Nhớ lại những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học năm 1959-1960

Tiếp theo 2 phần trước, ghi lại những bài thơ, bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa bậc tiểu học ở miền Nam được soạn năm 1957-1958, trong bài này là những bài thơ được soạn năm 1959-1960, đã gắn liền với ký ức của những thế hệ học trò tiểu học khoảng 60 năm trước:

Cảnh đồng quê

Ai qua Đồng Tháp,
Ai xuống Cần Thơ.
Ai về Châu Đốc,
Ai viếng Cà Mau.
Ngắm miền ruộng đất hoa màu,
Lâng lâng sung sướng rạt rào niềm tin.

Non sông từ buổi thanh bình,
Thắm duyên mạ lúa, đượm tình ngô khoai.
Hương mùa lúa chín,
Đây đó chan hòa.
Bông vàng trĩu nặng,
Lòng đất trổ hoa.

Tay nâng những hạt trắng ngà,
Chúng ta vui vẻ ngợi ca ngày mùa.
Những đêm trăng, gió nhẹ lùa,
Giọng hò vương vất hương thừa cỏ non.

TRỊNH HUYỀN DÂN (Châu Đốc)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1959)


Ba con cá

Ba con cá gặp kỳ nước cạn,
Một con đầu chạm trán nhảy luôn.
Con nhì đã rắp mưu khôn,
Nửa chừng mắc lưới vượt luôn ra ngoài.

Con thứ ba năm dài đợi nước,
Chốc bị người bắt được về băm.
Nước đời nên trước dò thăm,
Cá nằm trên thớt còn lăm le gì?

H.B.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1959)


Hai con dê rừng

Hai dê cùng qua cầu,
Lại đi ngược chiều nhau.
Cầu hẹp không lối tránh,
Sinh chuyện đầu húc đầu.

Chẳng hề nhịn nhường nhau,
Càng húc mạnh càng đau.
Rồi cả hai té ngã,
Văng mình xuống vực sâu!
Cả hai bị nạn vì đâu,
Bởi chưng ương ngạnh mới hầu thiệt thân.

(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1959)


Khuếch trương công nghệ

Miền Nam một dải phì nhiêu,
Cao su, lúa gạo, ai nhiều hơn ta?
Cây rừng, cá biển bao la,
Đồ thêu, đồ chạm, muối, trà, cà phê.

Bán ra ngoại tệ thâu về,
Chánh quyền tìm cách mọi bề tiếp tay.
Thị trường ngoại hóa tràn đầy,
Chủ trương hạn chế, từ đây bớt dần.

Dành tiền trang bị, tối tân,
Tự mình sản xuất, khỏi cần mua ai.
Lò đường, hãng mắm, máy xay,
Khuếch trương thành lập, mỗi ngày tăng thêm.

HUỲNH HỮU NGHĨA
(Việt Nam ngày nay)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1959)


Hè về

Năng đã về,
Tô màu hoa phượng đỏ.
Vài con chim nho nhỏ,
Lần trong cành, nằm há mỏ bâng khuâng

Vườn sau nghe rộn rã,
Nhạc ve ngâm.
Như than van như diu dặt,
Như say sưa trong biển nắng hoe vàng.

Cứ mỗi lần tin phượng báo hè sang,
Tôi lại thấy tình tôi thêm phấn khởi.
Nhìn cánh hoa rơi,
Lòng vui phơi phới,
A! Hè về!
Giờ chia tay đã tới.

NGÔ THẾ HOÀN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1959)


Khai trường

Hôm nay là buổi khai trường,
Có đàn chim sẻ, mười phương bay về.
Nắng thu lênh láng vàng hoe,
Ngăn làm sao? Những ngày hè… xa xôi.

Chúng em vui vẻ tươi cười,
Tung tăng cắp sách mắt ngời ánh sao.
Trường em vẫn có tường cao,
Vẫn xanh cửa chớp, lối vào đá hoa.

Lớp em vẫn sáng chan hòa,
Ngày ngày tiếng học, lời ca vang lừng.
Khai trường đến với tưng bừng,
Một năm học mới, lo mừng từ đây.

TRÂN QUANG VU
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9-10.1959)


Có những bàn tay

Có những bàn tay sạm nắng,
Tình thương gửi luống cày thơm
Mồ hôi giọt dài giọt vắn
Đất lành hứa hẹn áo cơm.

Có những bàn tay đen đủi,
Bạn cùng sắt, thép, tro, than,
Sinh lực là hồn xưởng máy,
Sớm chiều búa thét vang vang.

Đẹp làm sao những bàn tay!
Chỉ biết làm theo lẽ phải,
Chỉ biết vì tình nhân loại
Sẵn sàng xây dựng ngày mai.

Tường Linh
(Nhóm Lửa Việt, Việt Ngữ, lớp bốn)


Quê cha đất tổ

Nơi quê cha đất tổ,
Là nơi ăn đời ở đời.
Sinh ở đấy, mà trường ở đấy
Trăm năm chết đi cũng ở đấy

Nhà ta tuy nhà tranh,
Tường vách bốn chung quanh.
Che mưa, che nắng, che gió bão,
Cả năm ăn ở được yên lành.

Làng ta có tre rào,
Có sông ngòi chuôm ao.
Có đình chùa hội hè sum họp,
Có trường học trẻ con ra vào.
Cánh đồng rộng thênh thang,

Bao bọc chung quanh làng.
Trâu bò cày bừa người vun xới,
Trồng ngô, trồng lúa, trồng khoai lang.

Thửa ruộng người, thửa ruộng nhà,
Những gò đống gần xa,
Lác đác có một vài ngôi mả.
Ấy là mồ mả của ông cha.

Nhiều nhà thành một làng,
Nhiều làng thành một nước.
Nước ta tên gọi Việt Nam,
Ghi lòng con phải nhớ mới được.

(Học Báo)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1960)


Cảnh đồng quê

Lũy tre bao bọc xung quanh,
Đồng điền bát ngát, màu xanh xanh rờn.
Rung rinh tấm thảm mạ non,
Xa xa điểm trắng vài con cò đồng.

Kẻ cày, người cuốc gắng công,
Ỳ òm tát nước, gàu sòng, gàu dai.
Mục đồng vài đứa thảnh thơi,
Sừng trâu ngất nghểu, nói cười vui sao!

М.Н.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1960)


Vệ sinh trong làng

Một làng muốn mạnh khỏe,
Mọi nhà phải sạch sẽ.
Nhà ngói hay nhà tranh,
Cất cao ráo, mát mẻ.

Đầm ao bùn bẩn ngập,
Nước tù hãm phải lấp.
Chớ để hơi độc xông,
Muỗi sinh và ẩm thấp.

Nước ăn cần phải lọc,
Nước giếng trong như ngọc.
Nước ao giặt rửa luôn,
Chớ uống: bẩn và độc.

NGUYỄN VĂN NGỌC
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1960)


 

Công việc nhà nông

Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi, mười còn độ một hai.
Ruộng cao đóng một gàu dai,
Ruộng thấp thì phải đóng hai gàu sòng.

Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liêm, hái ra ngoài ruộng ta.

Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô, quạt sạch, ấy là xong xuôi.

(Ca dao)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1960)


Tát nước

Thì thòm tát nước gầu dai,
Đang cơn nắng lửa đốt trời giữa trưa
Vật vờ theo ngọn gió đưa,
Dùng dằng tám rợ, lửng lơ đôi gàu.

Chân tréo, tay vục mau mau,
Nước lên như sóng bạc đầu phơ phơ.
Tát thay trời đổ trận mưa,
Tát cho thiên hạ cày bừa làm ăn.

Tát cho cây lúa nảy chân,
Tát cho cây lúa mười phân nảy vàng,
Tát cho lớn nước giàu làng.

Nhi đồng lạc viên
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1960)


Con gà sống [gà sống là gà trống]

Trong loài gia súc thường nuôi,
Có chàng gà sống đẹp, oai nhất đàn.
Đầu mũ đỏ, chân giày vàng,
Thêm đôi cựa sắt, hiên ngang vô cùng.

Trời vừa tang tảng rạng đông,
“Cúc cu” chàng gáy vang lừng khắp nơi.
Tiếng chàng đánh thức mọi người,
Kẻ thời chợ búa, người thời nông tang.

М.Н.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1960)


Tổ chim

Nghe tiếng chim kêu trên cành cao,
Trèo lên tìm tổ xem thế nào?
Thấy trong tổ có ba con nhỏ,
Xinh làm sao mà đẹp làm sao!

Vội vàng đã định giơ tay bắt,
Nhác thấy bên cành chim mẹ kêu.
Kêu rằng: “Con nó còn thơ ấu,
Xin hãy buông tha chớ động vào…”

Văng vẳng nghe như chim bảo mình,
Tấm lòng sực nhớ đức sinh thành
Nghĩ mình ví phỏng ai làm thế,
Mẹ xót con thương bao xiết tình!

Chim kia, lập tức tha ngay cả,
Hí hởn lại vào trong tổ gianh.
Vừa hót, vừa kêu, vừa nhảy nhót,
Mẹ con tíu tít trên đầu cành.

ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1960)


Mùa thu câu cá

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

YÊN ĐỔ
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1960)


Chó sói và giàn nho

Chó sói kia ở nơi rừng ấy,
Đương đói lòng lại thấy giàn nho.
Mấy chùm vừa chín vừa to,
Nước da đỏ thắm thơm tho ngọt ngào.

Cậu sói cũng ước ao được bữa,
Nhưng giàn cao không với đến nơi.
Chê bai sói lại được lời:
– Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu.

