Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 9 – Vùng đất mang tên Cầu Kho và Mã Lạng

Cầu Kho là một trong những vùng đất xưa nhất của khu vực Bến Nghé, trung tâm Quận 1 của Sài Gòn. Ngày nay, Cầu Kho trở thành tên của một phường thuộc Quận 1 nằm dọc theo rạch Bến Nghé, trong hình chữ nhật của 4 đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ – Trần Đình Xu và Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương). Phường Cầu Kho đã có từ trước năm 1975, là một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với ngày nay. Đến năm 1962, một phần diện tích và dân số của phường Cầu Kho được tách ra để lập thêm 2 phường: Nguyễn Cư Trinh và Nguyễn Cảnh Chân.

Trước đó, từ cuối thế kỷ 19, khu vực mang tên Cầu Kho được xem là vị trí mang tính “bản lề”, vì nó nằm ở giữa 2 khu vực Chợ Bến Thành có nhiều kiến trúc đậm nét Tây Phương, và Chợ Lớn với các khu phố của người Hoa.

Trong bản đồ hành chánh của đô thành Sài Gòn xưa, ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ Lớn là đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ), chính là khu vực Cầu Kho.

Theo nhà văn Sơn Nam, xuất xứ của tên gọi Cầu Kho, ban đầu vốn là tên của cây cầu bắc ngang qua con rạch ở kho Giản Thảo, còn được gọi là kho Cẩm Đệm, là nơi chứa lương thực được chúa Nguyễn thiết lập từ năm 1741, là một trong 9 kho ở rải rác vùng Đồng Nai – Cửu Long. Kho Giản Thảo ở Bến Nghé được xem là kho quan trọng nhất, năm 1778 được mở rộng để chứa lúa thu thuế từ 4 trấn của đất Gia Định. Sang đời vua Gia Long, năm 1805, kho này được tu bổ và mở thêm 6 dãy kho lợp ngói. Vì cây cầu nằm ở ngay công trình quan trọng đầu tiên của vùng đất này là kho lương thực, nên dân trong vùng gọi thành cầu kho, lâu dần thành tên chính thức, sau đó không chỉ là tên của cây cầu mà thành tên của cả một vùng.

Ảnh cầu Kho năm 1955, cho thấy cầu Kho bắc ngang một con rạch nhỏ (nay là đường Hồ Hảo Hớn), nối ra Bến Chương Dương, chạy dọc rạch Bến Nghé hiện nay. Rạch Cầu Kho sau này đã cạn nước và bị lấp

Cầu Kho ngày xưa nằm trên đường Bến Chương Dương, bắc qua rạch Cầu Kho, sau này rạch không còn, cầu dần dần cũng đã biến mất. Rạch Cầu Kho nằm ngay bên cạnh đường Huỳnh Quang Tiên (nay là đường Hồ Hảo Hớn) được thể hiện trong tấm bản đồ năm 1947 sau đây:

Trong hình bên trên, màu vàng là đường Huỳnh Quang Tiên, màu xanh là rạch Cầu Kho, và rạch này sau đó đã bị lấp (cũng giống như nhiều rạch nhỏ khác gần đó), nên sau đó Cầu Kho cũng dần trở thành cầu cạn và biến mất. Một số bài viết nói rằng rạch Cầu Kho bị lấp để làm đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Hồ Hảo Hớn), hoặc để thành đường Phát Diệm (nay là Trần Đình Xu) là không đúng.

Đường Huỳnh Quang Tiên ở Cầu Kho năm 1923, nay là đường Hồ Hảo Hớn

Cầu Kho và Rạch Cầu Kho năm 1908

Cầu Kho năm 1965

Nói thêm về kho Cẩm Đệm, trên bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815, nhà kho được vẽ rất rõ ràng, vuông vức, có sông và rạch bao quanh như cù lao, rất thuận tiện cho giao thông đường thủy của Sài Gòn thời đó.

Qua tấm bản đồ này, đối chiếu với hiện tại, tác giả Sơn Nam phỏng đoán rằng kho lương thực này nằm ở vị trí nhà thờ Cầu Kho hiện nay, trên nền đất vẫn còn cao ráo.

Nhà thờ Cầu Kho trước 1975

Theo bài viết của TS Hồ Tường, Những cư dân người Việt đầu tiên sống ở Cầu Kho, ngoài quan lại và binh lính bảo vệ kho, còn lại chủ yếu là dân nghèo người Việt từ miền Trung vô mưu sinh trên vùng đất mới, đa số sống bằng nghề phu khuân vác để đưa lúa, gạo ra vào kho. Tuy nhiên, việc khuân vác lúa gạo không chiếm hết thời gian, chỉ tập trung cuối năm, khi vô mùa gặt nên những lưu dân người Việt một số sống thêm nghề làm thuê cho các điền chủ của đất Gia Định hay những chủ ghe thương hồ tới lui vùng Bến Nghé.

Rạch Bến Nghé. Bên trái là khu Cầu Kho, Cô Giang, Ông Lãnh, bên phải là Quận Tư. Nhà màu trắng bên trái hình là Nhà thờ Cầu Kho

Năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước nhượng đứt 6 tỉnh Nam kỳ cho Pháp, triều đình đặt 2 Tòa Lãnh sự, một tại Paris và một tại Cầu Kho (Sài Gòn). Vị trí tòa lãnh sự được cho là ở vị trí ngã 3 đường Đề Thám và Võ Văn Kiệt hiện nay. Thời bấy giờ người Việt sinh sống ở Cầu Kho nhiều lên, các công chức, thương gia, địa chủ các nơi khác tìm đến ở xung quanh nơi này, dần dần khu vực xung quanh Tòa lãnh sự của triều đình (trên vùng đất đã bị Pháp chiếm) trở nên nhộn nhịp. Theo nhà văn Sơn Nam, Tòa lãnh sự Đại Nam ở Cầu Kho có nhiệm vụ bênh vực quyền lợi cho người dân từ Bắc, Trung vào mua bán trên đất Nam Kỳ thuộc địa. Gặp trường hợp phạm pháp, Tòa Lãnh sự được can dự vào để xem chính quyền Nam Kỳ có làm đúng pháp lý hay không. Ngược lại, tàu thuyền người Pháp, Âu, Việt cư ngụ ở Nam Kỳ ra Trung, Bắc cần được chính quyền Nam Kỳ và Lãnh sự Đại Nam ở Cầu Kho kiểm nhận trước.

Tòa lãnh sự của Triều đình ở Cầu Kho hoạt động trong 9 năm, từ cuối năm 1874 đến giữa năm 1883 (là năm vua Tự Đức qua đời, triều đình nhà Nguyễn rối ren, Pháp đánh ra Huế buộc triều đình phải ký hòa ước Quý Mùi. Trong 9 năm đó, đa số thời gian chức lãnh sự thuộc về Nguyễn Thành Ý, người được đặt tên cho một con đường nhỏ ở Dakao – Sài Gòn hiện nay. Những người sau này từng cộng tác với Pháp như Tổng Đốc Phương, Tôn Thọ Tường từng là nhân vật nhỏ bé dưới quyền ông Nguyễn Thành Ý.

Thời gian nắm quyền, Nguyễn Thành Ý đã liên hệ với nhiều nhân sĩ để bàn việc đại sự, quyên góp tiền và tìm kiếm nhân tài gửi ra triều đình Huế. Những việc làm đó không tránh khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp ở Sài Gòn, vì vậy vào ngày 22-6-1883, thống đốc Nam Kỳ ra lệnh trục xuất chánh và phó lãnh sự Đại Nam, cấm trở lại Nam Kỳ và phải rời đi trong vòng 24 tiếng.

Xe điện trên đường Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo), đoạn cắt với đường Phát Diệm (nay là Trần Đình Xu), ở góc là trường tiểu học Cầu Kho (nay là trường tiểu học Trần Hưng Đạo)

Khu vực Cầu Kho nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, hiện nay đường chính nối liền 2 vùng này là đường Trần Hưng Đạo, nhưng phải qua đến thập niên 1920 thì trục đường lớn này mới được xây dựng. Thời gian trước đó, phương tiện đi lại giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, ngoài đường thủy thì từ xưa đã có đường Thiên Lý (nay là đường Nguyễn Trãi) đi từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây, ngang qua Chợ Lớn, được gọi là Đường Trên, và đường dọc rạch Bến Nghé (sau này gọi là Bến Chương Dương, nay là Võ Văn Kiệt) được gọi là Đường Dưới. Thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, chính quyền thuộc địa còn thiết lập các hệ thống đường xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn, trong đó có tuyến đi dọc theo Đường Dưới, đi ngang qua Cầu Kho có một trạm gọi là Cầu Kho, tại trạm này có hình con cá như hình dưới đây:

Thời đó, người Việt biết chữ rất hiếm, nên có thể rằng các ga/trạm xe lửa để hình đại diện như vậy để dễ người dân nhận biết. Thí dụ ga Sài Gòn có hình con cò trắng, trạm An Bình có hình con khỉ, trạm Arras (nay là Cống Quỳnh) có hình cây cào cỏ, ga Chợ Lớn có hình xe cút kít…

Dưới đây là những tấm bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn có thể hiện các tuyến xe điện, trong đó có trạm Cầu Kho:

Trạm xe điện Cầu Ông Lãnh, tuyến xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn

Một số hình khu vực Cầu Kho trên đường Trần Hưng Đạo trước 1975:

Từ trên PLAZA BEQ (135 Trần Hưng Đạo) nhìn xa hơn về phía Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh, nơi có cây xăng ESSO

_

Một dãy phố trên đường Trần Hưng Đạo, trước mặt Nhà thờ Tin Lành

Từ ngã 4 Trần Hưng Đạo – Đề Thám, đi tới chút nữa sẽ đến ngã 3 “mũi tàu” Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh, góc đường ngày nay là khách sạn 5 sao Pullman.

Rạp Lê Ngọc góc Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo, cây xăng ESSO ngay phía trước rạp

_

Sát bên cây xăng ESSO là khách sạn Metropole. Ngày nay, vị trí này là khách sạn 5 sao Pullman

_

Ngay góc đường này còn có thêm một rạp hát nổi tiếng khác là rạp Hưng Đạo

_

Rạp cải lương Hưng Đạo được xây dựng năm 1960, là 1 trong những rạp cải lương lớn nhất thời đó. Sau này rạp đổi tên thành Trần Hữu Trang, ở vị trí Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh

Hình toàn cảnh khu Cầu Kho, trục đường Trần Hưng Đạo, ảnh chụp thập niên 1960:

Giữa ảnh, phía trên có thể thấy nhà thờ Cầu Kho

Một ảnh khác chụp cùng vị trí với hình bên trên

Cái tên Cầu Kho còn được biết đến khi gắn liền với một khu vực khá đặc biệt, đó là Nghĩa địa Cầu Kho, tức là khu Mã Lạng nổi tiếng, nằm trong khu tứ giác giữa các đường Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh – Phát Diệm (nay là Trần Đình Xu) và Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi).

Nghĩa địa Cầu Kho trong tấm bản đồ Sài Gòn xưa

Dù nằm ngày giữa trung tâm Sài Gòn, nhưng Mã Lạng là khu “ổ chuột” tập trung rất nhiều người nghèo ở tạm bợ trên những khu mộ nằm lộn xộn xen lẫn nhà dân. Khu Mã Lạng là vốn nghĩa địa Cầu Kho, được cho là từng thuộc giáo xứ Cầu Kho (được xây trên nền cũ của kho Quản Thảo), vì mỗi giáo xứ thường có một khu nghĩa địa dành cho các con chiên của giáo xứ. Nghĩa trang công giáo này đã bị bỏ hoang từ năm 1954, có rất nhiều ngôi mộ vô chủ không có người chăm nom, nên được gọi là Mả Loạn, dần dần người dân nói thành Mã Lạng.

Thời kỳ thập niên 1960, rất người nghèo lên Sài Gòn tị nạn vì nhà cửa ở quê đã bị thiêu rụi vì lửa binh, họ tìm tới nghĩa địa Cầu Kho ở ngay trung tâm đô thành và xây nhà tạm bằng gỗ để sinh sống, sinh hoạt ngay bên cạnh bia mộ cũ. Dần dần cư dân đông lên, hình thành một khu ổ chuột nổi tiếng.

Nghĩa địa Cầu Kho trong bản đồ năm 1961

Từ những năm 1977 đến 1982, các ngôi mộ trong khu này được dời đi, nhường chỗ cho những người đi kinh tế mới trở về (được gọi là khu tạm cư kinh tế mới, quen gọi là khu Mã Lạng). Họ dựng thêm nhà để sinh sống tạm bợ, từ sau đó nơi này thành một ổ tệ nạn nổi tiếng của Sài Gòn.

Nhà nguyện nghĩa địa Cầu Kho nằm gần góc Nguyễn Cư Trinh – Phát Diệm – Võ Tánh

Khác hẳn không khí náo nhiệt của khu trung tâm Sài Gòn có phố xá sầm uất, Khu Mả Lạng gần như có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, những con hẻm trong khu vực này tĩnh lặng khác thường. Càng đi sâu vào trong khu dân cư đầy những góc tối, người ta càng có thể cảm nhận được cái lạnh lẽo, âm u, với những lối đi vừa nhỏ hẹp vừa ngoằn ngoèo như là mê cung không lối thoát. Các con hẻm chằng chịt đan xâu vào nhau, thông ra hai đường chính là đường Trần Đình Xu (xưa là đường Phát Diệm) và đường Nguyễn Trãi (xưa là đường Võ Tánh). Nhánh chính đi vào là đường hẻm rộng rãi số 245 đường Nguyễn Cư Trinh. Đi hết nhánh chính là đến nơi nhà cửa san sát, bé xíu, lối đi vừa vặn cho hai xe máy tránh nhau, trên đầu là những chùm dây điện và dây viễn thông chằng chịt, cùng những mái hiên của nhà hai bên che san sát, tối tăm không thấy ánh mặt trời.

Từ năm 2000, chính quyền có chủ trương giải tỏa, chỉnh trang khu Mả Lạng, nhưng chưa thể tiến hành. Năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dự án này bị treo tiếp trong nhiều năm.

Đông Kha (biên soạn) – chuyenxua.net

Xem thêm

Comments

Ghi ý kiến của bạn:

Please enter your comment!
Please enter your name here

Xem thêm

Những ngôi trường nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa – Phần 4: Trường Pétrus Ký – Niềm tự hào của nhiều thế hệ nam...

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay là trường chuyên nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Trước năm 1975, đây cũng là ngôi trường dành riêng cho nam sinh nổi tiếng nhất đô thành với cái tên Petrus Ký, là niềm tự hào của nhiều thế hệ từng...

Câu chuyện về những bóng hồng trong các ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: Diễm Xưa, Biển Nhớ, Như Cánh Vạc Bay…

Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chủ yếu là viết cho tình yêu, quê hương, và thân phận, trong đó chủ đề về tình yêu trong nhạc Trịnh nhận được nhiều sự quan tâm nhất, được khán giả yêu thích nhiều nhất. Ngoài sáng tác...

“Mời người lên xe, về miền quá khứ” – Phần 3: Sài Gòn năm 1957

Tiếp theo 2 phần trước, giới thiệu những hình ảnh Sài Gòn được chụp trong 2 năm 1955, 1956. Đến năm 1957, lúc này miền Nam bắt đầu ổn định về chính trị và không có quá nhiều sự kiện nổi trội, và hình ảnh của Sài Gòn trong năm...

Ý nghĩa của những bài hát về thân phận nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Phôi Pha, Cát Bụi, Ru Ta Ngậm...

Cùng với Phạm Duy và Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người xem là 1 trong 3 người có ảnh hưởng lớn nhất của tân nhạc Việt Nam. Đi cùng với đó, cũng giống như nhạc sĩ Phạm Duy thì vẫn còn nhiều tranh cãi liên...

Nữ thi sĩ Huyền Chi và bài thơ – bài hát “Thuyền Viễn Xứ” (nhạc sĩ Phạm Duy) – Chiều nay sương khói lên...

Bài thơ Thuyền Viễn Xứ được nữ thi sĩ Huyền Chi sáng tác năm 1952, rồi chỉ 1 năm sau đó thì được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở thành ca khúc bất tử suốt 70 năm qua. Khi mới ra đời, Thuyền Viễn Xứ chỉ là tâm...

Cảm nhận âm nhạc – Tôi Chưa Có Mùa Xuân (Châu Kỳ)

Đợi hai ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa Mời xuân đến với tôi... 50 năm trước, nhạc sĩ Châu Kỳ đã hẹn với mùa xuân rằng sau 2,3 năm nữa thì hãy đến. Tuy nhiên, với nhiều người, có lẽ mốc thời gian đó đã bị lùi vô hạn...

Hình ảnh “xưa và nay” của 50 ca sĩ nổi tiếng miền Nam trước 1975

Mời các bạn cùng nhìn lại những hình ảnh so sánh "xưa và nay" của các ca sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975. Đến nay, thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ, không ai có thể tránh khỏi được quy luật của thời gian....

Danh ca Hương Lan và cuộc sống viên mãn hạnh phúc hiện tại ở tuổi ngoài 60

Ca sĩ Hương Lan được xem là 1 trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng trước và sau năm 1975. Hiện nay ở tuổi 67, cô đã có đến hơn 60 năm tuổi nghề (lên sân khấu từ lúc 5 tuổi), từ sân khấu cải...

Còn chút gì để nhớ… nhà thơ Vũ Hữu Định

Có lẽ đa số người yêu nhạc đều chỉ biết đến thi sĩ Vũ Hữu Định với duy nhất một bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mang tên Còn Chút Gì Để Nhớ. Thi phẩm này của Vũ Hữu Định, đặc biệt là sau khi được...

Luật sư Nguyễn Thị Hậu – Người mặc áo dài “lối mới” đầu tiên năm 1935 trở thành nữ thị trưởng Đà Lạt năm...

Tấm hình này được đăng trên tuần báo Ngày Nay (tiền thân là báo Phong Hóa) của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, số đầu tiên ra ngày 30/1/1935, với lời chú thích: "Cô Nguyễn Thị Hậu - người thiếu nữ đầu tiên mặc quần áo lối mới kiểu Lemur". Nhân...