Một thời “Sơn Đông mãi võ”

Không biết “Sơn Đông” ở nơi nào lại gắn liền với từ “mãi võ” trở thành cách gọi các nhóm lưu động bán thuốc gia truyền cao đơn hoàn tán, rượu thuốc đả trật xương khớp thậm chí nhổ răng bằng tay không cần thuốc tê. Để gây ấn tượng, hầu hết các gánh Sơn Đông đều có biểu diễn những màn võ thuật, múa đao, chặt gạch, ảo thuật hoặc làm xiếc. Có đoàn mang theo con khỉ mặc bộ đồ màu đỏ đạp xe vòng quanh, tay cầm cái nón chìa ra mời cô bác đứng xem ủng hộ trong tiếng trống và tiếng phèng la tùng tùng xèng chen lẫn tiếng chủ gánh hô to bán cho cô này gói thuốc xổ, bán cho bác trai đứng đằng kia gói thuốc cao trị đau lưng.

Gánh Sơn Đông mãi võ ở Trung Quốc năm 1840

Mỗi gánh Sơn Đông mãi võ thường có khoảng 4-5 người hoạt động, chủ yếu là bán thuốc Đông y gia truyền. Để thu hút nhiều người đến xem và mua thuốc, họ thường biểu diễn những màn xiếc, ảo thuật, múa võ rất hấp dẫn.

Một buổi biểu diễn của gánh Sơn Đông mãi võ diễn ra trong khoảng 1-2 giờ đồng hồ vào buổi sáng. Họ đến một bãi đất trống bày dụng cụ ra, đánh trống, vỗ phèng la và bắt đầu rao. Khi đông người tập trung đến xem, một người trong gánh sẽ biểu diễn một vài món ảo thuật lặt vặt, tiếp theo đó sẽ là màn rao bán thuốc. Ban đầu họ giới thiệu về công năng và hiệu quả của thuốc gia truyền như: cao đơn hoàn tán, thuốc rượu đả trật khớp, thuốc xổ… Sau đó xen kẽ màn xiếc hoặc múa võ và bán thuốc tiếp, thậm chí có cả nhổ răng không cần thuốc tê.

Cái sự bán thuốc của các gánh Sơn đông cũng rất chi là “nghệ thuật”. Trước khi giới thiệu một loại thuốc, họ thường chuẩn bị biểu diễn một tiết mục nào đó và giới thiệu lòng vòng về tiết mục đó, nhưng vẫn chưa biểu diễn mà chỉ quảng cáo bán thuốc. Chẳng hạn khi bán thuốc uống điều hoà kinh nguyệt cho phụ nữ, người chủ gánh đọc thơ “Cô nào chồng bỏ chồng chê/Uống vô một gói chồng mê tới già”. Mấy chị phụ nữ nghe xong mắt chớp chớp, mặt mày đỏ ké tỏ ra vừa thích thú, vừa e thẹn.

Trong tiếng trống và tiếng phèng la tùng xèng inh ỏi, khi những người phụ trợ trong nhóm cầm thuốc đi giới thiệu xung quanh, trong đám đông nhiều cánh tay đưa ra “tui 1 gói”, “tui 2 gói”… thì người chủ gánh chỉ về phía những người giơ tay la to “bán cho dì Hai bên kia 2 gói”, “cô Ba bên này 2 gói”, “thím Bảy phía trước lấy 1 gói” … Cứ thế cho đến khi hết người mua thuốc thì tiết mục giới thiệu lúc đầu mới được biểu diễn. Thế nên, bọn con nít khi bước vào xem gánh Sơn đông biểu diễn khó mà bỏ về nửa chừng được.

Khán giả của Sơn Đông mãi võ đa số là trẻ con giàu tính hiếu kỳ nhưng chưa nhận thức được nhiều nên xem tiết mục nào thấy cũng hay và nghĩ là sao con người quá phi thường, dám nằm xuôi tay cho người khác chất gạch lên người, rồi dùng búa đập gạch vỡ vụn?

So với các nhóm bán thuốc dạo trên xe hay tàu đò ngày nay với thủ đoạn lừa bịp, thậm chí hăm doạ, ép buộc khách mua thuốc, thì các gánh Sơn Đông mãi võ ngày xưa có lương tâm và đạo đức hơn nhiều. Phần lớn họ đều là những người có võ công thực sự, bán những thứ thuốc gia truyền do chính họ làm ra hoặc mua hàng từ người khác, nhưng chí ít cũng không phải đồ dỏm. Những tiết mục họ trình diễn đều phải trải qua quá trình khổ luyện và cũng có những tiết mục rất nguy hiểm cho bản thân như: múa võ đánh cong thanh sắt vào người, chỏi cây thương vào cổ họng, đâm kiếm vào họng, chặt gạch bằng tay hoặc nuốt lưỡi lam… Tất cả họ đều tỏ ra là những người lao động chân chính để mưu sinh.

Hình ảnh những gánh Sơn Đông mãi võ trước được miêu tả trong tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi và được đưa lên phim ảnh trong “Đất Phương Nam”, sau đó Nghệ sĩ Mạc Can tái hiện trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, mà ông cũng chính là người trong cuộc. Tác phẩm kể về những thân phận hẩm hiu trong một đoàn xiếc theo kiểu Sơn đông mãi võ, trong đó có tiết mục phóng dao nguy hiểm nhưng vẫn phải diễn hằng ngày, vì nó là miếng cơm của cả gánh.

Ngày nay, thời của công nghệ kỹ thuật số, muốn xem một pha múa võ, một tiết mục xiếc hay ảo thuật thì quá dễ dàng, chỉ cần ngồi ở nhà bật ti-vi lên và xem với hình ảnh HD chất lượng cao, nhưng không bao giờ có được không khí sôi động với âm thanh “tùng xèng” pha lẫn tiếng rao của người chủ gánh Sơn Đông mãi võ ngày xưa. Bởi ở những buổi biểu diễn đó, người xem còn được đắm mình trong sinh hoạt hội hè đường phố và có được dấu ấn khó phai mờ mãi về sau này, khi những gánh Sơn đông chỉ còn trong ký ức.

Bên trên là bài viết của tác giả Hoàng Hải về Sơn Đông mãi võ. Sau đây là hình ảnh Sơn Đông mãi võ ngày xưa qua lời kể chi tiết của tác giả Kha Tiệm Ly:

Dù với đoàn Sơn Đông mãi võ nào, thì đều là sau khi thấy bà con tụ tập đông đủ, “ông bầu” vẫn là người điều khiển chương trình, và luôn có một hay hai anh hề lập lại lời ông nói; nối tiếp là tiếng trống, tiếng chập chỏa cổ vũ theo, như sau:

“Thưa bà con cô bác (tùng tùng, xèng!), thưa các cụ ông (tùng tùng, xèng!), thưa các cụ bà (tùng tùng, xèng!), thưa quý bác (tùng tùng xèng!), thưa quý chú (tùng tùng, xèng!), thưa quý cô (tùng tùng, xèng!), thưa quý dì (tùng tùng, xèng!), thưa quý anh trai (tùng tùng, xèng!), thưa quý chị gái (tùng tùng, xèng!), thưa mấy… con nít (có nhiều tiếng cười / tùng tùng, xèng!). Hôm nay đoàn quảng cáo thuốc chúng tôi hân hạnh giới thiệu loại thuốc gia truyền trị nhức mỏi. Đánh trống lên! (Tung tung, tung! Tung tung, tung!). Cô bác nào đau cái vai (tung tung, tung!), đau cái cổ (tung tung, tung!), đau cái lưng (tung tung, tung!)… Quý ông bà cô bác hãy mua thử về xài (tung tung, tung!), không cần mua nhiều (tung tung, tung!). Coi như trước mua vui, sau làm nghĩa! (tung tung, tung! Tung tung, tung!)…”

Sau màn giới thiệu công năng và hiệu quả của thuốc, thì nhiều bàn tay trong đám đông cầm tiền giơ lên “bán tui hai gói”, “tui một gói”, … Số người mua cũng kháà đông, lúc đó ông bầu cầm micro chỉ từng người một cho nhiều người trong đoàn mang thuốc đến: “Bên nầy hai gói”, “bên kia một gói!”, hoặc “bên nầy mua!”, “bên nầy mua!”…

