Nhớ lại những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học năm 1957

Trong quan điểm tâm hồn tuổi thơ như một trang giấy trắng, những nhà giáo thời xưa (những năm giữa thập niên 1950) ở miền Nam đã dạy cho trẻ em những bài học đơn giản đầu đời. Tới hôm nay, những cô cậu học trò thời đó, khi có dịp hàn huyên với bạn bè nhiều người vẫn còn nhắc đến với nhiều rung động:

Bà ơi cháu rất yêu bà,
Đi đâu bà cũng mua quà về cho.
Hôm qua có chiếc bánh bò,
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà.

Mỗi lần cháu chạy chơi xa,
Mẹ cháu có đánh thì bà lại can.
Cháu không nói bậy nói càn,
Bà xoa đầu cháu khen ngoan nhất nhà.

Trong một biến chuyển hầu như rất vô tình, những bài học cũ ấy đã ít nhiều thay thế văn chương truyền khẩu của tổ tiên để làm hành trang trao lại cho thế hệ kế tiếp. Nhiều bài học vốn dĩ là bắt buộc của học trò khi còn nhỏ thì lớn lên thành những bài hát để ru con và với người ở xa quê hương thì còn là những câu tiếng Việt căn bản dạy cho đàn cháu bi bô để chúng khỏi quên nguồn gốc.

Bài viết này là công trình sưu tầm của tác giả Trần Văn Chánh, ghi lại những bài học thuộc lòng làm theo thể thơ, được sưu tập rải rác từ trong những sách giáo khoa Quốc văn bậc tiểu học cũ của miền Nam thời trước, dành cho các lớp Ba, Nhì, Nhất (từ năm 1967 được gọi là lớp Ba, Bốn, Năm). Dưới mỗi bài phần nhiều đều có nêu tên tác giả, và cho biết đã lấy ra từ trong sách dạy lớp mấy của soạn giả nào. Một số bài khác đã được sưu tập từ trong Tiểu Học Nguyệt San của Bộ Giáo dục Sài Gòn, từ tháng 1/1957 đến tháng 7/1963.

1.

Nhà cửa

Tránh cơn gió táp mưa sa,
Loài chim có tổ, người ta có nhà.
Anh em, cha mẹ, ông bà,
Cùng nhau sum họp một nhà yên vui.
Nhưng ta không khỏi ngậm ngùi,
Đầu đường xó chợ bao người bơ vơ.

V.D.H.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

2.

Làm vườn

Giữa vườn một nếp nhà tre,
Ba gian lợp cỏ trông về hướng nam.
Trước nhà dây mướp một giàn,
Rung rinh trước gió, hoa vàng lá xanh.

Hai bên nào ớt nào hành,
Nào cam xã Thượng, nào chanh bốn mùa.
Ngoài vườn mấy luống khoai ngô,
Quanh năm vun xới, tha hồ bán, ăn.

Tăng gia sản xuất góp phần,
Nước nhà nông nghiệp đang cần mở mang.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

3. 

Vườn cà tím

Trong ánh nắng gió đồng quê mát rợi,
Giọt sương mai lấp lánh lá cà xanh.
Những trái cà chen chúc bám trên cành,
Căng nhựa ngọt, da non khoe sắc thắm.

Vườn cà tím của nhà ai xinh lắm?
Kìa! Anh Tam đang cặm cụi vun trồng.
Vuốt mô hôi, nhìn ánh mặt trời hồng,
Lòng tràn ngập một niềm vui chiến thắng.

ĐỀ QUYÊN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

4.

Người nông phú

Đôi cánh tay rắn chắc,
Anh xới lúa vun dâu.
Mô hôi rơi thấm đất,
Tình anh tràn ruộng sâu.
Tóc anh vương vấn gió chiều,
Hồn anh thấm lúa, lan vào hương quê.

Đôi trâu bạn bè,
Cuốc cày tri kỷ.
Khỏe làm mệt nghỉ,
Đời đẹp như thơ.
Lòng anh hòa với lũy tre,
Hòa trong lòng đất, đem về nguồn vui.

CAO THÀNH NHÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

5.

Gà mẹ và gà con

Bên góc trại có đôi gà nọ,
Cùng anh em một ổ sinh ra.
Ngày ngày sát cánh vui hòa,
Cùng nhau bới đất, gần xa kiếm mồi.

Một bữa nọ, sâu rơi hạt đổ,
Hai con cùng đâm bổ tranh nhau.
Đánh nhau đến nỗi sày đầu toạc da.
Gà mẹ biết liền ra mắng nhiếc,
“Chẳng thương nhau chỉ thiết miếng mồi!
Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau”.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

6.

