Người Ấn và những ngôi đền Ấn giáo ở Sài Gòn xưa

Người Ấn đã có mặt ở Sài Gòn sau khi Pháp đặt chân đến không lâu. Ban đầu là những người lính Ấn Độ gốc Tamil và nông dân mang theo các nông súc cung cấp thực phẩm cho quân viễn chinh Pháp đi tàu từ Ấn Độ đến Nam kỳ. Một số họ ở lại Sài Gòn định cư làm ăn, sau đó là các người Ấn từ Pondichéry – vùng thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ. Họ làm nghề cảnh sát, thu thuế, buôn bán, và đặc biệt nhất là nghề cho vay tiền, chăn gia súc (bò, dê) cung cấp sữa.

Bắt đầu từ năm 1881, nước Pháp dưới thời Đệ tam Cộng hòa, đã cho những người Ấn làm việc ở các cơ quan của Pháp ở các thành phố buôn bán thuộc Pháp như Chandernagor, Pondichéry, Mahé, Yanaon và Karikal được có quốc tịch Pháp khi họ tuyên bố từ bỏ chế độ đẳng cấp, phân biệt giai cấp trong xã hội người Ấn. Những người này có quyền lợi bỏ phiếu và lợi thế tài chính khi họ di dân đến những thuộc địa khác của Pháp, vì họ được xếp vào loại “công dân Pháp”. Vì thế có nhiều người Ấn đã đi đến Đông Dương làm việc và làm ăn sau năm 1881.

Đến năm 1897 thì số người Ấn làm ăn phát đạt ở Sài Gòn tăng vọt, có đến 19 tiệm buôn bán đổi tiền ở các đường Catinat (nay là Đồng Khởi), Vannier (Ngô Đức Kế) và chợ Cũ trong trung tâm Sài Gòn và 29 cửa hàng làm dịch vụ nhà bank (escompteur, banquier) ở đường d’Adran (Hồ Tùng Mậu). Và một nghề thông dụng của người Ấn là cung cấp sữa bò, sữa dê (laitier). Họ chiếm đa số nghề này và có đến 9 nhà cung cấp sữa ở Sài Gòn, Khánh Hội và 6 nhà ở vùng Chợ Rẫy, Chợ Lớn ở gần các chợ. Ngoài ra có rất nhiều người Ấn cho mướn xe ngựa và là tài xế nài đánh xe ngựa (charrettes & voitures) (1890).

Nhà người Ấn ở Sài Gòn

Ngoài ra, các thương gia người Ấn chiếm lĩnh thị trường cho vay mượn, mà rất nhiều nông dân người Việt trong lúc đầu mùa trồng lúa thường phải vay mượn họ với lãi xuất rất cao. Ngay cả những người Pháp trong tình trạng khó khăn túng quẩn cũng mượn người Xá tri và họ bị rơi vào vòng nợ. Người Ấn cho vay vì thế dưới mắt của nhiều người dân đủ các tầng lớp đều mang tiếng xấu. Đã có nhiều vụ kiện tụng qua những khoản vay nợ như vậy được nêu lên trong báo chí đương thời. Trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng nhiều lần nhắc tới người Việt nghèo đói phải vay tiền lãi cắt cổ từ những chủ nợ người Ấn.

Người Ấn thường được người Pháp gọi là Malabar hay Chettys, người Việt gọi là Chà Và hay Chệt ti hay Chệt (từ này cũng được dùng để chỉ người Hoa Chệc hay Chệt). Từ Chệt-ti là do từ gốc Nattukottai Chettiars, chỉ những người Ấn gốc Tamil từ Pondichéry. Khu nhiều người Ấn sinh sống ở kinh Tàu Hũ có những cây cầu bắc qua kinh, và cầu đó cũng được đặt tên là cầu Malabar, cầu Chà Và, đều là những tên gọi chỉ người Ấn hoặc người Nam Á nói chung.

Khi tới Sài Gòn, ban đầu người Ấn tập trung sinh sống và kinh doanh khá đông đúc trên địa bàn quận 1 của Sài Gòn ngày nay, để liên kết cộng đồng và tạo điều kiện thực hành tín ngưỡng tôn giáo của mình, họ đã xây dựng những ngôi đền Hindu giáo vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Ban đầu, có 4 ngôi đền Hindu giáo được xây dựng: đền Mariamman (địa chỉ hiện tại: 45 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1), đền Sri Thenday Yutthapani (địa chỉ hiện tại: 66 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1), đền Subramaniam Swamy (địa chỉ hiện tại:98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1) và đền thờ thần Ganesha (139 Thuận Kiều, phường 4, quận 11).

Từ lâu, ngôi đền thờ thần Ganesha đã không còn, tượng thần Ganesha được đưa về thờ tại đền Sri Thenday Yutthapani. Mặc dù trải qua rất nhiều biến cố lịch sử nhưng tượng thần trên 100 tuổi vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, chính điều này khiến các tín đồ tin vào sự linh thiêng của các tượng thờ nơi đây.

Sơ lược về các đền thờ Ấn giáo ở Sài Gòn:

Đền Sri Thenday Yutthapani

Đền thờ thần Sri Thenday Yutthapani một tên gọi khác của thần Murugan. Thần là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Vị thần này rất được cộng đồng người Ấn tôn thờ. Ngôi đền Sri Thenday Yutthapani có từ năm 1880, được xây dựng ngay trong con đường trung tâm Sài Gòn là Ohier (này là đường Tôn Thất Thiệp), là khu tập trung đông đúc người Ấn thời đó. Đây cũng là khu phố kinh doanh sầm uất của cộng đồng người Nattukkottai Chetty (cộng đồng những người Ấn quý tốc giàu có) chuyên làm nghề cho vay tiền và đổi tiền.

Trên đường Ohier có ít nhất 10 cửa hàng hoạt động kinh doanh tiền tệ, cho vay và đổi tiền, được mệnh danh như khu vực độc quyền của người Ấn tại Sài Gòn. Vào năm 1939, khi người Pháp khuyến khích cộng đồng người Ấn Độ mặc trang phục châu Âu, thì trong khu vực của riêng cộng đồng người Ấn sinh sống và kinh doanh, họ vẫn mặc trang phục truyền thống của mình và đi lại trên đường Ohier.

Trong thiết kế ban đầu của ngôi đền, tháp của đền trên sân thượng có kiến trúc hoàn toàn khác kiến trúc hiện nay. So sánh trên hai bức hình bên dưới, được chụp tại cùng một vị trí cũng cho thấy kiến trúc khác nhau của tháp chính trên sân thượng. Còn phần kiến trúc bên ngoài ngôi đền được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Về không gian kiến trúc bên trong ngôi đền cũng được giữ nguyên cho đến ngày nay, duy chỉ có tháp chính trên sân thượng được thay đổi vào năm 1936. Tháp có vòm hình nón (gopura) được những nghệ nhân từ vùng Tamil miền Nam Ấn Độ xây dựng lại và giữ nguyên kiến trúc cho đến ngày nay.

Về kiến trúc chính ở bên trong điện thờ qua nhiều năm không có nhiều thay đổi mà chỉ được trang trí thêm.

Ngôi đền Sri Thenday Yutthapani ngoài chức năng tôn giáo, chức năng sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng người Ấn theo đạo Hindu, thì ngôi đền giống như một ngân hàng trung tâm cho các tín hữu trong cộng đồng. Đối diện ngôi đền, bên kia đường có một ngôi nhà trưng bảng: “Trụ sở của hội người Chà Chetty xuất xứ từ Nam Ấn”.

Vào những ngày lễ lớn của đạo Hindu, cộng đồng người Ấn cũng tiến hành những nghi thức tôn giáo linh thiêng của mình tại ngôi đền. Họ tiến hành rước kiệu vị thần mà họ tôn kính.

Trong hình bên dưới là hình ảnh cỗ xe có hai con ngựa kéo được rước lễ đi vòng quanh con đường gần ngôi đền Sri Thenday Yutthapani và nơi người Ấn sinh sống. Hiện nay, sau khi một số lượng lớn thương nhân người Ấn ở Sài Gòn đã trở về nước vào những năm 1954 cùng người Pháp thì những nghi lễ này hiện không còn thực hiện nữa nhưng cỗ xe ngựa thì vẫn được trưng bày trong đền thờ.

Theo truyền thống đạo Hindu, vào những ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng như nghi lễ rước thần được đa số các tín đồ quan tâm và tham gia, họ tiến hành nghi lễ với tất cả sự tôn kính. Trong trang phục truyền thống của mình, những người Ấn Độ theo đạo Hindu tập trung rất đông tại khu vực rước thần.

Trong bức hình được chụp năm 1912 bên trên tại khu phố Ohier cho thấy không khí đậm chất tôn giáo của người Ấn Độ theo đạo Hindu. Các tín đồ tập trung rất đông và đi theo kiệu rước thần qua các con đường gần khu vực họ sinh sống. Trong một nghiên cứu của mình, G.Vidy đã miêu tả lại hoạt động tôn giáo này như sau “lễ hội hàng năm được diễn ra với tất cả sự huy hoàng của phương Đông, lễ hội vinh danh, ca ngợi vị thần. Vào ngày đó, một cỗ xe bạc được rước qua thành phố trong tiếng đệm của dàn nhạc Ấn Độ bao gồm sáo và trống”.

Bên cạnh những hoạt động rước thần, trong lễ hội Thaipusam họ thực hiện nghi lễ hành xác được gọi là Kavadi, họ mang trên vai những khung hình lưỡi liềm được trang trí rực rỡ. Trên đầu của tín đồ, người ta còn đặt một bình trong đó có chứa sữa. Lễ hội Thaipusam diễn ra vào những ngày trăng tròn trong tháng Một và tháng Hai theo lịch Hindu. Tên Thaipusam được ghép từ tên của hai tháng, tháng 1 (Thai) và tháng 2 (Pusam). Nghi lễ Kavadi được thực hiện vào ngày trăng tròn, được xem như ngày cảm tạ và hối lỗi. Đây là dịp các tín đồ tưởng nhớ đến ngày nữ thần Parvati trao cho con trai mình là thần Murugan một cây giáo có uy lực vô song để tiêu diệt ác quỷ Soorapadam. Các tín đồ Hindu cũng tin rằng họ sẽ được gột rửa mọi tội lỗi vào ngày này bằng cách thực hiện nghi thức tôn giáo nghiêm khắc như xuyên các vật sắc nhọn qua cơ thể, xuyên qua lưỡi, qua miệng, móc các vật sắc nhọn vào cơ thể.

Trong một hình chụp nghi lễ Kavadi tại Sài Gòn năm 1958 ghi lại hình ảnh của rất nhiều tín đồ Hindu giáo đứng xung quanh người đàn ông đang thực hiện nghi lễ Kavadi với những thanh có đầu nhọn nhằm mô phỏng cây giáo của thần Murugan sử dụng. Đám đông sẽ theo chân người đàn ông và đi diễu hành qua các con phố để tưởng nhớ vị thần của họ, thần Murugan, vị thần tượng trưng cho sức mạnh, tuổi trẻ.

Sau năm 1954, khi Pháp rút khỏi miền Nam, một bộ phận lớn những thương nhân người Ấn đã trở về quê hương của mình hoặc họ theo người Pháp đến các vùng thuộc địa. Bắt đầu từ thời gian này, số lượng người Ấn ở Sài Gòn giảm dần. Ngôi đền cũng theo đó mà vắng vẻ. Sau ngày 30/4/1975, ngôi đền được một người Ấn là ông Muthiah chăm sóc. Cha của ông Muthiah tên là Palanivelu, đến Sài Gòn và kết hôn với vợ là người Việt Nam, họ có ba người con là Muthiah, Subramanium và Arunachalam.

Hiện nay, những thương nhân Ấn Độ khi Sài Gòn đều tới viếng đền. Những người Việt Nam kết hôn với người Ấn Độ cũng thường đến viếng đền vào những ngày cuối tuần.

Người Việt sinh sống, làm việc gần ngôi đền cũng đến thắp nhang và cầu nguyện, nhưng số lượng không nhiều. Những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của đạo Hindu như việc rước kiệu thần đi qua các con phố hay thực hiện nghi thức Kavadi cũng không còn nữa.

Đền Mariamman

Trong khu vực người Ấn Độ tập trung sinh sống tại Sài Gòn, còn có một ngôi đền thờ nữ thần có tên là Mariamman. Đền thờ nữ thần Mariamman nằm trên đường Trương Định – một trong những con đường lâu đời bậc nhất Sài Gòn. Theo Hồ sơ di tích và cơ sở tín ngưỡng quận 1 của Huỳnh Ngọc Trảng và Đặng Văn Dũng thực hiện vào tháng 3/1991, đền Mariamman ban đầu được xây dựng vào năm 1885 trên mảnh đất ngôi miếu cũ. Lúc đầu, đây chỉ là một ngôi đền nhỏ đơn sơ, lợp mái tôn trên mặt bằng ngôi miếu tàn của người Việt, thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.

Từ năm 1950 – 1952, toàn bộ ngôi đền được xây dựng lại với kiến trúc như hiện nay là do những người Tamil trong hội Ấn kiều làm ăn sinh sống tại khu vực Quận Nhứt thực hiện. Ngôi đền được xây dựng mô phỏng theo cấu trúc đền Hindu ở miền Nam Ấn Độ. Nhiều vật liệu trong đền thờ và các tượng thần đều được nhập từ Ấn Độ và do chính thợ thủ công người Tamil xây dựng.

Khi ngôi đền xây dựng xong, ngoài hoạt động cầu nguyện tại đền, thì hàng ngày, cộng đồng người Ấn tổ chức buổi rước lễ lớn nhất vào giữa tháng 10 theo lịch Hindu giáo. Những buổi lễ này được ông Maroday, một người Ấn lai Việt từng tham gia rước lễ tại đền khi ông còn trẻ chia sẻ lại như sau: Từ những năm còn sinh sống ở ngôi đền ông từng tham gia rước kiệu nữ thần Mariamman từ trong chính điện đi ra ngoài phố và đi vòng quanh một số đường phố ở khu vực đền thờ theo nghi lễ đạo Hindu ở Ấn Độ. Sau khi đi qua các con phố, tượng nữ thần được đưa lên sân thượng của đến và các giáo sĩ (guru) thực hiện nghi lễ bắn cung, những mũi tên làm bằng tre được các giáo sĩ bắn ra từ tứ phía và theo quan niệm đạo Hindu, những ai bắt được mũi tên này sẽ được sống giàu có và hạnh phúc suốt đời. Hiện nay, ông Moraday đã lớn tuổi và sinh sống tại Panama, nhưng mỗi khi có dịp ông vẫn quay lại  để viếng đền Mariamman vào những ngày lễ lớn của Hindu giáo.

Khi người Pháp rút khỏi Sài Gòn vào năm 1954, thì nhiều người Ấn Độ trở về quê hương. Những người đến từ vùng nhượng địa của Pháp tại Ấn Độ thì theo người Pháp đến định cư tại Pháp hoặc sang định cư tại các thuộc địa của Pháp ở châu Phi và châu Đại Dương. Những người còn ở lại Việt Nam thì họ kết hôn với người Việt, sống chung với cộng đồng người Việt và họ hoàn toàn hòa vào cộng đồng người Việt sau hai, ba thế hệ. Theo tiến trình lịch sử, có thời gian ngôi đền này bị bỏ hoang, khi mà một lực lượng lớn các thương nhân Ấn Độ trở về nước.

Sau 1975, chính quyền mới đã dùng ngôi đền này để làm một phần của xưởng sản xuất nhang, phần khác trên sân thượng của ngôi đền dành cho công ty chế biến hải sản và phơi khô hải sản xuất khẩu.

Tuy nhiên sau đó, ngôi đền được trao lại cho cộng đồng những người Ấn còn sinh sống ở Sài Gòn. Nếu trước đây, ngôi đền chỉ có cộng đồng người Ấn đến sinh hoạt tín ngưỡng, thì sau này người Việt, người Hoa, người Khmer đều đến đây cúng bái cầu nguyện, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo nào. Trong chính điện ngôi đền bắt đầu xuất hiện những người phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo bà ba đang thắp nhang và khấn vái tại ngôi đền.