Sau màn bán thuốc là màn biểu diễn “nghề võ” (hoặc ảo thuật, ca cổ); đây cũng là màn mà bọn trẻ chúng tôi mong đợi! Với múa đao, múa thương loang loáng; với đập cong thanh sắt vào ngực; hay với màn nằm trên bàn chông với mấy tảng đá chồng lên ngực rồi cho một người dùng búa tạ đập lên, khiến ai cũng le lưỡi, lắc đầu.

Và cứ một màn bán thuốc, một màn biểu diễn “nghề võ” xen kẽ nhau cho đến khi nào hết người mua thuốc thì thôi!

Thuốc bán thì thường là thuốc nhức mỏi, thuốc điều hòa kinh nguyệt, thuốc xổ lải, thuốc đau răng, thuốc ho, thuốc dán, thuốc cảm mạo…. Thuở ấy tôi còn quá nhỏ nên chưa từng mua bất cứ loại thuốc nào của gánh hát Sơn Đông, nhưng theo nghe cô bác nói thì thuốc uống hay lắm. Và thương hiệu “thuốc dán hiệu con rắn” và nhất là “thuốc xổ lải mộng dừa” ở làng tôi ai cũng ca tụng vì sự hiệu quả của nó.

Trước khi lên đường, “ông bầu” lúc nào cũng cám ơn bà con với những lời lẽ rất lịch sự và không thiếu chất văn hoa. Cuối cùng là cái gập mình tạm biệt.

Sơn Đông mãi võ lưu diễn đến làng tôi trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1960, thời gian không dài, nhưng “văn hóa Sơn Đông” ảnh hưởng không ít với người dân làng tôi: Các bài ca mà các anh hề hát để chờ khách đến đông đủ có thể nói rằng từ nhỏ đến lớn ai cũng thuộc nằm lòng như:

Bắn con thỏ, nó quây xà quây
Cẩu (cậu) bắn thật hay
Nhìn xem, ngoài kia, chòm cây
Đừng rục rịch coi chừng nó chạy
Bắn nó ngay đầu
Thôi rồi, nó chết rồi. (Điệu Sơn Đông Hướng Mã);

hoặc có bài hát lời nghe… vô duyên nhưng cũng xin ghi lại cho bạn đọc xem:

Gió cuốn mây bay
phừng phừng dầu lửa dầu xăng, dầu lửa dầu xăng
Phừng lên cháy liền
Cháy cho hết cái loài tham tàn
Để… tiền góp ăn mắc quá trời
Vui, khoái vui!
Nhà bà hai đã cháy
Bớ người ta, bớ người ta
Ngọn lửa cao quá trời
Cái trời đất ơi! (Điệu Trong Ánh Nắng)

Có một chuyện vui, xin kể hầu bạn đọc: Đôi khi các đoàn cũng “hát thuật” (ảo thuật) cho bà con xem, mà thường là “thuật ra tiền”: Người làm ảo thuật bỏ một mớ giấy vào một hộp cây, đây nắp kín lại, dùng phù phép, gõ gõ mấy cái rồi mở ra, thì lạ chưa? Một xấp bạc một đồng (mua được 20 cục kẹo) cáu cạnh nằm dưới đáy hộp! Người ảo thuật bèn tặng cho bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một tờ và căn dặn: “Đây là tiền giả, mấy em để dành chứ không được xài, xài “lính” bắt ráng chịu!”.

Tôi là một trong những đứa trẻ hân hạnh được tặng tờ bạc đó. Cầm tờ bạc, chúng tôi mừng quýnh và… hôn vào nó lia lịa! Cất chán chê; đến một khi thèm kẹo, nhưng chúng tôi cũng không dám mang ra tiệm mua vì sợ… “lính bắt”. Giữ mãi cho tới lúc có chút trí khôn, biết nó là tiền thật, thì giá trị của nó không còn nữa!

Đừng lầm những người bán thuốc dạo với một manh nylon trải dưới đất và vài thứ thuốc trời thần là Sơn Đông mãi võ! Những người nầy có khi vừa bán thuốc vừa kiêm “nha sĩ” nhổ răng! Không ít trường hợp người đau cái răng nầy mà nhổ cái răng kia, hay “nhổ một cái,… tặng một cái” là chuyện vẫn thường xảy ra!

Với phương tiện truyền thông bùng nổ hiện nay, người ta có thể xem những màn võ công cực kì đẹp mắt hơn; và những nghệ sĩ cải lương tài hoa hơn; nhưng tôi vẫn “thèm”, vẫn nhớ những lời ca và cung cách biểu diễn của những nghệ sĩ giang hồ Sơn Đông mãi võ. Nhưng không thể nào nghe được, xem được nữa rồi, vì nó đã bị khai tử từ gần bốn chục năm qua!

Sau đây là hồi tưởng lại Sơn Đông mãi võ của tác giả Ngô Kế Tựu, viết trong cuốn sách Sài Còn còn chút gì để nhớ:

Hồi hai mươi tuổi ra đời đi làm kiếm sống, tôi quen một anh bạn từng là môn sinh phái Thiếu Lâm Sơn Ðông từ miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống. Thấy tên môn phái là lạ trong giới võ thuật hỏi ra mới biết đó là môn võ Bắc Thiếu Lâm ở tỉnh Sơn Ðông bên Trung Quốc. Anh bảo môn phái này do sư tổ Nguyễn Văn Thơ sáng lập khi theo học võ với sư phụ Trần Vi Sìn, người Sơn Ðông trôi dạt sang Việt Nam mưu sinh bằng nghề bán thuốc dạo. Anh có cú móc tay rất điêu luyện khác xa với chiêu Cầm nã thủ mà anh bảo là Ðường Lang quyền một trong những tuyệt chiêu của môn phái Bắc Thiếu Lâm Sơn Ðông. Môn võ này bắt chước hình thái chuyển động của con bọ ngựa như móc, nhấc, bổ, trượt, dùng nhu chế cương kết hợp nội công và ngoại công rất linh hoạt.

Anh không khẳng định Sơn Ðông là cái nôi của nghề bán thuốc dạo kiêm biểu diễn nội công như các vị sư tổ của anh trong môn phái Bắc Thiếu Lâm từng làm. Ðó là chuyện bình thường kiếm sống ngoài đời của một võ sư mà không mở võ đường thu nạp đệ tử. Anh cho rằng các gánh Sơn Ðông mãi võ có mặt ở khắp Trung Quốc từ xa xưa, không nhất thiết nó phải xuất phát từ tỉnh Sơn Ðông. Người biết võ công thâm hậu thường am hiểu cấu tạo xương cốt thể chất con người nên không lạ gì chuyện chữa trị vết thương, đả trật xương khớp. Họ tự chế ra thuốc từ các loài thảo dược và làm công việc đó như một cách giúp người giúp đời. Tất nhiên có khi họ nhận một chút thù lao để mưu sinh.

Tình cờ tôi đọc được bài tản văn “Một thời để mãi võ” của nhà báo Phan Tấn Hải, tôi rất đồng tình khi ông ví chuyện làm báo như chuyện mãi võ. “Vài năm nay, trên nước Mỹ, tôi mưu sinh bằng một nghề tương tự như Sơn Ðông mãi võ. Từ thuở nhỏ, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh các chàng võ sĩ Sơn Ðông đứng giữa chợ, nơi các ngã tư trong Chợ Lớn, vung cước đi quyền, nghĩa là “bán võ” để kiếm sống. Không biết cách so sánh nghề làm báo như kiểu mãi võ có làm ai tổn thương không, tôi chỉ thấy bình thường thôi – tập lạnh nhạt là điều cũng nên quen, bởi vì cảm xúc không nên để dư hoặc thiếu”.

Nhưng điều làm tôi suy nghĩ trong bài viết khi ông nhắc đến các nhóm Sơn Ðông mãi võ thường tập trung ở Chợ Lớn. Họ là những võ sư thực thụ. “Các tay trong những gánh võ, tôi tin và bây giờ vẫn tin, phải là võ sư thật. Họ dùng cổ uốn cong mũi giáo. Họ nhào lộn, múa quyền, đá liên hoàn cước hay hơn xi nê”. Và nghề bán thuốc mãi võ không phải là nghề dễ kiếm sống. “Họ kiếm sống gian nan lắm, ai cũng biết điều này. Ðồng tiền họ nhặt được nơi góc phố, ngoài mồ hôi của lòng bàn tay sau giờ múa võ, có thể có cả lòng thương hại của những người không còn thật tâm tin vào loại thuốc trật gân đả xương của họ… Một lần tôi hỏi một ông cụ người Hoa, thuộc phái Ðường Lang, người tôi thường gặp dưới góc phố. Ông cụ không ở trong các gánh múa võ Sơn Ðông, nhưng hẳn là quen nhiều sinh hoạt của họ, bởi vì nhiều chuyện ông cụ kể lại y hệt như tiểu thuyết Kim Dung”.

Nhà báo Phan Tấn Hải nhắc đến phái Ðường Lang, cũng như tôi nhắc đến anh bạn võ sinh Ðường Lang thuộc Thiếu Lâm Bắc phái. Một sự trùng lặp ý tưởng về môn võ xuất phát từ Sơn Ðông. Tôi đem chuyện này hỏi người bạn già am hiểu nhiều chuyện Ðông – Tây, có phải cụm từ Sơn Ðông mãi võ đúng thật xuất phát từ tỉnh Sơn Ðông bên Trung Quốc. Nhưng ông không dám võ đoán là xác thực. Ông bạn nói, chuyện bên Tàu xa xôi quá, chuyện đời Sơn Ðông mãi võ Sài Gòn mới gần gũi hơn, hơi đâu mà tìm ra gốc gác cũng như ở Sài Gòn thuở đó treo đầy bảng quảng cáo thuốc tây trị sán lãi giun kim, đau lưng nhức mỏi mà người dùng đâu cần biết thuốc tây nhập cảng bên Tây hay bên Tàu hoặc bào chế tại Sài Gòn.

Ông bạn già kể hồi đầu thuở thập niên 1950, vùng Chợ Lớn có một gánh Sơn Ðông nổi tiếng và thường biểu diễn bán thuốc Nam, thuốc cao đơn hoàn tán thu hút dân chúng bao quanh đứng xem chật cứng. Ðó là gánh thuốc lưu động Lê Văn Quý. Nói là gánh Sơn Ðông mãi võ nhưng thực ra ông Lê Văn Quý không phải múa võ mà là làm xiếc ảo thuật, mặc dầu dưới đất cũng bày ra mấy cục gạch thẻ để chặt tay không nhưng không bao giờ thấy võ sĩ nào trong đoàn ra biểu diễn. Cứ mỗi lần gánh Lê Văn Quý xuất hiện ở Chợ Lớn là ông phải đến xem cho bằng được. Vui, tiếng cười khoái trá của đám con nít, thanh niên, ông già bà cả thu hút người xem chứ không phải những màn đập đầu vào trái dừa hay dao chém vào bụng không hề hấn. Những màn biểu diễn võ thuật của một vài gánh Sơn Ðông hay thì hay thật nhưng các tay bầu gánh thường dùng võ thuật bạo lực trình diễn nên dễ khiến người xem nhàm chán hơn là thoả mãn tính giải trí vui chơi của gánh Sơn Ðông ảo thuật của ông Lê Văn Quý.

Vui nhất là câu mở màn chào bà con đứng xem chung quanh: “Tôi là Lê Văn Quý, mắt hí hí, đầu có chí, ăn mứt bí, nhổ răng thí, vợ cao như cây đèn quý”. Sau màn giới thiệu gây tiếng cười, ông cho con khỉ mặc quần xà lỏn màu đỏ chạy xe đạp vòng vòng, lại biết cầm gói thuốc tễ đi mời khách. Màn chính ảo thuật của ông Lê Văn Quý là tráo bài Tây, và màn trái banh bong biến hoá. Biết là trò bịp nên ông bạn già của tôi quan sát rất kỹ nhưng chẳng bao giờ phát hiện ra sơ hở, thủ thuật khéo tay biểu diễn ảo thuật đường phố của ông ở thời đó như vậy là thượng thừa. Ông bạn tôi kể thêm, hay nhất là không biết ông Lê Văn Quý dùng thuốc gì mà dùng miếng bông gòn chậm vào cái răng cấm, lấy ra lúc nào mà người cho ông nhổ răng chẳng hề hay biết.

Nghe ông kể chuyện về gánh Sơn Ðông ảo thuật của ông Lê Văn Quý vang danh vùng Chợ Lớn làm tôi bùi ngùi nhớ đến anh Mạc Can, con trai của nhà ảo thuật thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam từ những năm 1930, tuy rằng ngày nay mấy nhà ảo thuật trẻ tuổi có nhiều ngón nghề điêu luyện hơn ông nhiều. Tôi quen nghệ sĩ Mạc Can khi anh đến Mỹ định cư sau khi cha anh, ông Lê Văn Quý qua đời ở tuổi 94. Vài lần chúng tôi cùng ăn cơm, đi uống cà phê nhưng Mạc Can không bao giờ kể về chuyện cha mình từng lập gánh Sơn Ðông mãi võ. Có một lần, anh chỉ nhắc đến cha mình như một nhà ảo thuật kiếm sống ngoài đường phố mà Mạc Can đã hư cấu câu chuyện nghề nghiệp của gia đình thành một tác phẩm tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”.

Mạc Can (bên phải) cùng anh em trong tiết mục phóng dao

Mạc Can sung sướng lắm, cái nghề ảo thuật lặt vặt của anh nối nghiệp cha mình ở tuổi xuống dốc cuộc đời lại nổi danh thành một nhà văn ngang hông và sau đó là nhà xuất bản ở Việt Nam đặt hàng thêm vài ba tác phẩm. Mạc Can kể chuyện anh thành nhà văn mà ánh mắt long lanh như thể hồi lúc chạy xe honda đi làm tiết mục ảo thuật cho những gánh xiếc rong, được tin báo qua phôn “Tấm ván phóng dao” được bình chọn xếp hạng. Anh kể, tôi dừng xe bên đường, lặng người mà nước mắt trào ra.

Có những lúc chúng tôi ngồi lặng lẽ bên ly cà phê, ánh mắt tinh nghịch hề hề của Mạc Can tràn đầy vẻ ưu tư. Anh suy nghĩ chuyện nên ở hay nên về vì cái nghề viết lách ở xứ này chẳng khác nào làm nghề Sơn Ðông mãi võ. Nhà báo Phan Tấn Hải nói đúng quá: “Bán văn giữa chợ để sống càng làm tôi hiểu nhiều hơn, xúc chạm nhiều hơn, thọc tay vào sâu hơn cái mạng lưới cuộc sống… Có nhiều người cầm bút, khi gửi bài cho báo, ưa nghĩ rằng điều anh hoặc chị ta viết phải là giá trị muôn đời… Nhưng đó hẳn là chuyện của các tạp chí văn chương, không dính gì tới cái ngã tư Bolsa mà các môn phái Sơn Ðông đang bán văn mưu sinh”.

Chuyện viết lách mưu sinh là một lẽ, chuyện nghề nghiệp và cách biệt văn hóa ở một đất nước xa lạ mới là chuyện chính của Mạc Can sống trên nước Mỹ. Anh dứt khoát quyết định “về”. Một thời gian ngắn làm gã “Sơn Ðông mãi võ” đối với anh ở xứ người là quá đủ, cũng như trước đây nhiều văn sĩ nghệ sĩ đã từng có một thời lận đận theo gánh Sơn Ðông bán thuốc kiếm sống như nhà văn Duyên Anh hay cô đào Ngọc Giàu hồi trẻ trước khi trở thành những người được công chúng biết đến.

Tác giả: Hoàng Hải & Kha Tiệm Ly & Trang Nguyên (Ngô Kế Tựu)

1 bình luận về “Một thời “Sơn Đông mãi võ””

Viết một bình luận