Em bé và con chim

– Chim ơi! Hãy xuống cùng ta, 
Lồng son, ống sứ, đệm hoa sẵn sàng.
Có gạo trắng, có kê vàng,
Ở đây no ấm, vẻ vang một đời.

– Thôi, thôi! Ta đã biết rồi,
Lồng son cũng thể là nơi ngục tù.
Hay gì cái kiếp ăn nhờ,
Cánh ràng chân buộc quyền do ở người.
Chi bằng rừng nọ thảnh thơi,
Tổ tuy bé nhỏ, nhưng đời tự do.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

7.

Trên đồi

Có năm mái nhà tranh,
Trên đồi Tăng Nhơn Phú.
Giữa nền trời xanh thằm,
Đưa làn khói cuộn quanh.
Có một nàng thôn nữ?,
Bên cạnh bờ suối trong.
Có năm, ba mục tử,
Ngơ ngác nhìn mênh mông.

Mây trắng quyện lưng đồi,
Chiều tà, nhạt nắng hanh.
Đường chiều, sương chắn lối,
Văng vẳng khúc quân hành.

TRẦN QUANG NGHĨA
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

8.

Chim Việt

Con chim Việt đậu cành Nam,
Dẫu cay dẫu đắng cũng cam tấm lòng.
Cành Nam chim Việt cùng chung,
Cùng đàn cùng giống mà cùng nước non.
Chim lớn thì bảo chim con,
Nghìn đời muôn thuở vẫn còn cành Nam, 
Chăm lo, chăm học, chăm làm,
Cố sao giàu mạnh, vẻ vang tổ nhà.

THTC.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

9.

Buổi sáng trong thành phố

Đèn điện vừa mới tắt,
Kẻ gánh gồng thoăn thoắt.
Từ ngoại ô kéo vào,
Bán sớm mai cho đắt.

Hàng quà cùng hàng cháo,
Tiếng rao, mời huyên náo.
Một em bé đạp xe,
Đến từng nhà mua báo.

Cửa hàng mở sáng choang,
Xe đi lại ngập đường.
Người công nhân đến xưởng,
Các em bé ra trường.

Rộn rã khắp phố phường,
Lao động cùng doanh thương.
Sau một đêm thư thái,
Mạch sống lại tăng cường.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1957)

10.

Bác phu xe

Trời mưa như trút nước,
Đường nhựa bóng như gương.
Gió rung, gào, gió thét,
Nhìn cây cối mà thương.
Giờ chỉ còn mấy bác.

Phu xe cứ chạy đều. 
Chân đạp, tay bẻ lái,
Gắng lướt gió ngược chiều.
Dưới trời mưa ướt át,
Dưới gió rét căm căm.
Người phu xe cảm thấy,
Cả thân thể như dần.
Trong cơn mưa gió đó,
Ai ngồi ở trong nhà.
Có để ý nhìn qua,
Những con người lao khổ.

Theo XUÂN CHINH
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1957)

11.

Công nghệ làng tôi

Làng tôi chuyên nghiệp canh nông,
Nhưng dân còn giữ mấy công nghệ thường.
Sẵn tre, đan thúng đan sàng,
Làm bàn, làm ghế làm giường bằng mây.

Lại nghề dệt cói xe đay,
Chiếu hoa, chiếu đậu, đó đây ưa dùng.
Quay tơ, kéo chỉ ra công,
Dệt the, dệt lụa bán trong xóm làng.

Từ ngày công nghệ mở mang,
Xem ra đời sống dễ dàng hơn xưa.
Cố công học hỏi thi đua,
Hàng ta tinh xảo há thua kém người.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1957)

12.

Mùa hè

Ai yêu cánh đồng?
Ai yêu bãi cát?
Ai yêu những ngọn đồi cao ngất,
Hãy mừng đi! Chờ đón buổi hè sang.
Hãy mừng đi! Sửa soạn bước lên đường!
Ra biển rộng, núi ngàn, đồng bát ngát.
Mùa hè! Mùa hè!
Cảnh trời muôn sắc,
Xa mái trường yêu.
Giã từ bạn tác,
Hẹn gặp ngày mai.
Mây nước cỏ cây,
Đợi chờ bạn trẻ.
Mùa hè: xinh tươi!
Hoa phượng rợp trời.
Đón hè muôn tiếng reo cười,
Mừng hè thêu dệt vạn lời thơ hoa.

PHƯỢNG HẢI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1957)

13.

Các nghề

Mỗi người một nghệ xưa nay,
Nghề buôn, nghề thợ, nghề thầy, nghề nông.
Nghề nào cũng phải gắng công,
Nước nhà mới được cậy trông sau này.

Một nghề chẳng có trong tay,
Mong gì no ấm những ngày khó khăn.
Có nghề là sẽ có ăn,
Lại còn ích quốc lợi dân sau này.

N.S.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1957)

14.

Rỡn nắng [Giỡn nắng]

Em ra rỡn nắng hồng tươi,
Cho gân cứng cáp cho người nở nang.
Tay chân vận động nhịp nhàng,
Nhảy êm như chiếc lá vàng nhẹ bay.

Đàn chim núp ở trong cây,
Thấy em tập võ chúng ngây mắt nhìn.
Máu hồng chảy ở trong tim,
Đời tươi đẹp quá! Phải tìm đâu xa?

TRẦN TRUNG PHƯƠNG
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

15.

Lời khuyên

Các em cắp sách đến trường,
Chớ nên thơ thần bên đường rong chơi.
Mặt mày lau rửa hẳn hoi,
Áo quần chớ có để mùi hôi tanh.
Ngồi trong lớp, cố học hành,
Chớ làm ầm hoặc nhổ quanh chỗ ngồi.
Ra vào đều xếp hàng đôi,
Chơi cầm dao kéo, lỡ thời nguy nan!
Làm bạn tốt, học trò ngoan,
Rồi ra trong xóm, ngoài làng đều khen.

BẢO VÂN
(Bùi Văn Bảo, Việt văn toàn thư, lớp Ba)

16.

Toét mắt

Tẹo năm nay mười tuổi,
Học lớp ba trường làng.
Quần áo thật là sang,
Nhưng phải cái mắt toét!

Tẹo ra ngồi bàn bét,
Mắt hấp háy, lim dim.
Mỗi khi ngước mắt nhìn,
Y như nước mắt chảy.

Mắt bị toét như vậy,
Vì Tẹo bẩn vô cùng!
Đất cát bốc lung tung,
Tay bẩn sờ lên mắt.

THI THI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

17.

Trăng thu

Dưới vầng trăng sáng tỏ,
Ánh vàng đẹp rung rinh.
Bên tôi đàn em nhỏ,
Mỉm nụ cười xinh xinh.

Nhìn đàn em thơ dại,
Ánh mắt ngời long lanh.
Nắm tay cùng nhảy mãi,
Vũ khúc “Trăng thanh bình”.

Các em cười ríu rít,
Ca vang dưới trời thanh.
“Đêm nay trăng thu đẹp,
Như ngày xanh thơm lành…”.

THÚY MAI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

18.

Mấy điều khuyên vệ sinh

Khi chơi đừng chạy quá nhanh,
Khi đau ốm gặp đô lành hãy ăn.
Ban đêm đắp bụng khi nằm,
Gặp mưa quần áo ướt đầm phải thay!

Ăn cho ra bữa ra ngày,
Người tham lam quá lại hay ốm nhiều.
Mô hôi càng chảy bao nhiêu,
Lại càng nên tránh những chiều gió qua.

Còn nước bẩn, phải kiêng xa,
Nếu theo đúng thế ắt là khỏe luôn…

BẢO VÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

19.

Vệ sinh về răng

Các em nên nhớ ăn xong,
Xỉa răng sạch sẽ thì không hôi mồm.
Khi sáng dậy, lúc chiều hôm,
Trước khi đi ngủ nhớ còn đánh răng.

Dùng bàn chải, hoặc lấy khăn,
Cọ kỳ rồi súc miệng bằng nước trong.
Tiện ta dùng thuốc, xà phòng,
Nếu mà có thiếu cũng không hề gì!

Điều cần nhất phải nên ghi,
Giữ răng cho sạch, bất kỳ gái trai.

BẢO VÂN
(Bùi Văn Bảo, Việt văn toàn thư, lớp Ba)

20.

Cây dứa

Một em bé ra đường chơi bậy,
Gai dứa đâu, đâm chảy máu ra.
Chạy về khóc mếu kêu cha,
Dứa chi thổ tả, thực là lắm gai!

Sao mà lại trồng ngay đường cái?
Chẳng ích chi thêm hại cho người!
Cha rằng: trồng để răn đời,
Những nơi gai góc là nơi chớ gần.

Quốc văn độc bản
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

Bên trên là 20 bài thơ, bài đọc thuộc lòng được chọn vào trong sách giáo khoa bậc tiểu học thời gần 70 năm trước, xuất bản năm 1957. Những bài thơ khác, được in trong các năm sau đó sẽ được đăng trong các bài viết tiếp theo.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận