phòng không kia, sang đầu xuân năm sau, biết đâu không chỉ đắt tơ trao, mà chăn gối với tài lang ân ái. Như ai kẻ tha hương lữ khách, sang năm sau thời về quê về quán, vui thú gia đình. Như ai người chí sĩ nhân nhân, sang năm sau thời chén rượu mừng xuân, biệt tìm công nghiệp. Nhứt thiết bao nhiêu những cái lo buồn riêng của những ai trong buổi tàn năm như nay đó, đều có thể một là nhờ số vận, hai là do sức riêng mà đổi buồn ra vui. Vậy thời buồn làm chi. Năm tàn, vận xấu cùng đi; sang xuân năm mới, ai thì vận hay!

Nghĩ đến những sự buồn riêng của những ai, mà riêng ai không xiết nỗi buồn chung. Nước non Hồng Lạc, con cháu tiên rồng, hết xuân rồi lại sang đông, năm năm tháng tận năm cùng thế thôi. Tính đốt tay, một, hai, ba, bốn chục năm rồi, thôi Đông Pháp lại là người Đông Dương. Năm tàn, ai hỡi có thương? tàn năm, ai có tư lường hỡi ai? Đêm khuya chén rượu đầy vơi…

Tới ngày 21/1/1928, ông có bài mang tên: Chơi Xuân.

Xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa trời, mỗi mùa mỗi vẻ, mà hạ, thu, đông ba mùa đó thời người ta ít nói chơi, chỉ thường nói “chơi xuân”; ý cũng vì xuân là khoảng đầu trong một năm, khí hậu hòa, cảnh sắc mới, có hợp với tính tình của mọi người hơn các mùa khác, cho nên thiên hạ thích chơi chăng?

Chơi xuân đã là thích chung của mọi người, mà sự chơi lại cũng lắm cách: chơi hoa, chơi pháo, chơi cờ bạc, chơi hội hè, chơi rượu chè, chơi hát xướng, người chơi non nước, kẻ chơi phẩm hàm, nơi nào cũng như năm nào, chán không biết chán, vui vẫn là vui. Hỏi những sự chơi đó có ý vị với xuân chút gì chăng? Thời những ai người chơi xuân tưởng cũng không biết ra sao vậy.

Trời mỗi năm một lần xuân, tức là người mỗi năm một lần tuổi. Xuân của trời thời xuân nào cũng như xuân nào, mà tuổi của người thời tuổi sau với tuổi trước có khác. Con người ta trong lúc một, hai, ba, bốn tuổi, tuổi với xuân toàn về thiên nhiên; từ năm tuổi trở về sau, xuân với tuổi đã có phần quan thiết; lại như từ mười lăm tuổi trở lên, cho đến hai mươi, ba mươi, bốn năm mươi, sáu bảy mươi, cho đến trăm năm thượng thọ, thời xuân xuân tuổi tuổi, theo nhau lắm, phụ nhau nhiều. Bởi thế cho nên người đời xưa thương vì năm tháng như trôi, mà giọt lệ anh hùng hằng khi ướt áo vậy. Vậy thời không nên chơi xuân hay sao?

Người ta sinh ra đời, nếu chẳng chơi thời cũng thiệt; mỗi năm một lần xuân, nếu bỏ qua thời cũng hoài. Vậy thời chơi xuân cũng là phải. Chơi xuân vẫn là phải, song mà cách chơi thế nào cho lịch sự, thời những bạn chơi ai đó tưởng cũng nên giảng cầu. Cầu ở trong sử truyện xưa nay, nhiều cách chơi xuân rất có thú:

Mùa xuân năm bính tuất, vua Ngu Thuấn mới lên ngôi, đi tuần thú phương đông, định các phép luật, lịch, và các thứ cân, đo, lường, đó là một cách chơi xuân vậy. Mùa xuân năm canh thân, người nước Lỗ đi săn được muông lân, đức Khổng Tử cảm mà làm kinh Xuân thu, đó là một cách chơi xuân vậy. Mùa xuân năm mậu tuất, vua Lê Lợi dấy quân ở Lam Sơn đánh Minh, đó lại là một cách chơi xuân vậy. Năm canh tử, mùa xuân tháng hai, bà Trưng Trắc dấy quân đuổi Tô Định, tự lập làm vua, đó là chơi xuân. Năm canh ngọ, mùa xuân tháng giêng, vua Triệu Việt đánh tan giặc Lương, vào ở thành Long Biên, đó là chơi xuân. Năm kỷ hợi, mùa xuân, ông Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, là chơi xuân. Năm mậu thân, mùa xuân tháng giêng, vua Thái Tổ nhà Minh lên ngôi Hoàng đế, chép năm đầu là Hồng vỏ, là chơi xuân. Mùa xuân tháng giêng năm bính thìn, ông Tôn Đản nhà Lý đánh được Ung Châu của Tống, đó cũng là chơi xuân. Năm kỷ dậu, mùa xuân tháng giêng, vua Quang Trung xưng đế, đêm quân ra Bắc hà đánh phá quân Tàu ở Thanh từ Thượng phúc, là chơi xuân. Năm tân hợi, mùa xuân tháng ba, ngày hai mươi chín, hồi năm giờ chiều, ông Hoàng Hưng xuất quân tiến đánh thành Quảng Châu của Mãn Thanh đó cũng chính là chơi xuân vậy. Người đời xưa chơi xuân đại khái như thế.

Từ thời thượng cổ đến nay, kể biết bao nhiêu lần xuân: khách chơi xuân kể biết bao nhiêu người. Chơi sao cho đáng là chơi, cho không uổng phí thiệt thòi xuân xanh. Có chăng là giống hữu linh, chơi cho đổ quán xiêu đình mới thôi. Còn xuân thời hãy còn chơi, chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái giá sòng sọc nó thì theo sau. Ai về nhắn bạn mày râu…

Ngày 28/1/1928, sau Tết Nguyên Đán, Tản Đà có bài viết: Bụng lo tết của người nước ta.

Mới qua cái tết đây, nhân nghỉ đến cái bụng lo tết của người nước ta, thực sinh có vô hạn cảm tưởng. Một việc tết nhứt của ta, là phong tục cũng là tôn giáo; cho nên tuy mỗi năm một lần tết là sự thường, mà cái bụng lo tết của người mình thiệt là khẩn thiết.

“Giàu ba mươi tết mới hay” – một câu ngạn ngữ đó đã gần tả hết vậy.

Nay nghĩ như: trừ những nhà thật giàu có không phải lo, những các trẻ con chưa phải lo, những người tù tội trong nhà pha không được đến hạng lo, còn thời đại đa số quốc dân, đến khi tết, ngàn người một bụng, muôn người một bụng, ức triệu người một bụng. Một cái bụng lo đó, không ai bảo ai mà không ai nhường ai, ai có sức lo được đến đâu thời lo cho đến đó. Một cái bụng lo đó, có khi rẻ lễ nghĩa, khinh liêm sĩ mà lo cho lấy được thời hoặc cũng không từ. Một cái bụng lo đó, nghĩ về phần riêng của cá nhân, tưởng có như: ông Ngũ Viên bạc tóc ải Chiêu, lo bề báo Sở; bác Câu Tiễn nằm gai đất Việt, lo sự thù Ngô, lo binh lương, Hoàng Hưng Tân đảo ứa dòng châu; lo công nghiệp, Lưu Bị Kinh châu tràn giọt lệ…

[…]

Nay tết nhứt đã xong, cái bụng lo tết của quốc dân cũng đã hết. Tuy vậy mà ngày tháng như thoi, không mấy chốc mà lại lo. Hết năm Đinh Mão lo cái tết năm Mậu Thìn; rồi đây sẽ hết năm Mậu Thìn, lại sẽ cùng lo cái tết năm Kỷ Tỵ. Một sự lo tết là theo tôn giáo và phong tục, thời cái bụng lo tết cũng không phải là có xấu gì. Chỉ tiếc rằng việc đời nhiều cái nên lo, nhiều cái đáng lo hơn lo tết, mà năm cùng tháng hết, ai là người lo. Thôi nay năm Đinh Mão đã qua, bao nhiêu cái việc đáng lo, dẫu có muốn lo cũng vô ích. CHúng ta thử cùng nhau tính đến những cái việc nên lo ở trong năm Mậu Thìn. Những ai là người đã hết lòng lo tết mà đã ăn xong cái tết năm Mậu Thìn mà nhứt là đem cái bụng lo tết đó để lo cho giang sơn, có chăng là hạnh phúc chung cho chủng tộc vậy.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận