Nguồn gốc một số từ cổ tiếng Việt đến nay vẫn còn được sử dụng: Yêu dấu, chợ búa, thiết tha…

Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả sâu sắc nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng…. Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai.

Công trình sưu khảo sau đây là công sức của tập thể thuộc Trung Tâm Ngày Ngày Viết Chữ ở lầu 3, số 319-B13 Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11. Dù sau đây đều là những từ tiếng Việt quen thuộc, nhưng có lẽ hầu như đa số chúng ta đều chưa biết rõ nguồn gốc ngọn ngành của nó…

Yêu dấu

Mình vẫn thường nói, em yêu dấu, “yêu” thì hiểu rồi, nhưng “dấu” nghĩa là gì?

“Dấu” là một từ cổ, sách Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: “Dấu” nghĩa là “yêu mến”.

Định nghĩa trong Ðại Nam Quấc âm Tự vị

Tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (năm 1651) cũng giải thích “dấu” là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là “bùa để làm cho yêu”…

Tục ngữ Việt nói: “Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu”, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái Quạt Giấy (bài 2) thì viết: “Chúa dấu vua yêu một cái này”.

Có thể thấy, “dấu” và “yêu” là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ “yêu” vẫn còn được viết hay nói một mình, chứ từ “dấu” thì không ai dùng một mình nữa. Giờ mà, thay vì “anh yêu em” mà nói “anh dấu em” thì không khéo lại bị hỏi “anh giấu cái gì?”.

Chợ búa

Trong từ “Chợ búa” thì “Búa” có nghĩa là gì?

“Búa” trong “chợ búa” chắc chắn không liên quan đến cái búa để đóng đinh rồi. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến được xem là vững chắc nhất thì cho rằng “búa” là âm xưa của chữ âm Hán Việt hiện đại của chữ này là “phố”, nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Chợ búa nói chung là nơi người ta tụ tập mua bán. “Búa” trong tiếng Việt hiện đại đã dần mất nghĩa và không dùng độc lập, nhưng nếu nói nó vô nghĩa thì không đúng. Tiếng Việt có rất nhiều từ cổ bị mất nghĩa khi đứng một mình, nhưng chúng không vô nghĩa.

Nhuận bút

Tiền “nhuận bút” là tiền trả cho tác giả viết sách viết báo. Từ này có gốc Hán, viết là trong đó:

– “Nhuận” là làm ướt, làm thấm;

– “Bút” là cây bút lông.

Nhuận bút là làm ướt phần lông bút. Ngày xưa người ta viết bằng bút lông, nếu lâu ngày ngòi bút không được thấm ướt lông sẽ khô, giòn và gãy rụng. Lúc đó nhiều người không biết chữ, có việc cậy nhờ cần đến chữ nghĩa thì người đi xin chữ sẽ trả thù lao cho người viết. Tiền thù lao người ta không nói thẳng là tiền công, vì như thế có vẻ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, do đó người ta nhã nhặn bảo có chút ít gọi là nhuận bút.

Về sau các nhà xuất bản, tòa soạn trả tiền sách tiền bài báo cho tác giả cũng dùng từ này, dù rằng cả thế kỷ nay người viết đã không dùng bút lông nữa, thậm chí là không dùng bút nữa mà dùng bàn phím. Tuy nhiên, không thể nói tiền “nhuận bàn phím”, vì như thế nghĩa là làm ướt bàn phím! Ngoài ra, tiền trả cho ảnh đăng sách đăng báo người ta vẫn dùng tiền “nhuận ảnh” (nghĩa là làm ướt máy ảnh chăng?). Như vậy có thể thấy Ngôn ngữ là thứ hễ cứ xài quen thì thành đúng!

Kiêu xa 

Từ gốc Hán, trong đó:

– “Kiêu” là cao ngạo, tự mãn;

– “Xa” là phung phí quá đỗi, như trong chữ “xa xỉ” là hoang phí thái quá, không biết tiết kiệm…

“Kiêu xa” vốn là từ dùng để chỉ kẻ kiêu ngạo, hợm mình và hoang phí. Trong bài “Ðế kinh thiên” của Lạc Tân Vương (nhà Ðường) có viết:

“Đương thời nhất đán thiện hào hoa
Tự ngôn thiên tải trường kiêu xa
Thúc hốt đoàn phong sinh vũ dực
Tu du thất lãng ủy nê sa”.

Ðại khái là thuở ấy tài hoa bộc lộ sớm, tưởng đâu ngàn năm có thể kiêu ngạo xa xỉ mãi, ai ngờ cũng có lúc thất thế.

Có thể thấy nghĩa của từ “kiêu xa” có phần khác từ “kiêu sa” của ngày nay. “Kiêu sa” trong tiếng Việt chỉ người phụ nữ đẹp và quý phái. Có thể thấy từ gốc của “kiêu sa” chính là “kiêu xa” thật nhưng đã dần dần biến nghĩa đi.

Xem lại trong Ðại Nam Quấc âm Tự vị thời cuối thế kỷ 19, không thấy Huỳnh Tịnh Của nhắc gì tới Kiêu Xa lẫn Kiêu Sa, nhưng trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức đầu thế kỷ 20 có nhắc tới Kiêu Xa, nghĩa là “kiêu căng xa xỉ”, con nhà phú quý quen thói Kiêu Xa.

Thiết tha

Từ gốc Hán, trong đó:

– “Thiết” là cắt;

– “Tha” là mài.…

Từ này xuất phát từ bài thơ “Kỳ úc 1” trong Kinh Thi, viết rằng:

“…Như thiết như tha
Như trác như ma.
Sắt hề! Hạn hề!
Hách hề! Hoán hề!
Hữu phỉ quân tử,
Chung bất khả huyên hề!”

Về nguồn gốc, “thiết tha” trong bài này vốn dùng để ca ngợi Vệ Vũ Công (vị vua thứ 11 của nước Vệ – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Hoa) là người biết trau giồi tài đức nên được nhân dân yêu mến nhớ nhung đến mức trong lòng đau như cắt như mài.

Như vậy ban đầu, Thiết Tha nghĩa là “rất”, “lắm”, lòng đau như cắt như mài nghĩa là rất đau lòng. Thiết Tha cũng được Huỳnh Tịnh Của định nghĩa là “lắm lắm, bức lắm, ngặt lắm, cần kíp lắm”.

Ngày nay, chữ “Thiết tha” lại mang nghĩa là sự gắn bó hết lòng, luôn luôn nghĩ đến, quan tâm đến ai đó hay việc gì đó, ngoài ra còn mang nghĩa mong mỏi, mong được đáp ứng, cho nên mới có cách nói “tôi tha thiết mong anh”, hoặc là “tôi chả thiết tha gì nữa”. Nói chung hầu như chẳng còn cắt hay mài gì hết. Ðôi khi “thiết tha” bị đảo thành “tha thiết” và có một biến âm là “da diết”.

Hỏi han

Mình hay “hỏi han” nhau, “hỏi” thì rõ nghĩa rồi, vậy “han” có nghĩa không?

Tương tự như “gậy gộc”, “hỏi han” không phải là từ láy mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả “hỏi” và “han” đều có nghĩa. Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “han” nghĩa là “hỏi tới”, “nói tới”. Theo đó, “hỏi han” nghĩa là hỏi một việc gì đó, hỏi tới hay nói tới một việc nào đó.

Đại thi hào Nguyễn Du từng dùng “han” như một từ độc lập, không dính đến từ “hỏi”, trong câu:

“Trước xe lơi lả han chào
Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi…” (khi Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh)

“Han chào” chính là chào hỏi.

Cần cù

Có câu, “cần cù bù thông minh”, “cần cù” là từ láy hay từ ghép? “Cù” có nghĩa gì không?

“Cần cù” là từ ghép, cả “cần” và “cù” đều có nghĩa. Đây là từ gốc Hán, viết là 勤劬.

“Cần” là siêng năng chăm chỉ, “cù” là khó nhọc, vất vả.

Chữ “cù” này còn xuất hiện trong từ “cù lao” (劬劳) – chỉ công ơn cha mẹ (thường nói chín chữ cù lao).

Truyện Kiều có câu:

“Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”

(Không nên nhầm lẫn từ “cù lao” này với từ “cù lao” chỉ cồn đất/cát nổi lên giữa sông do phù sa bồi lắng)

Bếp núc

Bếp là nơi nấu ăn; núc là “đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể bắc nồi nấu ăn” (theo Huỳnh Tịnh Của, Ðại Nam Quấc âm Tự vị).

Ngày xưa người ta nấu ăn bằng bếp củi, và những người sinh vào thập niên 1980 trở về trước có lẽ không ai xa lạ gì bếp được làm bằng 3 cục gạch hoặc hòn đá để bắc nồi nấu nướng.

Tuổi tác

Tuổi thì dễ hiểu, còn tác là gì?

Theo Ðại Nam Quấc âm Tự vị, “Tác” cũng có nghĩa là Tuổi, đồng thời Tác cũng có nghĩa là lớn. Khi nói “tuổi tác” thì đã mang nghĩa lớn tuổi, già rồi. Tuy nhiên, ngày nay thường nói “tuổi tác đã lớn”, cách nói này xét về nguồn gốc thì không đúng, bị lặp từ.

Huỳnh Tịnh Của đã định nghĩa như sau: “Người tuổi tác hiểu là người đã lớn tuổi”. “Tuổi cao tác lớn” là người lớn tuổi, già cả.

 

Thêu thùa… Vải vóc…

“Thêu thùa” là từ ghép tổ hợp (hay ghép đẳng lập), trong đó cả “thêu” và “thùa” đều có nghĩa.

“Thêu” là dùng chỉ màu đính lên bề mặt vải làm ra hoa văn; “Thùa” là kết chỉ thêm, làm cho đẹp thêm. Về cơ bản thì thêu và thùa giống nhau, đều là hành động thêm hoa văn trang trí trên vải vóc cho đẹp. Nhưng thùa đôi khi còn có nghĩa là hành động mạng lại chỗ vải bị rách cho đẹp.

Nói chung, cũng giống như “cần cù”, “gậy gộc”, “hỏi han”, “thêu thùa” cũng là từ ghép dù “thùa” nay đã hiếm khi dùng độc lập.

Ngoài ra, chữ “vóc” trong “vải vóc” cũng có nghĩa. Và “vải vóc” đương nhiên cũng là từ ghép. Cụ thể: Vải là chỉ bông hoặc đồ dệt bằng chỉ bông; Vóc là một xấp hàng lụa vừa đủ một quần là sáu thước may. Ngày nay thì vải không nhất thiết là dệt bằng chỉ bông mà có thể dệt bằng nhiều chất liệu khác. Còn vóc thì ít khi thấy dùng một mình nữa, người ta thường lầm tưởng “vải vóc”… là từ láy.

Gậy gộc

Người ta nói “gậy gộc”, “gậy” thì hiểu rồi, còn “gộc”?

“Gộc” là từ mà hiện nay đã không còn nghĩa độc lập. Tiếng Hán, “gộc” là chữ này Sách Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa: “Gộc” là “cây củi có khúc đẩn mà lớn” (đẩn, đẵn, đốn có thể là do phát âm vùng miền có ý nghĩa là chặt), và cho ví dụ “ông gộc” là người già cả hơn hết hoặc làm lớn hơn hết trong một xứ.

Xinh xắn

Nhiều người vẫn nghĩ “xinh xắn” là từ láy và cho rằng chữ “xắn” vô nghĩa. Nhưng không, đây là từ ghép đẳng lập, trong đó: “xinh” là đẹp đẽ, đồng thời “xinh” cũng có nghĩa là lịch sự.

Ðại Nam Quấc âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “xinh trai” là chàng trai lịch sự.

Còn chữ “Xắn” là sáng, chói, cũng có nghĩa là đẹp. Chữ “xắn” này, vốn là từ sinh đôi (*) của chữ “xán” trong “xán lạn” – có nghĩa là rực rỡ, sáng chói (Chữ xán lạn này lại thường… bị viết sai thành “sáng lạng”).

Tóm lại thì “xinh xắn” là từ ghép và cả hai chữ đều có nghĩa.

(*) từ sinh đôi, hay song lập thể (doublet) là một thuật ngữ của ngôn ngữ học, tạm hiểu là những cặp từ có chung nguồn gốc nhưng phát âm khác nhau.

Sáng láng

Là từ gốc Hán, viết là trong đó: Sáng âm Hán Việt đọc là “sảng”.

“Láng” âm Hán Việt đọc là “lãng”… Cả “sáng” và “láng” (tức “sảng” và “lãng”) đều có nghĩa là sáng, rõ, trong. Một lần nữa, “sáng láng” là từ ghép đẳng lập trong khi vẫn bị nhầm tưởng là từ láy, và chữ “láng” thường không dùng một mình do nhiều người không rõ nghĩa.

Mông muội

Từ gốc Hán, viết là trong đó:

– “Mông” là tối, bị che lấp. Chỗ mặt trời lặn gọi là đại mông;

– “Muội” là mờ mờ, tối tăm.…

“Mông muội” không phải là từ láy mà là từ ghép, ban đầu dùng để chỉ giai đoạn đầu xã hội nguyên thuỷ, khi đời sống con người còn nhiều u mê, như “thời kỳ mông muội”. Về sau, “mông muội” còn dùng để chỉ sự ngu ngơ, khờ dại, như “đầu óc mông muội”, “con người mông muội”.

Đo đạc

Từ Hán Nôm, chữ đo đạc nghĩa là:

– Ðo là tiếng Nôm, nghĩa là dùng thước để so xem dài ngắn rộng hẹp;

– Ðạc là từ gốc Hán, nghĩa là ước chừng, mưu tính.…

“Ðo đạc” là từ ghép, đều mang nghĩa là đo, ước chừng, tính toán khoảng cách. Hiện tượng ghép từ đồng nghĩa giữa Hán và Nôm thật ra rất phổ biến trong tiếng Việt.

Thu thập

Từ gốc Hán, trong đó: Thu là bắt, như “thu giám” là “bắt giam”; “thập” là nhặt nhạnh.… “Thu thập” là từ ghép mang nghĩa là góp nhặt, tập hợp, gom góp lại.

Săn sóc

Từ Việt gốc Hán, trong đó:

– Săn là truy đuổi (trong săn thú, săn đuổi).

– Sóc là chăn nuôi, nuôi dưỡng, âm Hán Việt đọc là “súc” (trong gia súc).…

“Săn sóc” là từ ghép với nguồn gốc là một “thuật ngữ” của nghề chăn nuôi, chỉ việc săn bắt và nuôi dưỡng thú. Sau này, có lẽ người ta không săn bắt thú nữa (chuyển sang mua bán hết rồi) nên cái nghĩa săn bắt bị mờ dần đi, chỉ còn cái nghĩa chăn nuôi, nuôi dưỡng. Thành ra, “săn sóc” trở thành động từ mang nghĩa chăm nom, chăm sóc.

Trằn trọc

“Trằn trọc” là từ ghép, trong đó:

– Trằn là trì xuống, dằn xuống, đau bụng “trằn trằn” là bụng đau mà cứ trì xuống…

– Trọc, vốn là biến âm của “trục” nghĩa là do dự, nao núng. Chữ “trục” này còn có một âm khác là “trạc”. Hiện tượng biến âm còn có thể thấy qua “cực nhục” thành “cực nhọc”, “túc” thành “thóc”. Như vậy, “trằn trọc” là từ ghép có nghĩa là lẩn quẩn không yên, không dứt ra được. Từ này thường dùng nhất là lúc ngủ mà không ngủ được, cứ day dứt chẳng yên trong bụng.

Đầm đìa

Ðầm là vùng nước trũng, thường có cây cỏ mọc um tùm, nơi chim và cá tụ lại đẻ trứng… Ðìa là ao vũng, chỗ nước moi sâu mà nhử hoặc nuôi cá. Thông thường, “đầm” là vũng nước trũng tự nhiên còn “đìa” là vũng nước trũng nhân tạo. Nói chung, “đầm đìa” là danh từ chỉ hai loại hình thuỷ vực. Nhưng mà dân ta mượn “đầm đìa” để dùng trong các trường hợp ướt sũng, sũng nước, kiểu “nước mắt đầm đìa”, “mồ hôi đầm đìa”.

Lố lăng

“Lố lăng” là một từ ghép (không phải láy) nửa Nôm nửa Hán. Trong đó:

– Lố là từ Nôm nghĩa là quá mức, thái quá;

– Lăng là từ gốc Hán nghĩa là lấn lướt, xâm phạm, là chữ “lăng” trong “xâm lăng”.

“Lố lăng” là từ dùng để chỉ những gì vượt quá lẽ thường, vượt quá chuẩn mực chung của xã hội, như “hành vi lố lăng”, “ăn nói lố lăng”, “ăn mặc lố lăng”.

Sầm uất

Từ gốc Hán, trong đó:

– Sầm là núi nhỏ mà cao;

– Uất (còn có âm là “úy”) là tên một loại cỏ, gọi cỏ úy, cũng có nghĩa là cây cỏ xanh tốt, rậm rạp, từ đó nảy sinh thêm nghĩa là hưng thịnh.

Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng “sầm uất” là “cao và rậm rạp, nói về những cánh rừng rậm trên núi” và cũng dùng để “chỉ sự đông đảo, thịnh vượng”. Ngày nay chúng ta đều dùng theo nghĩa chuyển này.

Hống hách

Từ gốc Hán, trong đó:

– Hống là gào, thét, gầm, rống;

– Hách là doạ nạt.…

“Hống hách” là từ ghép, ban đầu có nghĩa là lớn tiếng nạt nộ, gào thét để thị uy. Sau này dần biến nghĩa trở thành từ dùng chỉ thái độ ra oai để tỏ rõ uy quyền. Kiểu cán bộ mà tỏ thái độ khinh khỉnh, coi thường dân thì bị cho là có thái độ “hống hách” dù cán bộ không có gào thét gì.

Nói “thái độ hống hách” thật ra không đúng lắm, vì “hống hách” là động từ, không phải tính từ, không thể dùng miêu tả thái độ.

Hách dịch

Đây là từ gốc Hán, trong đó:

– “hách” là to lớn, lẫy lừng;

– “dịch” là to lớn, long trọng.

“Hách dịch” vốn có nghĩa là vẻ to lớn, chói loá, thậm chí là dữ dằn khiến người khác khiếp sợ. Sau này dùng theo nghĩa làm ra vẻ oai nghiêm, lên mặt với người khác.

Bồ bịch

Tại sao hai người yêu nhau thì gọi là bồ bịch?

– “Bồ bịch” là một từ ghép, chỉ hai nông cụ. “Bồ” là dụng cụ đựng lúa, có đáy; “bịch” cũng là dụng cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy mà lấy nền nhà làm đáy. Ca dao có câu: “Bởi anh chăm việc canh nông, cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.”

Cái “bồ” và cái “bịch” lúc nào cũng đi đôi với nhau trong nhà nông (ngày xưa hầu hết dân ta đều làm nông), đó là lý do người ta gọi những người cặp kè không rời nhau nửa bước là “bồ bịch”. Rồi từ đó có thêm các từ chỉ việc có người yêu như “cặp bồ”, “có bồ”, cũng từ chữ “bồ bịch” mà ra.

Tú tài

Từ ghép gốc chữ Hán, trong đó:

– “Tú” là tốt, Tú trong chữ Tuấn Tú được Huỳnh Tịnh Của định nghĩa là Trí huệ, đẹp đẽ, Thanh Tú nghĩa là Đẹp đẽ, thanh lịch.

– “Tài” là hay, giỏi…

Theo Huỳnh Tịnh Của, “Tú tài” là kẻ thi đỗ dưới bậc cử nhơn, kẻ học hành có tài.

Căn cước

Là từ gốc Hán, viết là trong đó:

– Căn (âm Hán Việt hiện đại là “cân”) là cái gót chân;

– Cước là cái bàn chân (hoặc cẳng chân, nói chung là cái chân), trong chữ “quyền cước” của võ thuật.

Khi đi người ta đặt gót chân xuống trước, nên “căn” hàm nghĩa là gốc rễ, lai lịch, khi bước người ta nhấn bàn chân xuống trước, nên “cước” dùng để chỉ hoạt động, tình trạng đi lại. “Căn cước” vì thế được dùng chỉ quê quán lai lịch, tiểu sử hành tung của một người.

Sa thải

Tại sao đuổi việc lại gọi là “sa thải”?

“Sa thải” là một từ gốc Hán, vốn có nghĩa là “đãi cát” (sa nghĩa là cát), nghĩa bóng là “bỏ cái xấu, giữ cái tốt”. Do cái nghĩa bóng này mà “sa thải” thường dùng trong các trường hợp đuổi việc (Từ điển Ðào Duy Anh, 2005, trang 662).

Lưu manh

Thật ra, nguồn gốc hai chữ “lưu manh” không phải dùng để chỉ người xấu.

– “Lưu” có nghĩa gốc là trôi, chảy, rồi nghĩa phát sinh là rày đây mai đó.…

– “Manh” có hai nghĩa, một là “người dân”, xưa dùng để chỉ trăm họ; hai là “dân quê”. Âm xưa của “manh” đọc là “mống” (ví dụ: chết không còn một mống).

– Hai chữ “lưu manh” ghép lại vốn dùng để chỉ người dân không nghề nghiệp, rày đây mai đó, không có công việc làm ăn, rồi dần dần chuyển sang nghĩa là đứa du côn, bất lương. Nói chung, ngày xưa chỉ là “người lưu manh”, trung hoà không tốt không xấu, giờ nghe từ “thằng lưu manh” là thấy không tốt rồi.

Cổ xúy

“Cổ” nghĩa là cái trống Xúy (còn có âm khác là xuy), nghĩa là thổi.

“Cổ xúy” vốn có nghĩa là “đánh trống thổi sáo”, sau này dùng theo nghĩa là hô hào, vận động, cổ vũ cho một việc gì đó.

Hiện nay, “cổ xúy” thường dùng khi phê phán việc hô hào, vận động chuyện gì đó xấu, ví dụ: cổ xúy lối sống hưởng thụ… Thỉnh thoảng, mình bắt gặp từ “cổ súy”. Ðây là cách viết sai chính tả của từ “cổ xúy”.

Hở hang

Đây là từ ghép, trong đó:

– “Hở” là không kín, không liền nhau;

– “Hang” là thông suốt, mà chữ Hán hay chữ Nôm đều ghi nhận là âm Hán Việt hiện đại là “hanh”, tức thông suốt, là chữ “hanh” trong từ “hanh thông”.…

Cụ thể thì “hang” là một dạng biến thể của “hanh”, ngoài ra còn có một dạng nữa là “hênh” trong “hớ hênh”, nghĩa là hở ra, hớ ra, không kín đáo. Về mối quan hệ của -anh và -ang có thể tìm thấy trong mành – màng, mảnh – mảng, canh/cánh – càng (càng lúc càng…).

Như rất nhiều lần khác, không phải khơi khơi mà ông bà nói một từ, hở hang hay hớ hênh cũng đều có lý do cả. Chỉ vì chúng ta không biết nghĩa của chúng nên mới tưởng lầm chúng là từ láy. Kỳ thực, ở thời xa xưa ấy, chúng không vô nghĩa.

Do dự

Từ ghép gốc Hán, Thiều Chửu giải thích từ nguyên của hai chữ này như sau:

– “do” là con do, giống như con khỉ, tính hay ngờ, nghe tiếng người leo ngay lên cây, không thấy người mới lại xuống;

– “dự” là con dự, một loài thú có tính đa nghi.…

Đây là hai con thú có tính đa nghi, nên “do dự” thường dùng để chỉ người thiếu quyết đoán, hay đa nghi, hay trù trừ.

Khảng khái

Từ điển Thiều Chửu giảng “khảng khái” nghĩa là hăng hái (có ý khí hăng hái vì nghĩa). Tục bảo tiêu tiền không cò kè là khảng khái (cũng như hào hiệp).

– Từ điển Trần Văn Chánh giảng “khảng khái” là mạnh mẽ, hùng hồn, hăng hái (vì việc nghĩa). “Khảng khái trần từ” là lời nói mạnh mẽ, lời lẽ hùng hồn; Ngoài ra, “khảng khái” còn có nghĩa là hào hiệp, hào phóng, rộng rãi.

– Ðại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng “khảng khái” là bộ mạnh mẽ, gan dạ, hết lòng.

Các từ điển, tự vị trên đều không có từ “khẳng khái”. Có thể hiểu, “khẳng khái” là từ sinh sau này.

Từ đúng là “khảng khái”, nhưng tiếng Việt có một hiện tượng gọi là “lưỡng khả”. Hiện tượng lưỡng khả nghĩa là người dùng chấp nhận cả hai khả năng, hai biến thể ngữ âm cho cùng một từ. Và từ đó sẽ có hai cách viết chính tả khác nhau. Ví dụ: dông tố và giông tố, dòng sông và giòng sông, trăn trối và trăng trối, trau dồi và trau giồi…

Manh nha

Từ gốc Hán, cả “manh” và “nha” đều có nghĩa là mầm cây cỏ mới nảy, mới mọc. Do đó “manh nha” được dùng để chỉ sự vật, sự việc mới có ý định, sắp hoặc mới phát sinh.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận