Nhạc sĩ Bắc Sơn và câu chuyện về những bài nhạc quê hương nổi tiếng: Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, Em Đi Trên Cỏ Non…

Trong âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Bắc Sơn là người hiếm hoi mà gần như cả cuộc đời và sự nghiệp chỉ gắn bó với một loại nhạc duy nhất, đó là nhạc tự tình quê hương, những ca khúc mang đậm dân tộc tính với giai điệu mang âm hưởng của dân ca Nam Bộ.

Những sáng tác nổi tiếng nhất của ông là Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, Em Đi Trên Cỏ Non, Bông Bí Vàng, Sa Mưa Giông… là những ca khúc mà cho đến nay đều được xem là tiêu biểu nhất của thể loại nhạc quê hương.

Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật Trương Văn Khuê, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1931, sinh quán ở Long Thành, Đồng Nai.

Từ năm 1952 đến 1977, ông là giáo viên dạy học ở nhiều tỉnh. Từ năm 1965, ông chuyển vào Sài Gòn gia nhập làng nghệ thuật và thực hiện chương trình “Quê Ngoại” trên truyền hình.

Nhạc sĩ Bắc Sơn và thi sĩ Kiên Giang

Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Bắc Sơn là Giòng Đồng Nai, được sáng tác năm 1955, được danh ca Anh Ngọc hát trên đài phát thanh vào những năm cuối thập niên 1950. Những bài hát tiếp theo trong sự nghiệp của ông là Sóng Vỗ Bờ Xa, Tình Người Ra Biển... và ca khúc Nắng Lên Cho Đẹp đã được dùng làm nhạc hiệu mở đầu chương trình Hương Quê hằng ngày trên Đài truyền hình Sài Gòn.

Thời gian sau đó, nhạc sĩ Bắc Sơn chuyển sang sáng tác nhạc quê hương âm hưởng dân ca, những bài đã làm nên “thương hiệu”, trong đó có ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp là Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, được ông viết làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình “Bếp Lửa Ấm” phát trên đài Truyền hình Sài Gòn ngày 27 tháng 11 măm 1974. Người trình bày đầu tiên ca khúc này là ca sĩ Hoàng Oanh.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè (thu âm trước 1975)

Vào khoảng năm 1980, từ nước Pháp, ca sĩ Hương Lan đã thu âm và thu hình ca khúc này. Khi đó thì làn điệu dân ca ngọt ngào, da diết, mộc mạc của bài hát đã hoà trộn với những hình ảnh thân thuộc, gợi nhớ cố hương đã thể hiện được rất chân thật tâm trạng hoài hương của hàng triệu người Việt tha hương, Đó là lý do bài Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè đã trở thành một hiện tượng âm nhạc khi đó, được yêu thích và phổ biến rộng khắp.


Click để xem video Hương Lan hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè

Nắng hạ đi
Mây trôi lang thang cho hạ buồn
Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi
Chim nhớ lá rừng…

Nhạc sĩ Bắc Sơn cả một đời gắn bó với người vợ tên là Trương Ngọc Bích, cũng là một nhà thơ. Theo lời kể lại của người con gái của ông bà, ngày xưa bà Bích mồ côi, gia cảnh nghèo túng, được sự cưu mang của người anh cả. Trong một lần bà đi gánh nước, ông thấy đã để ý và viết thư làm quen. Khi đã cưới nhau rồi, họ càng gắn bó với nhau không rời. Ông không thích ăn cơm ngoài, nếu đi đâu cũng đạp xe chở vợ theo cùng. Khi già vẫn gọi nhau là anh em.

Vợ và con gái của nhạc sĩ Bắc Sơn

Ngoài gắn bó với sự nghiệp sáng tác bài hát, nhạc sĩ Bắc Sơn còn là một diễn viên nổi tiếng, đã tham gia diễn xuất trong khoảng 60 phim điện ảnh. Vai diễn Năm Ngưu trong phim Vùng Gió Xoáy đã giúp ông đoạt giải “Diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan Phim toàn quốc lần thứ 9. Ngoài diễn xuất, Bắc Sơn cũng là tác giả của 80 kịch bản phim.

Làm việc trong môi trường nghệ thuật, xung quanh không thiếu những bóng hồng, nhưng nhạc sĩ Bắc Sơn luôn một lòng chung thủy với, không để lại điều tiếng nào. Những ca khúc viết về tình cảm gia đình của ông được kể lại là thường lấy cảm hứng từ chính người mẹ và vợ con của mình. Trong ca khúc Em Đi Trên Cỏ Non, tình cảm giữa cha và con gái rất đẹp đẽ gợi lại nhiều kỷ niệm, thể hiện qua các lời ca:

Cha đưa em đi học ngôi trường xa
Đôi chân em bé nhỏ sợ lấm bùn
Cha ngồi xuống cõng em
Cha nói cỡi ngựa ngựa phi


Click để nghe Trang Thanh Lan hát Em Đi Trên Cỏ Non

Một ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Bắc Sơn nói về tình cha con, về tình cảm của người con dành cho đấng sinh thành, đó là Sa Mưa Giông.

Ở miền Tây Nam Bộ, “Sa Mưa Giông” là một cụm từ để chỉ những cơn mưa đầu mùa trút xuống sau mùa nắng. Trước khi mưa đổ xuống, bầu trời thường chuyển màu đen xám, vần vũ, sấm chớp đì đùng. Mưa thường đổ ập xuống như trút nước kèm theo sấm chớp và giông gió. Những cơn mưa bất ngờ này thường gây hoảng hốt, hoang mang cho trẻ nhỏ và cả người lớn nếu nhà cửa chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với mưa bão, đặc biệt là ở những ngôi nhà tranh vách lá.

Với ca khúc Sa Mưa Giông, nhạc sĩ Bắc Sơn đã rất tinh tế khi lột tả tình cảm lo âu, trông ngóng của người con khi cha mẹ chưa trở về nhà và mong ngóng cho mưa mau tạnh, nắng lên để cây trái đơm bông kết trái, để nhà cửa đừng dột xiêu.

Cha ơi! Sao cha chưa về
Nhà trên bếp dưới vắng tanh.
Đợi với trông mỏi mòn ngoài kia mưa dầm.
Cha còn dầm mưa,
Tàn cơn mưa dầm, mẹ gần về chưa? 


Click để nghe Hương Lan và Hoài Nam hát Sa Mưa Giông

Một ca khúc khác được nhạc sĩ Bắc Sơn viết cho người con gái là Giấc Ngủ Trên Tay, được con của ông kể lại như sau:

“Khi đó ba má tôi ở Sài Gòn, còn ông bà ở dưới quê. Ba má nói mỗi tuần cho một người con xuống ở với ông bà. Tôi là người xuống ở với ông bà nhiều nhất. Có lần, ba má xuống thăm, mắc võng cho tôi, khi thấy ông bà về tôi nhìn theo và khóc. Bài hát Giấc Ngủ Trên Tay ra đời từ đó”.


Click để nghe Hương Lan hát Giấc Ngủ Trên Tay

Cũng trong một lần về thăm quê đó, nhạc sĩ Bắc Sơn đã viết ca khúc “Còn Thương Góc Bếp Chái Hè” với tình cảm tha thiết dành cho mẹ:

Nhớ xưa mẹ dầm mưa tàn cây mưa mẹ gieo hạt
Cho hạt nẩy mầm lạnh cóng tay
Hai mẹ con ngồi nơi góc bếp chái hè mẹ hơ tay
Ngoài kia trời còn mưa còn rụng từng giọt mưa…


Click để nghe Hương Lan hát Còn Thương Góc Bếp Chái Hè

Đặc biệt ca khúc Tháng Mấy Em Về được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ từ bài thơ của vợ – bà Ngọc Bích. Ông kể rằng đã phổ lại bài thơ này như một kỷ niệm đẹp mỗi khi nghĩ đến tháng ngày ông bôn ba đi làm nghệ thuật, để vợ ở nhà một nách lo chăm 9 đứa con.

Mời bạn nghe lại ca khúc này qua tiếng hát Hương Lan:


Click để nghe Hương Lan hát Tháng Mấy Em Về

Cuộc sống hạnh phúc và gắn bó với nhau cả một đời của vợ chồng nhạc sĩ Bắc Sơn được con gái của họ kể lại như sau:

“Mẹ tôi sinh đến 9 người con, bà là điểm tựa vững vàng cho gia đình để cha tôi yên tâm sáng tác và tham gia đóng phim. Có những bộ phim cha tôi đi biền biệt mấy tháng dài, ở nhà một mình mẹ chăm sóc, nuôi dạy anh chị em chúng tôi ăn học mà không một lời than vãn. Nhờ vốn liếng thơ ca nên mẹ tôi đã truyền niềm say mê văn thơ và âm nhạc cho các con. Tôi nhớ hoài lời mẹ tôi đã dạy là sống phải hiếu hạnh để xứng đáng là con của ba Bắc Sơn. Mẹ tôi rất trân quý những sáng tác của ba tôi, vì bà là người đầu tiên được ông chia sẻ, lắng nghe những góp ý để những sáng tác đó đi vào lòng công chúng”.

Một bài nổi tiếng khác của nhạc sĩ Bắc Sơn là Bông Bí Vàng, mượn hình ảnh “bông bí vàng” rực rỡ nhưng mỏng mảnh, dân dã tượng trưng cho tình yêu bình dị của đôi trai gái quê, dù nồng đượm, thắm thiết vẫn chẳng thể vượt qua những ngăn cấm của mẹ cha để đến với nhau. Toàn bộ ca khúc là sự xót xa, nuối thương cho số phận của cuộc tình, xót xa cho những cố gắng của đôi trai gái mà chẳng thể nào níu giữ được, đành để “cuộc tình duyên trôi theo dòng nước”.


Click để nghe Hương Lan hát Bông Bí Vàng

Bông bí vàng ngoài giàn
Công em trồng anh không hái
Trời sa mưa bông kết trái
Từ đó buồn, em buồn

Những năm gần cuối đời, nhạc sĩ Bắc Sơn vẫn miệt mài sáng tác, trong số đó có bài hát mà ông nói rằng mình rất tâm đắc: Đêm Nghe Bài Vọng Cổ, ra đời năm 1999. Ca khúc gợi nhớ cho người nghe về vùng đất của đờn ca tài tử, có những bài vọng cổ réo rắt, da diết, xao động hồn người.

Lúc sinh thời, tác giả bài hát nói rằng chỉ có Hương Lan là trình bày bài hát này đúng với ý của ông nhất.


Click để nghe Hương Lan hát Đêm Nghe Bài Vọng Cổ

Nhạc sĩ Bắc Sơn qua đời vào ngày 23 tháng 2 năm 2005, sau thời gian điều trị căn bệnh ung thư phổi.

chuyenxua.net

Viết một bình luận