“Mời người lên xe, về miền quá khứ” – Phần 3: Sài Gòn năm 1957

Tiếp theo 2 phần trước, giới thiệu những hình ảnh Sài Gòn được chụp trong 2 năm 1955, 1956.

Đến năm 1957, lúc này miền Nam bắt đầu ổn định về chính trị và không có quá nhiều sự kiện nổi trội, và hình ảnh của Sài Gòn trong năm 1957 còn lưu lại cho đến ngày nay cũng không có nhiều, ngoài chùm ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Bá Mậu ở dưới đây.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu sinh năm 1928, cuộc đời của ông gắn liền với đất Đà Lạt. Ông có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được giải quốc tế. Các góc ảnh chụp khắp nơi ở Miền Nam của ông Nguyễn Bá Mậu rất khác biệt với đa số tấm ảnh về Sài Gòn trước 1975 của các quân nhân Mỹ, vốn chỉ là những tay máy nghiệp dư.

Hình ảnh của Nguyễn Bá Mậu được căn chỉnh bố cục rất đẹp và nghệ thuật.

Những tấm ảnh sau đây của ông được lấy từ trang artcorner.vn:

Kiến trúc tuyệt vời của Dinh Độc Lập trước khi bị phá hoại năm 1962.

Công trình trong hình này được xây dựng xong năm 1871, được đặt tên ban đầu là Dinh Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ.

Từ 1871 đến 1887, dinh là nơi làm việc của Thống đốc Nam kỳ nên gọi là dinh Thống đốc Nam kỳ. Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền. Nơi ở và làm việc của các Thống đốc chuyển sang dinh Gia Long gần đó. Tuy nhiên, dinh chỉ được sử dụng làm nơi làm việc cho Toàn quyền Đông Dương cho đến năm 1906. Sau khi Phủ Toàn quyền ở Hà Nội được xây dựng xong thì các Toàn quyền và hầu hết bộ máy giúp việc dời ra Hà Nội. Nơi đây chỉ còn lại các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền đặc trách ở Nam Kỳ. Mặc dù vậy dân gian vẫn quen gọi đây là dinh Toàn quyền.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng đến tháng 9 năm 1945, Nhật thất bại trong thế chiến, Pháp trở lại chiếm Nam bộ, Dinh Norodom trở lại thành trụ sở làm việc của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, một chức vụ gần tương đương với chức vụ Toàn quyền thời thuộc địa.

Đến năm 1954, dinh là nơi làm việc của thủ tướng Ngô Đình Diệm, sau đó trở thành tổng thống VNCH. Lúc này ông quyết định đổi tên dinh thành Dinh Độc Lập. Đến năm 1962, dinh bị phe đối lập làm sập toàn bộ cánh trái, do không thể khôi phục nên kiến trúc tuyệt đẹp này đã bị phá bỏ để xây dinh mới như ngày nay, sau 90 năm tồn tại.

Hai tấm ảnh chụp chợ Bến Thành năm 1957 của Nguyễn Bá Mậu. Lúc này chợ đã được xây được 43 năm. Kiến trúc chợ hơn 100 năm qua hầu như không thay đổi, trở thành biểu tượng quen thuộc của Sài Gòn. Ngôi chợ được xây từ năm 1912 đến 1914 với vốn đầu tư của đại phú gia người gốc Hoa nổi tiếng là Hứa Bổn Hòa

Dãy nhà mái ngói bên trái của hình hiện nay vẫn còn sau hơn 100 năm. Đó là dãy nhà cũng gia Hứa Bổn Hòa xây cùng lúc với chợ Bến Thành để kinh doanh.

Nhà thờ Tân Định chụp năm 1957 tại đường Hai Bà Trưng. Nhà thờ này được xây trước Nhà thờ Đức Bà chỉ một vài năm, có quy mô lớn nhất thời điểm đó. Nhà thờ Tân Định đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau, nhưng không hề xóa đi nét kiến trúc ban đầu đã tồn tại gần 150 năm.

Một góc ảnh quen thuộc của Sài Gòn, đó là đường Tự Do, khách sạn Continental và phía trước nhà Quốc Hội. Trong ảnh này có thể thấy xe con nối đuôi nhau đi trên đường Tự Do.

Góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện năm 1957. Khối nhà trong ảnh là Phòng trà Tour d’Ivoire, sau này đổi tên Việt thành Tháp Ngà.

Cảng Sài Gòn năm 1957

Bên trong Thảo Cầm Viên năm 1957. Đây là 1 trong 8 vườn bách thảo lâu đời nhất thế giới.

Đền Kỷ Niệm và Viện Bảo Tàng bên trong Thảo Cầm Viên. Hiện nay những kiến trúc này vẫn còn.

Chợ Bình Tây (Chợ Lớn) năm 1957. Khu chợ này khánh thành năm 1930 và được thương gia người Hoa là Quách Đàm bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 rồi tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ.

Đổi lại, ông chỉ xin được xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và được đặt tượng mình giữa chợ khi mất. Chợ Bình Tây được xây dựng mang phong cách kiến trúc Á Đông nhưng ứng dụng những kỹ thuật hiện đại phương Tây đương thời và được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn.

Một số hỉnh ảnh khác của Sài Gòn năm 1957:

Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng tại Sài Gòn ngày 7/3/1957. Hình chụp tại góc Tự Do – Gia Long. Góc trên phải là Công viên Chi Lăng.

Không ảnh chụp khu vực Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Trung Tâm năm 1957. Có thể thấy khuc vực này được quy hoạch rất đẹp.

Một góc khu vực chợ Bến Thành năm 1957

Xích lô máy trên đại lộ Thống Nhứt. Phía bên kia là đường Pasteur

Xích lô chờ khách ở góc đường Tự Do – Nguyễn Văn Thinh (nay là Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi)

Đông Kha (chuyenxua.net)

Viết một bình luận