Sau khi ngôi đền được chính quyền miền Nam trao trả lại cho cộng đồng người Ấn, người tiếp quản trông coi ngôi đền là Ayyswamy Devar, đến từ Tamil Nadu). Sau đó, ngôi đền được trông coi bởi một người đàn ông gốc Ấn tên là Thạch Raman, ông đến Sài Gòn từ năm 1928 từ làng Karakudi ở vùng Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ.

Khi đến Việt Nam ông kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam tên là Thạch Thị Lệch. Họ có một người con trai là ông Luxmanan. Sau khi ông Thạch Raman qua đời, ông Luxmanan trở thành thầy tế chính của ngôi đền, ông tiếp nhận vị trí của mình thông qua người kế thừa.

Từ năm 2005, những ngôi đền được bảo tồn, nâng cấp và giao lại cho chính quyền quản lý hoàn toàn, làm nơi lui tới sinh hoạt cộng đồng của những người Ấn khi đến Sài Gòn làm ăn. Hiện nay, đền có một ban quản lý riêng bao gồm 5 người, trưởng ban quản lý hiện nay là ông Vương Liêm, là người Việt Nam. Từ khi ngôi đền mở cửa trở lại ngày càng có nhiều người Việt đến viếng tại đây.

Vào những ngày rằm, bên cạnh số lượng người Ấn, người Hoa, người Khmer đến viếng đền thì người Việt chiếm đa số. Đền Mariamman được người dân địa phương gọi bằng một tên thuần Việt là “chùa Bà” hoặc là “chùa Bà Đen”. Trải qua một thời gian khá dài và có lúc ngôi đền bị bỏ hoang nên một số kiến trúc bị xuống cấp. Tuy nhiên, cùng với sự đóng góp của người Việt, ngôi đền được tu sửa nhiều lần và có diện mạo mới, khang trang và rực rỡ hơn.

Đền Subramaniam Swamy

Đền Subramaniam Swamy nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một trong những con đường lâu đời nhất và đông đúc nhất tại Sài Gòn.

Cũng giống như đền thờ Sri Thenday Yutthapani, đền Subramaniam Swamy thờ thần Murugan con trai thần Shiva và nữ thần Parvati.

Subramaniam Swamy hay Sri Thenday Yutthapani chỉ là những hiện thân khác, tên gọi khác nhau của thần Murugan. Subramaniam có hai người vợ là Valli và Devasena. Không có tài liệu nào ghi chép chính xác về thời gian ngôi đền được xây dựng, chỉ thấy có ghi chép sớm nhất cho thấy sự xuất hiện của Navagrahas tại ngôi đền từ năm 1928. Navagrahas bao gồm 9 tượng: Surya, Chandra, Mangala, Budha, Guru, Shukra, Shani, Rahu, Ketu.

Người trông coi ngôi đền là ông Ramasamy, ông không nói được tiếng Anh và tiếng Tamil. Cha của ông là người Chetty và mẹ của ông là người Việt Nam. Ông được sinh ra ở Việt Nam và kết hôn với bà Bùi Thị Yến. Họ có hai người con, con trai và con gái. Ông Ramasamy còn có hai người em gái sống tại Sài Gòn là Luxshmi và Sitha. Sau khi ông Ramasamy qua đời, bà Bùi Thị Yến tiếp quản công việc trông coi ngôi đền. Ban đầu, ngôi đền dành riêng cho cộng đồng người Ấn và gần như công trình sinh hoạt chung của cộng đồng. Ngôi đền còn là nơi tổ chức lễ cưới của cộng đồng người Ấn. Hiện nay, ngôi đền được quản lý và tổ chức bởi Phòng Văn hóa Thông tin quận 1. Tuy nhiên, người Việt rất ít đến đây để cúng bái.

So sánh tiến trình lịch sử của đền thờ Hindu giáo ở Sài Gòn với những ngôi đền Hindu giáo trong khu vực Đông Nam Á, thì đền Hindu giáo tại đây lại có một tiến trình lịch sử hoàn toàn khác. Cũng giống như Sài Gòn, Hindu giáo khi vào các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan bằng con đường thương mại, hòa bình và cùng tiếp thu văn hóa Ấn Độ một cách tự nguyện. Những hoạt động tôn giáo của ngôi đền Hindu giáo như: Sri Mariamman, Sri Thenday Yutthapani (Singapore), Sri Maha Mariamman (Thái Lan), Sri Mahamariamman ở Kuala Lumpur (Malaysia), đều phát triển dần lên cùng với cộng đồng người Ấn.

Những ngôi đền này đều có niên đại trên 100 năm, trong đó có ngôi đền Sri Mariamman (Singapore) đã tồn tại được 187 năm. Hiện nay, những ngôi đền ở các nước này vẫn giữ nguyên hoạt động văn hóa tôn giáo của mình như lễ rước kiệu thần qua các con phố và các tín đồ thực hiện nghi thức Kavadi.

Vào những ngày lễ lớn của Hindu giáo, những khu vực xung quanh ngôi đền ở Singapore và Malaysia trở thành ngày hội lớn đầy màu sắc và thu hút sự chú ý không chỉ của tín đồ mà còn của du khách nước ngoài. Ngày lễ lớn của đạo Hindu ở Singapore và Malaysia đã trở thành thời điểm du lịch thú vị với nhiều du khách trên thế giới. Sở dĩ có sự khác biệt như thế là vì Sài Gòn phải trải qua nhiều biến động lịch sử, là yếu tố ảnh hưởng sự phát triển của cộng đồng người Ấn ở thành phố này. Trong khi đó, cộng đồng người Ấn ở Singapore, Malaysia, Thái Lan ngày càng phát triển hơn, giúp họ duy trì được hoạt động văn hóa tôn giáo của Hindu giáo ở bên ngoài Ấn Độ không bị mất dần đi.

Nhìn vào toàn bộ thời gian từ khi người Ấn đến Sài Gòn cho đến nay, các ngôi đền thờ Hindu giáo trải qua những bước thăng trầm cùng sự biến động chính trị ở Việt Nam. Ban đầu, cộng đồng người Ấn xây dựng đền thờ với quy mô nhỏ và tập trung ở khu vực quận 1, chủ yếu phục vụ đời sống tinh thần của người Ấn theo đạo Hindu. Họ có những con phố riêng, hoạt động tách biệt với cộng đồng người Việt, mặc trang phục truyền thống của mình. Những ngôi đền Hindu được xây dựng ngoài việc thực hiện chức năng sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cho các tín đồ, các giáo sĩ, nó còn có chức năng như một ngân hàng, chức năng sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Ấn. Những hoạt động rước thần, nghi lễ Kavadi được thực hiện riêng cho cộng đồng người Ấn. Các hoạt động văn hóa tôn giáo này diễn ra rất sôi nổi tại khu vực có đền thờ. Vào khoảng thời gian này, người Việt không đến cúng lễ hay sinh hoạt tín ngưỡng với những người Hindu giáo, họ cũng không tham gia vào những nghi lễ rước thần hay Kavadi. Những ngôi đền Hindu giáo này hoàn toàn khép kín với đời sống tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng người Việt.

Trong tiến trình lịch sử của đền thờ, đã có thời gian nó bị bỏ hoang hoặc ít được chăm sóc khi một lượng lớn những người Ấn rời khỏi Sài Gòn. Chính vào thời gian này những ngôi đền bị hư hại nhiều. Khi hòa bình thống nhất, những ngôi đền Hindu cũng bước sang một trang sử mới. Theo thời gian, những người Việt đến viếng đền ngày càng nhiều, chính sự đóng góp của họ giúp cho ngôi đền được tu sửa khang trang hơn, quản lý tốt hơn và dần trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng không chỉ người Ấn mà còn của cộng đồng người Việt. So với thời điểm ban đầu, ngôi đền Hindu đã thay đổi một số chức năng hoạt động, không còn là nơi tổ chức đám cưới, lễ trưởng thành, nơi gắn kết cộng đồng người Ấn hay vai trò một ngân hàng cho vay nữa, mà chức năng chính của ngôi đền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo người Việt, nơi thực hiện hoạt động từ thiện xã hội và nằm trong quan hệ ngoại giao, văn hóa giữa Việt Nam – Ấn Độ.

Nguồn tư liệu: Nguyễn Đức Hiệp, Lại Thị Thu Trang

Viết một bình luận