(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1960)


Công múa

Con công hay múa,
Nó múa làm sao..
Nó rụt cổ vào,
Nó xòe cánh ra.
Nó đỗ cành đa,
Nó kêu ríu rít.
Nó đỗ cành mít,
Nó kêu vịt chè.
Nó đỗ cành tre,
Nó kêu bè muống.
Nó đỗ dưới ruộng,
Nó kêu tầm vông.
Con công hay múa…

(Ca dao)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1960)


Con chim phải tên

Con chim nọ phải tên gần chết,
Than mấy câu giãi hết nỗi niềm.
Nói ra thêm não thêm phiền:
Giết chim lại bới lông chim lạ lùng!

Trách nhân loại lòng hung dạ độc,
Nhổ cánh này làm đốc tên kia.
Những loài bất đức hợm chi,
Vạ này hẳn cũng có khi vào mình.

Xem trong đám sinh linh đồng loại,
Cũng cánh này làm hại cánh kia!

NGUYỄN VĂN VĨNH
(“Thơ ngụ ngôn La-phông-Ten”)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1960)


Buổi sáng

Trống canh năm mấy hồi giục giã,
Bừng mắt lên, trời đã rạng đông.
Ngắm phong cảnh đẹp vô cùng,
Hỏi ai thêu dệt? Ấy ông thợ trời.

Hoa đua sắc tốt tươi thơm ngát,
Chim tìm đàn xào xạc tiếng kêu.
Trong nhà người nói xôn xao,
Nào con nào mẹ ồn ào gọi nhau:
“Mặt trời đâu đã đỉnh đầu”.

(Tập đọc và học thuộc lòng)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1960)


Chớ để ngày mai

Một cậu bé chuyện trò cùng mẹ,
Rằng: “Đến mai con sẽ xin ngoan”.
“Đến mai con sẽ xin ngoan?
Đến mai con lại khất lần ngày kia.

Con ơi, con chớ hề nói thế,
Sự hôm nay chớ để ngày mai.
Chi bằng con nói thế này:
Mẹ ơi, con muốn ngoan ngay bây giờ.

(Tập đọc và học thuộc lòng)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1960)


Công việc trong tuần

Mới hôm nào thứ hai
Thầy bắt đọc Sử ký.
Thế mà đã thứ ba,
Thì giờ mau quá nhỉ!

Thứ tư rồi thứ năm,
Thuộc lòng bài địa lý,
Tính đố và Luận văn,
Ra sức làm cho lỹ.

Thấm thoắt thứ sáu rồi,
Sắp đến ngày được nghỉ.
Thứ bảy học bài xong,
Chủ nhật chơi với chị.

(Tập đọc và học thuộc lòng)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1960)


Công việc nhà nông

Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.
Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cày, vợ cấy, trong lòng vui thay.

Tháng năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Năm nong đầy, em xay, em giã,
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm, lúa tốt tiền nhiều,
Em đong đóng thuế đóng sưu cho chồng.
Đói no có thiếp có chàng,
Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình.

(Ca dao)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1960)


Công việc người nội trợ

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Khuyên chàng dậy học chớ nằm làm chi.

Nữa mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng choi chói kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sinh thành,
Sắm nghiên sắm bút cho anh học hành.

(Ca dao)
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1960)


Cắm trại

Trại anh bên trại tôi,
Cheo leo giữa núi đồi.
Trời tây chưa nỡ tắt,
Tình còn mới không nguôi.

Nơi đây ta tập sống,
Lớn khôn ta dựng đời.
Đem sức cùng chung đóng,
Lòng trai quyết chẳng sờn.

Đêm nay giữa núi rừng,
Ngồi kề bên khóm lửa.
Ta hát ca vang lừng,
Cho thỏa đời măng sữa.

NGUYỄN KHOA
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 8.1960)


 

Bữa cơm của gia đình

Tan buổi học mẹ ngồi tựa của,
Mắt trông con đứa đứa về dần.
Xa xa con đã tới gần,
Các con về đủ quây quần bữa ăn.

Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm giòn,
Chồng chồng, vợ vợ, con con một nhà.

TẢN ĐÀ
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 8.1960)


Bát nước chè xanh

Hớp một hớp chè tươi,
Nhìn nhau trong chơn thật.
Đây bao người như một,
Một bát nước chè tươi.

Ôi bát nước chè xanh,
Thơm tho mùi xứ sở.
Đây không phải rượu đỏ,
Đây không phải sâm banh

Đây bát nước chè xanh,
Muôn muôn đời bất diệt.
Qua mấy mùa dâu biển
Bát nước hãy còn xanh.

Ôi bát nước chè tươi!
Trong trong từ mấy kiếp
Đẹp lắm nước chè ơi!

KIM ĐỊNH
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 8.1960)

1 bình luận về “Nhớ lại những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học năm 1959-1960”

Viết một bình luận