Người Pháp đã quy hoạch và xây dựng Sài Gòn buổi ban đầu như thế nào

Ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Phó Đô đốc Pháp là Charner (tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam kỳ) đã ra quyết định đề ngày 11/4/1861 ấn định ranh giới của thành phố. Lúc đó Sài Gòn có ranh giới như sau: một mặt, rạch Bến Nghé (Arroyo Chinois) và rạch Thị Nghè (Arroyo Avalanche), một mặt các phòng tuyến cũ của đồn Chí Hòa. Diện tích thành phố như thế sẽ là khoảng 2.500 ha, cho một dân số từ 500.000 đến 600.000 người. Vùng ngoại ô rộng lớn sẽ được thiết lập trên bờ trái của sông và bờ phải của kinh Bến Nghé. Các công xưởng sẽ được bố trí tại đây và đây cũng sẽ là nơi tiếp nhận số công nhân, thợ thuyền người “bản xứ” từ các nơi kéo tới.

Năm 1862, Đô đốc Bonard ra lệnh cho đại tá công binh Coffyn lên một họa đồ của một thành phố Sài Gòn dành cho 500.000 dân.

Mở đầu dự án, Coffyn cho rằng ranh giới như được ấn định trên đây, tuy khá rộng rãi, nhưng sẽ tạo cho thành phố một hình dáng kỳ cục với một chu vi không đều, tạo khó khăn cho việc thiết kế các phương tiện cố định và việc phối trí các đường phố cùng những đoạn nối nhau. Do đó, Coffyn đề nghị sửa đổi đôi chút: trên một nửa phần chu vi, ranh giới được định rõ bởi các đường nước tự nhiên phần chu vi còn lại sẽ đào một con kinh nối rạch Bến Nghé với rạch Thị Nghè, như vậy, Sài Gòn sẽ nằm giữa các đường nước suốt xung quanh và thành một ốc đảo thực sự. Thành phố sẽ có diện tích là 2.500 ha, cho 500.000 hay 600.000 dân. Trên bờ tả ngạn sông lớn (vùng Thủ Thiêm) và trên bờ hữu ngạn rạch Bến Nghé (khoảng quận 4 và quận 8) sẽ là các khu ngoại thành lớn dành cho xưởng thợ, nhà máy để thỏa mãn các nhu cầu tương lai của thuộc địa.

Vẫn theo họa đồ này thì thành phố sẽ được chia thành hai khu vực lớn là khu hành chính và khu doanh nghiệp. Khu thứ nhất nằm ở phía đông đường Impériale (nay là đường Hai Bà Trưng) có diện tích khoảng 200 ha. Tại khu này sẽ đặt dinh thống đốc, một số cơ quan hành chính, trại binh, hành dinh, bệnh viện quân đội, công binh xưởng, xưởng đóng tàu, vân vân,… Khu thứ hai nằm ở phía tây đường này cho tới Chợ Lớn và gồm cả thành phố này là khu doanh nghiệp, một số công sở dân sự và cơ quan quản trị thành phố Sài Gòn, với diện tích khoảng 2.300 ha.

Đất thành phố sẽ được chia ra từng khoảnh, theo như đã làm ở Algérie và Singapore, và được chia thành bốn hạng lô như sau: hạng nhất dành cho nhà buôn nhỏ trên bến cảng (10m x 12m: 120m2), hạng nhì dành cho nhà buôn lớn trên bến cảng (20m x 20m: 400m2), hạng ba dành cho nhà ở trong thành phố (20m x 80m : 1.600m2), hạng bốn dành cho nhà ở ngoại ô (50m x 90m: 4.500m2).

Các đường phố chính của thành phố được dự tính như sau: đường cấp một sẽ có chiều rộng 40m, đường cấp hai là 30m. Vỉa hè hai bên đường cấp một có bề rộng 4m với hai hàng cây, vỉa hè đường cấp hai rộng 2m và có một hàng cây. Các bến sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè đều rộng 40m giống như đường cấp một. Những đường bến này có vỉa hè rộng 6m và hai hàng cây về phía có nhà cửa, ngoài ra, khi cần sẽ đặt thêm một đường sắt. Dọc theo kinh đào nối kinh Bến Nghé và kinh Thị Nghè sẽ là một đại lộ rộng như đường bến sông và nối tiếp các đường bến sông này và như vậy dân chúng sẽ có một đường dạo mát dài khoảng 20km có trồng cây xanh.

Thành phố cần phải có thêm công viên, quảng trường, là những thứ cần thiết cho sức khỏe của người dân thành phố, làm sao để mỗi khu phố có một vườn cây riêng của mình. Ngoài ra, giếng nước phun và vòi nước là nhu cầu bậc nhất đối với tất cả các trung tâm đông dân cư, đặc biệt trong các vùng khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên, địa thế của Sài Gòn quá bằng phẳng, lại không thuận lợi chút nào để thực hiện các công trình này. Việc thoát nước mưa và nước thải của thành phố cũng khó khăn không kém. Để giải quyết khó khăn này, không thể đặt những ống cống bình thường mà phải làm những ống cống với cửa đóng, mở tự động.

Thành phố có sáu cửa, ba cửa ở phía Bắc, một ở phía nam, một ở phía đông và một ở phía tây. Việc phòng thủ Sài Gòn bao gồm sông (sông Sài Gòn) và các con rạch (Bến Nghé và Thị Nghè) vốn là những ranh giới tự nhiên của Sài Gòn và bằng hai đồn và hai pháo đài. Đồn thứ nhất nằm ở hữu ngạn sông Sài Gòn các trung tâm khoảng 1.500m, đồn thứ hai nằm đối diện ở bên tả ngạn. Pháo đài thứ nhất đặt ở điểm góc của ngã ba sông Sài Gòn với rạch Bến Nghé. Pháo đài thứ hai đặt tại điểm nam của khoảng đất chùa vua cũ (tức Văn Thánh Miếu, ở góc sông Sài Gòn với rạch Thị Nghè phía bên kia xưởng Ba Son, chú thích của Nguyễn Đình Đầu). Về phía đất liền, việc bố phòng trước hết là kinh đào vành đai, dọc theo bờ kinh sẽ có một chiến lũy phòng thủ với các đồn nhỏ cách nhau từng quãng giống như Lũy Bán Bích.

Mặc dù người Pháp đã vạch ranh giới phát triển của thành phố Sài Gòn và vẽ họa đồ thành phố từ những năm đầu khi chiếm được Sài Gòn, tức từ 1861-1862, tuy nhiên theo nhận định từ phía người Pháp, bước đầu xây dựng Sài Gòn đã không tiến triển nhanh được, vì việc Pháp có ở lại Nam kỳ hay không vẫn còn là vấn đề đang được tranh luận, vả lại, sự tin cậy giữa những người mới tới và người Việt chưa cao, người Việt Nam còn rất dè dặt. Tất cả đã cản trở việc đầu tư vào công việc xây dựng này.

Do đó đến năm 1863, Sài Gòn vẫn còn được mô tả như sau: những con đường rộng rải đá dăm nện, cắt nhau thành góc thẳng, từng đoạn đã thay thế các con đường đất hẹp và gồ ghề của thành phố cũ. Tuy nhiên, nhà cửa còn thưa thớt. Nhà của người Pháp đa số được làm bằng gỗ, ngay các cơ sở cũng vậy. Một số công chức sống trong những ngôi nhà cũ của người Việt với mái rất dốc. Một số nơi bỏ hoang đã trở lại trạng thái đầm lầy. Tại đây và dọc các con kinh là các căn lều tranh của người Việt và người Hoa được cất trên những cọc mảnh khảnh, không nhiều, vì đa số người Việt thích sống tại các ngôi làng lân cận.

Theo nhận định của những người Pháp tới đây từ buổi đầu, Sài Gòn “không còn là một thành phố An Nam, nhưng chưa thành một thành phố Pháp”. Sài Gòn mới được thiết kế và xây dựng trên cơ sở của Sài Gòn cũ. Khi người Pháp tới, Sài Gòn cũ đã có sẵn một số đường dọc theo kinh Bến Nghé, sông và những con đường sau sẽ trở thành đường Catinat (hiện là đường Đồng Khởi), đường Paul Blanchy (hiện là đường Hai Bà Trưng) và đại lộ Luro (khi ấy là đại lộ Thành, nay là Tôn Đức Thắng). Bằng cách trải đá và chỉnh trang lại các con đường này, và bằng việc tạo nên những con đường mới song song với các con đường có sẵn, người Pháp như vậy đã giữ nguyên hướng của Sài Gòn cũ, tức Đông Bắc – Tây Nam và Tây Bắc – Đông Nam, rất thích hợp và phổ biến tại các xứ tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời, dĩ nhiên, khi các lý do thuộc lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng không cho phép, như tại Chợ Lớn, hướng các đường phố sẽ là Bắc Nam và Đông Tây.

Có lẽ khu hàng hải là khu được xây dựng đầu tiên theo một đồ họa đô thị được xác định. Chính tại đây, trung tâm của thành phố tương lai được tạo ra. Một đường nửa vòng cung được vạch ra, mọi con đường mới đều bắt đầu tỏa ra từ đường nửa vòng cung này: trước tiên là trục lớn nối thành phố với bên ngoài (đường Paul-Blanchy/ Hai Bà Trưng), kế đó là những đường ngắn hơn, nhưng đáp ứng nhu cầu thời đó.

Các Đô đốc hải quân (lúc đó giữ vai trò Thống đốc Nam kỳ) đã chọn vùng “đồi” từ rất sớm, Bonard cho dựng lên ở đây dinh thự đầu tiên của ông, một ngôi nhà bằng gỗ có thể tháo dỡ được mà ông đã mua tại Singapore khi trên đường tới Sài Gòn. Ngôi nhà gỗ này được đặt ở vị trí sau đó xây trường Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa) nằm trên đường Taberd (nay là Nguyễn Du).

Ngôi nhà gỗ là nơi làm việc tạm thời của Thống đốc Nam kỳ, trong khi chờ xây dinh Thống đốc (Dinh Norodom)

Một số công trình hành chính, một bệnh viện được xây lên. Từ năm 1862, một đường dây điện báo đã nối Sài Gòn với Chợ Lớn, Biên Hòa, Bà Rịa và Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) được thực hiện.

Tranh vẽ lễ ký Hòa ước 1862 tại Trường thi Gia Định (khu vực nay là Nhà văn hóa Thanh Niên ở Quận 3)

Gần dinh Thống đốc cũ trên đường Taberd (lúc này chưa có dinh Norodom), một số văn phòng được bố trí xung quanh một vị trí được vạch ra ở cuối đường Catinat (nay là Đồng Khởi). Vị trí này chiếm khu vực hiện này nằm giữa đường Gouverneur (nay là Lý Tự Trọng)  và mặt tiền Nhà thờ chính tòa. Ở đây cũng có một đài quan sát. Ở phía đối diện là kho bạc và nhà điện báo. Các cơ sở quân sự mọc lên đó đây: khu kỵ binh Nam Kỳ (đường Espagne và Sở Cẩm thuộc địa, đường Paul-Blanchy), kho của hải quân và pháo binh…

Trong phần thành phố “thấp”, người ta đào một con kinh mới, đó là kinh Gallimard, khi được lấp đi, trở thành đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi). Kinh này một mặt, đổ vào kinh Bến Nghé chỗ đầu con đường Pellerin (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), và mặt khác, đổ vào sông lớn, nơi cất kho lương thực của hải quân khi ấy.

Nhà Rồng ở Cảng Sài Gòn đầu năm 1865, lcú này là trụ sở hãng tàu biển Messageries Maritimes

Từ 1865, thành phố Sài Gòn bắt đầu phát triển nhanh và đô đốc De la Grandière là người có công lớn và căn bản trong việc biến đổi cảnh quan của thành phố này. Những con đường mới, những ngôi nhà hành chính mới được khởi công xây dựng với một số lao động đông đảo. Một số ngôi làng mới được thiết lập ngoài ranh giới khu đô thị. Các hệ thống thoát nước và làm sạch môi trường được triển khai liên tục, vì số tử vong nơi người Âu rất cao, nhất là vào đầu mùa mưa (tháng 4-5). Thảo Cầm Viên được thiết lập làm nơi giải trí và vườn ươm cây cho thành phố.

Người ta đã có thể dạo chơi trên bến Napoléon (sau này là Bến Bạch Đằng, nay là đường Tôn Đức Thắng) khá hấp dẫn với những tàu chiến lớn xếp thành hàng bên bờ sông, với cảnh nhộn nhụp của ghe thuyền di chuyển trên sông, với không khí mát mẻ do hơi nước bốc lên. Những chiếc xe hơi đẹp đẽ đã trở nên khá khổ biến ở đây rồi. Tuy nhiên, đường phố vẫn chưa có đèn, ngoài những ngọn đèn nến lù mù không thể thiếu ở mỗi cửa ra vào nơi ở.

bến Napoléon, cảng Sài Gòn năm 1866

Việc xây dựng đường phố Sài Gòn buổi ban đầu

Theo một bài viết đăng trong Courrier francais số đề ngày 5/6/1865 và được Bouchot in lại, thì khi Pháp chiếm Sài Gòn, địa thế của thành phố này có hai phần rõ rệt: phần thấp, chủ yếu là một cánh đầm lầy ngập nước mỗi khi thủy triều lên, và một vùng cao, thường được gọi là vùng “đồi”, trải dài từ thành đến cánh đồng mả. Quan, quân và người giàu có kéo tới dựng nhà tại vùng cao này, trong khi những người dân phải kiếm sống hàng ngày thì tìm cách dựng lên những mái nhà tranh, một nửa trên đất, một nửa như treo trên sông, bên bờ phải của kinh Bến Nghé.

Hai vùng đất cao thấp, và cũng là hai khu ở của người giàu và người lao động của Sài Gòn này, được nối với nhau bằng một vài con đường nhỏ hẹp. Và những con đường này chẳng tạo khó khăn gì cho người bản xứ quen lội trong bùn lầy. Nếu chỉ là có chỗ cho binh lính, công chức trú ngụ, thì vấn đề chẳng có gì phức tạp, bởi vì vùng đồi là nơi khá thuận lợi và lành mạnh, vùng thấp có thể được dùng làm nơi tàu cất hàng hay dỡ hàng và chỉ cần chỉnh trang đôi chút các con đường có sẵn, nâng cao một chút và mở rộng một chút là đủ, người Pháp nghĩ vậy.

Nhưng những người Pháp lại muốn xây dựng một thành phố thích hợp với nền thương mại Châu Âu, một xưởng hàng hải với các kho hàng. Và các hạng mục này phải được đặt ngay tại bờ sông mới thuận lợi. Và đây là nguồn sinh ra các khó khăn, vì để xây cất, người ta trước tiên phải tạo nền. Nhưng tìm đâu ra, trong vùng lân cận Sài Gòn, đủ đất cần thiết cho công việc san lấp này? Và thế là người ta nảy ra ý tưởng đào một số con kênh ở thành phố thấp, vừa để thoát nước trong vùng, vừa có đất để đắp cao những chỗ cần thiết, vừa để làm một thứ đường giao thông cho ghe, thuyền. Phần ghi chú của Bouchot cho biết một số các kinh này còn thấy trong họa đồ Sài Gòn 1863. Các con kinh do người Pháp đào này, ít năm sau đó, đã được lấp đi, nhưng vẫn đề lại những dấu vết trên dung mạo của thành phố: đại lộ Bonard (Lê Lợi hiện nay), đại lộ Charner (Nguyễn Huệ hiện nay), đại lộ la Somme (Hàm Nghi hiện nay), đường Pellerin (Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay), và lối đi chính của Ba Son, vốn là những con kinh thông thương với nhau và đổ vào kinh Bến Nghé, sông Sài Gòn và kinh Thị Nghè.

Bài báo cho biết tiếp: Thực ra đây chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt, vì việc đào các con kinh này tạo không ít khó khăn cho việc giao thông vì làm gia tăng vô số cây cầu cần phải bắc. Sau này, vào thời kỳ người ta không còn phải vật lộn với cuộc sống nữa mà tìm cách cải thiện cuộc sống, bộ phận Công binh đề nghị san thấp xuống các mỏm cao của vùng đồi chưa có các công trình xây cất công cộng. Nhờ vậy, nhà nước vừa có đất lấp vùng thấp, vừa có đất để thực hiện các công trình xây cất của mình. Tư nhân thì tự chịu phí tổn chuyên chở đất để làm nền nhà. Chính nhờ biện pháp này mà bộ mặt thành phố đã có những thay đổi. Những con đường phố rộng rãi, cắt thẳng góc, ngang dọc khắp một diện tích đủ cho nhu cầu của thành phố trong nhiều năm tới như đường Impériale (Hai Bà Trưng hiện nay), đại lộ Chasseloup – Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay) và kinh Thị Nghè.

Theo Bouchot, vào thời điểm này, một số lớn đường phố đã được làm lại hoặc được trải đá lại. Phần lớn vật liệu đến từ chính đất của Sài Gòn và từ kinh Ceinture (Vòng đai). Nhiều con đường đã có thể chịu đựng nổi các loại xe chuyên chở nặng cần thiết cho công việc xây dựng ồ ạt. Loại đường này có một cái lợi rất lớn là khô ngay vài giờ sau trận mưa tầm tã, và dễ dàng cho cả người đi bộ, ngay trong những mùa xấu nhất trong năm. Một số lớn các con đường này và bờ sông, bờ rạch đã được trồng cây me hay xoài. Và người ta hy vọng cây xanh sẽ thay đổi hẳn bộ mặt của thành phố chỉ trong thời gian ngắn.

Người ta có thể rời thành phố và đi ra ngoại ô: trước hết, phải kể đến con đường Chợ Lớn, khá đẹp, người dân Sài Gòn thích đi dạo trên con đường này: bộ mặt con đường thay đổi hàng ngày đất đai hai bên đường hầu như đã được bán hết, dần dần trở thành những khu vườn dâu và va-ni. Trong một tương lai rất gần, con đường Chasseloup – Laubat cũng sẽ như vậy. Ban đầu đại lộ này chưa được quan tâm nhiều, nhưng chắc chắn, chẳng bao lâu sau đó, đại lộ này sẽ bổ sung cho cuộc dạo chơi trên con đường Chợ Lớn, hai con đường sẽ nối với nhau ở kinh Bến Nghé bởi hai hay ba con đường ngang nhỏ, mà một trong những con đường đó là con đường Chợ Quán (sau này Bến Hàm Tử, hiện nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), tạo nên một quang cảnh Việt Nam của vùng đất thấp. Đường bờ sông (rạch) cũng sẽ là con đường dành cho những cuộc dạo chơi thú vị nhất, khi các cây cầu được sửa chữa xong để xe cộ có thể qua lại được.

Việc xây dựng cầu cống ở Sài Gòn buổi ban đầu

Làm đường phố tại vùng đất có nhiều kinh, rạch như Sài Gòn – Chợ Lớn không thể không đi kèm việc làm cầu. Việc làm cầu cũng đã tạo nên không ít vấn đề. Năm 1865, trên kinh Thị Nghè (người Pháp gọi là l’Arroyo de l’Avalanche), có ba cây cầu: cầu thứ nhất có tên là cầu Thị Nghè, dẫn tới con đường đi về phía Biên Hòa và nằm cuối phía tây bắc của Thảo Cầm Viên, cầu thứ hai khi ấy nằm tại khúc đối diện với sở thanh tra Gia Định (Inspection de Gia Định), cuối đường được gọi là đại lộ Albert 1er (nay là Đinh Tiên Hoàng/Lê Văn Duyệt), cầu thứ ba nằm ở cuối phía tây của đường Impériale (Hai Bà Trưng hiện nay).

Các cây cầu loại này xem ra không còn thích hợp với những con đường mới với mức độ lưu thông và với những phương tiện giao thông mới. Năm 1866, người ta đã nói đến những đòi hỏi mới về những cây cầu mới của thành phố: cầu trên kinh rạch phải làm sao để bảo đảm việc giao thông được dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời không cản trợ sự lưu thông của ghe, thuyền trên kinh, rạch.

Ngoài ra, các cây cầu này cũng phải được làm bằng các vật liệu khác, ngoài gỗ, để bảo đảm độ bền của cầu. Cây cầu thứ nhất trên kinh Thị Nghè, được cất một cách kỹ lưỡng, nhưng đã đổ sau một năm phục vụ lưu thông, cây cầu lớn ở Chợ Lớn cũng đang đe dọa sụp đổ. Như vậy, độ bền của các cây cầu này quá kém, dù rằng người ta đã dùng gỗ loại một để làm chân cầu. Do đó, không nên tin tưởng ở cầu bằng gỗ, không cây cầu bằng gỗ nào có thể đương đầu nổi với sức nóng khủng khiếp xen kẽ với độ ẩm ướt và ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt này. Cũng do đó, hệ thống cầu thích hợp nhất tại đây sẽ là cầu bằng sắt, thuộc loại cầu đã được sử dụng tại đảo Tích Lan (Srilanka).

Những cây cầu này, được gọi là “cầu Mỹ”, vừa kiên cố, vừa dễ thiết kế trên loại đất phù sa. Loại đất này thường không mấy cứng tại những chỗ gần dòng nước chảy. Chiều dài trung bình của các cây cầu là khoảng từ 15 đến 20m, trừ các cây cầu bắc qua kinh Thị Nghè vốn có chiều rộng lên tới 140m và có thể đặt trên nhiều trụ bằng gang hay bằng tôn hay những cây cọc xoắn ốc giống như các cây cầu sử dụng mới đây tại Thượng Hải. Người ta cũng đã khảo sát đất tại chỗ đặt chân cầu để đặt làm những cây cầu Mỹ tại Pháp.

Đường Catinat

Nhắc tới những con đường Sài Gòn được xây dựng buổi ban đầu, khônh thể không nhắc tới con đường quan trọng bậc nhất, đó là đường Catinat, tuy hẹp nhưng sang trọng và nhộn nhịp, được xem như trục chính của thành phố Sài Gòn.

Tên gọi Catinat là do Thống đốc Nam kỳ De la Grandière đặt cho con đường cửa ngõ của Sài Gòn, nối bờ sông với nội địa này, vào ngày 1/2/1865 để kỷ niệm chiếc tàu mang tên Catinat đã tham gia các trận chiến 1856 tại Touran (Đà Nẵng) và 1859 tại Sài Gòn. Con đường, ngay từ đầu, đã đóng vai trò của một “cửa hàng trưng bày” của nên thương mại thuộc địa. Người ta có thể tìm thấy ở đây, ngay vào buổi đầu, trụ sở của những nhà xuất khẩu có tên tuổi của Pháp như Descours và Cabaud, nhất là Denis Fréres, những nhà buôn Bordeaux đã đặt chân lên xứ này ngay từ 1862.

Theo Franchini, trong những năm đầu của thế kỷ 20, con đường này là nơi gặp gỡ tự nhiên của cộng đồng da trắng, nhất là vào buổi chiều khi ánh nắng đã dịu và trời mát trở lại. Đường lát đá Biên Hòa, vỉa hè bằng gạch đỏ. Trung tâm chính là Nhà hát thành phố, khánh thành năm 1900, với sự có mặt của ông hoàng Đan Mạch Waldemar.

Vẫn theo Franchini mô tả thì cũng vào đầu thế kỷ 20, người ta còn có thể nhận ra tại đường Catinat những cửa tiệm của người Hoa và người Ấn Độ, từ đây toát ra hơi bốc của thuốc phiện hay mùi nhang khói. Vào những ngày Tết, các cửa tiệm này biến thành những sòng bạc nho nhỏ dành cho người Châu Á. Họ tới đây để lao vào các cuộc đỏ đen, từ mạt chuộc, domino tới tứ sắc. Những năm 20, với con số người Châu Âu ngày càng lớn, việc hiện đại hóa và việc tư bản hóa nền kinh tế, con đường Catinat mất dần cái hương vị phương Đông này để được Châu Âu hóa, thương mại hóa. Xe hơi đã dần thay thế xe ngựa, quạt máy thay thế quạt kéo bằng tay. Mặt đường được rải nhựa và nhà nhiều tầng mọc lên mở đầu cho thời đại bê tông.

Lên nữa, chúng ta sẽ gặp các toà nhà của sở An ninh và Tài chính đối diện nhau, rồi tới khu vực nhà thờ Chính tòa, ở giữa là tượng giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), sau đó đã được thay thế bằng tượng Đức Maria, bên phải là Bưu Điện. Nếu đường Catinat là xương sống, nhà hát là trái tim thì nhà thờ Chính tòa là trọng tâm của thành phố “trắng”, “thành phố” của người Pháp và Châu Âu. Các đường lớn dẫn đến các khu cư trú của người Âu tỏa ra từ hai bên của con đường và của hai điểm này.

