Nhan sắc khả ái của ca sĩ Băng Châu qua bộ sưu tập ảnh đẹp trước và sau 1975

Vào đầu thập niên 1970, làng văn nghệ Sài Gòn có sự xuất hiện của một khuôn mặt rất trẻ, vẫn còn mang dáng dấp một nữ sinh với những nét đẹp tươi tắn, nhu mì, rạng rỡ nhưng vẫn còn phảng phất hương lúa ngọt ngào của miền Tây trù phú. Đó là nữ ca sĩ Băng Châu, đồng thời cũng là diễn viên điện ảnh và kịch nghệ nổi tiếng.

Ca sĩ Băng Châu tên thật là Nguyễn Thị Xuân Mai, sinh ngày 1/8/1950. Nghệ danh Băng Châu được chính cô đặt khi mới chập chững vào nghề. Cô vốn học ban văn chương nên muốn đặt một cái tên thật ý nghĩa, và theo cô cho biết, Băng Châu có nghĩa là một “viên ngọc lạnh”.

Hai bên nội ngoại của ca sĩ Băng Châu đều là người gốc ở Trà Ôn thuộc Cần Thơ, năm 1945 cha mẹ cô chạy loạn đến Bà Rịa và sinh 4 người con tại đây. Gia đình Băng Châu có đến 10 anh chị em, trong đó cô là chị gái đầu, bên trên còn có 2 anh trai. Đến năm cô bé Xuân Mai được 5 tuổi thì cả nhà chuyển về lại Trà Ôn để sinh sống, lúc này thuộc tỉnh Phong Dinh. Đến năm 11 tuổi (1961), ca sĩ Băng Châu được đưa lên “Tây đô” – Cần Thơ để tiếp tục học tập.

Từ nhỏ Băng Châu đã rất thích ca hát, và theo học đàn (môn năng khiếu) ở trường từ khi học đệ thất. Sau đó ở cô tham gia những chương trình “người em gái hậu phương” và hát cho chiến sĩ nghe, cũng từ đó Băng Châu có may mắn được gặp gỡ những nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc.


Click để nghe nhạc Băng Châu trước 1975

Thời gian này, các đoàn văn nghệ cũng thường xuyên đến Cần Thơ, như ban Hoa Tình Thương, Biệt đoàn Văn Nghệ Trung Ương… Trong những buổi giao lưu văn nghệ, Băng Châu có cơ duyên được gặp một ca sĩ trong Biệt đoàn văn nghệ là Tuyết Nhung, cũng là vợ của nhạc sĩ Nguyên Thảo. Ca sĩ Tuyết Nhung thấy được tiềm năng của Băng Châu nên đã gợi ý lên Sài Gòn để phát huy được hết khả năng ca hát.

Năm 1969, vì quá đam mê ca hát, Băng Châu bỏ học lên Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội cho sự nghiệp. Ca sĩ Tuyết Nhung đã dẫn cô đến gặp các nhạc sĩ tên tuổi trong Biệt đoàn văn nghệ, trong đó có 3 nhạc sĩ Duy Khánh, Khánh Băng và Châu Kỳ, cũng là 3 nhạc sĩ đầu tiên đã nâng đỡ Băng Châu trong những bước đầu của sự nghiệp.

Người đầu tiên giúp đỡ Băng Châu chính là ca nhạc sĩ Duy Khánh, cũng là người thầy đã nâng đỡ cô rất nhiều. Sau đó gương mặt khả ái của Băng Châu cũng lần đầu được xuất hiện trước khán giả qua chương trình truyền hình Tiếng Thùy Dương của nhạc sĩ Châu Kỳ sau khi thu dĩa ca khúc đầu tiên là Nhớ Nhau Hoài, từ đó giọng hát Băng Châu bắt đầu ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.


Click để nghe Băng Châu hát Nhớ Nhau Hoài trước 1975

Nhưng phải đến một thời gian sau, với bài hát Qua Cơn Mê thu trong băng nhạc Trường Sơn của nhạc sĩ Duy Khánh thực hiện, tên tuổi của Băng Châu mới được chắp cánh để trở thành một ngôi sao sáng trong làng nhạc miền Nam vào đầu thập niên 1970. Đã 50 năm qua, tên tuổi của Băng Châu vẫn được người ta nhớ đến nhiều nhất với bài hát này.

Thực ra người thu âm bài này đầu tiên là Duy Khánh trong đĩa nhựa, sau đó Băng Châu thu âm lại vào băng cối, và từ đó Qua Cơn Mê với tiếng hát Băng Châu đã trở thành một hiện tượng trên khắp miền Nam, được phát gần như suốt cả ngày trên các đài phát thanh ở Sài Gòn. Thời điểm đó đang diễn ra hoà đàm Ba Lê, và bài hát này thể hiện những khát vọng lớn lao về hoà bình, đúng với tâm trạng chung của hầu hết những quân – dân miền Nam lúc đó.


Click để nghe Băng Châu hát Qua Cơn Mê trước 1975

Giữa Băng Châu và Duy Khánh không đơn thuần là thầy trò mà còn nảy sinh tình cảm với nhau, ca sĩ Băng Châu thừa nhận rằng nhạc sĩ Duy Khánh đã sáng tác ca khúc Đêm Bơ Vơ để nói về chuyện tình đó. Ngoài ra, nhạc sĩ Nhật Ngân cũng chứng kiến mối tình và sáng tác ca khúc Lời Đắng Cho Cuộc Tình để nói lên tâm trạng của Duy Khánh thời điểm đó.

Nổi tiếng trong làng nhạc Sài Gòn không lâu, Băng Châu nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực điện ảnh. Sau khi được xuất hiện trên truyền hình trong chương trình Tiếng Thùy Dương, gương mặt xinh xắn và thuần khiết của cô đã nhanh chóng được lọt vào mắt xanh của đạo diễn Lê Dân, và Băng Châu được đạo diễn mời đóng vai chính Trần Thị Diễm Châu trong bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Châu Kool của nhà văn Duyên Anh.

Khi đạo diễn Lê Dân tìm dương mặt nữ chính cho phim này, ông đã đi tìm rất nhiều trong các nữ nghệ sĩ cải lương, các nữ minh tinh màn bạc, các nữ ca sĩ để tìm một người có thể đóng được một nhân vật đa diện, từ một thiếu nữ ngây thơ, đến một người đàn bà bụi đời giống như nhân vật Trần Thị Diễm Châu có biệt danh là Châu Kool trong tiểu thuyết.

Đóng cùng Nguyễn Chánh Tín trong phim Vĩnh Biệt Tình Hè

Sau này, đạo diễn Lê Dân kể lại là Băng Châu đã hoàn thành xuất sắc vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp. Cô là hiện thân pha trộn của ba mẫu người khác nhau. Khi đóng vai Diễm Châu nữ sinh, cô có vẻ ngây thơ trong sáng và hành xử rất hồn nhiên. Khi đóng vai Diễm Châu thiếu phụ đa tình, cô thể hiện được mẫu người tình tứ thập phần gợi cảm. Khi đóng vai Diễm Châu nữ chúa, cô thể hiện được vẻ dữ dằn sắt đá.

Bộ phim “Trần Thị Diễm Châu” vừa trình chiếu ở Sài Gòn thì tên tuổi của Băng Châu ngay lập tức tạo được một dấu ấn lớn đối trong giới trẻ đô thành. Từ thành công đầu tiên với lãnh vực điện ảnh này, Băng Châu được mời xuất hiện trong nhiều phim khác như Vĩnh Biệt Tình Hè, Trường Tôi, Bốn Thủy Thủ Sợ Ma, Năm Vua Hề Về Làng…

Băng Châu cho biết cô rất thích đi du lịch, nhưng vì là con gái nên không có nhiều điền kiện để đi nhiều, chính nhờ đi hát, và đặt biệt là tham gia đóng phim mà cô được đi rất nhiều nơi đúng với niềm mơ ước từ lúc nhỏ của mình.

Sau năm 1975, ca sĩ Băng Châu tiếp tục sinh hoạt âm nhạc, đóng phim, đến tháng 9 năm 1979 thì cô sang Mỹ định cư ở bang Utah, được vài tháng sau thì chuyển về Cali, cộng tác với nhiều trung tâm băng đĩa hải ngoại.

