Nhạc sĩ Phạm Duy và những ca khúc Hương Quê sáng tác 70 năm trước: Em Bé Quê, Vợ Chồng Quê, Bà Mẹ Quê

Trong lĩnh vực tân nhạc Việt Nam suốt hơn 80 năm qua, có lẽ là không có bất kỳ một nhạc sĩ nào có thể sánh bằng nhạc sĩ Phạm Duy về số lượng ca khúc được yêu thích và sự đa dạng thể loại, chủ để trong sáng tác. Trong tất cả các địa hạt liên quan đến âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy luôn hiện diện, từ nhạc tiền chiến, dân ca, tình ca, du ca, nhạc phim, nhạc trẻ… đến các chủ đề mà ông đặt tên là bình ca, tâm ca, hương ca, tâm phẫn ca, đạo ca, thiền ca, rong ca, nữ ca…

Trước khi sáng tác nhiều bài tình ca nổi tiếng, trong 2 thập niên 1940-1950 nhạc sĩ Phạm Duy dành nhiều thời gian và tâm huyết để sáng tác nhạc quê hương, con người Việt Nam, tự tình dân tộc, trong đó có chùm ca khúc được ông gọi là nhạc Hương Quê, đó là 3 ca khúc Em Bé Quê, Vợ Chồng Quê, và Bà Mẹ Quê, là biểu tượng cho quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc.


Click để nghe Ban Thăng Long hát Em Bé Quê – Vợ Chồng Quê – Bà Mẹ Quê khoảng cuối thập niên 1950

Trong chùm 3 ca khúc này, nếu như Bà Mẹ Quê tượng trưng cho sự hy sinh, lòng kiên nhẫn, là biểu tượng của quá khứ, còn Vợ Chồng Quê tượng trưng cho tình yêu, sức sống, niềm hạnh phúc ngập tràn trong cuộc đời bình dị, là biểu tượng của hiện tại… thì Em Bé Quê là mầm non của đất nước, biểu tượng của tương lai:

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao

Các em bé thành thị và cả ở nhiều miền quê ngày nay hầu như không thể hình dung được công việc chăn trâu là như thế nào. Nhưng vào thời xưa, công việc chăn trâu là công việc thường nhật, quen thuộc của các em bé quê. Hình ảnh cậu bé ở trần ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo trong bức tranh Đông Hồ nổi tiếng đã đi vào tiềm thức của người Việt như một dấu ấn văn hoá đậm sâu, thể hiện tinh thần vui tươi, lạc quan của người Việt. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng không ngoại lệ, ông đưa tinh thần, tư tưởng đó vào trong âm nhạc của mình một cách tự nhiên và dí dỏm.

Mở đầu bài hát là tinh thần lạc quan, yêu đời vốn có của con người Việt Nam, thể hiện ngay cả với một em bé chăn trâu ở đồng quê. Các em bé không thấy chăn trâu cực nhọc mà xem như một thú vui tao nhã: “ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao”. Vui với đàn trâu nhưng kẻ mục đồng cũng không quên nhiệm vụ học tập chăm chỉ của mình:

Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau

Chiều nghe tiếng diều
Trên bờ đê vắng xa
Đường về xóm nhà
Chữ i, chữ tờ

Lùa trâu nhốt chuồng
Gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp trấu
Ngon hơn là vàng

Nửa đầu ca khúc tái hiện một ngày bình thường của những em bé quê, sáng đi học, chiều đi chăn trâu, sẩm tối thì lùa trâu về chuồng, rồi phụ giúp cha mẹ gánh nước. Sau một ngày vất vả mệt nhọc, bụng đói nên chỉ cần củ khoai lùi bếp trấu nóng hổi, thơm lừng, là đã “ngon hơn là vàng”. 

Em mới lên năm, lên mười
Nhưng em không yếu đuối
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ
Làm việc rất say sưa

Em biết yêu thương đời trai
Đời hùng anh chiến sĩ
Ước mong sao em lớn lên mau
Vươn sức mạnh cần lao

Những cô bé cậu bé mới lên 5, lên 10 tưởng như vẫn còn hồn nhiên, vô tư lự nhưng đã thấp thoáng những suy tư sâu sắc. Dù vất vả lao động, nhưng em không hề than van yếu đuối ngược lại còn yêu thương và cảm thông với nỗi vất vả của cha mẹ. Em biết trân trọng và ghi ơn những người chiến sĩ hùng anh đã hy sinh đời trai cho quê hương đất nước, đồng thời nuôi trong mình khát vọng mau chóng lớn khôn để “vươn sức mạnh cần lao”, để làm được nhiều điều cho quê hương xứ sở.

Kìa trăng sáng ngời
Đêm rằm Trung, Trung Thu
Đời vui trống giòn
Tiếng ca lẫy lừng

Từ ngõ ngách làng
Đèn đuốc rước triền miên
Bao người đóng góp
Vui chung một miền

Trâu hỡi trâu ơi đi cầy
Trâu ơi đi cấy nhé
Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia
Là của những dân quê

Em bé dân quê Việt Nam
Là mầm non tươi thắm
Sức mai sau xây đắp quê hương
Cho nước giàu mạnh hơn

Vàng lên cánh đồng
Khi trời vươn ánh dương
Trẻ thơ lớn dậy
Giữ quê, giữ vườn

Đời vui thái bình
Cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức
Trâu ăn đầy đồng…

Ca khúc thứ 2 trong chủ đề Hương Quê của nhạc sĩ Phạm Duy là Vợ Chồng Quê, được ông mô tả như sau: 

“Vợ Chồng Quê tượng trưng cho tình yêu trong sạch, sức làm việc, niềm hạnh phúc chỉ dành cho những kiếp người lành mạnh, biểu tượng hiện tại”.

Quả thực, ca khúc Vợ Chồng Quê mang đến cho người nghe một luồng sinh khí tươi trẻ, nồng nhiệt, đắm say của những người trẻ, của những cặp vợ chồng mới cưới đang cùng chung tay xây đắp đời sống mới.

Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen ròn với nụ cười son

Ngay mở đầu ca khúc, nhạc sĩ giới thiệu đến người nghe hình ảnh chàng trai lực điền chất phát và cô gái thôn quê mang làn da rám nắng đen ròn nhưng duyên dáng, nết na. Họ giống như những hạt giống tốt nhất của làng quê tươi trẻ, khoẻ khoắn và hăng say lao động:

Hỡi anh gánh gạo trên đường, chàng ơi
Gạo Nam, gạo Bắc
Đòn miền Trung, gánh đừng để rơi
Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi


Click để nghe Duy Khánh – Tuyết Mai thu âm Vợ Chồng Quê thập niên 1950

Đất nước Việt Nam từ ngàn xưa đã được gầy dựng, giữ gìn bởi những người dân thôn quê, chân lấm tay bùn. Dù chỉ làm những công việc lao động bình thường trên đồng ruộng, nhưng trong máu huyết của những chàng trai, cô gái ấy là dòng máu nóng Việt Nam. Trong tình yêu lao động hăng say, nhiệt thành là tình yêu đất nước, yêu trời biển quê hương nước Việt.

Người Việt xưa nay thường ví von dải đất miền Trung nhỏ hẹp, nghèo khó, luôn chịu nhiều thiên tai, mất mát giống như một chiếc quang gánh, gánh hai đầu Bắc Nam. Không lâu sau khi bài hát này được ra đời, miền Trung lại trở thành vùng hỏa tuyến gánh chịu nhiều đau thương nhất. Vậy nên hình ảnh chàng trai gánh gạo Bắc – Nam, bằng chiếc “đòn gánh” miền Trung giống như trọng trách của những người trai đất Việt, phải gánh vác trên vai gánh nặng sơn hà. Và câu hát “Đòn miền Trung, gánh đừng để rơi/ Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi” chính là lời nhắn gửi, mong cầu của nhạc sĩ nói riêng và những người con Việt nói chung mong non sông đất nước luôn liền một giải, không bị gẫy gánh chia đôi.

Hỡi em tát ruộng bên ngòi, nàng ơi
Biển Đông ta tát cạn

Nàng nàng ơi, cho đời thuận nhau
Nàng nàng ơi, cho đời thuận nhau

Nàng nàng ơi, chàng chàng ơi
Nàng nàng ơi, chàng chàng ơi

Hình ảnh những cô gái tát ruộng, tát cạn cả Biển Đông chính là hình ảnh của những người phụ nữ Việt dù nhỏ bé nhưng không hề hèn yếu, luôn đồng thuận, kề vai sát cánh cùng những người trai, cùng gánh vác sơn hà.


Click để nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Vợ Chồng Quê trước 1975

Chàng nhìn đàn chim rồi ước như chim ngang trời
Sống chia miếng mồi, như đũa có đôi
Nàng cười không nói, ngước ra sông núi
Má em hây hồng như áng mây trời

Tình yêu của đôi trai gái quê được khắc hoạ giản dị và đầy ý nhị qua từng câu chữ mộc mạc: “Chàng nhìn đàn chim rồi ước như chim ngang trời, sống chia miếng mồi, như đũa có đôi”. Đó chính là thứ tình yêu bản năng, hồn nhiên, nồng nhiệt và đắm say nhất. Chẳng cần ước hẹn trăm năm, chẳng cần cung vàng điện ngọc, nhà cao lầu lớn, chỉ cần chung đôi, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.

Một ngày sang Thu
Một buồng cau tơ
Quanh co lối xóm những tà áo mới

Mẹ già yên lòng
Thiếu nữ mơ mòng
Các em nhi đồng trống ếch khua vang

Bức tranh đám cưới làng quê nghèo khó nhưng thanh bình, ngọt ngào, vui tươi, nồng hậu được nhạc sĩ khắc hoạ đầy đủ và rõ nét qua hình ảnh buồng cau tơ, những tà áo mới, mẹ già yên lòng, thiếu nữ mơ mòng và các em nhi đồng trống ếch khua vang. Bất kỳ ai sinh ra và lớn lên ở những miền quê, hẳn sẽ cảm nhận rõ ràng cái không khí nao nao, vui tươi, rộn rã, thân tình của những đám cưới quê. Đó không phải là sự kiện riêng của cá nhân gia đình mà là niềm vui chung của cả làng, cả xóm. Khi một đám cưới diễn ra, hàng xóm làng giếng hoàn toàn không phải là những người ngoài cuộc, họ chung tay cùng nhau giúp đỡ, vun vén cho ngày vui của đôi trai gái được vẹn tròn, vui vẻ.

Chàng vừa cầy sâu, vừa hứng mưa trên đất mầu
Hái bông ngô vàng hay bới khoai nâu
Nàng vừa cuốc bẫm, tắm trong sương sớm
Tát xong nước rồi, sẽ về thổi cơm

Chữ i móc ngược o o ó o tròn, người ơi
Còn trong một nước
Người người ơi, ta còn yêu nhau
Người người ơi, ta đừng bỏ nhau 

(“Chữ i móc ngược o tròn” trong câu hát có lẽ được nhạc sĩ mượn từ câu dạy cách học vỡ lòng tiếng Việt từ đời xưa “Chữ i móc ngược, chữ tờ gạch ngang”, như là cách đề cao tinh thần dân tộc của những người chung một nước).

Á ơi, con ngủ cho muồi
À ơi, cười vui trong giấc mộng
À à ơi ! Yêu đời tự do
À à ơi, À à ơi ! À à ơi, à ơi. 

Thuở nào vườn cau vừa mới cao ngang mái đầu
Lúa dăm ba sào, nay đã hai trâu
Nhìn thằng cu bé dẫm mưa trong ngõ
Nước mưa chan hoà cho tốt lúa nhà

Mùa màng năm nay
Gạo tròn tay say
Đêm đêm thức giấc lúc gà chưa gáy

Vì đời yên lành
Nên lúa đa tình
Hứa cho đôi mình kiếp sống thanh bình 

Sau bao khó nhọc, vất vả, đôi vợ chồng trẻ cũng xây đắp được một tổ ấm tươm tất với vườn cau, ruộng lúa, con trâu và những đứa trẻ khoẻ mạnh, hồn nhiên. Họ sống một cuộc đời thanh đạm, nghèo khó nhưng yên bình, lạc quan và hạnh phúc.

Ca khúc Vợ Chồng Quê được sáng tác vào khoảng năm 1953, và trong đó chứa đựng rất nhiều hình ảnh của chính đôi vợ chồng quê Phạm Duy – Thái Hằng, vào thời điểm họ cưới nhau ở vùng quê Thanh Hóa. Dù là viết nhạc dựa trên hoàn cảnh và những cảm xúc của chính mình, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã nói thay được tâm tư tình cảm của hàng triệu đôi vợ chồng quê của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Vợ chồng quê Phạm Duy – Thái Hằng năm 1948

Với ca khúc này, có thể thấy không chỉ tình yêu trai gái, vợ chồng, mà cả tình yêu gia đình, quê hương, xứ sở cùng xuất hiện, hoà thành một thể thống nhất, cùng thăng hoa trong những lời ca ngọt ngào, vui tươi, nồng hậu của thể điệu âm nhạc dân gian được nhạc sĩ Phạm Duy lồng ghép vào ca khúc.


Click để nghe Nhật Trường – Thanh Lan hát Vợ Chồng Quê trước 1975

Bài hát thứ 3 là Bà Mẹ Quê, được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành năm 1954. Đây là những ca khúc đã nhận được sự yêu mến và phổ biến sâu rộng, không chỉ đối với người yêu nhạc mà còn đối với mọi tầng lớp quần chúng, đó là bởi nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa vào trong bài hát những giai điệu trữ tình gần gũi của âm nhạc dân tộc, cùng những hình ảnh, ca từ giản dị mà thân thuộc đối với bất kỳ người Việt nào.

Ngay mở đầu ca khúc, hình ảnh những bà mẹ tảo tần, chắt chiu của những làng quê Việt Nam đã hiện ra thân thương, gần gũi trong một không gian mộc mạc và chân thực:

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu

Cho đến tận ngày nay, khi mà lối sống hiện đại đã tràn về khắp các miền quê Việt, thì khu vườn rau với những đàn gà loanh quanh trong vườn của mẹ vẫn là những hình ảnh thân thương, trân quý nhất mà những người con xa quê thường nhớ về. Khi con còn nhỏ, gia đình còn nghèo khó, người mẹ chắt chiu từng bó rau, cái trứng, từng thức quả trong vườn để đem đổi lấy tiền, gạo, mắm, muối,… để nuôi sống đàn con lớn lên. Khi con đã trưởng thành, đi xa, mẹ lại gói ghém từng cái trứng, nhặt từng bó rau gửi về thành thị cho con. Hình ảnh bà mẹ mộc mạc, chân quê, chẳng hề nổi bật mà lẩn khuất trong vườn rau xanh ngắt, giữa đàn gà con được nhạc sĩ vẽ lên thật đẹp bằng những ca từ giản dị mà thân thương.


Click để nghe Thái Hằng hát Bà Mẹ Quê năm 1951, ngay sau khi bài hát được ra đời

Bà, bà mẹ quê!
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà, bà mẹ quê!
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon

Những câu hát ngọt ngào, đẩy đưa đậm chất ca dao dân ca như những con sóng lăn tăn vỗ vào lòng người những cơn rung chấn cảm xúc đậm sâu. Trong những gia đình Việt truyền thống, người mẹ thường thức dậy sớm trước cả nhà để lo việc nấu nướng, chợ búa.

Thời xưa không có đồng hồ, nên nhịp sinh hoạt đêm ngày phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Người ta chia mỗi đêm thành 5 canh, mỗi canh khoảng 2 giờ đồng hồ, tính từ khoảng 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Mọi người thường sẽ thức dậy vào canh 5 tức là vào khoảng 3-5 giờ sáng nhờ vào tiếng gáy của những chú gà trống: “Gà gáy trên đầu ngọn tre” – Đó là tiếng gáy đầu tiên vang lên khi trời vừa tờ mờ sáng, khi mọi người còn chưa thức dậy, trời đêm còn yên tĩnh, nên tiếng gáy của chú gà trống vang xa hơn, lớn hơn. Đó là lúc người mẹ thức dậy, nấu nồi cơm, nồi cháo, đặt ấm nước lên bếp, rồi sửa soạn đi cho kịp buổi chợ sớm. Những đứa trẻ được cha mẹ yêu thương sẽ không phải thức dậy sớm, khi ngủ dậy thường sẽ không thấy mẹ ở nhà vì mẹ đã đi chợ từ sớm.

Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người Việt, những buổi sáng thức giấc, ngồi trước hiên nhà, chờ mẹ đi chợ về mang theo những món quà bánh là những kỷ niệm ngọt ngào không thể phai.

Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều thì phơi lúa ra

Những câu hát giống như đoạn đối đáp đầy tình cảm, quan tâm và yêu thương giữa những người trong gia đình. Đáp lại nỗi lo lắng khi trời mưa trút xuống khiến mẹ bị ướt áo, người mẹ lại lạc quan rằng: “mưa nhiều càng tươi bông lúa”. Đáp lại sự than vãn trong những ngày trời nắng đổ lửa đến “bốc khói sân nhà” thì mẹ lại bình thản đáp rằng: “nắng nhiều thì phơi lúa ra”. 

Người nghe nhạc mang những cảm xúc khó tả khi hình dung về một người mẹ tảo tần, vất vả trong mưa nắng nhưng không nề hà, than van khó nhọc mà luôn lạc quan, vui vẻ. Dường như, chẳng có điều gì làm khó được những bà mẹ quê ấy, bởi họ đã chịu nhiều nỗi vất vả nhọc nhằn hơn nữa.

Bà, bà mẹ quê, đêm sớm không nề hà chi
Bà, bà mẹ quê, Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui

Và dù mẹ có cực khổ, vất vả hơn nữa, thì mẹ cũng chẳng “nề hà chi”, vẫn sẽ ngày ngày thức khuya dậy sớm, không mong cầu ao ước gì cho bản thân mình, mà chỉ mong con trẻ lớn khôn, vui tươi, khoẻ mạnh.

Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ thiu giấc say
Bà, bà mẹ quê!

Để rồi khi những đứa con lớn lên, trưởng thành đi xa, lại chính những bà mẹ quê ấy trở thành người bà không quản ngại vất vả, sớm hôm, tiếp tục chăm sóc cho những đứa cháu. Hình bóng những người mẹ, những người bà áo mỏng thân gầy hiện ra thật xót xa trong từng câu hát nhấn nhá, tưởng như nhẹ bẫng mà thẫm đẫm niềm nhớ thương và tri ân sâu sắc.

Câu hát “miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy” thể hiện sự tinh tế đặc biệt của nhạc sĩ Phạm Duy trong cách sử dụng ca từ. Dù chẳng có lời nào đề cập đến sự còn hay mất của bà mẹ quê xưa ấy nhưng người nghe vẫn ngầm hiểu rằng, đứa con đi xa đã chẳng còn nhận được sự yêu thương, chăm sóc, gần gũi của người mẹ ấy nữa. Tất cả chỉ còn là ký ức, là nỗi nhớ nhung, hoài thương, chát đắng trong lòng.


Click để nghe Khánh Ly hát Bà Mẹ Quê

Chân bước ra đời rồi xa
Bà bà mẹ quê!
Từ lúc quê hương xoá nhoà
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ xa

Cho đến những câu hát cuối cùng này thì ta hiểu rằng, tâm sự của người con, người cháu trong ca khúc chính là tâm sự của nhạc sĩ Phạm Duy nói riêng và rất nhiều người Việt nói chung trong giai đoạn chia phôi, đầy biến động của đất nước. Câu hát “chân bước ra đời rồi xa” chính là hoàn cảnh thực của nhạc sĩ, ông trưởng thành ra đời rồi đi xa, xa mãi càng ngày càng xa, đến khi Bắc – Nam chia đôi, “quê hương xoá nhoà”, đường về mù mịt nhìn lại thì đã chẳng còn thấy gì nữa, đã bặt tin tức từ bao giờ.

Bài: Niệm Quân
chuyenxua.net

Viết một bình luận