Ở phía tây của trục, đối diện là nhà hát, là đại lộ Bonard (Lê Lợi), vốn là một con kinh đã được lấp, dẫn đến chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành) và nhà ga. Song song với đường Catinat là đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) nối bờ sông với tòa đô chính, chếch sang phía Tây là Toà án và dinh Thống đốc Nam Kỳ. Phía đông, rải rác các cơ sở phục vụ thuộc địa gồm: cảng quân sự, xưởng Ba Son, bệnh viện Grall (nay là BV Nhi Đồng 2), các cơ sở tôn giáo như dòng Kín, trường Sainte – Enfance (nằm ở đường Tôn Đức Thắng ngày nay), trại binh và Thảo Cầm Viên.

Từ Thảo Cầm Viên, một con đường cắt thẳng góc với đường Catinat , theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đó là đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn), cuối đại lộ là dinh Thống đốc (nay là Dinh Độc Lập).

Ở bên kia, vùng đồi chiếm trọn phần phía tây của thành phố. Đây là khu cư trú của các nhà khai thác thuộc đại và của tầng lớp cao người Việt với những ngôi biệt thự có hàng rào cây xung quanh, và cả những căn nhà thấp, sâu thăm thẳm của những gia đình thấp hơn, của trường học như trường Chasseloup – Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), những sở như viện Pasteur và không gian cây xanh của công viên Maurice – Long (nay là công viên Tao Đàn) với những cơ sở như Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn (Cercle sportif saigonnais, nay là Cung Văn hóa Lao Động), một nơi tiêu biểu khác của xã hội thuộc địa.

Ra đời năm 1896, hội Maurice Long thoạt tiên đặt trụ sở tại đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng), không xa đường Catinat. Tại đây, người ta chủ yếu chơi môn đấu kiếm và tập tạ.

Khi chiếc xe hơi đầu tiên được du nhập vào Sài Gòn năm 1903, chính quyền thành phố cũng đã ra một số quy định khi xe đi vào đường Catinat này như phải giữ tốc độ của người đi bộ khi ngang qua các tiệm cà phê và quán ăn, không được sử dụng pha đèn,…

Xây dựng hệ thống cấp nước và thoát nước Sài Gòn

Đây là một đề tài đã được nghiên cứu, thử nghiệm từ lâu, đặc biệt từ năm 1868. Chính quyền thành phố cho đào giếng, phân chất nước, tìm nguồn nước,… Trong thành phố có mấy giếng nước tốt, nhưng đôi khi nước có vị lờ lợ. Để giải quyết tình trạng này, người ta làm theo cách làm của người bản xứ là ném một muỗng phèn vào trong chum đựng nước khoảng một trăm lít để làm cho nước trong và muối lắng xuống, rồi lọc. Người ta lo bảo vệ những giếng nước có thể sử dụng được. Chẳng hạn năm 1865, chính quyền cấp tiền để mua ngói lớp giếng nước ở làng An Hòa và tổ chức để công chúng có thể tới lấy nước tại giếng này. Người ta cũng nói đến một cái giếng ở giữa con kinh ở Chợ Lớn, có tên gọi là giếng giám mục Bá Đa Lộc. Nước giếng này được đánh giá là rất tốt và hàng ngày ghe thuyền tới đây lấy nước và chở đi khắp Sài Gòn, cung cấp nước cho các vùng đầm lầy, thiếu nước uống, đôi khi tới tận Mỹ Thơ.

Năm 1873, thành phố xây tháp nước (nay còn dấu vết gần Hồ Con Rùa). Năm 1894, chính quyền thành phố cho hãng thầu lo việc điện nước. Dân số Sài Gòn ngày một tăng nhanh. Cung cấp đủ nước sinh hoạt cho thành phố luôn là vấn đề được đặt ra. Vào khoảng 1902, Hội đồng thành phố đã bàn cãi sôi nổi về dự án cung cấp nước sạch cho thành phố. Dự án này, được đa số thành viên Hội đồng tán thành, bao gồm việc dẫn nước từ Trị An về thành phố, do đó, đòi hỏi một ngân sách khổng lồ để lắp đặt ống dẫn nước. Để có được ngân sách này, thành phố phải lên kế hoạch vay mượn. Nhưng để vay mượn, phải được nước Pháp cấp phép. Ông Cuniac, khi ấy là thị trưởng Sài Gòn, đã phải đích thân về Pháp để vận động. Nhưng chính quốc đã từ chối thẳng thừng. Việc từ chối này cũng đã tạo không ít lộn xộn giữa hai Hội đồng thành phố và Hội đồng thuộc địa với Thị trưởng Sài Gòn khiến ông này phải từ chức. Tuy nhiên năm 1907 thành phố cũng đã thử đặt ống dẫn nước lấy nước sạch từ Trị An (Đồng Nai).

Việc thoát nước cũng là một vấn đề không nhỏ đối với Sài Gòn. Kỹ sư Coffyn, trong đồ án thành phố Sài Gòn lập năm 1862, tức ngay từ buổi đầu Pháp bắt tay vào công cuộc xây dựng Sài Gòn, đã nêu vấn đề này khi lưu ý: vì mặt đất Sài Gòn không cao hơn mực nước sông rạch bao nhiêu, nên việc thoát nước mưa và nước thải trong thành phố gây nhiều khó khăn, và những khó khăn nghiêm trọng hơn bất cứ nơi nào khác. Do tình trạng trên, không thể đặt những ống cống bình thường, mà phải làm những ống cống có hệ thống cửa cống đóng mở tự động. Tại cuộc hội thảo về đề tài “Ngập lụt đô thị: Những bài học kinh nghiệm cho phát triển bền vững” tổ chức tại Sài Gòn ngày 10/3/2006, tên tuổi đại tá chỉ huy trỏng Công binh Coffyn đã được nhắc tới và đề án chống ngập của ông cũng như của một số kỹ sư khác được đề nghị tham khảo và vận dụng vào thực tế chống ngập tại Sài Gòn hiện tại.

Xây dựng hệ thống chiếu sáng trên đường phố Sài Gòn buổi ban đầu

Theo dự tính được trình bày lên Thống đốc vào tháng 8 năm1865 thì thành phố có tất cả 15.340m vừa đường phố, bến sông và quảng trường cần được chiếu sáng vào ban đêm. Để thực hiện việc này, người ta trù tính đặt 154 ngọn đèn, tức cứ 100m thì có một ngọn. Dĩ nhiên, đèn đốt bằng dầu dừa, và người ta cũng tính là mỗi ngày sẽ đốt khoảng 40kg, tổng cộng số dầu dừa đốt mỗi năm sẽ là khoảng 16.863kg, giá khoảng 15.000 francs. Theo người đệ trình kế hoạch, Giám đốc Nội vụ, thì ngân sách thành phố có dư khả năng để chi trả cho khoản chiếu sáng đường phố này. Tuy nhiên, các ngọn đèn này phải đặt làm tại Pháp, theo kiểu được sử dụng tại thành phố Avignon, miền nam nước Pháp. Do đó sự chậm trễ là không thể tránh, trong khi việc đi lại tại Sài Gòn, Chợ Lớn lúc này, vẫn theo Giám đốc Nội vụ, sẽ gặp rất nhiều bất tiện vì thời gian giữa việc đặt hàng và giao hàng có thể kéo dài tới hai năm.

Theo sổ sách thì từ năm 1866, Sài Gòn đã có 50 ngọn đèn đường loại đốt bằng dầu dừa, năm 1867 có thêm 100 ngọn nữa, đến 1869 người ta nghĩ tới việc đốt đèn bằng dầu hỏa. Năm 1873, người ta dùng hơi đốt (gas) nhưng nhiều đường vẫn dùng lẫn lộn hoặc dầu dừa hoặc dầu hỏa. Năm 1893, Sài Gòn có 93km đường phố, nhưng chỉ có khoảng 40km là sáng sủa còn các khu vực khác thì chìm trong bóng đêm. Mãi đến 1909, khi Công ty Thủy điện CEE xây nhà máy điện Chợ Quán thì Sài Gòn mới được chiếu sáng rộng rãi vào ban đêm.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận