Nhạc sĩ Hàn Châu và bài nhạc vàng nổi tiếng Về Quê Ngoại – Viết cho thời thơ ấu của chính tác giả

Nhạc sĩ Hàn Châu là một trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng nhạc vàng miền Nam trước 1975, nổi tiếng với các ca khúc Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Ngày Mai Tôi Về, Thành Phố Sau Lưng.

Ông tên thật là Lê Đình Nam, bút danh Hàn Châu không phải do ông chọn, mà nhờ nhạc sĩ Hoàng Trang đặt cho. Ông kể lại rằng khi nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác ca khúc Ngỏ Hồn Qua Đêm vào khoảng năm 1966, Hoàng Trang ký bút danh là Triết Giang – Hàn Châu (là tên 2 tỉnh Chiết Giang, Hàng Châu của Trung Quốc), rồi đưa cho Lê Đình Nam xem. Ông Nam hỏi: “Ủa sao lại là Hàn Châu?” Nhạc sĩ Hoàng Trang đáp: “Hàn Châu là ông đó, thấy được không?”

Từ sau đó, nhạc sĩ Hàn Châu bắt đầu nổi danh với các ca khúc Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Thành Phố Sau Lưng, Lời Trần Tình, Mèo Hoang…

Nhạc sĩ Hàn Châu sinh năm 1947 ở Bồng Sơn – Bình Định, chị cả của ông là bà Lê Thị Hương – vợ của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Về Quê Ngoại, có nội dung kể sự thật về cuộc đời ông, thường được biết đến với câu hát đầu được ca sĩ sau này hát như sau:

Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ
Nơi quê hương em có hàng dừa xanh
Có ngàn câu hò thắm tình dân tộc…

Tuy nhiên theo nhạc sĩ Hàn Châu, lời ca bên trên là hoàn toàn sai so với nguyên tác bài hát của ông viết năm 1974, được ca sĩ Duy Khánh hát đúng trong băng nhạc Nguyên Thảo 1974 như sau:


Click để nghe Duy Khánh hát

Anh xin mời em xuôi về miền Trung xa lắc lơ
Nơi quê hương anh có hàng dừa xanh,
Có ngàn câu hò thắm tình dân tộc.

Anh xin mời em đi về quê ngoại một lần thôi,
nơi anh chào đời Ngoại ru bùi ngùi
Ôi cha chet rồi con sống mồ côi…

Qua bao ngày thơ khói lửa tràn lan anh bỏ đi
Hơn hai mươi năm chẳng về làng xưa
Chắc ngoại đã già, tóc bạc da mồi.

Ôi quên làm sao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ
Anh mê từng mùa, cơn gió dật dờ
ru anh giấc nồng thiêm thiếp vào mơ

Đây là quê hương anh một giòng sông xanh nước chảy êm đềm.
Đây là bà ngoại anh sống đời buồn tênh trên mảnh vườn hoang
Hôm nay anh về vun lại hàng cau cho ngoại ăn trầu ngoại sống dài lâu
Cho anh lấy lại tuổi thơ ban đầu đã mất từ lâu

Em vui nhiều không khi mặt trời lên trên khóm tre
Con chim xinh xinh nó chuyền cành me,
xuống đậu sau hè uống giọt nắng hồng.

Em thương nhiều không
Lưng ngoại đã còng vì thời gian,
Quê hương ngoại buồn vì những ngày dài
Bôn ba kiếp người anh chẳng về quê

Trao đổi với người viết, nhạc sĩ Hàn Châu nói rằng ông không biết lý do vì đâu mà bài hát Về Quê Ngoại lại bị đổi lời nhiều và lung tung đến như vậy. Ngay câu hát đầu tiên, tác giả nhắc đến “xuôi về miền Trung”, tức là quê hương miền Trung ở Bồng Sơn – Bình Định, nơi ông sinh ra, nhưng lại bị ca sĩ đổi lời thành “đi về miền quê”.

Nhạc sĩ Hàn Châu cho biết, hầu hết các bài hát của ông được viết dựa trên nội dung do ông hư cấu và tưởng tượng ra, tuy nhiên bài hát Về Quê Ngoại là một trong những bài hát hiếm hoi mà ông viết về cuộc đời thật của mình.

Nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát này, mắt ông rưng rưng như hồi tưởng lại hồi hơn 60 năm trước, nhớ về người bà ngoại yêu dấu đã một đời tần tảo cưu mang và vất vả nuôi nấng ông và các anh chị em.

Anh xin mời em đi về quê ngoại một lần thôi,
nơi anh chào đời Ngoại ru bùi ngùi
Ôi cha ᴄhế t rồi con sống mồ côi…

Trong đoạn này, tác giả nhắc đến việc cha của ông qua đời khi còn rất trẻ, để lại bầy con 5 người mồ côi, ngay cả gương mặt cha ra sao ông cũng không thể nhớ được. Tuy nhiên câu hát này lại bị ca sĩ sau 75 hát thành: “Bao năm vất vả mưa nắng ngược xuôi…”, hoàn toàn không liên quan gì tới lời gốc của tác giả.

Hàn Châu kể thêm, sau khi cha ông mất, mẹ phải vào nam để mưu sinh, ông sống với bà ngoại và có rất nhiều kỷ niệm về quê ngoại Bình Định. Đến năm 1961, khi được 14 tuổi thì ông cũng vào Nam sống ở Cầu Bông, tá túc ở nhà của chị ruột của mình, khi đó đã kết hôn với nhạc sĩ Thanh Sơn.

Sống xa quê hương, thương nhớ bà ngoại, ông viết bài hát này để ghi dấu kỷ niệm với vùng quê ngoại đã gắn bó thời thơ ấu, để tặng cho bà ngoại mà ông hết mực kính yêu.

Qua bao ngày thơ khói lửa tràn lan anh bỏ đi
Hơn hai mươi năm chẳng về làng xưa
Chắc ngoại đã già, tóc bạc da mồi.

Ở đoạn tiếp theo của bài hát, tác giả viết về hoàn cảnh tuổi thơ ông trải qua trong thời chinh chiên: “Qua bao ngày thơ khói lửa tràn lan anh bỏ đi…”, lại bị đổi lời thành một câu hát tương đối “sến”: “Qua bao ngày thơ kỷ niệm mộng mơ anh đã ghi…”

Đây là bà ngoại anh sống đời buồn tênh trên mảnh vườn hoang
Hôm nay anh về vun lại hàng cau cho ngoại ăn trầu ngoại sống dài lâu

Trong đoạn này của bài hát, nhạc sĩ Hàn Châu thể hiện niềm thương nhớ bà ngoại sống tuổi già trên mảnh vườn ngày cũ với hàng cau vẫn còn trong ký ức. Có thể thấy đoạn này không có hình ảnh nào là “nhạy cảm”, tuy nhiên cũng bị đổi lời một cách khó hiểu, để trở thành:

Đây là nhịp cầu tre nối liền hai thôn sớm nắng chiều mưa
Hôm nay anh về vun lại hàng cau tháng năm dãi dầu cằn cỗi già nua

Như vậy, từ bài hát viết về vùng quê hương miền Trung – Bình Định, đã bị ai đó sửa lại thành “nhịp cầu tre” ở vùng sông nước miền Tây, làm thay đổi cả bối cảnh mà tác giả viết trong lời gốc.

Ngoài việc bài hát Về Quê Ngoại bị thay đổi lời một cách nghiêm trọng, nhạc sĩ Hàn Châu cũng tỏ ý rất không hài lòng về việc bài hát này vốn được ông viết điệu ballade, được danh ca Duy Khánh hát rất êm đềm. Sau năm 1975, các ca sĩ trẻ lại đổi thành điệu cha cha cha để hát xập xình, không chỉ hát sai lời mà còn làm biến dạng cả giai điệu của bài hát.

Một bài hát nổi tiếng khác của nhạc sĩ Hàn Châu cũng bị nhầm lẫn, đó là bài Mèo Hoang, thường bị nhầm tựa đề thành Đêm Hoang. Bài hát này viết về những người kỹ nữ, thân phận giống như là mèo hoang giữa đêm khuya: Em bước chân xuống đời thành mèo hoang…

Có phải em về trong đêm nay
Bước thấp bước cao ngả nghiêng trên đời này.

Đó là những người con gái tiếp thị bia nơi vũ trường, phải uống quá nhiều nên bước thấp bước cao trở về trong đêm hoang.

Nhạc sĩ Hàn Châu kể lại hoàn cảnh sáng tác bài hát này, đó là vào những buổi tối ở nhà, ông thấy những cô gái đi làm ngang qua cửa, bước chân ngả nghiêng say xỉn. Xót thương cho thân phận họ, ông cảm tác viết thành bài hát.

Lệch vai áo hoa phai màu son đôi môi nhạt nhòa…

Câu hát này bị hầu hết ca sĩ hát sai thành “lạnh vai áo hoa”, làm thay đổi ý nghĩa câu hát của tác giả. Theo nhạc sĩ Hàn Châu, khi nhìn thấy hình ảnh cô gái áo hoa lệch vai, ông đã tưởng tượng ra rằng người kỹ nữ đã bị giằng xéo, níu kéo bởi những đôi bàn tay người ở nơi chốn vũ trường, xiêm y bị xô lệch vai áo, màu son đôi môi cũng trở nên nhạt nhòa.

Trang điểm cho người vui đêm nay
Chén chú chén anh rượu vơi đi lại đầy
Nào ai biết ai sao lại ôm nhau như người tình
Đôi bàn tay thú phiêu linh…

Người kỹ nữ có định phận phải là tình nhân của muôn người, trang điểm và mời rượu để mua vui cho người khác. “Rượu vơi đi lại đầy” thể hiện sự không giới hạn của những cuộc mua vui bất tận đó. Họ không biết nhau, chỉ lần đầu gặp mặt nhưng vẫn ôm nhau như người tình, rồi dùng “đôi bàn tay thú” để tự do “phiêu linh” trên cơ thể người kỹ nữ.


Click để nghe Mạnh Quỳnh hát

Em gái quê nơi đồng ruộng nắng cháy
Khoác xiêm y em thành người phố thị
Cơm áo gạo tiền xui em biết dối gian
Em bước chân xuống đời thành mèo hoang.

Ở đoạn sau của bài hát cho biết đó là những cô gái quê chân chất, mưu sinh nơi chốn phồn hoa, vì cơm áo gạo tiền mà đành đánh mất cả cuộc đời của mình, rồi suốt đoạn đời còn lại phải chịu nỗi đau thân phận bọt bèo.

Có phải đêm buồn đêm lang thang
Đốt cháy trái tim đời qua mau bàng hoàng
Ngày mai bước đi mang nỗi đau thân phận bọt bèo
Tiếng đời em cũng mang theo…

Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận