Nam ca sĩ Tuấn Ngọc – Tượng đài của dòng nhạc tình ca

Tuấn Ngọc được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình hải ngoại sau năm 1975 cho đến nay. Ông sở hữu giọng hát trầm ấm và có phong cách diễn tả đặc biệt, là nam ca sĩ nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc.

Tuấn Ngọc cũng được nhiều người xem như một “tượng đài” của dòng nhạc trữ tình, luôn xuất hiện trên sân khấu với một phong cách chỉn chu, lịch thiệp của một quý ông đích thực. Đặc biệt, gióng hát của ông còn tạo thành một “trường phái Tuấn Ngọc” tạo được sự ảnh hưởng tới nhiều nam ca sĩ thế hệ sau như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú,…

Gia đình Tuấn Ngọc, Số 1 là Bích Chiêu, số 2 là Tuấn Ngọc, số 3 là Anh Tú

Ca sĩ Tuấn Ngọc tên thật là Lã Anh Tuấn, sinh ngày 4/10/1947 tại Đà Lạt trong một gia đình nghệ thuật với những tên tuổi lớn như nghệ sĩ Lữ Liên (bố), Bích Chiêu (chị gái) và các em đều là những giọng ca nổi tiếng là Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích.

Ca sĩ Tuấn Ngọc đi hát từ rất sớm, từ khi lên 4 tuổi, ông đã hát và được mời cộng tác trong các chương trình ca nhạc dành riêng cho thiếu nhi trên đài phát thanh, cùng thời với những “thần đồng” Quốc Thắng và Kim Chi. Thời gian sau đó Tuấn Ngọc cộng tác với chương trình dành riêng cho thiếu nhi của cặp nghệ sĩ Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ (là bác ruột của ca sĩ Thái Thảo – vợ của ông sau này).

Ông đã tự giải thích một cách hài hước về nghệ danh Tuấn Ngọc đã gắn bó với sự nghiệp ca hát lừng lẫy như sau:

“Hồi còn nhỏ, lúc 7 tuổi, tôi đi hát lấy tên thật là Anh Tuấn, nhưng trong đài phát thanh đã có một kịch sĩ lâu năm cũng tên Anh Tuấn nên mọi người không cho tôi lấy tên đó, sợ bị trùng, sợ tôi lĩnh lương của ổng. Bố tôi đổi tên cho tôi mà không hỏi ý kiến nên bây giờ tôi có tên là Ngọc nữa”.

Khi mới được 13 tuổi (năm 1960), Tuấn Ngọc đã theo chân các ca sĩ đàn anh đàn chị để đi hát nhạc ngoại ở những club Mỹ, lúc này vẫn còn rất thưa thớt ở Sài Gòn. Sau năm 1965, cùng với sự xuất hiện ồ ạt của người Mỹ ở miền Nam, các club Mỹ ngày càng nhiều, phong trào nhạc trẻ và nhạc ngoại phát triển cực thịnh, Tuấn Ngọc là một trong những ca sĩ hoạt động tích cực nhất và được biết đến chủ yếu với nhiều ca khúc nhạc Mỹ.

Tuấn Ngọc (đứng ở giữa) trong thời gian hát với các ban nhạc trẻ

Đầu thập niên 1970, ông tham gia vào hai ban nhạc trẻ nổi tiếng nhất Sài Gòn thời bấy giờ đó là The Strawberry Four và The Top Five.

Ban nhạc The Strawberry Four, từ trái qua: Đức Huy, Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Billy Shane

Ca sĩ Tuấn Ngọc có thể xem là sinh cùng thời với những danh ca nhạc trữ tình tiền chiến như Khánh Ly (sinh năm 1945), Lệ Thu (sinh năm 1943)… Tuy nhiên vào thời điểm trước năm 1975, ông không nổi danh như những ca sĩ này, và chủ yếu là hát nhạc trẻ, nhạc nước ngoài. Các bản thu âm trước 1975 của Tuấn Ngọc cũng có rất ít, bởi vì ngày đó thu băng đĩa chủ yếu là nhạc Việt, còn Tuấn Ngọc chỉ hát live nhạc nước ngoài ở các club, phòng trà và tụ điểm âm nhạc ngoài trời.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát trước năm 1975 trong băng nhạc Tứ Quý

Lần hát nhạc Việt hiếm hoi của ca sĩ Tuấn Ngọc trước năm 1975 là trong băng nhạc Tứ Quý cho ca sĩ Lệ Thu thực hiện, với 4 tiếng hát được đánh giá là “thượng thừa”: Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác và Tuấn Ngọc. Trong băng nhạc này, Tuấn Ngọc hát 4 bài: Chiều Tưởng Nhớ, Bao Giờ Biết Tương Tư, Bài Không Tên Số 5Ru Em. Sau một thời gian dài hát nhạc ngoại, khi hát nhạc Việt trong băng nhạc này, Tuấn Ngọc nói rằng ông hát không chuẩn, nên lại tiếp tục hát nhạc ngoại từ đó cho đến khi cùng gia đình sang Mỹ định cư sau năm 1975.

Thời điểm mới sang hải ngoại, đời sống người Việt còn khó khăn trong việc mưu sinh nên Tuấn Ngọc và nhiều ca sĩ khác vẫn còn lận đận trong sự nghiệp. Đến năm 1981, Tuấn Ngọc trở lại hát nhạc Việt trong băng nhạc thu chung với Lệ Thu. Tuy nhiên với cuốn băng này, Tuấn Ngọc cho biết là ông vẫn chưa có duyên với nhạc Việt nên lại có thêm một hành trình 5 năm chơi nhạc ngoại ở Hawaii nữa, trước khi trở lại CD nhạc Lời Gọi Chân Mây cùng với ca sĩ Thái Hiền năm 1989. Bạn có thể nghe CD nhạc này ở bên dưới:


Click để nghe

Lời Gọi Chân Mây là CD nhạc của trung tâm Diễm Xưa với phần hòa âm rất tuyệt vời của nhạc sĩ Duy Cường, con trai của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng là người anh vợ sau này của Tuấn Ngọc.

Album nhạc này rất thành công và được tái bản nhiều lần với những ca khúc trữ tình thuộc dòng nhạc tình ca mang âm hưởng thời tiền chiến, trở thành dòng nhạc tạo nên tên tuổi của Tuấn Ngọc từ đó trở về sau. Đó là sự kết duyên muộn màng của Tuấn Ngọc với nhạc Việt vào lúc ông đã 42 tuổi, nhưng đã thành công rực rỡ.

Người hát chung trong đĩa nhạc Lời Gọi Chân Mây là ca sĩ Thái Hiền, 5 năm sau đó trở thành “chị vợ” của Tuấn Ngọc, vì đến năm 1994, ông thành hôn với ca sĩ Thái Thảo (em gái của Thái Hiền, con gái của nhạc sĩ Phạm Duy). Đây là cuộc hôn nhân thứ 3 của Tuấn Ngọc, khi đã đổ vỡ 2 lần trước đó.

Tuấn Ngọc và vợ – ca sĩ Thái Thảo

Giọng ca Tuấn Ngọc có phong cách diễn tả đặc biệt, nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Những nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn cũng xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát những nhạc phẩm của họ thành công nhất. Ông cũng được nhiều người xem như một giọng ca nam “tượng đài” của dòng nhạc tình ca Việt Nam ở hải ngoại. “Trường phái Tuấn Ngọc” đã ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ thế hệ sau như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú,…

Nhắc đến Tuấn Ngọc, không thể không nhắc đến ca khúc Riêng Một Góc Trời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Đây là một trường hợp khá đặc biệt vì ca khúc này được sáng tác sau năm 75, cụ thể là năm 1997, khi ca sĩ Tuấn Ngọc và Ngô Thụy Miên (sinh năm 1948) cùng ở độ tuổi 50. Ca khúc này thành công rực rỡ, được xem như là 1 trong những bài hát hay nhất của ca sĩ Tuấn Ngọc  à nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, điều này cho thấy sức lao động và sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn tuổi tác của các nghệ sĩ Việt ở hải ngoại.


Click để nghe ca khúc Riêng Một Góc Trời

Nói về sự dịch chuyển từ một giọng ca chuyên hát nhạc nước ngoài để trở thành một “tượng đài” của nhạc Việt, Tuấn Ngọc từng nói: “Trước đây tôi cũng không nghĩ rằng tôi sẽ hát những ca khúc Việt Nam rồi nổi tiếng, nhưng đúng là những thứ không tính đến là những thứ sẽ xảy ra. Những gì mình tính, chắc gì đã đến?

Nhưng suy cho cùng, làm gì thì làm, tôi cũng không thể hát nhạc ngoại hay bằng nhạc Việt Nam. Vì chỉ khi hát bằng tiếng mẹ đẻ, người ta sẽ hiểu được những tận cùng cảm xúc trong giai điệu và ca từ”.

Những ca khúc tình ca gắn liền với tên tuổi Tuấn Ngọc thường rất buồn. Bài hát buồn mà qua giọng hát của ông như càng buồn hơn, như thể là ông đã đi đến tận cùng cảm xúc bài hát để diễn tả một cách trọn vẹn nhất. Tuấn Ngọc nói: “Bản thân tình khúc Việt Nam phần đông những ca khúc hay là những ca khúc buồn, với những tình yêu không có những đoạn kết hạnh phúc. Người ca sĩ không nhất thiết phải buồn đau như người trong ca khúc, nhưng chắc chắn một điều rằng họ sẽ không bao giờ hát hay, nếu như họ không là con người tình cảm”.

Theo thời gian, cùng với làn sóng ca sĩ hải ngoại trở về nước hát phục vụ công chúng ở trong nước vốn hâm mộ cuồng nhiệt tiếng hát Tuấn Ngọc chỉ qua băng đĩa ở hải ngoại. Sau một thời gian thu âm trong vài CD ở trong nước, xuất hiện trong một số liveshow quy mô nhỏ, đến năm 2006, Tuấn Ngọc thực hiện liveshow lớn đầu tiên với chủ đề là Riêng Một Góc Trời ở Nhà hát Hòa Bình – Sài Gòn. Mời bạn nghe liveshow này ở bên dưới:


Click để nghe

Kể từ đó, Tuấn Ngọc thường xuyên di chuyển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để tham gia nhiều sự kiện âm nhạc trong nước, cũng như xuất hiện trên các chương trình ở hải ngoại.

Sau đây, mời bạn nghe lại những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Tuấn Ngọc.

Mắt Lệ Cho Người (nhạc sĩ Từ Công Phụng)

Bài hát này đã được nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác năm 1972, nhưng chỉ đến sau năm 1975 thì ca khúc này mới nổi tiếng qua giọng hát Tuấn Ngọc trong CD Giọt Lệ Cho Ngàn Sau. Bài hát này cũng đã từng được chính tác giả Từ Công Phụng thu âm, và một điều ngạc nhiên là lời mà Tuấn Ngọc hát có vài chỗ rất khác với lời mà nhạc sĩ Từ Công Phụng hát..


Click để nghe Mắt Lệ Cho Người

Ngay trong câu đầu, Tuấn Ngọc hát là:

Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi trên niềm đau.

Còn Từ Công Phụng hát như sau:

Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong cưu mang niềm đau

Tuy hát lời có chút khác so với bản gốc, nhưng nhiều người vẫn công nhận rằng Tuấn Ngọc là người hát thành công nhất Mắt Lệ Cho Người, đưa ca khúc này đến gần được với công chúng yêu nhạc tình ca.

Chuyện Tình Buồn (nhạc sĩ Phạm Duy)

Nếu nghe lại Tuấn Ngọc hát bài này sau đây, có thể bạn sẽ thấy giọng hát của ông có đôi chút khác lạ so với các bài hát khác. Đều đó cũng dễ hiểu, bởi vì bản thu âm này được thực hiện năm 1989 trong CD Lời Gọi Chân Mây đã nhắc đến ở trên, là lần đầu tiên mà Tuấn Ngọc thu âm nhạc Việt sau một thời gian dài chỉ hát nhạc ngoại quốc.

Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ của thi sĩ Phạm Văn Bình, và câu chuyện tình buồn trong bài cũng là chuyện của thật. Đó là thời điểm năm 1966, sau khi người yêu đi lấy chồng, Phạm Văn Bình bỏ đi biệt và ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:

Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn…

Bài hát được danh ca Thái Thanh hát lần đầu từ thập niên 1960, nhưng sau này người ta nhớ nhất là bản thu âm của Sĩ Phú và Tuấn Ngọc.


Click để nghe Chuyện Tình Buồn

Ai Về Sông Tương (nhạc sĩ Thông Đạt)

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Thông Đạt (bút danh của nhạc sĩ Văn Giảng) này đã được sáng tác từ thập niên 1940. Trước Tuấn Ngọc, đã có rất nhiều danh ca nổi tiếng trình bày, nhưng tiếng hát Tuấn Ngọc đã ghi được dấu ấn sâu đậm và mang đến cho bài hát một nỗi buồn miên man, như cánh thuyền hờ hững lướt trôi vô định, chơi vơi trên sông dài.


Click để nghe Ai Về Sông Tương

Cây Đàn Bỏ Quên (nhạc sĩ Phạm Duy)

Đây là một trong những sáng tác trữ tình lãng mạn đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Duy vào thập niên 1940. Ca khúc này đã được hầu hết các nam ca sĩ trình bày, nhưng được yêu mến nhiều nhất có lẽ là giọng hát Duy Trác trước 75 và Tuấn Ngọc sau 75:


Click để nghe Cây Đàn Bỏ Quên

Cách đây đúng 10 năm, lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nói về cây đàn mà ông bỏ quên nhau sau:

“Tôi làm bài hát “Cây Đàn Bỏ Quên” từ lúc mười tám đôi mươi tuổi, lúc đó tôi tham lắm. Tôi đã được một người yêu tặng một bông hoa, để bông hoa ấy trên cây đàn. Tôi tự hỏi, cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Bây giờ tôi già rồi, chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây 80 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”.

Những ca khúc được sáng tác sau năm 1975:

Rong Rêu (nhạc sĩ Nguyễn Tâm)

Đây là ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tâm, dù ông có sáng tác một số bài hát nữa, nhưng dường như đây là bài hát nổi tiếng duy nhất của ông. Rong Rêu dường như là một bài hát dành riêng cho Tuấn Ngọc với giọng hát nghẹn ngào, thể hiện được sự đau khổ tột cùng của một người vừa phải rời xa cuộc tình xưa mặn nồng:

Một ngày bên em, cho em hơi thở.
Từ dạo yêu em, con tim tan vỡ.
Để rồi đêm nay trên căn gác lạnh lùng.
Đêm thương nhớ một mình lẻ loi.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Rong Rêu

Trong một đêm nhạc ở phòng trà, trước khi hát bài Rong Rêu, Tuấn Ngọc đã dẫn chuyện một cách hài hước:

“Bài này đau lưng lắm, mỏi lắm, mỏi gối nữa, chỉ có cánh đàn ông tụi tôi biết thôi. Vì sao? Vì trong bài hát này có câu: Chỉ vì yêu em nên anh vất vả, chỉ yêu yêu em nên anh mất cả…”

Đời Đá Vàng (nhạc sĩ Vũ Thành An)

Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, người ta nhắc đến 10 bài không tên nổi tiếng trước năm 1975. Sau năm 1975, ông đã viết thêm nhiều ca khúc không tên khác nữa, trong đó nổi tiếng nhất là bài số 12 (Bên Nhau Chiều Gió Lộng), bài số 37 (Rưng Rưng Lệ), và đặc biệt là bài số 40, được mang tên Đời Đá Vàng, bài hát mà kể từ lúc viết những nốt nhạc đầu tiên cho đến khi hoàn thành đã kéo dài đến 20 năm. Đó là giai đoạn nhạc sĩ Vũ Thành An từ trên đỉnh cao của danh vọng bị kéo ngã xuống với những thăng trầm nổi trôi của kiếp sống.

Sau khi đã cảm nhận trọn vẹn hết những nỗi đau của đời người, nhạc sĩ mới có thể hoàn thành được Đời Đá Vàng. Ý nghĩa của bài hát là chỉ khi vượt qua được những gian nan trong cuộc sống, người ta mới hiểu rõ được giá trị và trân trọng cuộc sống bình yên đang có.


Click để nghe Đời Đá Vàng

Đêm Nhớ Về Sài Gòn (nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng)

Có lẽ đây là ca khúc buồn nhất, nhưng cũng là hay nhất viết về đô thành Sài Gòn sau năm 1975, là những hoài niệm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng về một thời hoa lệ, cùng với nỗi buồn chia ly và những thân phận ẩn trong đêm tối…

Bài hát này được biết đến nhiều nhất qua tiếng hát Khánh Ly, sau đó là Tuấn Ngọc:


Click để nghe Đêm Nhớ Về Sài Gòn

Riêng Một Góc Trời (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)

Riêng Một Góc Trờià một trong những bản tình ca muộn màng của Ngô Thụy Miên, được sáng tác khi tác giả đã tròn 50 tuổi. Khi đó, ông đang có cuộc hôn nhân viên vãn với người bạn gái thuở hàn vi sau những năm tháng thăng trầm của cuộc đời. Tuy nhiên như thường lệ, tình ca của Ngô Thụy Miên thường buồn, cái buồn man mác không vương sầu lụy. Tình yêu trong tuyệt phẩm Riêng Một Góc Trời mỏng manh như sương khói, nhưng mãi vấn vương nuối tiếc, nặng tình về những ngày tháng cũ.

Bài hát này dường như chỉ dành cho tiếng hát của Tuấn Ngọc và gắn liền với sự nghiệp của nam danh ca này:


Click để nghe Riêng Một Góc Trời

Căn Nhà Xưa (nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn)

Một bài hát rất hay viết về nỗi hoài vọng cố hương, nơi có căn nhà bên khu vườn cải, có lũ sên bò quanh nhà, có vết nứt rêu xanh và hoa lá cuốn bên song cửa. Ở đó có thể nghe được tiếng chuông giáo đường, và nếu nhìn qua một quãng không xa thì lại thấy có nghĩa trang buồn, đêm ngày nghe tiếng khóc than tiễn đưa nhau.

Bài hát này được ca sĩ Khánh Ly hát đầu tiên, nhưng bản thu âm năm 2001 của Tuấn Ngọc được công chúng biết đến nhiều hơn:


Click để nghe Căn Nhà Xưa

Có Những Niềm Riêng (nhạc sĩ Lê Tín Hương)

Một ca khúc nổi tiếng của người nữ nhạc sĩ hiếm hoi của dòng nhạc trữ tình Việt. Câu hát mở đầu của bài hát này là: “Có những niềm riêng làm sao nói hết” cũng đã trở thành câu nói cửa miệng có nhiều người khi muốn than thở về những nỗi buồn chất chứa ở trong lòng.

Bài hát này cũng gần như chỉ được biết đến qua giọng hát của Tuấn Ngọc:


Click để nghe Có Những Niềm Riêng

Bâng Khuâng Chiều Nội Trú (nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang)

Vào thập niên 1990, tiếng hát Tuấn Ngọc với ca khúc Bâng Khuâng Chiều Nội Trú như nói thay nỗi lòng của hàng vạn sinh viên ký túc xá.


Click để nghe Bâng Khuâng Chiều Nội Trú

Bài hát được cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang sáng tác năm 1981 dựa trên lời của 2 bài thơ Bâng Khuâng Chiều Nội Trú và Mưa của Hoài Mỹ. Đây là bài hát nổi tiếng nhất sau năm 1975 của người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh này.

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Nam ca sĩ Tuấn Ngọc – Tượng đài của dòng nhạc tình ca”

  1. Về già lại đổ đốn hóa thành ca sĩ “bưng bô” khi đổi lời bài hát của nhạc sĩ Lam Phương từ: “… Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi…” thành “… chiều vào thu Việt nam buồn lắm em ơi…”

    Trả lời

Viết một bình luận