Ngoài ca hát, Băng Châu còn là một MC, xướng ngôn viên truyền hình và truyền thanh được yêu thích ở hải ngoại.

Băng Châu năm 2016

Mời các bạn xem lại sắc đẹp khả ái của nữ ca sĩ Băng Châu qua thời gian.

Hình trước năm 1975 – Một thời xuân sắc:

Băng Châu là học trò của nhạc sĩ Duy Khánh, tác giả của những cuốn băng Trường Sơn nổi tiếng. Đây là hình bìa của băng Trường Sơn 1 – Hát Giữa Quê Hương

Bên cạnh Băng Châu là nghệ sĩ Tùng Lâm

Diễn xuất cùng Nguyễn Chánh Tín trong phim Vĩnh Biệt Tình Hè

Diễn xuất cùng Nguyễn Chánh Tín trong phim Vĩnh Biệt Tình Hè

Băng Châu và đoàn làm phim Vĩnh Biệt Tình Hè

Băng Châu vào vai nhân vật Châu Kool trong phim Trần Thị Diễm Châu, một vai diễn có tính cách đa dạng

Băng Châu và diễn viên Hoài Mỹ

Hình ảnh sau năm 1975

Băng Châu ở trại tị nạn

Băng Châu ở trại tị nạn

Băng Châu ở trại tị nạn

Băng Châu và con gái, khi vừa qua Mỹ được vài tháng

Băng Châu và nữ nhạc sĩ Khúc Lan

Băng Châu và Phương Hồng Quế

Băng Châu và nữ tài tử Lệ Hoa năm 1980

Hình ảnh trên bìa băng đĩa nhạc ở hải ngoại:


Về giọng hát của Băng Châu, nhà Văn Hồ Trường An đã mô tả như sau:

“Giọng hát Băng Châu mềm mại ngọt ngào. Cô được cái ưu điểm là dàn trải làn hơi đâu ra đó. Tiếng hát của Băng Châu là tiếng hát buồn man mác của người cô phụ đêm đêm chong đèn ngồi bên song cửa nhìn bóng trăng tà ngoài song và đối diện với ngọn hàn đăng trong cô phòng.

Tiếng hát cô lúc buồn theo mùi hương nguyệt quế ngào ngạt tỏa ra chung quanh khuôn viên của căn nhà kia, từ lúc đèn đêm thắp sáng cho tới lúc cửa sổ khép kín và ánh đèn trong hương khuê phụt tắt. Đó là lúc hương cau, hương bưởi và hương dạ lý thay nhau lan tỏa trong sương khuya và trong những cơn gió mỏng hiu hiu. Những mùi hương ấy ở chốn cùng thôn tuyệt tái thì ngoài nàng ra không có ai thưởng thức chúng, cho nên đó cũng chỉ là những thứ hương bị quên lãng và bị nhốt chung một phận buồn như nàng”.

Sau đây là những bài hát đã làm nên tên tuổi Băng Châu trước năm 1975:

Nhớ Nhau Hoài

Ca khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ thơ Thiên Hà này là ca khúc đầu tiên mà Băng Châu thu thanh vào dĩa nhựa. Ngay sau đó, cô được nhạc sĩ Châu Kỳ mời xuất hiện trên chương trình Tiếng Thùy Dương phát trên đài truyền hình để hát chính ca khúc này, để rồi từ đó, khuôn mặt khả ái cùng giọng hát nhẹ nhàng của cô đã được xuất hiện lần đầu và chinh phục được các tầng lớp khán giả yêu nhạc vàng thập niên 1970.


Click để nghe Nhớ Nhau Hoài

Qua Cơn Mê

Nếu như Nhớ Nhau Hoài là ca khúc giới thiệu được tên tuổi Băng Châu với công chúng, thì Qua Cơn Mê là ca khúc đưa tên tuổi của cô vút cao trong làng nhạc. Bản thu này được “thầy Duy Khánh” giới thiệu trong băng nhạc Trường Sơn trước năm 1975, để rồi từ đó ca khúc này đóng dấu vào tên tuổi Băng Châu suốt gần 50 năm qua.


Click để nghe Qua Cơn Mê

Thực ra người thu âm bài này đầu tiên là Duy Khánh trong đĩa nhựa, sau đó Băng Châu thu âm lại vào băng cối, và từ đó Qua Cơn Mê với tiếng hát Băng Châu đã trở thành một hiện tượng trên khắp miền Nam, được phát gần như suốt cả ngày trên các đài phát thanh ở Sài Gòn. Thời điểm đó đang diễn ra hoà đàm Ba Lê, và bài hát này thể hiện những khát vọng lớn lao về hoà bình, đúng với tâm trạng chung của hầu hết những quân – dân miền Nam lúc đó.

Viết Thư Tình

Bài hát rất hay này của nhạc sĩ Trúc Phương còn có tên khác là Thư Gửi Người Miền Xa, là một trong những bài nhạc lính được yêu thích nhất.

Bài hát này được Trúc Ly thu thanh đầu tiên trong dĩa nhựa, nhưng bản thu của Băng Châu trong băng cối Trường Sơn vào thập niên 1970 mới được biết đến nhiều hơn và đến nay vẫn được nhiều người tìm nghe.


Click để nghe Viết Thư Tình

Chiều Thương Đô Thị

Ca khúc nổi tiếng của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh cùng hợp soạn này đã được rất nhiều ca sĩ hát. Giữa rất nhiều phiên bản khác nhau, bản thu của Băng Châu trước năm 1975 vẫn được nhiều người yêu thích.

Chiều Thương Đô Thị được sáng tác từ năm 1961, nhạc sĩ Song Ngọc viết phần nhạc và Hoài Linh viết lời, có nội dung là một người bạn (Hoài Linh) đưa tiễn một người lính trẻ (Song Ngọc) lên đường tòng chinh.

Thời điểm này nhạc sĩ Hoài Linh là cảnh sát thuộc Nha cảnh sát quốc gia, ở lại Sài Gòn làm việc, còn nhạc sĩ Song Ngọc đi vào quân trường Thủ Đức và được huấn luyện gian khổ ở nơi xa đô thành.


Click để nghe Chiều Thương Đô Thị

“Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng:
Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư
Không tan theo cùng hư vô
Không theo tháng năm phai mờ
Tình nào tha thiết anh ơi?”

Đêm Trao Kỷ Niệm

Nhiều người không biết rằng ca khúc rất tình cảm này là một sáng tác nổi tiếng của cố nghệ sĩ Hùng Cường, 1 trong tứ trụ nhạc vàng. Sau năm 1975, bài hát rất nổi tiếng với đôi song ca Duy Khánh – Hương Lan. Còn trước năm 1975, Băng Châu đã ghi dấu ấn với ca khúc này:


Click để nghe Đêm Trao Kỷ Niệm

Lời Của Mẹ

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Tấn An này còn có tên khác là Rồi 20 Năm Sau, được hầu hết các nữ ca sĩ danh tiếng nhất của nhạc vàng hát. Tuy nhiên Băng Châu – với thế mạnh là một người miền Tây, có giọng hát ngọt ngào rất phù hợp với bài hát có điệu ru hời này.


Click để nghe Lời Của Mẹ

Nhật Ký Hai Đứa Mình

Giọng hát của Băng Châu cũng được yêu thích với ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác:


Click để nghe Nhật Ký 2 Đứa Mình

Băng Châu là học trò của ca nhạc sĩ Duy Khánh, được đích thân danh ca huyền thoại, cũng là một nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng này giúp đỡ và lăng xê, đặc biệt là với những bài hát do chính Duy Khánh sáng tác như Sao Không Thấy Anh Về, Mùa Chia Tay, Trường Cũ Tình Xưa…


Click để nghe Sao Không Thấy Anh Về


Click để nghe Mùa Chia Tay


Click để nghe Trường Cũ Tình Xưa

Mời bạn nghe thêm video 30 bài hát hay nhất của Băng Châu thu âm trước 1975 sau đây:


Click để nghe

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận