Lịch sử rạp Quốc Thanh – “thánh địa” của sân khấu cải lương thời vàng son

Trước năm 1975, sân khấu cải lương rất sôi động. Cho dù nó bắt đầu bị tân nhạc lấn át kể từ những năm cuối thập niên 1960, nhưng các nghệ sĩ cổ nhạc vẫn có nhiều đất diễn, được nhiều người ái mộ, sân khấu luôn sáng đèn, và có 3 rạp hát được người mê cải lương lui tới nhiều nhất là rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Hưng Đạo, và rạp Quốc Thanh, là những nơi từng được xem là “thánh địa” của cải lương Việt Nam xưa.

Rạp Quốc Thanh ra đời giữa thập niên 1960, trễ hơn khá lâu so với với hai rạp hát cải lương bề thế và Nguyễn Văn Hảo và Hưng Đạo, chủ rạp là vợ chồng ông bà Tôn Ngọc Chắc và Tiêu Thị Mai, cũng là ông bà chủ của đoàn cải lương Thái Dương.

Để không bị thua kém các rạp lớn khác, ông bà đã bỏ 200 triệu đồng để xây dựng một rạp hát rất hiện đại và chuyên dành cho cải lương với những tiện nghi bậc nhất thời đó, sức chứa lên tới hàng ngàn chỗ người. Rạp nằm ở xóm Mả Lạng trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi), khi xưa là đường mang tên Saigon-Cholon, nối liền trung tâm Sài Gòn đô hội và khu Chợ Lớn tấp nập.

Bà Tiêu Thị Mai người Tây Ninh nhưng gốc ở Bạc Liêu, sinh trưởng trong một gia đình điền chủ. Khi lớn lên, vừa học hết bậc trung học thì bà lên xe hoa về với người chồng đầu tiên là ông Gaillard, một người Việt có quốc tịch Pháp, chung sống 13 năm sinh được 4 người con, ba trai một gái. Nhưng rồi ông chồng sớm qua đời, trong cảnh nửa chừng xuân bà chắp nối tơ duyên với ông Tôn Ngọc Chắc, lúc đó là chánh sở thông hành của Tổng Nha Cảnh Sát. Cũng như bà Mai, ông Chắc cũng một lần dang dở.

Ngoài rạp Quốc Thanh, ông bà Chắc – Mai còn có tài sản khổng lồ với 2 tòa building, mỗi cái trên 100 phòng cho Mỹ thuê ở, và một biệt thự ở đường Lê Quý Ðôn, 13 căn phố lầu ở đầu đường Trần Hưng Ðạo – Đề Thám và vườn cao su rất lớn ở Tây Ninh. Tài chính vững mạnh giúp công bà đủ sức nuôi nềm đam mê cải lương với các đoàn cải lương Thái Dương và rạp Quốc Thanh.

Nửa cuối thập thập niên 1960, rạp Quốc Thanh còn là nơi diễn ra những cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh, thay thế cho hí viện Thống Nhứt (rạp Norodom) thời thập niên 1950. Nhiều ca sĩ tân nhạc đã xuất thân từ rạp Quốc Thanh từ đó. Ngoài ra rạp Quốc Thanh còn là nơi quay số của xổ số kiến thiết quốc gia.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, sinh hoạt nghệ thuật cải lương bị gián đoạn do lệnh giới nghiêm. Nhiều gánh hát đại ban, trung ban lần lượt tan rã vì tình hình chiến sự leo thang. Ngoài ra thời điểm này người Sài Gòn rất mê phim võ hiệp Hongkong và phim tình cảm Đài Loan, lúc đó được nhập về chiếu rạp rất nhiều, khiến cho những rạp hát cải lương dần dần biến thành rạp ciné cùng những ưu đãi đặc biệt.

Với tấm lòng tha thiết với cải lương, ông bà chủ rạp Quốc Thanh đã từ chối những lời gọi mời từ các nhà nhập phim vì muốn giữ lại một mảnh đất dụng võ cho cải lương giữa thời thoái trào. Bên cạnh gánh Dạ Lý Hương treo bảng hát thường trực, ông bà Chắc – Mai cũng lập thêm hai gánh hát Thái Dương 1 và 2 để tiếp sức cho cải lương cũng như trang trải ít nhiều cuộc sống cho nhiều nghệ sĩ cải lương.

Những năm đầu của thập niên 70, đoàn Thái Dương có 2 đôi nghệ sĩ chánh rất nổi tiếng là Dũng Thanh Lâm, Mỹ Châu và Thành Ðược, Phượng Liên. Ðoàn đã trình diễn các vở tuồng được công chúng yêu thích: Thảm kịch đêm thứ bảy, Ðời cô Lẻ, Bông ô-môi, Sau bức màn nhung, Ông huyện đề… Soạn giả Hoa Phượng và Viễn Châu được xem là những soạn giả chủ lực của đoàn.

Cách làm nghệ thuật của những bộ óc kinh tế như bầu Long của tập đoàn Kim Chung, bầu Xuân của đại bang Dạ Lý Hương, bầu Thơ của đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã làm mới cải lương ở miền Nam theo xu hướng phát triển của xã hội, đạt tới đỉnh hoàng kim. Bà Tiêu Thị Mai được kỳ vọng là một bà bầu sẽ tiếp bước thành công của bầu Long, bầu Xuân và bầu Thơ. Nhưng một sự việc bàng hoàng đã xảy ra chưa đầy 2 năm sau đó. Đầu thập niên 1970, cải lương mới hồi sinh lại được chút ít, thì những thảm họa liên tục ập tới.

Sự việc khủng bố ở phòng trà Tự Do năm 1971 làm cho nhiều nghệ sĩ e ngại không dám tới diễn ở sân khấu nữa. Nhưng nghiêm trọng hơn là sự việc xảy ra vào tháng 9 năm 1971 đã làm ảnh hưởng đến toàn ngành cải lương, mọi người trong giới đã sửng sốt trước sự ra đi đột ngột của bà Tiêu Thị Mai dưới tay một toán cướp. Bà Mai không còn, cũng có nghĩa là đoàn hát Thái Dương có nguy cơ rã gánh.

Dù vậy, với sự tâm huyết của ông Chắc, đoàn Thái Dương 3 những tên tuổi lớn như Thành Ðược, Thanh Hải, Kim Ngọc, Văn Chung… vẫn hoạt động cầm chừng, còn rạp hát thì vẫn hoạt động cho đến tận những năm đầu thập niên 1990, mặc cho bao đổi thay của thời cuộc.

Tháng 4 năm 1972, trên Nhật báo Hòa Bình có đăng bài tựa đề: Số phận rạp Quốc Thanh sẽ ra sao, chi tiết như sau:

Saigon bây giờ chỉ còn có mỗi một rạp hát cho cải lương ngoài rạp Olympic mà Kim Chung đóng đô thường trực, đó là hí viện Quốc Thanh.

Chủ nhân của rạp Quốc Thanh là ông Tôn Ngọc Chắc. Ông Chắc cũng là chủ nhân của các đoàn hát Thái Dương.

Hiện nay các đoàn hát lớn như Dạ Lý Hương, Thái Dương về Saigon chỉ có mỗi một nơi dừng chân là rạp Quốc Thanh.

Ngày ta còn nhớ, khi bà bầu Mai còn sanh tiền, có lúc rạp Quốc Thanh được cho thuê để chiếu phim biến thành rạp chiếu bóng. Rồi một thời gian sau, ciné dẹp, trả Quốc Thanh cho cải lương.

Mấy ngày gần đây lại có tin đồn một công ty phim ảnh của Huê Kiều Cholon đã đánh tiếng thuê rạp Quốc Thanh để làm rạp chiếu bóng với một số tiền giao kèo khá cao, mấy mươi triệu.

Giới cải lương đâm ra lo ngại! Saigon chỉ còn có một hí viện Quốc Thanh cho cải lương. Nếu mất rạp Quốc Thanh thì cải lương hết nơi trú ngụ ở thủ đô rồi! Thật là bi đát vậy.

Tuy nhiên nghệ sĩ và các giới yêu nghệ thuật cải lương còn hy vọng ở ông Tô Ngọc Chắc bao giờ dứt tình với cải lương được. Ông Chắc rất yêu mến cải lương, xa đoàn hát thì ông nhớ, vắng ánh đèn sân khấu thì ông nghe buồn, ông sẽ duy trì rạp Quốc Thanh cho cải lương có nơi trình diễn, và nghệ sĩ có dịp dừng chân thăm thủ đô Saigon.

Tháng 12 năm 1972, cặp sóng thần của cải lương là Hùng Cường – Bạch Tuyết lập ban riêng và khai trương tại rạp Quốc Thanh, công diễn vở tuồng đầu tiên mang tên Trăng Thề Vườn Thúy do soạn giả Quy Sắc phóng tác từ tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Ðây là một gánh hát tầm cỡ đại ban vì đã quy tụ được một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, tiếng tăm thời bấy giờ như Bạch Tuyết, Hùng Cường, Phượng Liên, Hoàng Long, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Kim Ngọc, Phương Thanh, Ðỗ Quyên, Hoàng Giang, Kim Giác, Văn Ngà, Tư Rọm…

Cũng trong thời gian này, rạp Quốc Thanh chính là nơi “đóng đô” của ông bầu Duy Ngọc, một bầu show danh tiếng từ những năm thập niên 1960 cho tới tận những năm 2000:

 

Sau năm 1975, cải lương một lần nữa lâm vào những khó khăn vì sự thay đổi lớn của thời cuộc, nhưng được sống lại phần nào từ cuối thập niên 1980, và vẫn làm cho người miền Nam say mê cho tới tận những năm cuối của thế kỷ 20. Khi bước qua thế kỷ 21, sự xuất hiện của nhiều hình thức giải trí mới mẻ và hấp dẫn đã làm cho sân khấu cải lương không còn được ưa chuộng như trước. Rạp hát ngày xưa bị biến dạng, một nhà hàng tiệc cưới đã mọc lên trên nền đất cũ rạp Quốc Thanh, bên dưới hầm là rạp cine Galaxy Nguyễn Trãi nổi tiếng một thời. Bao nhiêu hoài vọng của ông bà chủ rạp hết lòng với cải lương đã theo những biến thiên của thời cuộc mà tan tành theo mây khói.

Ngày nay, vị trí rạp Quốc Thanh trở thành rạp chiếu phim Cinestar Quốc Thanh ở địa chỉ 271 Nguyễn Trãi.

Viết một bình luận