Người con Việt 70 năm đi tìm cha Nhật

Bị tai biến 5 lần, lần nào ông Đỗ Mẫn cũng ‘tai qua nạn khỏi’, vợ ông bảo ‘chắc chưa tìm được bố nên ông ấy cố gượng’.

Trong phòng khách ở tầng hai trên phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội, ông Đỗ Mẫn ngồi lặng lẽ, mắt ướt đẫm, hướng về phía bức tranh vẽ một người đàn ông Nhật, tên Sato Masao, bố đẻ của ông.

“Từ ngày trẻ đến giờ, chồng tôi vẫn ngồi hàng giờ nhìn ảnh bố như thế”, bà Trần Thị Thái, vợ ông Mẫn nói. Lần tai biến sau cùng đã khiến ông họa sĩ già nói chuyện rất khó khăn hai năm nay.

Ông Sato Masao, sinh năm 1909, là lính Nhật sang Việt Nam tham chiến. Năm 1942, Sato yêu và lấy bà Đỗ Thị Phụng, một công nhân may vá xinh đẹp ở Hà Nội. Một năm sau, họ sinh con trai đầu, đặt tên Đỗ Mẫn, tên Nhật là Sato Thu Si Phu My, năm 1949, sinh con gái thứ hai là Đỗ Lan Anh, tên Nhật là Sato Co Lan.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Sato Masao không về nước mà ở lại Việt Nam. Có thời điểm gia đình ông sống Hà Nội, có lúc tản cư về làng Đanh Xá, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1950, ông Sato bị người Pháp ép phải về nước, không kịp nói lời từ biệt vợ và các con.

Chỉ 7 năm sống cùng, nhưng những ký ức về cha lúc nào cũng sâu đậm với Mẫn. “Bố rất yêu vợ con, hay làm kẹo mạch nha cho ăn. Có lần bố với mẹ giận nhau, bố cõng Mẫn lên cổ bỏ đi, nhưng tối lại cõng về, rồi xúi ‘con ơi, con gọi mẹ mở cửa cho hai bố con mình đi”, ông Mẫn từng kể với vợ.

Giai đoạn 1950 – 1952, về nước, ông Sato Masao vẫn thường xuyên gửi thư, ảnh và sách báo về cho vợ con. “Mẹ nói lá thư nào bố cũng bảo nhớ vợ, nhớ con, nên cứ hướng mắt về phương Đông. Bố dặn mẹ cuộc sống khó khăn quá thì đi ăn xin, đừng ăn cắp, đừng bán thân”, bà Đỗ Lan Anh, 70 tuổi, nhớ lại.

Sato Masao cũng nhiều lần khuyên vợ đưa hai con sang Nhật sống cùng, nhưng bà chọn ở lại Việt Nam. Một phần vì bên đó, ông Sato Masao đã có gia đình riêng từ trước, một phần vì bà Phụng thương mẹ chỉ có hai người con gái, không nỡ xa.

Bức ảnh ông Sato Masao gửi về cho vợ con trong giai đoạn 1950 -1952. 

Sau 1952, do biến cố chính trị, mẹ con bà Phụng không nhận được lá thư nào từ Nhật nữa. Những thư từ trước đây, họ đều phải đốt hết. Không biết tiếng Nhật, nhưng ông Mẫn vẫn cố gắng chép lại địa chỉ ở cuối thư, hy vọng sau này tìm lại.

Kỷ vật còn lại là bức chân dung ngày trẻ của Sato Masao và tấm ảnh gia đình riêng của ông – có vợ, 3 con. Từ đó đến nay, anh em ông Mẫn bặt tin cha.

Năm 1965, Mẫn chuyển về Hà Nội học, sau đó đón mẹ lên sống cùng, trong lòng khôn nguôi muốn tìm cha. Ảnh ông Sato, Mẫn rửa thành hàng chục tấm, gửi bạn bè, người quen nhờ tìm. Ông cũng nhiều lần viết thư mang đến đại sứ quán Nhật hỏi tin, nhưng không thành công.

“Năm 1980, ông ấy ngồi lỳ trong phòng hai ngày liền để vẽ lại chân dung bố, vừa vẽ, vừa khóc”, vợ ông Mẫn kể.

Chị Đỗ Anh Thư, 45 tuổi, con gái út của ông Mẫn vẫn nhớ, tầm 12 tuổi, tuần nào chị cũng được bố đèo đến nhà một người quen lấy chồng Nhật, để dò hỏi tung tích ông nội. Mong ước của bố và bà nội đã thôi thúc Anh Thư học chuyên ngành tiếng Nhật, tốt nghiệp loại xuất sắc, hy vọng có ngày dùng đến.

“Trước khi mất, bà nội nắm tay tôi dặn ‘cố tìm bằng được ông giúp bà’, chưa tìm được, nên mỗi lần nghĩ đến bà, tôi thêm day dứt”, chị Thư nói.

Bức ảnh gia đình riêng của ông Sato Masao ở Nhật Bản. Ông Sato Masao đứng ngoài cùng bên trái. 

Hàng chục năm nay, gia đình ông Mẫn kết nối với hội con lai Việt – Nhật, hy vọng lần tìm tung tích cha đẻ. Hai kênh truyền hình Nhật đã làm phóng sự về nỗi đau chia ly của gia đình họ.

Lần duy nhất ông Mẫn sang Nhật là vào năm 2008, theo visa du lịch. Khi bày tỏ nguyện vọng tách đoàn để đi tìm cha, ông bị từ chối. Ông Mẫn buồn rầu, bảo với con gái: “Thôi cuối đời, không tìm được ông nội nhưng được một lần sang đất nước ông sinh ra cũng là hạnh phúc”.

Hai tháng nay, cháu ngoại ông Mẫn bắt đầu làm quen với cuộc sống du học ở Nhật. Cô bé dự định thay mẹ, thay ông bà để tìm được tổ tiên.

Chiều muộn, khách đến chơi sắp về, thử hỏi “Ông còn muốn tìm cha không?”, ông lặng lẽ gật đầu.

“Có lẽ giờ này cha tôi cũng đã khuất núi. Nhưng qua thư từ ông gửi về, anh em tôi biết mình còn có những người thân khác, có nguồn cội. Nếu bố còn sống, chúng tôi ước được ôm cha một lần, nếu ông đã mất, cũng được thắp nén nhang cho ông”, bà Lan Anh vừa nói, vừa xích lại, lau nước mắt cho anh trai.

Theo Phạm Nga (VnExpress.net)

Viết một bình luận