Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 12: Hanh Thông Xã – Hạnh Thông Tây và Thông Tây Hội

Hiện nay, hầu như người Sài Gòn nào ở Gò Vấp cũng đều từng nghe nói đến cái tên Hạnh Thông Tây, Thông Tây Hội, từng đi qua nhà thờ hoặc chợ Hạnh Thông Tây trên “đường Quang Trung nắng đổ”. Tuy nhiên nguyên gốc của tên gọi này không phải là Hạnh Thông, mà là Hanh Thông, nghĩa là suôn sẻ.

Địa danh Hanh Thông Xã đã có từ đầu thế kỷ 18. Trong bản đồ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815, sau này được phiên âm ra chữ quốc ngữ, đã thấy có thể hiện Hanh Thông Xã, bên cạnh các địa danh Bình Hòa Xã Phú Nhuận… thuộc Tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương của phủ Tân Bình.

Hình bên trên là cảnh dân chúng tụ tập phía trước trụ sở hội đồng Hanh Thông Xã của quận Gò Vấp (tỉnh Gia Định) để chủng ngừa bệnh đậu mùa. Vị trí của tòa nhà này hiện nay trên đường Nguyễn Văn Nghi. Sau 1975, nơi đây trở thành trụ sở của xã Hanh Thông, sau 1975 là trụ sở công an xã Gò Vấp, sau đó tòa nhà đã bị phá bỏ để xây công trình thương mại khác.

Về địa danh Hanh Thông Xã, theo Bản đồ Sài Gòn – Gia Định đầu tiên do Trần Văn Học lập năm 1815 thì địa danh Gò Vấp thuộc địa phận Hanh Thông Xã, thuộc tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Gò Vấp ngày xưa thuộc địa phận Hanh Thông Xã. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ và quy hoạch Sài Gòn – Gia Định thì địa giới của Gò Vấp ngày càng mở rộng, Hanh Thông Xã lại trở thành 1 làng thuộc quận Gò Vấp. Một ngôi làng khác được tách ra từ làng Hanh Thông Xã, làm ở phía Tây Bắc và được đặt tên là Hanh Thông Tây, sau này được gọi thành Hạnh Thông Tây.

Năm 1944, hai làng An Hội và Hạnh Thông Tây sáp nhập thành làng Thông Tây Hội.

Với ý nghĩa ban đầu, Hanh Thông nghĩa là suôn sẻ, nhưng qua thời gian, chữ này lại bị đọc thành Hạnh Thông. Ngày nay những tên này không còn là tên hành chính chính thức, nhưng vẫn còn tên chợ Hạnh Thông Tây, nhà thờ Hạnh Thông Tây và đình Thông Tây Hội.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây được xây dựng năm 1921, toàn bộ chi phí xây dựng đều được vợ chồng ông Denis Lê Phát An (con trai trưởng của Huyện Sỹ Lê Phát Đạt) tự nguyện đóng góp, nằm trên ba thửa đất rộng 2,1 mẫu của ông Giuse Hồ Văn Chua hiến cho nhà thờ trước đó.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây ban đầu có tháp chuông nhọn

Ban đầu tháp chuông của nhà thờ có hình tháp nhọn, nhưng vì đây là vùng có nhiều máy bay quân sự bay qua nên cơ sở Hàng không Đông Dương đã xin cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây theo văn thư đề ngày 29/10/1953. Từ đó, tháp chuông có hình vuông như hiện nay.

Thời gian sau đó tháp nhọn được dỡ bỏ

Nhà thờ Hạnh Thông Tây được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine ở châu Âu. Nguyên mẫu của nhà thờ chính là Vương cung thánh đường Thánh Vitale ở thành phố Ravenna, Italia.

Trần nhà thờ có hình vòm cung, phết nhũ vàng. Trên cùng là tranh khảm theo phong cách Byzantine mô tả cảnh Chúa Giêsu trên Thập Giá.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây hiện nay

Một địa điểm khác liên quan đến tên gọi nguyên thủy “Hanh Thông” và vẫn còn hiện nay, đó là đình Thông Tây Hội, nguyên là ngôi đình cổ nhất phương Nam đã có từ hơn 3 thế kỷ trước.

Đình Thông Tây Hội ở đường Thống Nhất – Gò Vấp hiện nay

Ngôi đình cổ này ban đầu được lập từ năm 1679, vốn là bằng tre, vách lá và nằm cách ngôi đình hiện tại 800m về phía Nam. Ngôi đình thứ hai được làm bằng gỗ lợp ngói, nhỏ và đơn giản, nằm tại vị trí ngôi đình hiện tại. Chỗ ấy xưa kia được cho là một vùng đồi gò khá cao, diện tích rộng, cây cối um tùm, thú rừng rình rập. Bù lại đất đai màu mỡ, thuận lợi để hình thành nên những thôn, làng…, vị trí nằm bên hữu ngạn sông Sài Gòn, tiện cho giao thông đường thủy.

Bên trong đình cổ Thông Tây Hội

Đến năm 1883, trải qua nhiều lần dân làng góp công góp sức xây dựng, tu bổ, đình mới có được kiến trúc hoàn chỉnh như hiện nay, và đến năm 1944 thì chính thức mang tên đình Thông Tây Hội, lấy tên theo ngôi làng vừa được sáp nhập từ 2 ngôi làng Hạnh Thông Tây và An Hội như đã nhắc đến ở trên.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận